'Mật mã Tây Tạng' bị in lậu chỉ sau 2 ngày

10:50:00 16/11/2012

Trong khi đơn vị giữ bản quyền mất hơn nửa năm để hoàn tất quá trình dịch, xin giấy phép, biên tập, in ấn thì những kẻ in lậu chỉ mất vài ngày để tung ra tập cuối 'Mật mã Tây Tạng'.

Ngày 16/11, Công ty cổ phần văn hóa truyền thông Nhã Nam thông báo về việc tập cuối series ăn khách "Mật mã Tây Tạng" của Hà Mã đã bị in lậu với số lượng lớn trong khoảng thời gian kỷ lục. Chính thức phát hành toàn quốc ngày 10/11, đến trưa 12/11, sách giả của "Mật mã Tây Tạng" tập 10 đã xuất hiện tràn lan tại Hà Nội.

Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Nhã Nam - đơn vị giữ bản quyền cuốn sách - cho biết, đây là "kỷ lục" in lậu nhanh nhất từ trước tới nay. Thông thường, thời gian một cuốn sách thuộc dạng best-seller bị in lậu sau khi phát hành rộng rãi trên thị trường là một tuần. Theo ông Giang, đó là một kỷ lục đáng buồn khi mà quá trình dịch, xin giấy phép, biên tập, in ấn của tập sách này kéo dài hơn nửa năm còn bản in lậu ra đời trong vòng có 2 ngày.

"Mật mã Tây Tạng 10" chia làm 2 tập. Bìa sách giả (bên trái) dễ bị cong, giấy mỏng, không có tay gấp, in sai màu. Sách thật (bên phải) bìa cứng cáp, phẳng, có tay gấp. Đặc biệt, ở bản lậu, tập 10.2 chữ "Mật mã Tây Tạng" in màu đỏ, còn chữ "Mật mã Tây Tạng" sách thật in màu trắng. Ảnh: Nhã Nam.

Nhã Nam cũng khuyến cáo độc giả phân biệt giữa bản in giả và in thật để có được sự công bằng tối thiểu của một người mua sách. Bởi thực tế, sách giả được in trên giấy chất lượng kém, dễ nhàu nát và không có tay gấp trong khi giá bìa (100.000 đồng) cao hơn sách thật (90.000 đồng).

Theo Nhã Nam, đây không phải là lần đầu tiên sách của họ bị làm giả trên thị thường. Các cuốn khác như "1Q84" (Haruki Murakami), "Một thế giới khác" hay chính 9 tập trước của bộ truyện "Mật mã Tây Tạng" đều chung số phận.

Dịch giả Lục Hương - người chuyển ngữ "Mật mã Tây Tạng" đồng thời là dịch giả của "1Q84" - chia sẻ: “Có lần một độc giả từ Bắc Ninh sang, cầm theo 7 tập để tôi ký tặng, hóa ra cả 7 tập đều là sách giả. Anh nói ở quê anh chỉ toàn sách này thôi. Hy vọng các cơ quan chức năng hỗ trợ cho các đơn vị làm sách trong việc kiểm soát sách giả”.

Sách lậu đội giá cao hơn hẳn sách thật. Sách giả ghi giá bìa 100.000, trong khi sách thật chỉ có 90.000. Điều hài hước là trong khi để làm giống hệt sách thật, cuốn sách in lậu cũng có slogan của Nhã Nam: "Mua bán sách giả là giết chết sách thật".

Sách in lậu vẫn là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua khiến các đơn vị làm sách thật và cơ quan chức năng đau đầu. Sáng 13/11, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội mở cuộc hội thảo “Chống in lậu và sách giả” nhằm đưa ra những biện pháp ngăn chặn, giảm bớt thực trạng nhức nhối hiện nay.

Song Ngư


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1