Văn học về đồng tính từ “tự phát” đến “tự giác”

05:57:00 06/11/2013

Xuân Diệu đã làm thơ về “tình trai” từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng phải sang thế kỷ 21, văn học Việt Nam mới mạnh dạn và tự giác hơn với đề tài tình yêu đồng giới, với các sáng tác tiêu biểu của Bùi Anh Tấn.

Ý “từ tự phát đến tự giác” là nhận định của nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn, cho thấy văn học về đề tài đồng tính ở Việt Nam đã tiến bộ về cách sáng tác, tiếp cận đề tài qua hơn nửa thế kỷ.

Từ “viết về mình” đến “viết về người khác”

“Tự phát” là nghĩ và cảm sao thì viết như vậy, còn “tự giác” là đã được trang bị thêm về lý thuyết, kiến thức, sử dụng yếu tố đồng tính như một thủ pháp nghệ thuật để nói lên những ý nghĩa khác.

Thời trước, Xuân Diệu – nhà thơ đồng tính nổi tiếng của Việt Nam – làm thơ (các bài Tình trai, Biển…) là để nói về chính mình và những mối tình của mình. Còn hiện nay, các nhà văn sử dụng đồng tính như một yếu tố để phục vụ mục đích văn chương. Văn Bùi Anh Tấn lồng tình yêu đồng giới vào nhiều bối cảnh khác nhau (thời hiện đại, thời phong kiến) để tăng kịch tính và khai thác nội tâm nhân vật. Còn với Nguyễn Đình Tú là lý giải sự cô đơn, mất mát của thế hệ.

Bí mật hậu cung của Bùi Anh Tấn và Nháp của Nguyễn Đình Tú – những tiểu thuyết có đề cập đến tình yêu đồng giới.

Hiện nay, nhà văn viết về đề tài đồng tính không nhất thiết phải là người đồng tính, đó là thay đổi cho thấy đồng tính đã trở thành một đề tài văn chương phổ biến chứ không quá riêng biệt nữa.

Nhà văn Bùi Anh Tấn được công nhận là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết và viết chuyên về đề tài đồng tính (4 tiểu thuyết gây chú ý), nhưng anh không thể có mặt tại cuộc hội thảo Văn học – nghệ thuật về LGBT (viết tắt tiếng Anh của cụm từ cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới) vừa diễn ra ngày 14/8 tại Hà Nội. Ngoài Một thế giới không có đàn bà đã được chuyển thể thành phim truyền hình, gần đây Bùi Anh Tấn có tiểu thuyết lịch sử Bí mật hậu cung khá gây tranh cãi vì kể về mối tình giữa Ngô Thuấn (sau này là Lý Thường Kiệt) và Thái tử Nhật Tông.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú có 2 cuốn đề cập đến tình yêu đồng tính là Nháp và Kín trong số 6 tiểu thuyết anh từng viết. Anh coi đồng tính chỉ là một trong những đề tài của cách viết tiểu thuyết “đa đề tài” mà anh đang theo đuổi.

Nguyễn Đình Tú nói chia sẻ: “Chính vì đa đề tài nên nhân vật trong tiểu thuyết của tôi cũng đa dạng về chất, và trong đó có nhân vật đồng tính, vậy thôi”.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Khi những “nàng men”, “chàng bóng” lệch lạc trên phim

So với văn học, nhiếp ảnh (có bộ ảnh Yêu là yêu của Maika gây tiếng vang), sân khấu (đại diện là kịch hình thể của đạo diễn Như Lai), thì riêng điện ảnh bị hội thảo đánh giá là lĩnh vực nghệ thuật còn có nhiều tác phẩm phản ánh lệch lạc về người đồng tính. Nội dung những bộ phim như Cảm hứng hoàn hảo hay Nàng “men” chàng “bóng” cũng được kể sơ qua để làm dẫn chứng.

Nhưng theo nhà văn Nguyễn Đình Tú thì: “Thế giới đồng tính rất phức tạp, một tác phẩm văn học nghệ thuật không thể nào bao quát hết được mà chỉ đề cập một mảng, miếng nào đó thôi. Khi đánh giá cách phản ánh của một bộ phim, một tiểu thuyết cũng nên xét trong mảng, miếng đó thôi, đừng đòi hỏi nó phải phản ánh toàn bộ thế giới đó.

Chẳng hạn, trong phim Gái nhảy, nhân vật má mì của Minh Nhí có bề ngoài nữ tính, điệu bộ õng ẹo, điều đó cũng đúng trong thực tế đấy chứ, dù không phải người đồng tính nào cũng vậy.

Thực ra, thứ tôi yêu cầu cao là bản lĩnh và sự công tâm của công chúng khi xem, đọc tác phẩm. Một nghệ sĩ đưa ra sản phẩm theo cách nhìn của họ, dựa trên vốn sống của họ, đó chỉ là một góc nhỏ, nếu công chúng nghĩ phải có những góc nhìn khác nữa thì họ nên mong đợi ở tác phẩm khác”.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng cho rằng, các tác phẩm tự truyện của người đồng tính sẽ có sức ảnh hưởng ngắn ngủi, nếu so với tác phẩm văn học hư cấu có dụng ý nghệ thuật. Bởi, trong tương lai không xa, xã hội sẽ cởi mở hơn với người đồng tính và những câu chuyện trong các tự truyện đó sẽ không còn quá lạ lẫm và độc đáo.

Các tác phẩm văn học hiện nay về cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) ở Việt Nam:Bùi Anh Tấn với 4 tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà, Les – vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C. Kinsey, Bí mật hậu cung và 2 tập truyện ngắn Cô đơn, Bướm đêm. Nguyễn Đình Tú với 2 tiểu thuyết Nháp và Kín.

Ngoài ra có: Song song (Vũ Đình Giang), Những đống lửa trên vịnh Tây Tử (Trang Hạ), Lạc giới (Thủy Anna), Đời callboy (Nguyễn Ngọc Thạch)…

2 tác phẩm phi hư cấu tiêu biểu: Không lạc loài – tự truyện Thành Trung (Lê Anh Hoài ghi), Bóng – tự truyện của một người đồng tính (Hoàng Nguyên, Đoan Trang ghi).

“Trước năm 2006, tôi là người kỳ thị đồng tính. Nhắc lại điều này, tôi chân thành xin lỗi cộng đồng LGBT. Sau đó, nhờ theo học một khóa học của tổ chức PETA mà tôi hiểu thêm về họ. Trong khóa học đó, thậm chí tôi, với ngoại hình râu tóc như thế này, đã thử mặc áo lót phụ nữ để hiểu cảm giác của một người nam muốn là phụ nữ.

Trước năm 2006 có rất ít tác phẩm sân khấu về người đồng tính, tại sao vậy? Vì chính nghệ sĩ chúng tôi cũng sợ bị tẩy chay. Qua các vở diễn của tôi, hình tượng người đồng tính hiện lên khác hẳn với hình ảnh bi kịch, đau khổ trước đó. Tôi không xây dựng một nhân vật đồng tính, tôi xây dựng một con người có tình yêu và cuộc sống như những con người khác. Nhiều sinh viên khi xem đã thán phục, họ hỏi “Sao các nhân vật có thể đẹp thế? Từ trước đến nay tôi tưởng họ là những kẻ quái gở, kinh khủng”. Rất nhiều người khóc, nhiều người ân hận vì cũng như tôi, họ đã kỳ thị một cách thiếu hiểu biết” – phát biểu của nghệ sĩ Như Lai.

Một số vở kịch của đạo diễn Bùi Như Lai về đề tài LGBT: Stereo Man, Hành trình đi tìm cảm xúc, Được là chính mình.

Theo Thể thao & Văn hóa


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1