“Tôi không nhận mình là chuyên gia văn học Nhật Bản...”

14:01:00 17/07/2012

(Nguoiduatin.vn) - Đó nhận xét của nhà văn Nhật Chiêu khi độc giả, báo chí vẫn gọi ông là chuyên gia nghiên cứu, dịch thuật về văn học Nhật Bản, nhất là thể thơ Haiku.

Gọi ông là chuyên gia văn học Nhật Bản không sai. Nhưng ít người biết rằng, ngoài văn học Nhật, ông còn nghiên cứu, dịch thuật nhiều tác phẩm của các nền văn học độc đáo khác trên thế giới.

Nhà văn Nhật Chiêu (bên trái ngoài cùng) tại Đại hội nhà văn TP.HCM năm 2012

Các tác giả lớn (tứ K) của văn học thế giới như; Kafka, Kundera, Kawabata hay Cao Hành Kiện đều có ảnh hưởng rất lớn đến Nhật Chiêu. Tuy nhiên, theo ông, nhà văn, nhà nghiên cứu viết trước hết là từ ý thức của chính bản thân, chứ không tuân theo một khuôn mẫu nào. Bất kỳ ai đã từng đọc tác phẩm của ông đều nhận thấy sự đa dạng đến kỳ lạ. Từ thơ Haiku, thơ Tagore, thơ Rubai, đến thơ Thiền Việt Nam, từ những tác giả kinh điển của phương Đông cũng như của Âu Tây.

Nhật Chiêu không chỉ là một dịch giả mà còn là tác giả Việt gần gũi và “hiểu văn học Nhật đến kỳ lạ”. Dịch giả Nhật Kato (người dịch “Thời xa vắng” sang tiếng Nhật) xuýt xoa như thế sau bài phát biểu của dịch giả Nhật Chiêu tại hội thảo Thế giới của Haruki Murakami và Banana Yoshimoto diễn ra tại Hà Nội vài năm về trước. Dịch giả Kato không ngờ một người Việt lại tri âm, tri kỷ với văn học Nhật đến thế.

Quả thật, với Nhật Chiêu, văn học Nhật đã ngấm vào máu. Nhà văn Trang Thế Hy thích đọc Nhật Chiêu viết về Kafka, nhà thơ Chế Lan Viên lại thích đọc Nhật Chiêu viết về thơ Haiku… Cứ như thế ông đi lại trong văn chương thế giới một cách vừa tri âm, vừa lãng tử. Với Nhật Chiêu, một tác phẩm văn học không những đặt trong bối cảnh, không gian cụ thể mà còn phải đặt nó trong bối cảnh, và không gian của văn chương thế giới.

Một tác phẩm lớn ngoài mang tư tưởng dân tộc phải có ý nghĩa nhân văn của cả loài người tiến bộ. Đặt tác phẩm trong mối tương quan với những tác phẩm khác thì mới có thể đánh giá chính xác, khách quan được. Nếu coi một tác phẩm văn học là hay nhất mà không có sự tương quan giữa các tác phẩm khác thì “vô hình trung” đã xem nó là một tác phẩm độc nhất vô nhị. Điều này chứng tỏ sự hạn chế của người đọc và rất dễ gây ra sự nhầm lẫn. Chính vì vậy, người đọc cần phải tìm hiểu nhiều về văn học thế giới để dung hòa giá trị các tác phẩm.

Nhà văn Nhật Chiêu cho rằng, cảm nhận một tác phẩm văn học cũng giống như thưởng thức cái vị của trà vậy. Nếu ta cứ uống một loại trà Thái Nguyên mà khen nó là ngon nhất thì chưa thật chuẩn xác, trong khi ta chưa thưởng thức trà Trung Hoa hay trà đạo của Nhật Bản.

Chính vì lẽ đó, ông thích làm quen với những nền văn học xa lạ trên thế giới, để không có thái độ tự tôn trong văn học (“vì ngoài trời còn có trời…”), để hòa hợp văn chương của những xứ sở khác nhau ấy thành văn chương thế giới. Và cũng là để người người biết đến nền văn hóa và nền văn học của từng dân tộc. Khi hiểu nhau rồi, con người sẽ bao dung hơn, thân thiện hơn. Để làm được điều này, theo ông nhất thiết phải cần phải có nhiều thời gian. Và chính ông đã dành toàn bộ thời gian cho văn chương ngay từ thủa khai môn.

“Nhật Chiêu là người tình của mọi thể tài văn chương, mọi tinh hoa văn học. Ông đi lại vô ngại trong cảnh giới của cái đẹp mà ông tận hiến cho nó tâm hồn mình, một tâm hồn luôn luôn mở rộng và ung dung. Ông có biết bao thế hệ sinh viên mê say uống từng lời, mặc cho cái nóng hầm hập của Sài Gòn trong những ngày hè oi ả...”, nhà báo Kinh Khê nhận định

Đ.V – T.N


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1