Ổ thiên đườngMã sản phẩm: http://dinhtibooks.com.vn/index.php?c=pge_bookdeta Tác giả: : Nguyễn Hữu Hồng Minh Nhà xuất bản: : NXB Văn Học Năm xuất bản: : 2011 Khổ giấy: : 13x20.5 cm Có 157 lượt xem, từ ngày 22/01/2014
Bình chọn:
Đọc Nguyễn Hữu Hồng Minh, từ tập truyện ngắn Tháo đáy cho đến những bài thơ xuất hiện chính thống cũng như không chính thống, tôi đều liên tưởng đến cụm từ “vượt cạn”. “Vượt cạn” theo nghĩa dành cho người phụ nữ vật vã trên giường sinh. Hơn mười năm qua, những con chữ của anh viết ra đều run rẩy, đau đớn và u buồn. Có thể, có những sáng tạo của anh làm nhiều người khó chịu - và tôi cũng đã từng khó chịu, nhưng đó là lý trí, còn cảm xúc thì ngược lại. Có lẽ điều ấy tạo ra những luồng dư luận trái chiều về những “đứa con tinh thần” của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Sự liên tưởng “vượt cạn” xuất hiện rõ nét trong tôi khi đọc tập truyện ngắn mới nhất Ổ thiên đường của anh. Sự vật vã đớn đau trong từng con chữ của Nguyễn Hữu Hồng Minh - tôi cảm nhận - lại một cảm nhận trái chiều với lí trí. Nguyễn Hữu Hồng Minh là một người luôn khao khát sáng tạo và sẵn sàng quên đi những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của anh. Sẵn sàng lang bạt kỳ hồ để đạt cho được tham vọng “những con chữ của mình trĩu nặng như một gánh thóc đầy”. Dường như anh đã làm được điều ấy trong Ổ thiên đường, những phận người “mênh mang vô định” xuất hiện trong tác phẩm nhìn xoáy vào tâm hồn tác giả, chuyển tải sự “run rẩy” của họ đến với anh và độc giả của anh. NGUYỄN MỘT, Nhà văn
Nguyễn Hữu Hồng Minh đã nói với tiếng của mình về những cảnh đời của kẻ khác và đưa vào đó những nhận xét độc đáo: “thiến chữ như hoạn lợn” hoặc “lòng hẹp như một vỉa hè bị hàng quán chiếm dụng”... Ở dạng truyện cực ngắn, anh lại thật sự bén nhọn khi viết về những điều vô cùng thân thiết với nghiệp dĩ của mình: những trói buộc, những giằng xé, những hoang mang, những thất vọng, những phẫn nộ về một môi trường sáng tạo mà ở đó khả năng vong thân của người viết là một đe dọa thường trực. Bằng cách gióng lên lời cảnh báo cho chính mình và cho những người trong cùng tình huống, Nguyễn Hữu Hồng Minh nhất định không để ngòi bút của anh trôi dạt vào dòng kinh đen sa đọa của thời đại. Và đây là điều đáng mừng... PHÙNG NGUYỄN, Nhà văn
Xuất phát điểm của Nguyễn Hữu Hồng Minh là thơ - Chất trụ, Vỉa từ - nhưng khi sự đời đã trải, con người sáng tạo dồn tích vốn sống và độ chiêm nghiệm thì thơ không còn đủ dung tải, cho nên phải tìm đến truyện. Ở truyện của Nguyễn Hữu Hồng Minh ta sẽ thấy được cái giác độ va đập kinh hoàng của cuộc sống trần thế, chất men sáng tạo và cái vô hình dẫn dắt. Từ thơ qua truyện là cái quy luật sáng tạo sống còn ở Nguyễn Hữu Hồng Minh. Vào khoảng năm 2002, Nguyễn Hữu Hồng Minh lang bạt miền Tây và đây là miền đất vô tình mở tung cái điểm chốt trong sáng tác của Minh. Miền Tây, nhất là miệt Cà Mau hút xa ám chướng, là cơ duyên tựu thành truyện ngắn của Minh (Mưa châu thổ, Những quả trứng trong mơ...). Nó khai mở miền thẳm sâu vô thức của kẻ sáng tạo. Một cơ duyên định mệnh khó lý giải. Mặc dù Minh viết về cái gì đi nữa, cái ám ảnh tăm tối này vẫn khôn nguôi trong nội thức (Ngày lạ, Tàu qua núi, Ổ thiên đường...). Đó là cái giá phải trả của một kẻ lang bạt kỳ hồ. Với Nguyễn Hữu Hồng Minh, thơ và truyện hòa quyện với nhau. Nó là một về chất thể nhưng nó là hai trong cách biểu hiện thể loại. Chính nhờ làm thơ mà văn phong Minh đạt đến tuyệt đối tính khi viết truyện, khi khắc họa số phận nhân vật, khi mô tả sự vật sự việc, khi dẫn dắt lôi kéo... Đặc biệt Minh có cách nhìn nhận vấn đề trong sự bức thúc kinh hoàng thảm hoại. Có lẽ điều đó đã làm nên phong cách sáng tạo độc đáo của Nguyễn Hữu Hồng Minh. VƯƠNG HUY, Nhà thơ
Đã lâu lắm rồi tôi mới đọc văn xuôi của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Sau nhiều năm lang bạt cả trong đời và trong thơ, dạo gần đây, Minh có vẻ đã tạm dừng chân. Có lẽ vì thế, những trăn trở của một người vốn đã thuộc về thơ - và chỉ thỉnh thoảng “tạt” qua văn xuôi - cũng đã khác với những trăn trở của ngày lang bạt. Dĩ nhiên, dấu vết của những ngày tháng còn chưa xa đó vẫn lưu lại qua hình ảnh, qua câu chữ và “một mớ” nỗi niềm... Nếu cứ đăng báo hoặc đặt cạnh những truyện ngắn mà bên cánh văn xuôi có kẻ vẫn “xay” ra ầm ầm thì những gì Nguyễn Hữu Hồng Minh viết trong tập này chẳng dở, cũng chẳng hề kém cạnh. Và nếu như Nguyễn Hữu Hồng Minh lại khoác cho đám văn xuôi trong sách này một cái tên tác giả (nữ càng tốt) thì có khi thiên hạ cũng khối chuyện để bàn. Nhưng những cái “nếu như” đó chỉ đơn thuần là một thứ “giả thiết tạm”. Vì vậy, tôi đã phải dẹp bỏ những ám ảnh này nọ về các góc thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh để mà đọc Ổ thiên đường. Truyện của Minh không phải là một bản diễn xuôi của cốt truyện, mà đầy - thậm chí cả tràn cảm xúc - đúng theo lối của một người làm thơ! Chỉ có điều, đọc văn xuôi của Minh cũng mệt như đọc thơ của Minh vậy. Ngôn ngữ nặng nề; và không khí nặng nề. Và, để đề phòng trường hợp có ai đọc những dòng này rồi mới đọc truyện - nghĩa là đọc sách theo kiểu từ dưới lên, thì tôi xin nói ngay: dù vậy, đây không phải là thứ văn chương bất cần hoặc xúi người ta bất cần, buông xuôi. Chỉ có điều, tôi không thích cách mà Minh văng bậy hoặc mô tả sự bẩn thỉu. Chẳng cần thiết phải như vậy thì văn của Minh cũng đã nặng nề lắm rồi. Kể ra, nếu bỏ qua đi đôi đoạn văng bậy hoặc mô tả sự bẩn thỉu một cách hơi “tự nhiên” thì văn của Minh đọc được. Thân phận con người, tâm trạng, suy nghĩ... đều có vẻ thật, có chất, chứ không phải là một thứ được người viết “chế” ra, cường điệu lên. Vậy, nếu cứ theo những điều trên, thì nên chăng Nguyễn Hữu Hồng Minh bỏ quách thơ đi mà rảo bước với văn xuôi? Không! Thật ra, chính xác là CHƯA nên. Vì nếu đã vất vả, mỏi mệt, nặng nề... để mà đọc hết tập sách, có thể nói một điều như thế này: Nguyễn Hữu Hồng Minh đúng là một người của thơ! Sau thời gian cho thơ, cho báo, cho đời sống, cho mưu sinh... Minh chỉ còn lại một chút cho văn xuôi. Và, những truyện ngắn của Minh thường chưa đẩy được đến tận cùng của cảm xúc dù tác giả đã bắt được cái vụt đến. Biết làm sao được, văn xuôi chỉ là những khoảnh khắc “tạt ngang” của gã làm thơ có tên là Nguyễn Hữu Hồng Minh. Thôi thì, cứ đành phó mặc cho thơ lôi kéo, dụ dỗ, và “sở hữu” tâm trí của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Nhưng, tôi thì vẫn mong, đến một ngày Nguyễn Hữu Hồng Minh lạc bước vào hẳn chốn văn xuôi. Ai mà biết được, gã - làm - thơ đó vẫn còn cả một con đường dài trước mặt cơ mà... LƯU SƠN MINH, Nhà văn
Ổ THIÊN ĐƯỜNG Mọi con đường đều dẫn về nhà của mình. Không biết ai đã nói câu đó mà Phong thấy thật có lý. Đó là chốn bình yên. Nơi mình được là mình nhất. Cho dù chật hẹp thì nó vẫn là một ổ thiên đường. * Vậy mà phải mất hai mươi năm lang bạt ở Sài Gòn Phong mới tạo dựng được cái ổ thiên đường đó. Gọi là ổ vì nó hơi khiêm tốn, căn hộ ba mươi mét vuông trên tầng bốn của cư xá lao động bình dân. Nó ở xa thành phố tới mức mỗi ngày đi làm đủ cho Phong cảm giác rã rời. Ngày đầu tiên anh chở Uyên về, họ gặp cơn mưa lớn. Cơn mưa chào đón người mới đến tàn bạo đến mức anh ngỡ thiên nhiên đang phẫn nộ, bừng bừng tạo tác lại mọi cảnh giới theo ý nó. Từng dòng nước xé phăng, trút xuống giữa trời như thác đổ. Những cái bong bóng to như nắp xoong, vặn xoáy bập bùng, sôi réo ùng ục trước khi bị nuốt chửng vào họng cống. Đoàn người nhích tới từng bước. Đo đếm con đường dài. Nhiều kẻ lo âu ngửa mặt nhìn trời. Nước từ từ ngập lên dưới chân. Phong không nghĩ mưa lớn và nước có thể dâng lên nhiều đến mức ấy! Gần như hệ thống cống rãnh tê liệt hoàn toàn. Đoạn đường gần ray xe lửa, dưới bảng hiệu “Coi chừng tàu hỏa” trũng xuống, nước từ các nơi đổ về lênh láng cuộn xiết như một dòng sông. Muốn đi tiếp phải băng ngang nên hầu hết các xe rơi tõm xuống đó gầm rú, giãy giụa, vượt thoát. Có chiếc may mắn thoát được. Nẹt pô chạy cố mạng, tháo thân. Nhưng phần lớn nối đuôi lũ lượt tắt máy. Nước cứ tiếp tục dâng lên. Xâm xấp mắt cá chân. Liếm lai quần. Và ngập quá ống pô. Những cái áo tơi sấp ngửa bay lồng lộng trên đường. Đường về nhà sao quá xa! Phong chờn chợn nghĩ cái ổ hạnh phúc của anh khuất mờ sau màn mưa giá lạnh kia. Những ngày đã qua là ở trọ ư? Vậy hôm nay là gì? Ổ trọ. Hay hình tượng diêm dúa, ổ thiên đường. Thì cũng lang thang loanh quanh một kiếp mượn thôi mà. Phong như bỏ quên Uyên. Anh đắm chìm vào dòng suy tư khi cả hai tấp vào trú dưới mái hiên. Thời gian thực ra là gì nhỉ? Rất khó định nghĩa cụ thể. Mới đó đã năm năm sau đám cưới. Phong đi hết thời trai trẻ và đã có một cậu con bốn tuổi. Rồi thuê mướn, vạ vật hết hang cùng ngõ hẻm. Một Sài Gòn của những cửa hiệu u tối. Của kiếp trọ. Những cực nhọc đó là thực hay ảo ảnh? Thuê trọ không chỉ khốn đốn bởi tiền bạc đóng hằng tháng réo đuổi mau chóng dập dồn như trống trận mà còn ngàn lẻ một lý do khác. Khi rối tung như mê lộ, lúc trùm úm sấp ngửa giống lật bàn tay. Hãy hình dung thế này, vui chủ nhà cho ở, buồn kiếm cớ đuổi đi. Như cái chặng cuối cùng đẩy Phong đến quyết định phải làm cú liều mạng vay tiền mua nhà là bởi không dưng trong vòng tám tháng vợ chồng anh buộc phải chuyển đổi chỗ ở đến bốn lần. Lần nào cũng vào thế chẳng đặng đừng, bất đắc dĩ. Để lại sự ngơ ngác trong mắt con trẻ. Thằng bé vừa chuyển tới chỗ mới, chưa kịp làm quen với bạn bè đã phải chuyển đi. Lần thứ nhất căn hộ mướn trên tầng ba của một chung cư cũ kỹ, hai vợ chồng bàn nhau sửa sang lại. Uyên buôn bán áo quần nhì nhằng qua mạng. Công việc buôn bán đang khá khẩm thì đột nhiên chủ nhà “nhảy” hợp đồng, lấy lại nhà. Thế là hai vợ chồng méo mặt bấm bụng dọn đi. Lần thứ hai mới ở được một tháng, thì chủ nhà vớ được một khách sộp muốn mua nhà nên vội vàng bán luôn vì trước đó treo biển rao quảng cáo hằng năm chẳng ma nào ngó tới. Lần thứ ba chủ hộ cho thuê để rồi đi mướn lại chỗ khác tiện nghi, gần trung tâm hơn. Nhưng nửa chừng không ký tiếp được hợp đồng buộc phải lấy lại để ở. Và lần thứ tư thì lý do có vẻ lạ. Phong là nhà báo. Một hôm anh và nhóm cộng sự vô tình viết vào một lĩnh vực chống tiêu cực. Loạt bài vừa đăng thì lập tức anh có chuyện. Có một quyền lực vô hình nào đó trên anh xoắn xuýt như một cái lưới. Bằng những mối quan hệ, đối thủ này triệt phá, cản trở anh, không lối thoát. Khi bị lấy lại nhà, anh ngớ người chẳng hiểu sao! Tay chủ nhà mặt cứ thơn thớt, cười nói, hai tay vung vít. Miệng xoen xoét xin lỗi: “Thật phiền quá! Tình huống bất ngờ. Mong ông anh thông cảm!”. Sau này khi tình cờ gặp lại nhau, y mới cho Phong biết rằng y bị ép lấy lại nhà để cho Phong văng ra đường, đi đâu thì đi, lao đao cùng quẫn. Cảnh tỉnh anh đừng có xớ rớ vào những đề tài nhạy cảm. Đúng là lúc đó Phong căng muốn nổ óc. Vợ dại, con thơ. Đồ đạc ngùn ngụt chất đống. Oải nhất là sách. Có cả ngàn cuốn. Mỗi lần di chuyển mọi thứ tung tóe như giáp lá cà trong một trận tử chiến. Nhìn mà cám cảnh. Đó chưa kể lại phải làm một loạt việc khác như ra phường đăng ký lại tạm trú, thông báo bạn bè thay đổi địa chỉ, số điện thoại bàn, liên hệ với các đối tác để tiếp tục nhận bưu phẩm, thông tin từ nhà bán bảo hiểm, ngân hàng cho vay trả góp. Rồi đến chỗ mới đâu phải ngã ra mà ngủ được. Phải thuê bao lại điện thoại, internet, truyền hình cáp... những phương tiện gắn chặt, liên quan đến công việc và đời sống hằng ngày của Phong. Rồi dọn dẹp, chùi rửa, sắp đặt bàn thờ, cúng kiếng... đôi khi cả tuần cũng chưa xong. Cứ tái diễn đi lại cảnh này không biết còn xô dạt tới bao giờ nữa. Bởi trong hợp đồng soạn cho thuê nhà, sau khi kỳ nheo đủ thứ như tiền đặt cọc, thời gian niên hạn được ở, tiền trả vào ngày đầu hay cuối tháng... thì bao giờ chủ nhà cũng thòng thêm một câu đắc địa chết người: “Trong trường hợp khẩn thiết cần phải lấy lại thì chủ hộ sẽ báo trước một tháng” (!?). Và sự thật thì có trường hợp nào lấy lại nhà mà không phải đặt vào tình thế “khẩn thiết”? Tất cả các điều khoản tưởng như rành mạch, tươm tất, khó bắt bẻ, không bên nào chơi khó bên nào được đến khi va vào “trường hợp khẩn thiết” này mọi thứ đã đổ nhào! * Hôm về nhà mới, trong lúc Uyên làm cơm chiều, tự dưng hưng phấn, Phong hỏi: “Có bao giờ em thử tính từ khi vào Sài Gòn đến giờ mình đã sống qua bao nhiêu nhà trọ không?”. Uyên nghĩ ngợi một lúc. Hình như nàng đang nhẩm đếm. Rồi nàng nói nhẹ ơ: “Chừng hơn chục cái gì đó! Mà em thấy việc đó cũng bình thường mà! Sài Gòn là đô thị lớn, nơi người từ bao nhiêu nẻo tụ về! Rồi ai cũng phải lo cuộc đời của mình!”. Đúng là bình thường thật. Vì vợ chồng anh cũng phải sống qua đó thôi. Mọi thứ cần phải tự cân bằng để đi tiếp. Nếu cứ thường xuyên thất bại, triền miên buồn bã thì đố ai chịu nổi. Đôi khi cần trấn an bằng sự bông đùa và tập lãng quên trong những giấc ngủ. Hai vợ chồng lại quay qua dọn dẹp, lục tục trong căn hộ mới. Một ổ hạnh phúc mà từ nay thực sự là của họ. Tha hồ trang hoàng bày biện. Không còn sợ ai gõ cửa, thương lượng đòi nhà ban sớm hay nửa đêm nữa. Tự nhiên nước mắt Phong chảy ra. Anh vụng về nhấp nhoen con mắt chùi vội vào tay áo không để Uyên biết. Và kỳ quặc. Liên tục những ngày sau đó Phong mất ngủ. Tối qua, Phong chợp mắt được một lúc. Anh mơ và la hét loạn xạ. Uyên sợ quá phải lay gọi mãi Phong mới tỉnh. “Anh làm gì ú ớ khiếp thế?” Uyên lấy khăn chườm nước lạnh lau mặt cho chồng, lo lắng. Mồ hôi còn dâm dấp trên mặt Phong. “Anh mơ giấc mơ lạ quá, thấy mình cứ loanh quanh hết đường tắt ngõ hẹp mà không tìm thấy lối ra. Rồi toàn thân tự dưng biến thành nhựa dẻo. Ấn vào chỗ nào lún lụt chỗ ấy. Nhưng chỉ cần buông tay một phát, chỗ lún lại phồng lên...” “Người nhựa.” Uyên nhoẻn cười: “Chắc anh nhớ mấy vụ căng thẳng vì dọn nhà chứ gì? Em thấy anh lúc đó như đơ ra. Bảo gì làm nấy. Gần như không còn suy nghĩ gì được cả...”. Phong nằm lơ mơ trong chăn ấm. Nếu Uyên đã sống qua chừng chục cái nhà trọ thì anh phải đến bao nhiêu nhỉ? Rồi Phong bỗng ngủ thiếp đi... * Phong thấy mình không đủ tiền thuê một chỗ tiện nghi hay lớn hơn mười sáu mét vuông. Anh đã bỏ cái hầm rượu ra đi. Đó là căn nhà trũng, thấp hơn mặt đường, anh ở chung với bạn bè. Gọi là hầm rượu vì cái phòng trọ ngột ngạt, không gian ẩm thấp, lạnh lẽo mà chủ nhà còn bán một quán cơm bình dân. Không hiểu sao ông có một hầm rượu quốc doanh quá đát lạc tem cả chục năm. Đó là những chai vodka, nếp mới, hồng đào... sản xuất từ những thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước. Trong một lần cao hứng khi nhậu, ông kể, khi từ miền Tây lên Sài Gòn thuê lại căn nhà này để bán cơm ông đã “tiếp quản” hầm rượu từ một tay buôn tạp hóa. Những chai rượu như tặng không vì hết hạn sử dụng chẳng ai dám uống nữa. Đó là giai đoạn sản xuất bao cấp, gọi là rượu nhưng là nước đường, men hóa học đóng chai thì đúng hơn. Tay chủ nhà đùa, nếu muốn tẩy rửa hay lộn trái bao tử thì cứ dùng! Cho không đấy! Nhưng rồi thành thật. Một lần cả bọn vã quá, không có tiền để kéo nhau ra quán cóc nên mò một chai uống thử. Nó có phong vị đặc trưng. Một dòng nước đo đỏ như sắt gỉ, bốc một mùi thơm như quế lâu năm. Uống thử một chút nhạt thếch đầu lưỡi. Sau đó hơi cay cay. Uống nhiều vẫn còn khả năng nóng người, mê mẩn các xúc giác. Nói chung là dễ chịu cho một bọn đói tiền đang muốn tìm hơi men. Thế là tưng bừng tụ họp nhậu nhẹt. Những chai rượu cứ đập bôm bốp nát đầu vào tường. Mấy lần có đứa còn bị đứt cả ngón tay vì mảnh chai sắc lẻm cứa vào. Cái hầm rượu quá đát cứ thế vơi dần. Nhiều ngày không có hạt cơm nào trong bụng, bọn Phong vẫn say lê lết. Có đứa vật vã nôn mửa. Không thằng nào chịu nghĩ tất cả đều sẽ bị đau bao tử khi uống mãi thứ rượu cồn công nghiệp đó. Mồ hôi, mùi người, mùi thực phẩm cặn bã của quán lâu ngày quyện lại thành một thứ mùi khăm khẳm ngây ngấy. Chua lè và buồn nôn. Và một câu chuyện quái dị xuất hiện. Những con chuột cống đêm khuya theo thói quen, đánh hơi từ dưới rãnh nước mò lên. Bóng đêm là thế giới của chúng. Bầy chuột lết thết hoang đàng, hung dữ. Bốn cái chân chĩa ra những móng cứng như sắt, khi di chuyển, kéo vẹt cả mặt bê tông. Cứ thế, chúng vững chãi kéo lê chiếc đuôi dài, lừ đừ dấn tới. Hình như chúng không còn sợ ai. Đôi mắt như hốc tối, phả ra cái nhìn lành lạnh, rờn rợn như sẵn sàng lao vào xé toạc bất cứ đối thủ nào nếu cản trở bước tiến của chúng. Trong cái biển đen nhức ấy, điểm thêm mùi lông hăng, như chấm một vệt đỏ loang mãi bơ vơ trong đêm tối. Bầy chuột vục đầu vào những chai rượu cặn nếm náp say sưa đến hạt cuối cùng. Có con lướt khướt lăn kềnh ra chổng bốn vó lên trời. Thở khì khịt như đàn lợn. Phong hé mắt nhìn. Trước những con vật khổng lồ ấy, Phong thấy mình quá nhỏ bé. Anh cảm giác bất lực, không thể chống lại. Đàn chuột lổm ngổm, mặc nhiên bò qua người anh. Để lại phía sau một mùi hôi thối tanh tưởi, nồng nặc... * Cả linh hồn và thể xác Phong đều đầy những vết thương vuốt sắt. Anh muốn tìm một không gian dễ thở hơn. Cần có thời gian để làm lành sự mưng mủ. Anh thấy vây bủa quanh mình ngột ngạt cơn điên. Anh cần ở một mình. Và quyết định rời hầm rượu. Nhưng thời điểm này anh hết tiền, trong túi không còn một đồng. Đành phải gọi điện mượn người bạn. Anh cũng phải nhờ đến một công ty giới thiệu môi giới nhà cửa để tìm một chỗ ở mới. Như yêu cầu của anh, một nơi rẻ nhất thành phố. Chọn lựa của Phong có được lúc này là một chỗ ngủ đêm an toàn, tránh mưa gió rồi sẽ tính tiếp. Tay dắt mối bảo anh đóng tiền khi mở gói dịch vụ. Y sẽ đại diện công ty dẫn anh đi xem các nhà trọ, cho đến khi anh thuê được mới thôi. Bây giờ thì tên cò phóng xe chạy trước. Phong bám càng theo. Cả hai đang lượn lách ngoằn ngoèo trong một xóm lao động nằm phía sau ga xe lửa. Đã nhiều lần Phong đi qua nơi này nhưng chưa hình dung được những con hẻm ngoắt ngoéo, lắt léo chạy dài phơi phóng ô hợp một đời sống lao động bình dân. Hai bên con kênh Nhiêu Lộc cằn khô, ngút mùi cống rãnh. Những người đàn bà phờ phạc, hết nhan sắc, mặt mày cau có dữ dằn như những con cá kiếm lúc nào cũng ở tư thế săn mồi. Còn những gã đàn ông cởi trần, ngực lép, phô những dẻ xương sườn cứu Chúa, tay chân toàn hình xăm. Họ tụ tập trước cửa, săm soi những kẻ tình cờ đi lạc vào xách mé như nhìn những tờ bạc lẻ. Đó là thế giới riêng mà cuộc đời thuê trọ của anh đã đụng độ không ít. Anh thấy đám văn nghệ ở một khía cạnh nào đó có nét gần với bọn du đãng. Nhà thơ và tướng cướp. Đó là phiêu lưu bay lượn trong mê lộ của mình. Hôm nay tẹt ga sống đến tận cùng cảm giác. Không lối thoát. Ngày mai có thể chết vì không còn cái gì ăn. Đi mãi rồi cũng đến. Cuối cùng, tên cò đưa Phong băng qua cây cầu nhỏ, có mấy miếng ván mục ruỗng do thời gian và mọt mối rệu xuống. Bên dưới lờ đờ dòng nước chảy đen kịt. Bên kia cầu là một căn nhà gỗ tuềnh toàng. Một người đàn bà có khuôn mặt choắt, ranh ma như một con cú đánh hơi thấy mồi thơm: “Cậu thuê nhà hả? Vào xem đi! Mà không phải lúc nào cũng có để thuê đâu nha! May cho cậu đó! Có người mới trả chỗ hôm qua! Chỉ năm mươi ngàn đồng một tháng thôi!”. Nói đúng, giá này gần như không phải thuê nhà mà chỉ như cho thuê chỗ trọ tá túc qua đêm. Một cái ổ chật hẹp để có thể nằm ngủ, không bị ai quấy rầy. Từ đó, có thể đến thiên đường hay bắt đầu cho những cuộc phiêu du hoang lộng. Mọi người thuê chỗ ở đây đều là dân lao động. Đi làm suốt ngày. Tối về vật ra ngủ. Tất cả đều sinh hoạt chung, toilet, phòng tắm và sàn gỗ. Chỉ có một thứ riêng, hồn ai nấy giữ. “Giá thuê ở đây rẻ nhất thành phố. Cậu tin tôi đi, không thể tìm được một chỗ nào rẻ hơn đâu!” Con cú nói, môi dẩu ra như cái ống. Phong biết chắc đây không phải chủ nhà mà mình đang đụng thêm một mụ bẻ cò[1]. “Ban ngày đâu ai ở nhà làm gì! Chỉ tối về cần một chỗ để ngủ thôi!” Phong quan sát tấm sàn mà mình sẽ được ngả lưng khi bắt đầu là một thành viên mới. Nó khoảng ba mươi mét vuông. Được đóng bằng thứ gỗ tạp, rẻ tiền. Theo thời gian, với nhiều tấm lưng và nhiều vệt mồ hôi, sàn gỗ đã nâu bóng lên. Nhiều cái nẹp đóng chèn bị mối mọt ăn, đã gãy. Những nhát búa gia cố, đóng vội vàng. Nếu nằm một phía thì ổn nhưng khi xoay mình sẽ nghe kêu những tiếng ọp ẹp. Căn nhà ở cuối hẻm cụt. Tối tăm khủng khiếp. Chỉ có khoảng trời nhỏ nhô ra trước mái hiên lỗ chỗ vết tôn thủng có cây trứng cá là tương đối dễ chịu. Phong đã quyết định ở lại đó. Anh cần phải cố gắng tìm việc làm thật nhanh để thoát khỏi cảnh này. Nhưng bây giờ thì chưa. Trên cái sàn gác mười bảy người nằm ngổn ngang như những dấu trừ. Phong cũng không biết cụ thể ai là ai. Ban ngày tất cả tản đi khắp thành phố tất bật với công việc mưu sinh. Hình như ai cũng là lao động tay chân cực nhọc với đồng lương ít ỏi, mỏi mòn. Bởi nếu kiếm được khá khẩm thì họ sẽ ra đi để tìm một chỗ nương náu tốt hơn. Đó cũng là cách chọn lựa của rất nhiều người trước đây. Như Phong, với tấm bằng vừa tốt nghiệp, anh bươn bả nộp hồ sơ xin việc ở các công ty đang tuyển dụng. Anh biết mình không thể sống mãi với một kiếp xô dạt như thế. Nhưng vận may vẫn chưa đến với anh. Rời khỏi cái ổ trọ từ sáng sớm, đến tối mịt Phong mới trở về. Căn nhà đón anh với niềm vui sống và nỗi hy vọng ngày mai. Có nhiều đêm đang ngủ, Phong bật dậy. Xung quanh anh khung cảnh lờ nhờ, lặng im như một mặt biển. Phong nhìn quanh quất. Không nhận ra ai vào ai. Và dường như từ ngày đến đây anh cũng chưa làm quen hết. Mỗi mặt người thanh thản lặng sóng. Nhưng nỗi lo âu hình như vẫn lảng vảng đâu đây. Trong những hơi thở rách, yếu ớt hay tiếng phì phò khó nhọc như kéo bễ. Dưới ánh đèn vàng vọt, tất cả hiện lên nhạt mờ như những con cá ướp muối. Đó là không khí biển những ngày mùa đông. Giấc ngủ lạnh không tìm ra bờ. Những con cá nằm im hơi bên nhau. Sợ hãi. Đuối sức và vô vọng. Mỗi ngày qua lại đối mặt với bao gian khó mà đôi khi vượt qua rách toạc cả mang. Máu rướm trong bọt phổi li ti. Phong nằm bẹp, gí sát vào một góc. Mồ hồi tứa ra rít rẩm. Ngủ bên cạnh anh là một người đàn ông mù, bại liệt h 2015 ai chân. Ông vẫn được một người đàn bà chăm sóc. Họ có phải là hai vợ chồng không thì Phong chưa rõ. Chỉ biết mỗi đêm về ông lầm bầm, miệng nồng nặc hơi rượu. Người đàn bà mập ú, gương mặt đăm chiêu như một câu kinh chưa tan, chùi rửa ông như tắm táp một đứa bé. Vừa bò lên sạp là ông đã lăn đùng ra ngủ. Trong mơ, ông ú ớ nhiều nhất. Có thể ông mơ thấy quê nhà nghèo khó với những đứa trẻ lam lũ hiền lành như đất. Ông ra đi cũng là để tìm cách nuôi bầy trẻ đó. Chỉ có rượu mới giúp ông kéo gần lại viễn cảnh sum họp đầm ấm. Rượu xoa dịu, an ủi ông. Để rồi một ngày mới thắp, bà béo lại lên gác ẵm ông xuống xe lăn. Đẩy qua các con phố mời chào vé số. Bán từng tờ hy vọng... Đêm tối đã thuộc về thế giới khác. Cùng những viên thuốc ngủ, Phong thường cất cánh bay thoát khỏi hiện thực buồn tẻ, tăm tối và nghèo nàn. Anh thấy mình ít ra vẫn còn có một ý nghĩa, giá trị hơn. Không bị những con chuột điên cắn vào chân hay những con gián mù bay loạn xạ đâm vào mặt. Chỉ còn hơi thở rấm rít của những con cá muối cần lao. Rồi Phong thấy mình đi theo chiếc xe lăn của ông mù bại liệt để lạc vào con hẻm đầy ma cô mặt mày hung dữ. Sự lam lũ làm tất cả vêu vao, sinh tử, khẳng khiu. Vây quanh Phong còn đám gái non nhưng đã hết đát như đàn bướm xuân tàn tạ nhan sắc. Chẳng khác gì hơi rượu cặn quá niên hạn sử dụng ủ bệnh bao tử. Tất cả như vừa thức dậy sau một đêm dài với những ước mơ khát khao trong xanh. Những cánh bướm sà vào gánh hủ tiếu lốc cốc. Những cô khác gọt giũa móng chân, cãi nhau chí chóe. Thấy anh cả đàn bướm vụt bay lên rập rờn hương sắc, kêu gọi... * Phong tỉnh giấc. Thì ra tất cả những gì anh vừa thấy đều diễn ra trong giấc mơ. Bên cạnh, Uyên vẫn ngủ say. Trên môi nàng như đang nở một nụ cười đầy mãn nguyện và hạnh phúc. Căn phòng mới hoàn toàn yên tĩnh. Ánh đèn dịu vặn nhỏ trên bàn khiến Phong càng nghi hoặc không rõ là mấy giờ? Cho đến khi Phong nhìn thấy tấm ảnh cưới của hai vợ chồng vừa treo lúc chiều mới tin anh đang ở trong căn nhà mới của mình. Một cái ổ hạnh phúc đầy mật ngọt từ giấc mơ thiên đường. Vậy là anh đã thoát khỏi kiếp trọ? Có chắc chắn vậy không? Điều lạ là mãi Phong vẫn chưa quen được với cảm giác tinh khiết đó. Bao giờ anh cũng ở trong cảm giác thảng thốt là sắp hết tháng. Mình như con thằn lằn xéo giữa vòng vây nợ. Những gương mặt bí hiểm, đầy chiêu chước của những bà chủ cho thuê nhà hôm nào. Định đoạt cho những cuộc ra đi bầu đoàn thê tử giữa Sài Gòn hoa lệ và nước mắt. Anh bỗng nhớ mùi mồ hôi mặn của những con cá muối. Từ biển khơi nó bị dạt lên bờ, búng bẩy, vô vọng. Con cá rách mang bị câu thúc hay lèn chặt trong những cái ổ khít khắm. Những sàn gỗ bóng nhoáng mồ hôi. Nó chỉ còn biết tin vào đường bơi và hơi thở của chính mình. Hơi thở của một ngày mới. Bởi không có niềm tin bao kẻ vẫn còn lạc chốn và mất dấu trên thiên đường... Sài Gòn, 1.2011 SP liên quan |
DANH MỤC TOP BÁN CHẠY
TIN TỨC
Dữ liệu đang cập nhật...
Ý KIẾN BẠN ĐỌC Chưa có phản hồi
THÀNH VIÊN YÊU THÍCH THỐNG KÊ
Bản đồ |
Hiệu sách Online
Bản quyền thuộc Công ty Cổ phần truyền thông Văn Hóa Việt - 173 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Giấy phép đăng ký Kinh doanh số 0102732228 cấp ngày 24/04/2008 tại Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố Hà Nội.
Người đại diện: Ông Đỗ Việt Trung
Điện thoại:
Email: info@hieusach.vn