- Bạn có thể giúp con được tới khi nào?
- Chỉ khi bồi dưỡng khả năng chịu áp lực cho trẻ, tăng cường khả năng “đề kháng” của chúng thì bạn mới giúp con mình có thể tự lập trong xã hội đầy cạnh tranh này.
- Đừng để con bạn trở thành “trẻ dâu tây” không có khả năng chịu đựng áp lực.
- Trẻ con là tài sản của cả gia đình, là bố mẹ, ai cũng muốn bảo vệ con mình, tránh khỏi những tổn thương.
LỜI NHẮN
Một buổi chiều mùa hè, tôi phải đến dự buổi tiệc sinh nhật của một người bạn, mẹ tôi khi đó đang nằm trên giường bệnh, nói với tôi: “Trời tối rồi, không an toàn, đừng đi nữa con”. Khi đó tôi cũng không biết mình giận dữ chuyện gì mà hét lên với mẹ: “Chẳng lẽ con lớn thế này rồi mà chút quyền tự do cũng không có sao?”. Sắc mặt mẹ tối đi, rồi lặng lẽ không nói gì nữa. Trong lòng tôi bỗng chốc trùng xuống, nhưng tôi vẫn mặc kệ mẹ rồi đi.
8 năm đã trôi qua, mỗi khi trong đầu tôi nhớ lại cảnh tượng này là lại cảm thấy tim đau nhói. Trong “Hán thi ngoại truyện” có viết: “Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn báo hiếu mà cha mẹ không còn”. Tới nay vẫn còn thấy ân hận, muốn được nói lời hối lỗi với mẹ mà không còn cơ hội. Mẹ, mẹ ở trên trời linh thiêng có thể tha thứ cho sự vô lễ năm xưa của đứa con gái này không?
Hôm nay, tôi đã là mẹ của một cô con gái 3 tuổi, tôi mới hiểu trọng lượng của từ “mẹ”.
Khi con gái tôi không cẩn thận ngã từ trên giường xuống, cái âm thanh “phịch” nặng nề ấy dường như làm tan vỡ cả trái tim tôi; khi con gái tôi bị sốt cao, tôi thức cả đêm canh chừng bên chiếc giường nhỏ của nó; khi con gái tôi hôn lên má tôi, tôi vui sướng nói: “Cục cưng, mẹ yêu con lắm!”. Con gái tôi cũng có lúc rất nghịch ngợm, cũng có lúc khiến tôi bực mình, tôi từng nổi cáu, từng đánh nó, sau đó lại hối hận, tự trách mình.
Trong công viên một ngày chủ nhật, người mẹ đưa con đi chơi và gặp một người quen, sẽ thường giới thiệu cho người kia rằng: “Đây là con gái tôi”. “Con gái tôi” là một sự thực khiến người mẹ thấy tự hào rằng mình đã có con và được nuôi dưỡng con. Sự sinh sôi phát triển của loài người chẳng phải là nhờ người mẹ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để vất vả sinh nở và nuôi dưỡng con cái sao? Sự thực “con gái tôi” sẽ giúp người mẹ thấy tự hào và hãnh diện: bởi vì đứa con đó là của mình, bởi vậy muốn dạy thế nào thì dạy. Cái logic gần như hoang đường này đã khiến nhiều đứa trẻ phải chịu nỗi đau roi vọt, khiến chúng bị tổn thương về tinh thần.
Mẹ cho con sinh mệnh, một sinh mệnh mới ngày ngày trưởng thành dưới sự bảo vệ của tình yêu mẫu tử, cuối cùng rồi sẽ có một ngày nó tự quyết định cuộc đời mình. Hai sinh mệnh độc lập có giá trị tồn tại, nghĩa vụ quyền lực và nhân cách khác nhau, không ai có thể thay thế. Sự khác biệt chỉ là do ai tới thế giới này trước mà thôi, dựa vào cái gì mà người tới sau phải chịu đựng roi vọt và ở vào thế yếu? Sự xuất hiện của đứa trẻ chính là kết quả tình yêu của bố mẹ. Như thế, trẻ lẽ ra phải là một món quà quý giá của bố mẹ mới đúng.
Trẻ rời xa khỏi lòng mẹ, trong mạch máu nó chảy dòng máu của mẹ, duyên phận này đã xây dựng cơ sở vật chất cho mối quan hệ tình cảm giữa mẹ và con. Nhưng để duy trì, phát triển, sâu sắc hóa và thăng hoa tình cảm huyết thống này, lại cần người mẹ phải có đủ các tố chất cần thiết.
Nếu so sánh trẻ với một con diều, thì người mẹ chính là người thả diều. Trên bầu trời trong xanh, con diều xinh đẹp bay lượn trong gió, thật tự do tự tại, nó sẽ tận hưởng được hết ánh nắng mặt trời và cơn gió hiền hòa của mùa xuân. Nhưng cho dù nó bao cao tới đâu, xa tới đâu cũng vẫn có một sợi dây giữ chặt nó, để nó cảm nhận được hơi ấm, cảm nhận được tầm quan trọng của điểm tựa. Những đứa trẻ đã trưởng thành dần dần muốn giương cao đôi cánh. Lúc này, sợi dây níu giữ mối quan hệ giữa trẻ và mẹ chẳng phải chính là tình cảm mà đôi bên dành cho nhau sao? Sợi dây tình cảm này, một đầu là mẹ, một đầu là trẻ. Con diều bay cao cần có sự quan tâm của người thả diều, đứa trẻ đã trưởng thành cần có sự bảo vệ tận tâm của mẹ.
Tình mẫu tử là một tình yêu bản năng, mạnh mẽ, trong sáng, vô tư, khi trẻ còn ở trong bụng người mẹ đã bắt đầu có tình yêu này. Nhưng đối với mỗi người mẹ, làm thế nào để bày tỏ tình yêu này với con, làm thế nào để trao đổi tình yêu với con, làm thế nào để con mình biết yêu thương thì lại là một môn nghệ thuật mà cần mẹ phải đón nhận sự “giáo dục” thì mới có được các kiến thức và kỹ năng cơ bản.
Tôi là con gái của mẹ, và cũng là mẹ của con gái, hai vai trò mà tôi phải diễn có thể sẽ giúp tôi triển khai chủ đề này. Có lẽ rất nhiều người cũng giống như tôi, cũng cùng lúc đóng hai vai như vậy? Vậy thì việc trao đổi giữa chúng ta sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Thế kỷ XXI đã tới, một vấn đề mới lại xuất hiện trong đầu tôi: Chúng ta nên làm thế nào để trở thành một người mẹ có đủ tố chất tình cảm cũng như khả năng giáo dục tình cảm?
Chúng ta hãy cùng đọc nội dung cuốn sách để biết thêm điều đó.