- Quyết tâm của mẹ = kỳ vọng của mẹ.
- Giúp trẻ bồi dưỡng niềm tin trở thành quán quân.
- Giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của “gia đình”.
- Giúp trẻ nhận thức đúng đắn về bản thân.
- Giao lưu giữa cha mẹ và con cái là khởi đầu của sự trưởng thành.
Lời tựa
“Chị Lưu, bây giờ chị không đi làm à?”
“Ôi trời, con trai tôi mới 3 tuổi, đợi nó đi mẫu giáo rồi tính sau vậy!”.
“Chị Ly ơi, hóa ra chị là cao thủ chơi bóng chuyền đấy! Sao bây giờ chỉ ở nhà, không ra ngoài chơi mấy ván?”
“Không được! Làm sao tôi có thể bỏ con ở nhà để đi chơi được”.
Chúng ta thường nghe thấy những lời đối thoại này giống như cơm bữa vậy. Chắc chắn tất cả các bà mẹ đều như vậy, từ sau khi có con, họ dành hết thời gian và tâm trí của mình cho con cái, dường như đã quên đi sự tồn tại của bản thân, một lòng kỳ vọng bồi dưỡng con trở thành một người ưu tú, xuất sắc.
Đối với một viên ngọc thiên nhiên chưa được mài dũa, người thợ giỏi có thể làm tăng giá trị của nó, nhưng người thợ tồi sẽ làm nó mai một, không có giá trị. Mỗi đứa trẻ đều là một viên ngọc ẩn giấu tài năng vô hạn, sự hướng dẫn và bồi dưỡng đúng đắn sẽ giúp chúng trở thành viên ngọc vô giá. Nhưng nếu mài dũa không cẩn thận làm hỏng nó sẽ thấy hối tiếc cả đời. Làm thế nào có thể kích thích đúng đắn và bồi dưỡng hợp lí tiềm năng của trẻ là vấn đề khó khăn đối với mỗi người mẹ.
Do chịu sự ảnh hưởng của trình độ giáo dục và điều kiện kinh tế, mỗi bà mẹ lại có phương pháp dạy con khác nhau, cho dù dùng cách nào, cũng đều xuất phát từ sự kỳ vọng của người mẹ. Sự kỳ vọng này là hi vọng con thông minh, hoạt bát, được mọi người yêu quý, hi vọng con có trí tuệ thông minh, sức khỏe, hi vọng con sống hòa thuận với bạn bè, hiếu thuận, lễ phép với người lớn tuổi. Kỳ vọng của mẹ cũng chính là nỗi khổ tâm của mẹ.
Mạnh Tử (thời Chiến quốc) lúc còn nhỏ sống ở gần nghĩa địa và thường xuyên chơi trò đám ma. Mẹ của cậu nói rằng: “Đây không phải là nơi con trai tôi nên sống”. Vì thế họ đã quyết định chuyển đến gần chợ. Ở đó, Mạnh Tử lại chơi trò mua bán của thương nhân. Mẹ cậu nói: “Đây cũng không phải là nơi con trai tôi nên sống”. Rồi bà lại dẫn cậu đến một nơi gần trường học. Cũng từ đó, cậu bắt đầu học các quy tắc, lễ nghĩa và ham đọc sách. Lúc đó, mẹ của Mạnh Tử mới gật đầu hài lòng và nói rằng “Đây chính là nơi con trai tôi nên sống”, vì thế họ đã quyết định chuyển nhà đến sống gần trường học.
Để thực hiện “kỳ vọng” của mình, nhiều năm qua, rất nhiều bà mẹ đã đi khắp nơi tìm bí quyết dạy con và đọc rất nhiều tài liệu sách báo từ cổ đến kim, cùng với các bà mẹ khác trao đổi về cách dạy dỗ con cái, coi nhẹ nhu cầu của bản thân mình. Thực ra, phương pháp chính là bản thân các bà mẹ. “Người mẹ là người thầy đầu tiên của con cái”, chẳng có ai hiểu con hơn mẹ. Tục ngữ có câu “Gieo nhân nào gặt quả ấy”, từ một đứa trẻ non nớt không hiểu sự đời đến một người trưởng thành thành công trong xã hội, ngôn ngữ hành động của mẹ có ảnh hưởng vô hình đến thói quen và sự trưởng thành của trẻ.
Vì thế, chúng ta không cần quá lo lắng đến năng lực và trí tuệ của con cái, điều các bà mẹ cần làm chính là hướng dẫn và dẫn dắt một cách đúng đắn cho trẻ. Đối với tất cả các bà mẹ có “kỳ vọng”, mặc dù lí luận giáo dục rất quan trọng, nhưng “kỳ vọng” của mẹ còn quan trọng hơn. Niềm tin, sự khổ tâm, quyết tâm, trách nhiệm và tình yêu thương của người mẹ sẽ dần dần ảnh hưởng đến trẻ. Đương nhiên, người mẹ cũng cần có một trái tim biết cảm ơn. Và hãy nhớ kỹ, không được quên trái tim và tấm lòng của mình. Cuốn sách này giúp các bà mẹ nhìn nhận đúng sự “kỳ vọng” của mình, hiểu con cái, để con cái lớn lên trong tình yêu thương, bao dung của người mẹ