“Nói đến biếm họa là nói đến “chông gai và…hoa hồng”, nghề của những anh hề dũng cảm dám đương đầu với sự ngu dốt nói chung”. Với cách nhìn nhận như thế, Lý Trực Dũng đã bỏ mặc công việc chính của mình là kiến trúc sư và xây dựng để “lao vào cuộc khảo ngược gian nan về chân dung những con người và tác phẩm đã tạo nên nền biếm họa Việt Nam” và kết quả là sự ra đời của cuốn Biếm họa Việt Nam – bức tranh khái quát và sinh động về “Làng Cười Việt Nam” trong suốt gần 90 năm qua.
Không sắp xếp theo bố cục của một công trình nghiên cứu với những đề mục, tiểu mục, Lý Trực Dũng mở từng trang lịch sử biếm họa Việt Nam theo những nhân vật cụ thể, bắt đầu từ người đầu tiên vẽ tranh biếm họa ở Việt Nam đến những nhân vật “đình đám” nhất trong làng biếm họa, danh nổi như cồn, vượt ra ngoài cả phạm vi Việt Nam… Nếu người đọc chờ đợi ở đây một văn phong cầu kỳ, trau chuốt của người nghệ sĩ quen cầm cọ hơn là bút viết thì hẳn sẽ thất vọng, bởi Biếm họa Việt Nam đậm chất trào lộng, dí dỏm, hóm hỉnh một cách giản dị và chân thật. Dưới góc nhìn của một họa sĩ, một người làm nghề đã “múa cọ” trên nhiều trang báo nổi tiếng, đã tiếp xúc với những người góp phần tạo nên “Làng Cười Việt Nam”, đã thẩm định và đánh giá rất nhiều tác phẩm trong các cuộc thi biếm họa quy mô toàn quốc, Lý Trực Dũng biết cách tiếp cận và “vẽ” lại chân dung những nhân vật theo cách riêng của mình. Đó là những đại diện cho lớp họa sĩ tài năng thế hệ trước như Nguyễn Gia Trí “bậc thầy biếm họa”, Tô Ngọc Vân – người góp phần quan trọng trong lịch sử phát triển biếm họa Việt Nam những năm 30 thế kỷ trước, Phan Kích với những bức biếm họa mang nhãn quan chính trị sâu sắc, Mai Văn Hiến “họa sĩ biếm chiến khu”, Nguyễn Bích, tác giả lớn của biếm họa thời chống Pháp….; gần đây hơn là họa sĩ nổi tiếng mà người ta biết đến bút danh nhiều hơn tên thật như họa sĩ Chóe, họa sĩ Ớt, họa sĩ Nhím..., bên cạnh đó là những gương mặt “tuổi trẻ tài cao” ghi dấu ấn đặc biệt trong làng biếm họa Việt Nam hiện đại, đặc biệt là chân dung biếm như họa sĩ Còm.Khoái, LEO, LAP… |