Tập sách gồm mười hai truyện ngắn và vừa: Nghĩ ngợi quẩn quanh, Xe camry ba chấm, Nước trong, Chuyện bếp núc, Trên đường đê, Đồ cũ, Lãng mạn nửa mùa, Một mình, Ngày còn dài, Sống chậm, Nhiệt đới gió mùa, Ráp Việt.
Dữ dội và tàn khốc, Nhiệt Đới Gió Mùa một lần nữa kéo ta về chiến tranh và thời bao cấp. Mối thù hận của hai người đàn bà quanh một người đàn ông, mối thù hận của hai anh em ruột thịt đứng hai đầu chiến tuyến. Rồi những nhập nhèm tréo ngoe mà một thời chúng ta không dám nói ra. Nhưng vẫn như những gì ta hằng thấy ở ngòi bút Lê Minh Khuê, trên cái khung nền tang thương ấy, chưa bao giờ hết ánh sáng của tình yêu thương và thứ tha. “Vậy thì cố sống để gặp lại mẹ để đi xa cùng với mẹ. Mẹ, sự dịu dàng sau chót, tình yêu còn lại qua cả chiến cuộc làm một gã giết người hi vọng còn được sống lại một cuộc đời khác.”
Vẫn trong khuôn khổ nhỏ xinh của truyện ngắn, Lê Minh Khuê đã khéo lựa chọn và đưa vào tác phẩm của mình những lát cắt sắc lẹm, tinh tế về cuộc sống hiện đại. Một cuộc sống dồn nén nhiều bức bối và nỗi đau, một cuộc sống mà công bình và an nhiên cơ hồ trở thành những ngôi sao xa xôi hơn bao giờ hết. Như khi nhân vật Hộ trong Nghĩ ngợi quẩn quanh “xoa tay lên cỏ mọc xanh ngôi mộ bé xíu của đứa em chưa ra đời được lấy khỏi bụng mẹ. Nó đã có cuộc đời riêng. Thôi dù sao em cũng may mắn khi không phải lớn lên mà nhiều dằn vặt đau khổ ở cuộc đời này.”
Tác giả muốn người đọc tác phẩm của mình thấy trong cái hiện thực trần trụi vẫn có hơi hướng của lãng mạn, vẫn tồn tại những cái như lòng nhân tính nguyên thủy nhất để con người không bị đẩy hẳn về phía bóng tối. Đề tài chiến tranh ám ảnh không xuyên suốt nhưng nó khiến những câu chuyện luôn có màu sắc của sắt máu, luôn có sự náo nhiệt của một vùng đất không bao giờ yên ổn.
Về tác giả:
Cổ điển, đằm thắm nhưng không phải vì thế mà kém phần sắc sảo, gai góc, nữ tác giả người gốc xứ Thanh sinh năm 1949 là một trong những cây bút nữ hàng đầu với sở trường truyện ngắn. Từ năm mười sáu tuổi, Lê Minh Khuê đã tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong, bám trụ trên những cung đường ác liệt. Có lẽ bởi vậy mà những tác phẩm đầu tiên của chị đã tập trung khắc họa hình ảnh người phụ nữ trong chiến tranh. Khi những năm tháng bom đạn qua đi, những hậu quả, nỗi đau của chiến tranh vẫn thường trở lại trong các trang viết của Lê Minh Khuê bên cạnh những vấn đề của xã hội đương đại.
Ngoài hai giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, năm 2008, Lê Minh Khuê là nhà văn Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng văn học quốc tế mang tên văn hào Byeong-ju Lee. Chị đã có các tập truyện ngắn xuất bản bằng tiếng Anh, Italia, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc.