Tác giả: Quốc hội
Số trang: 40 trang
Giá tiền: 8.000đ
Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là thực hiện sự nghiệp trồng người, vì lợi ích lâu dài của đất nước. Từ nhiều năm qua, trẻ em nước ta đã và đang hưởng sự chăm lo chu đáo dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được thông qua.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về thông tin pháp luật của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã thể hiện sự kế thừa và phát triển đạo Luật cùng tên năm 1991, phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế về trẻ em và hoàn cảnh kinh tế xã hội, văn hoá của Việt Nam. Nguyên tắc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là không phân biệt đối xử, dành lợi ích tốt nhất để trẻ em thực hiện quyền, bổn phận và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, bảo đảm cho trẻ em được sống trong một môi trường an toàn và lành mạnh. Luật dành một chương riêng (chương II) quy định các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em mang tính toàn diện như quyền được khai sinh và có quốc tịch, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự, quyền được chăm sóc sức khoẻ, quyền được học tập ... Luật có một chương riêng quy định trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của xã hội, gia đình, đoàn thể, các cấp chính quyền, nhằm bảo đảm cho trẻ em được hưởng 10 quyền cơ bản. Luật cũng quy định các bổn phận của trẻ em như: yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông, bà, cha, mẹ; kính trọng thầy, cô giáo, giúp đỡ người già yếu; chăm chỉ học tập; bảo vệ môi trường; khiêm tốn, trung thực, rèn luyện đạo đức; tôn trọng pháp luật... Luật đã quy định cụ thể hoá những hành vi bị nghiêm cấm, để làm căn cứ quy định các biện pháp xử lý, ví dụ hành vi cha mẹ bỏ rơi con, dụ dỗ, lôi kéo trẻ em làm việc trái đạo đức, pháp luật... Luật còn quy định về những việc trẻ em không được làm: tự ý bỏ học, bỏ nhà sống lang thang; xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; sử dụng văn hoá phẩm có nội dung xấu ... Các quy định của Luật đã thể hiện truyền thống, đạo lý của dân tộc ta dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, thể hiện sự vận dụng hợp lý nguyên tắc dành lợi ích tốt nhất cho trẻ em trong Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà nhà nước ta đã ký kết và tham gia.