Tác phẩm
Sau hơn năm năm thai nghén bản thảo, Những người nuôi giữ bồ câu là tiểu thuyết giàu tham vọng nhất và đáng kinh ngạc nhất của Alice Hoffman. Đó là cuộc trình diễn ngoạn mục của trí tưởng tượng và tài nghiên cứu của tác giả, dựng nên một câu chuyện đầy mê hoặc trên bối cảnh nước Israel cổ đại.
Năm 70, chín trăm người Do Thái trong nhiều tháng ròng đã cố thủ tại Masada, một ngọn núi thuộc sa mạc Juda, kháng cự lại chiến đoàn Roma. Theo sử gia cổ đại Josephus, hai người phụ nữ và năm đứa trẻ đã sống sót. Dựa trên sự kiện lịch sử bi tráng này, cuốn tiểu thuyết của Alice Hoffman là câu chuyện đầy ám ảnh về bốn người phụ nữ mạnh mẽ, giàu sức sống và nghị lực phi thường; mỗi người bị số phận đưa đẩy đến Masada theo những con đường khác nhau. Mẹ của Yael mất khi sinh cô; cha của Yael, một sát thủ chuyên nghiệp, không bao giờ tha thứ cho cô về cái chết đó. Revka, vợ một người thợ làm bánh trong làng, tận mắt chứng kiến quân lính Roma đã tàn bạo giết chết con gái của mình; bà dẫn hai đứa cháu trai thơ dại đến Masada, lũ trẻ đã bị câm vì những điều kinh hoàng diễn ra trước mắt. Aziza, con gái của một chiến binh, được nuôi dạy như con trai, cô trở thành một kỵ sĩ ngang tàng, một cung thủ cự phách và đem lòng yêu một đồng đội. Shirah, sinh trưởng ở Alexandria, am hiểu sâu sắc về những phép thuật và phương thuốc cổ đại, một người phụ nữ trác việt và có nội lực mạnh mẽ đến khó hiểu.
Cấu trúc của Những người nuôi giữ bồ câu gồm bốn phần chính, được kể qua giọng của bốn nhân vật nữ chính trên.
- Phần 1. Mùa hè năm 70. Con gái người sát thủ.
Câu chuyện mở đầu qua lời Yael, cô gái từ khi chào đời đã mang trong mình mặc cảm rằng mẹ đã chết vì sinh cô. Tuổi thơ thiếu thốn tình mẫu tử đè nặng lên Yael, nguồn an ủi duy nhất là một cô vú em người Alexandria. Khi Jerusalem thất thủ, Yael theo cha và một gia đình sát thủ tìm đường băng qua sa mạc để đến Masada. Nghịch cảnh đem lại cho cô cơ hội soi vào sâu nội tâm của mình. Sa mạc định mệnh đem đến cho Yael người cô yêu, tước đi những gì cô đã đánh cắp, và vĩnh viễn thay đổi cuộc đời cô.
- Phần 2. Mùa hè năm 71. Vợ người thợ làm bánh.
Revka là một phụ nữ hết mực yêu thương chồng con. Bà vốn chỉ mong được yên ổn sống cuộc đời bình dị, bên người chồng luôn khắc chữ “R” lên mỗi ổ bánh ông làm để ghi dấu tình nghĩa trọn đời với vợ. Nhưng chiến tranh loạn lạc khiến bà chỉ trong một ngày đã thành góa phụ, cửa nhà tan nát, cả gia đình phải lưu lạc. Hành trình tha hương đã cướp đi con gái của bà, những đứa cháu ngoại của Revka bất lực chứng kiến cảnh mẹ chúng bị tàn nhẫn giết hại, và con rể của bà vĩnh viễn từ bỏ niềm tin vào một đấng tối cao đã không cứu nổi vợ anh. Revka nát lòng vực lại cái gia đình kiệt quệ ấy, và ở Masada bà tìm được những người phụ nữ cũng mở lòng san sẻ gánh nặng cùng bà.
- Phần 3. Mùa xuân năm 72. Người yêu của chiến binh.
Từ khi chưa ra đời Aziza đã bị coi là đứa con của quỷ. Cô được cha dượng nuôi dạy như một chiến binh đích thực, nhưng số phận đẩy cô đến chỗ phải che đậy bản ngã, cô không thể bộc lộ con người thật của mình với chính người mình yêu. Nhưng sức mạnh nội tại tiềm tàng luôn thôi thúc, Aziza khéo léo vượt lên được những định kiến và cản trở để bảo vệ mẹ, em gái và em trai, để tìm ra được người bố đẻ của mình, để hiếu thấu tấm lòng mẹ dành cho cô, và để đi đến một kết cục cô tự lựa chọn cho mình.
- Phần 4. Mùa đông năm 73. Phù thủy xứ Moab.
Có thể coi Shirah là nhân vật có sức quyến rũ đầy ma mị trong tác phẩm. Bà ẩn hiện từ những trang đầu trong số phận Yael, và chặng đường lưu lạc đã cho họ gặp lại nhau, nhận ra nhau, nương tựa vào nhau trong khung cảnh khốc liệt của pháo đài Masada. Bị mang tiếng xấu là phù thủy, bị ruồng rẫy khi đang mang trong mình một sinh linh, Shirah kiên cường mạnh mẽ chống chọi lại tất cả và khắc khoải thủy chung chờ đợi tình yêu lớn duy nhất của đời mình. Sức mạnh phi thường của bà đã tiếp sức và che chở cho những người phụ nữ khác, Yael, Revka, Aziza, để rồi họ đều trở thành những người nuôi giữ bồ câu, đều nắm giữ những bí mật về cội nguồn và thân phận, biết yêu thương, biết hy sinh, có nghị lực và lòng dũng cảm vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để tồn tại và bảo vệ những gì mình yêu quý.
- (Kết) Alexandria năm 77.
Câu chuyện khép lại bằng lời kể của Yael như vừa đi hết một vòng luân hồi, và đề mở ra những thân phận mới, những hy vọng mới vào sức sống kỳ diệu của con người, bởi sức mạnh nhân bản ấy vượt xa khỏi ranh giới hữu hạn của kiếp người.
Tác giả
Alice Hoffman sinh năm 1952 tại New York, Mỹ; năm 1974 tốt nghiệp khóa Viết văn (Viết sáng tạo) của Đại học Stanford; hiện sống tại Boston, Mỹ.
Tiểu thuyết đầu tay của Hoffman được xuất bản khi bà còn là sinh viên trường Stanford, từ đó, bà trở thành một trong những tiểu thuyết gia Mỹ đương đại xuất sắc nhất. Bà đã xuất bản 21 tiểu thuyết, 3 tuyển tập truyện ngắn, và 8 tập truyện cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Một trong những tiểu thuyết của bà, Here on Earth (Ở đây, trên thế gian này), đã được chọn vào câu lạc bộ Sách của Oprah (tức Oprah Winfrey), và được đánh giá là đã đánh thức và làm mới một số tư tưởng chủ đề trong tác phẩm Đồi gió hú của Emily Bronte. Tiểu thuyết Practical Magic (Phù phép) đã được hãng Warner Bros chuyển thể điện ảnh, với sự tham gia diễn xuất của Sandra Bullock và Nicole Kidman. Một tiểu thuyết khác, At Risk (Vực nguy hiểm), nói về một gia đình phải chống chọi với căn bệnh AIDS, đã được chọn vào danh mục sách cần đọc của nhiều trường đại học, cao đẳng và phổ thông trên toàn nước Mỹ. Gần đây, năm 2007, tiểu thuyết dành cho lứa tuổi vị thành niên, Incantation (Thần chú), nói về những người Do Thái chạy trốn Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha, đã được Publisher Weekly (Tuần báo xuất bản) bình chọn là 1 trong những cuốn sách hay nhất của năm.
Hơn 20 tác phẩm của Hoffman đã được dịch và được hơn 100 nhà xuất bản nước ngoài phát hành. Tiểu thuyết của bà nhiều lần nằm trong danh mục những cuốn sách hay nhất của các báo, tạp chí tên tuổi như Thời báo New York, Tuần báo Entertainment, Thời báo Los Angeles, Nguyệt san Library, và Tạp chí People.
Alice Hoffman đã dành 5 năm viết Những người nuôi giữ bồ câu, tác phẩm được Toni Morrison, nữ nhà văn giành giải Nobel năm 1993, nhận xét là “một đóng góp lớn cho văn học thế kỷ XXI”. Câu chuyện về những người sống sót tại Masada được nhiều ý kiến đánh giá là một tuyệt tác của Alice Hoffman.
Ngoài viết văn, Alice Hoffman còn là nhà biên kịch. Hiện bà làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu về Phụ nữ, thuộc Đại học Brandeis.
Dịch giả
Lê Đình Chi là một trong những dịch giả tay ngang xuất sắc, đã chuyển ngữ thành công nhiều tác phẩm văn học lớn từ tiếng Anh và tiếng Pháp, như Lều đỏ (Anita Diamant), Người trộm bóng (Marc Levy), Thời khắc (Michael Cunningham), Dữ liệu tử thần (Jeffery Deave).
Với Những người nuôi giữ bồ câu, dịch giả đã một lần nữa trở lại với chủ đề những người phụ nữ Do Thái đã từng quen qua Lều đỏ. Vốn là người thích tìm hiểu về lịch sử và từng biết qua về sự kiện nổi tiếng xảy ra ở pháo đài Masada, biến cố thường được coi là chấm dứt kỷ nguyên tự chủ của người Do Thái và khởi đầu cho hai thiên niên kỷ tha phương của dân tộc này, khi được Nhà xuất bản Phụ nữ liên hệ, dịch giả đã lập tức hào hứng với chủ đề của cuốn sách.
Dịch giả Lê Đình Chi chia sẻ: “Nội dung sâu sắc, lôi cuốn của câu chuyện đã tạo cho tôi hưng phấn rất lớn để vào cuộc, nhập tâm vào dòng chảy tự sự lúc bạo liệt, lúc trầm tư của bốn người kể chuyện, du hành ngược thời gian trở về một thời đại xa xưa, lạ lẫm nhưng hiện lên thật sống động, rõ ràng qua những chi tiết được tác giả tái hiện đầy màu sắc, âm thanh và rung động. Nhờ vậy tác giả Alice Hoffman đã có thể bỏ qua cách phân chương thông thường mà chia cuốn tiểu thuyết khá dày của bà thành bốn phần liền mạch qua lời kể của bốn người phụ nữ chăm lo cho khu chuồng nhốt bồ câu của pháo đài như bốn khúc quanh hợp thành một dòng sông lớn. Vượt qua một khuôn khổ cụ thể về không gian, thời gian, Những người nuôi giữ bồ câu là khúc tráng ca về sự bất diệt của tình yêu trong con người dưới mọi cung bậc (tình yêu nam nữ, tình mẫu tử, tình yêu quê hương, tình yêu tự do) ngay cả trong những hoàn cảnh tàn khốc ảm đạm nhất”.
Hiện dịch giả Lê Đình Chi đang là giảng viên tại trường Đại học Dược Hà Nội.
Một số nhận định của giới phê bình và báo chí:
“Tuyệt đẹp và bi thương, một đóng góp lớn cho văn học thế kỷ XXI”, Toni Morrison, nhà văn được giải Nobel năm 1993
“Tôi vẫn còn chìm đắm trong Những người nuôi giữ bồ câu, bởi một lịch sử mà Alice Hoffman đã thắp lên, và thứ ngôn ngữ mà nhà văn đã dùng để thổi hồn vào những người phụ nữ ấy. Cuốn tiểu thuyết này là chứng thư cho sự cao đẹp của tâm hồn con người, và tình yêu nảy nở từ tro tàn của chiến tranh. Hơn tất cả, đây là cuốn tiểu thuyết độc giả sẽ không thể nào quên”, Jodi Picoult, nhà văn Mỹ
“Alice Hoffman đã đan dệt hư cấu và lịch sử trong Những người nuôi giữ bồ câu. […] Tài hư cấu của Hoffman vẫn luôn đáng ngưỡng mộ, còn lịch sử đã mang lại cho cuốn tiểu thuyết này một sức ám ảnh ghê gớm”, báo USA Today
“Cuốn tiểu thuyết lịch sử hạng nhất, bản anh hùng ca về chiến tranh, đam mê và bản năng sinh tồn kỳ diệu của con người, đặc biệt là người phụ nữ”, tạp chí People
“Tiếng nói mạnh mẽ về người phụ nữ trong chiến tranh”, The San Diego Union Tribune
“Khả năng sáng tạo và tưởng tượng đáng kinh ngạc…”, Observer
“Alice Hoffman soi một tấm gương vào quá khứ cổ đại khi bàn đến những chủ đề đương đại về khát vọng, sự gắn bó giữa những người phụ nữ, và những phép màu vẫn âm thầm hiện hữu trong cuộc sống từng ngày. Có thể coi Những người nuôi giữ bồ câu là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp vốn đã hiếm có của Alice Hoffman”, Wally Lamb, nhà văn Mỹ