“Tôi thuộc tạng già mới viết được”

07:00:00 06/06/2015
SKĐS - Tiểu thuyết Đơn tuyến của nhà văn Phạm Quang Đẩu vừa được trao giải A trong cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”...

Tiểu thuyết Đơn tuyến của nhà văn Phạm Quang Đẩu vừa được trao giải A trong cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” nhân Kỷ niệm 70 năm ngành Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2015) do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức. Là cộng tác viên lâu năm của báo Sức khỏe&Đời sống, ông đã dành cho tôi một cuộc gặp ngay khi tiểu thuyết vừa được Hội đồng chung khảo “phán quyết”. Với riêng tôi, đây là lần thứ hai trò chuyện với ông sau 5 năm khi ông được giải thưởng Văn học sông Mê Kông của Hội Nhà văn ba nước Đông Dương (năm 2010 với tiểu thuyết Một ngày là mười năm).

Nhà văn, nhà báo Phạm Quang Đẩu. Ảnh: Tố Lan

- Xem ra ông là người có duyên với các giải thưởng?

- Cũng ít thôi. Tính đến nay tôi chỉ có hai lần nhận giải truyện ngắn, còn tiểu thuyết cũng hai lần: giải Văn học sông Mê Kông và lần này là với tiểu thuyết Đơn tuyến.

- Người ta biết nhiều đến ông với tư cách nhà báo, mà thường hay viết về mảng khoa học kỹ thuật. Từ khi nào ông bỗng nhiên muốn viết văn?

- Tôi vốn là kỹ sư cơ khí, khi còn làm việc ở Cục Xây dựng doanh trại, Tổng cục Hậu cần, tôi đã bắt đầu viết và có truyện ngắn được đăng. Năm 1979, tôi về làm ở báo Quân đội nhân dân, chuyên viết về mảng kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật, thỉnh thoảng cũng viết văn. Năm 1982 có tập truyện ngắn đầu tay, năm 1991 ra cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Tính đến thời điểm này, tôi có 7 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 2 tập thơ. Từ khi về hưu (2007), tôi viết được 4 cuốn tiểu thuyết, trong đó có 2 tiểu thuyết được giải. Tôi thuộc tạng già mới viết được.

- Với những giải thưởng đã đạt được, giờ tôi phải gọi ông là nhà văn hay nhà báo nhỉ?

- Trong tôi, tư cách nhà báo hay nhà văn dường như lẫn trong nhau. Mảng tư duy nhanh nhạy của người làm báo trong khai thác tư liệu, sự kiện và sự âm thầm tích lũy vốn sống, những ngẫm ngợi về cuộc đời, nhân vật của nhà văn.

- Sở trường của ông là về lĩnh vực nào? Tình yêu đã có Đánh đu cùng số phận, tình báo thì vừa có Đơn tuyến?

- Theo tôi, mỗi tác phẩm - vấn đề xã hội là quan trọng nhất, trong đó có tình yêu, tình đồng cấp, đồng nghiệp... Riêng tôi quan tâm nhiều về đề tài miền núi, về đời sống người lính và những nhà khoa học công nghệ. Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi viết còn khô khan vì thiếu mảng tình yêu và những khắc họa, miêu tả nhân vật còn hời hợt. Sau này tôi thấy đề tài tình cảm, những xung đột xã hội, diễn biến tâm lý của nhân vật là thế mạnh trong tiểu thuyết. Năm cuốn sau, vẫn chú trọng đến những vấn đề ấy, song kỹ càng, gọt rũa câu chữ hơn và luôn tâm niệm: càng đẩy được sự việc đến cùng để làm nổi bật tính cách nhân vật thì tác phẩm càng có chất lượng.

- Khi viết tiểu thuyết, tác giả thường đứng ở ngôi thứ ba để dẫn dắt câu chuyện của các nhân vật. Ở Đơn tuyến, ông lại đặt mình vào vị trí của nhân vật chính, tức là ở ngôi thứ nhất, mà cuộc đời của một nhà tình báo luôn chứa nhiều sự bí ẩn, cái khó nữa là nhân vật lại không còn sống. Ông thấy mình làm vậy có liều lĩnh không?

- Mỗi khi viết một cuốn sách, việc đầu tiên tôi phải chọn cách viết. Ở Đơn tuyến, tôi để nhân vật chính, giáo sư (GS) Nguyễn Đình Ngọc xưng “tôi” như thế sẽ bộc lộ được hết suy nghĩ nội tâm và dễ liên tưởng, kết nối sự việc cho nhân vật. Một khi người viết đã hóa thân vào nhân vật thì cần có trí tưởng tượng cộng với một sự tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp và môi trường sống của nhân vật truyện mới được dẫn dắt một cách suôn sẻ.

- Nhưng đây lại là cuộc đời của một con người thực, nhiều người từng biết?

- Ở Đơn tuyến, tôi muốn dựng lại chân dung nhân vật chính với cả một giai đoạn lịch sử dài hơn 70 năm cuộc đời ông, bởi thế tít phụ của tiểu thuyết là Năm tháng, cuộc đời nhà tình báo kiêm nhà khoa học, Thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc. Phải nói đây là nhân vật hết sức bí ẩn và khó đối với các nhà văn, vì thế mà không lạ gì khi gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất mới có tác phẩm viết về ông. 5 năm trước khi ông mất, người ta mới bắt đầu biết ông là nhà tình báo, song do ông là người sống khép kín, ngay cả những người thân thiết ông cũng không kể chuyện gì về mình. Đến khi ông qua đời (tháng 4/2006), người “tiết lộ” những chiến công tình báo trong gần 10 năm của giai đoạn chống Mỹ cứu nước của GS. Nguyễn Đình Ngọc, lại chính là người chỉ huy trực tiếp hoạt động đơn tuyến trong lòng địch, là Trung tướng Nguyễn Phước Tân (tức Hai Tân), Tổng Cục phó Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Ngày đó tôi đã được đọc bài trên báo Công an nhân dân phỏng vấn Trung tướng Hai Tân về GS. Ngọc.

- Trong Đơn tuyến, có cảm giác ông gần gũi, hiểu sâu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc. Cơ duyên nào đưa ông đến với nhân vật này?

- Đúng là cái duyên. Cuộc đời hoạt động khoa học của GS. Ngọc có nhiều điều thu hút tôi. Vào năm 1998, một giáo sư y học cho tôi xem công trình nghiên cứu có tên Khoa học - công nghệ với các giá trị văn hóa. Tôi rất bất ngờ vì thấy GS. Nguyễn Đình Ngọc là người đầu tiên sử dụng công thức nổi tiếng của A. Einstein liên hệ giữa năng lượng và khối lượng trong vũ trụ để lý giải vấn đề xã hội, mà rất hợp lý, người có kiến thức phổ thông bình thường cũng có thể hiểu được. Sau đó tôi đã viết một bài ngắn đăng trên báo Quân đội nhân dân cuối tuần về vấn đề này, ông Ngọc đã mời tôi đến cơ quan chơi. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một người ít nói, ăn mặc hết sức giản dị, mùa hè vẫn đi giày cao cổ, tất tay, đội mũ mềm. Bản thân ông cũng từng bị đồng nghiệp ở Đại học Khoa học Sài Gòn trước ngày giải phóng gọi là “Giáo sư lập dị”. Ông sống một mình, vợ con bên Pháp, ngày ăn một bữa, cửa buồng khóa những 7 khóa, trong nhà chỉ toàn sách. Ông từng 10 năm tu nghiệp ở Paris, có 3 bằng kỹ sư, 2 bằng tiến sĩ, trong đó có bằng tiến sĩ cao cấp về toán. Ban đầu ông là điệp viên của Công an Liên khu 4, sau đó được cử vào miền Nam trà trộn trong dòng người di cư. Từ năm 1966, ông về nước và bắt đầu hoạt động tình báo trong vỏ bọc giáo sư toán ở Đại học Khoa học Sài Gòn, cho đến năm 1975.

- Điều gì ở nhà khoa học, kiêm tình báo Nguyễn Đình Ngọc mà ông tâm đắc?

- Khi những chiến công của ông được công bố, đã làm tôi chú ý đến nhân vật này. Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông Hai Tân có nhắc đến 4 chiến công lớn của GS. Ngọc. Đó là vào đầu năm 1970, ông Ngọc báo trước 72 giờ cho Trung ương Cục miền Nam biết, Mỹ - ngụy sẽ tấn công vào cơ quan đầu não của ta ở “vùng lõm” trên đất Campuchia, Bộ Chỉ huy của ta đã rút an toàn. Vào khoảng cuối năm 1970, ông lại dự báo Lon Nol và Sirik Matak sẽ đảo chính Quốc trưởng Sihanouk, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mặt trận của ta trên đất Campuchia. Vào năm 1973, trước thời điểm diễn ra chiến dịch Quang Trung ở vùng An Lộc - Lộc Ninh, ông Ngọc đã cung cấp thông tin về tình hình lực lượng quân ngụy cố thủ tại đó để quân giải phóng có kế hoạch tấn công thắng lợi. Trong cuộc tổng tấn công 30/4/1975, trước 24 giờ, ông đã báo cho Bộ Chỉ huy chiến dịch biết quân Mỹ sẽ không quay trở lại để cứu chế độ ngụy Sài Gòn. Đây đều là những tin tức chiến lược rất quan trọng góp phần đáng kể vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

- Đơn tuyến là tác phẩm đầu tiên ông viết về ngành tình báo, ông có gặp khó khăn nhiều không?

- Khó khăn lớn nhất là tìm tư liệu về nhân vật chính. Ngày đầu khi tôi đến gặp bác sĩ Nguyễn Đình Kim (em trai ông Ngọc, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lao và các bệnh phổi Trung ương), ông Kim nói luôn: Anh không viết được đâu, vì anh tôi có kể gì đâu, bản thân tôi là người nhà mà cũng không biết được gì về công việc của anh ấy. Thế rồi tôi lần mò tìm tư liệu bằng nhiều nguồn, kể cả nguồn từ internet. Đối với nhà văn, quan trọng nhất là dựng chuyện chứ không phải kể chuyện. Phải dựng lại được không khí, chi tiết, hình ảnh liên quan đến các nhân vật chính và phụ. Tôi viết xong bản thảo lần đầu trong 3 tháng, nhưng phải mất 6 tháng kiểm tra, bổ sung tư liệu cho đầy đủ, chính xác, nhất là những chuyện riêng tư, kể cả những bi kịch trong đời tư của nhân vật, phải viết sao cho chuẩn xác vì những người trong cuộc ấy còn cả, nếu có gì không đúng họ sẽ không hài lòng và phản ứng.

- Đơn tuyến đoạt giải cao nhất của cuộc thi, ông có bất ngờ không?

- Với mỗi cuộc thi, giải thưởng bao giờ cũng là bí mật, bất ngờ với người được nhận giải. Có điều làm tôi yên tâm là từ khi sách ra mắt bạn đọc đã được gần một năm rưỡi, lại vừa tái bản mà ý kiến phản hồi, đa phần là khen ngợi. Những người thân của ông Ngọc không chê trách gì. Những bạn bè đồng nghiệp của ông thì đều cho rằng những đoạn viết về chuyên môn không có sai sót. Có người nói vui: Chắc hẳn bác Ngọc đã ngầm phù hộ cho anh viết đấy!

- Văn chương là một nghề khắc nghiệt, phấn đấu để trở thành hội viên Hội Nhà văn là cả một hành trình dài. Ông thấy sao khi mới đây, trước thềm đại hội lại có chuyện này chuyện kia,...?

- Đó tùy vào nhận thức, quan điểm của mỗi người. Với tôi, nhà văn thể hiện quan điểm tư tưởng bằng nhân vật trong tác phẩm của mình, không ra ngoài những mục đích tối thượng có từ bao đời nay cho văn chương là đề cao nhân bản, đề cao tự do, kịch liệt chống lại cái xấu, cái ác. Tôi không phê phán ai, chỉ có điều thấy họ không có cách hành xử giống mình.

- Ông mong muốn gì cho hiện tại và tương lai?

- Từ thời trẻ tôi đã tâm đắc câu tự bạch của nhà văn Nga K. Pauxtopxki trong cuốn Bông hồng vàng, đây cũng chính là tự bạch của tôi: “Tôi sống và làm việc, yêu, đau khổ, hy vọng, mơ ước, chỉ biết chắc một điều rằng, sớm hay muộn, trong tuổi trưởng thành hoặc thậm chí tuổi già, tôi sẽ viết. Tôi viết không phải vì đặt ra cho mình nhiệm vụ ấy, mà bản chất tôi đòi hỏi phải như vậy. Và bởi vì văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất thế giới!”.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tố Lan (thực hiện)

Bí quyết đi thi đại học với 300.000 đồng Rơi từ tầng 4 trường Bách Khoa, một phụ nữ tử vong "Luật Hàng hải phải bảo vệ lợi ích chủ quyền của Việt Nam"

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1