“Trở lại với đời” - cuốn tiểu thuyết lý giải nhiều góc khuất lịch sử

06:55:00 28/04/2015
(ICTPress) - NXB Kim Đồng vừa ấn hành cuốn tiểu thuyết Trở lại với đời (nguyên tác La Terre Gourmande) của nhà văn, nhà báo người Bỉ Jacques Danois. Tác phẩm do nhà báo lão thành Phan Quang dịch và giới thiệu.

(ICTPress) - NXB Kim Đồng vừa ấn hành cuốn tiểu thuyết Trở lại với đời (nguyên tác La Terre Gourmande) của nhà văn, nhà báo người Bỉ Jacques Danois. Tác phẩm do nhà báo lão thành Phan Quang dịch và giới thiệu.

“Trở lại với đời” lấy bối cảnh ở vùng biên giới Campuchia - Thái Lan gần một thị trấn có tên trên bản đồ là Aranyaprathẹt, với đủ loại người: những du khách, những trùm buôn lậu cổ vật quý hiếm, dân tị nạn Khơme, các nhà báo, chính khách, nhà buôn, sĩ quan quân đội, những người làm công tác từ thiện cùng đủ loại gián điệp…

Nhân vật trong tác phẩm không nhiều. Một ông thầy thuốc già người Bỉ sống cô đơn trên ngọn núi cao biên giới, chữa bệnh cho tất cả mọi người bất kể họ thuộc sắc tộc màu da nào, thuộc phe phái chính trị nào. Cô gái người Thái trầm lặng từ bỏ gia đình trong ngày hôn lễ cổ truyền để lên sống với ông. Người anh trai của cô gái say mê nước Mĩ với những bộ phim hành động, những người Mĩ cao lớn khỏe mạnh đấm đá, bắn nhau, những chiếc quần bò của lính Mĩ và đặc biệt là những tệp đô la xanh. Một nhà báo kì cựu, một tay phóng viên trẻ, một tên tàn quân Khơme đỏ, một sĩ quan của quân tình nguyện Việt Nam, một viên đại úy phụ trách an ninh sân bay ở Hong Kong, một bà góa già cô đơn, một thanh niên người Âu làm công tác cứu trợ tình nguyện…

Cuốn tiểu thuyết được chia làm nhiều phân đoạn nhỏ. Từ nhiều điểm nhìn, bằng nhiều ngôi kể, cách kể khác nhau, có khi là độc thoại nội tâm, khi thì là dạng nhật kí, đôi lúc lại là những cuộc đối thoại... Jacques Danois để nhân vật tự nói lên những suy nghĩ của mình, về những gì họ cảm nhận, những thông tin họ biết về những việc đang xảy ra xung quanh. Sự thực đang diễn ra ở vùng đất “chẳng phải là Cămpuchia cũng chẳng phải là Thái Lan” ấycứ dần hiện ra qua góc nhìn của mỗi nhân vật. Từng mảnh ghép tưởng chừng như rời rạc cứ dần dần kết nối tạo nên một bức tranh toàn cảnh với cả chiều rộng, bề sâu của không gian, thời gian và tâm tưởng.

Vào thời điểm ra đời năm 1985, cuốn sách đã làm thế giới chấn động khi góp phần làm sáng tỏ nhiều sự thực về những việc đang xảy ra ở vùng đất giáp ranh này. Tại sao quân Khơme đỏ có lương thực, vũ khí để tiếp tục gây tội ác? Tại sao quân tình nguyện Việt Nam sau khi giúp nhân dân Campuchia lại không rút về nước, bị thế giới nghi ngờ và quay lưng lại? Tại sao báo chí quốc tế tác nghiệp ở đó lại không phản ánh đúng tình hình đang xảy ra? Bởi như nhà báo kì cựu Tom Snaider trong tác phẩm đã nói, “họ có được tất cả khi nói dối”. Những người tôn trọng sự thật khách quan thì sớm muộn cũng sẽ bị gạt ra rìa, bị gọi về nước hoặc bị cài bẫy để buộc phải bán mình cho các cơ quan tình báo.

Trong cuốn sách của Jacques Danois, hình ảnh người lính Việt Nam thật đẹp. Tiêu biểu là Trần - một sĩ quan trí thức với mái tóc hoa râm, có thể giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng, chính anh đã cứu một tên lính Khơme đỏ bị bất tỉnh giữa rừng, bất chấp hiểm nguy cõng hắn lên tận ngôi nhà của ông bác sĩ già để chữa trị. Jacques Danois đã lý giải sức mạnh Việt Nam qua hồi ức của Trần, đó chính là ý chí kiên cường, niềm tin không gì khuất phục nổi, vì quê hương thanh bình, tươi đẹp. Ở nơi bom đạn, cái chết luôn cận kề, trong lúc tĩnh lặng nhất, Hà Nội lại hiện về trong kí ức của Trần, một Hà Nội thật ngọt ngào và quyến rũ: “Hà Nội là cô gái đẹp nhất của Việt Nam. Hà Nội cũng là thành phố khó thâm nhập nhất, nó sôi động, nhưng sự sôi động ấy chỉ phô bày ở trạng thái bên ngoài. Nó luôn giữ vẽ bình thản sau mặt tiền các ngôi nhà, nó luôn bí ẩn như cô gái đồng trinh sau mái tóc đen buông dài”. Hà Nội là động lực để Trần và các đồng chí của anh chiến đấu không ngại hi sinh, gian khổ. Có thể nói, một trong những đoạn văn miêu tả hay nhất trong cuốn sách của Jacques Danois chính là đoạn viết về Hà Nội.

Trong “Trở lại với đời” Jacques Danois thể hiện nhiều triết lý sống thâm trầm, sâu sắc. Ông nhận ra điểm khác biệt của phương Tây lý tính với phương Đông cảm xúc, ở vùng đất này, “người ta không giải thích, người ta chỉ cảm nhận, người ta chỉ xúc động từ trái tim, từ linh hồn”. Nỗi sợ hãi bắt nguồn từ chính bên trong mỗi người, như vị bác sĩ già chiêm nghiệm “ma quỷ ẩn náu ngay trong tâm linh mỗi người. Chính chúng ta là những đụn cát phương Bắc hay những con quỷ sứ phương Nam”. Chúng ta bị giam hãm và hạn chế trong nhận thức về thế giới qua những cái nhìn thiển cận, “con là tù nhân của những gì con nhìn thấy” - như một vị linh mục đã nói, chúng ta thường “không thể mở cánh cửa của những ấn tượng vô biên mà trí tưởng tượng mang lại”.

Với vị linh mục mù lòa, khi yêu mến một người nào đó “ấy là nhờ cái thật đúng là anh ta, chứ không phải qua cái vẻ bên ngoài của anh ta”. Hạnh phúc - một là một khái niệm thật khó nắm bắt, nó “tự dâng hiến” cho những “kẻ thật thà, những người ngây thơ, những ai khiêm tốn”, nó chỉ dành cho những người biết đủ. Với những kẻ “háu ăn”, thì “ngay khi đã được hạnh phúc rồi hoặc có thể được hạnh phúc, họ vẫn không cho thế là đủ và sẽ làm hỏng những giây phút hạnh phúc mong manh kia đi.”

Tên nguyên gốc của cuốn sách nghĩa là “Dải đất háu ăn”. Có lẽ, dịch giả - nhà báo Phan Quang đã đề cao tinh thần “nhập thế” khi lấy tên cuốn sách tiếng Việt là “Trở lại với đời”. Nhà báo kì cựu người Mĩ thoát chết giữa rừng nhờ quân tình nguyện Việt Nam đã lên đường trở về quê hương. Cô gái người Thái đã rời bỏ gia đình lên núi cao với ông thầy thuốc, sau khi hỏa táng người bạn lòng, rải tro xuống dòng sông như di nguyện của ông đã không chút do dự đi về phía những con người. Tên tàn quân Pôn Pốt sau khi chứng kiến cái chết của kẻ bị mê hoặc bởi những tờ đô la xanh đã một mình không vũ khí, không kẻ thân thích, trở về làm lại cuộc đời. Anh sĩ quan Hà Nội cùng những đồng đội của mình đã nằm lại trong rừng sâu, nhưng “tinh anh hào hiệp và dũng cảm của họ đã trở về với đời trong niềm tin và ý chí của dân tộc”.

“Trở lại với đời” từng được NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn) xuất bản năm 1985 tại Việt Nam ngay sau khi cuốn sách ra mắt tại châu Âu vài tháng. Kỉ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NXB Kim Đồng trân trọng giới thiệu với độc giả Việt Nam ấn bản mới của cuốn tiểu thuyết này, bởi đây không chỉ là một cuốn tiểu thuyết thời sự, lý giải nhiều góc khuất của lịch sử mà đây thực sự là một thiên tiểu thuyết lý giải về số phận của con người trong mênh mông cuộc đời, là những trăn trở suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống và những tư tưởng nhân văn còn nóng hổi tinh thần thời đại.

Bảo Ngọc


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1