'Truyện ngôn tình chỉ đáng giá ba xu'

07:29:00 01/09/2014

Cách hành văn nhạt nhẽo, đều đều, những mâu thuẫn hết sức vô lý và được giải quyết theo cách hết sức vô duyên.

Trong thời đại trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nhau viết sách thì không rõ vì sao một mớ tiểu thuyết tình cảm ba xu của các nhà văn Trung Quốc bỗng nhiên lại được gọi là sách ngôn tình.

"Ngôn tình" là gì? Ngôn ngữ tình yêu ư? Nếu vậy thì tôi đã đọc phải truyện ngôn tình từ lâu. Tôi sống ở trời Tây và ít khi mua được sách tiếng Việt. Tôi giải quyết nhu cầu đọc sách bằng cách lướt mạng và đọc những truyện được đăng.

Trong những cuốn sách mà tôi gặp phải có đủ thứ truyện từ cổ chí kim. Những quyển thuộc hàng văn học cố điển thì tôi đã đọc khá nhiều, nên tôi vẫn hay đọc những quyển sách hiện đại để đổi món. Trong hoàn cảnh đó, tôi đã đọc phải mấy cuốn sách thuộc loại ngôn tình mà chẳng hay.

Tôi nhớ ngày xưa nhà tôi ở gần chợ nhỏ ở một tỉnh lẻ. Buổi bán hàng trưa thường vắng khách nên các bà, các cô bạn hàng thường hay thuê sách ở một quầy trong chợ đọc cho vui. Tôi thì chẳng bao giờ được cha mẹ cho tiền để thuê những quyển sách ấy, nhưng mấy lần tôi có đọc ké với một chị hàng xóm. Đại khái đó cũng là những câu chuyện tình cảm tay ba tay tư, những cuộc hôn nhân ép duyên, những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng...

Sách ngôn tình đại loại cũng thế. Cách hành văn nhạt nhẽo, đều đều, những mâu thuẫn được vẽ ra nhanh chóng, hết sức vô lý và được giải quyết theo những biện pháp hết sức vô duyên. Một anh chàng quậy phá lăng nhăng bỗng nhiên hối hận, tu tâm dưỡng tính. Bà mẹ chồng ác nghiệt đột nhiên lại thương con dâu và hiền hòa hẳn đi.



Khác với loại tiểu thuyết ba xu, sách ngôn tình thường có bối cảnh hiện đại và đôi khi lại đưa vào những vấn đề thường thấy trong xã hội ngày nay, như bệnh ung thư hay là đồng tính luyến ái chẳng hạn. Dù thế nào đi nữa thì sách ngôn tình cũng vẫn cứ là tiểu thuyết tình cảm ba xu hiện đại.

Tuy vậy, những loại tiểu thuyết như thế vẫn cứ ăn khách. Ngày xưa thì các chị các cô thuê đọc, ngày nay thì sách được phát hành và đăng trên trang mạng. Loại sách này vẫn có độc giả của nó và xét trên khía cạnh thương mại thì còn bán chạy nữa là khác.

Tới nỗi một nhà văn nổi tiếng còn thẳng thắn thừa nhận là ông "viết vì tiền" khi cho ra đời những quyển sách kiểu ngôn tình.

Sau khi đọc mấy quyển ngôn tình một cách tình cờ thì tôi phải công nhận là nó hơi nhảm. Về mức độ nhảm thì chắc cũng tương tự, hay là nhảm hơn mấy quyển tiểu thuyết ba xu ngày xưa. Hơn nữa, phần nhiều các quyển sách ấy được xây dựng trên bối cảnh xã hội Trung Quốc hiên đại, càng khiến cho người Trung Quốc say mê.

Còn với người Việt Nam thì sao? Việt Nam đã phải chịu đựng sự du nhập của rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Chỉ trong vòng hai mươi lăm năm nay, sự đổ bộ của truyện tranh Nhật Bản, phim tình cảm Đài Loan, phim kiếm hiệp Hong Kong, phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc, nhạc Mỹ và nhạc Hàn Quốc đã làm lu mờ phần nào những hoạt động văn hóa của nghệ sĩ Việt Nam.

Tôi vẫn nghĩ rằng nơi nào có sự trống trải thì nơi đó sẽ thu hút những tác nhân bên ngoài. Ở Mỹ chẳng hạn, nhạc không phải tiếng Anh có rất ít chỗ đứng trong văn hóa đại chúng, bởi lẽ nền âm nhạc của Mỹ phát triển dữ dội và người Mỹ có qua nhiều thứ để nghe. Họ đâu cần phải đi nghe nhạc Hàn Quốc.

Với sự phát triển của sách ngôn tình ở Việt Nam, ta nên nhìn nó với một cặp mắt thực tế hơn. Văn học ở phân khúc nào cũng có người tiêu thụ. Nhu cầu tiêu thụ những quyển tiếu thuyết tình cảm nhảm nhí có từ lâu, cũng như nhu cầu nghe nhạc "sến" vậy.

Có lẽ đã đến lúc các nhà văn Việt Nam nên nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề này.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1