Thể theo nguyện vọng của cô con gái Karin 7 tuổi đang nằm trên giường bệnh, bà mẹ A. Lindgren đã phát triển cốt truyện từ nhân vật Pippi tất dài do Karin nghĩ ra, rồi kể lại hàng đêm cho con trước lúc đi ngủ trong giai đoạn từ cuối năm 1941 đến đầu năm 1942.
Nội dung là câu chuyện về cô bé Pippi 9 tuổi sống ở một ngôi làng ven biển, vốn mồ côi mẹ từ nhỏ, còn người cha đã mất tích trong một chuyến đi. Pippi không phải là cô bé xinh đẹp, mái tóc đỏ hoe tết thành cặp đuôi sam khô cứng như 2 que củi, cùng chiếc mũi to như quả cà chua trên khuôn mặt nổi đầy tàn nhang.
Tương phản với vẻ ngoài xấu xí là bản tính tốt bụng, đáng tin cậy và trung thành của Pippi tất dài, bởi cô bé luôn sẵn lòng bảo vệ các bạn của mình với sức mạnh siêu phàm mỗi khi họ gặp nguy hiểm, nhưng luôn cẩn trọng để không làm tổn thương bất cứ ai... Đó là 2 người bạn thân Tommy và Annika con nhà ông hàng xóm Settergren.
Ngoài ra, còn có các nhân vật khác trong truyện là chú khỉ được Pippi đặt tên là "ngài Nelson", cùng con ngựa thường đứng ngoài hành lang trước cửa phòng ngủ của Pippi…
Cốt truyện phát triển theo trí tưởng tượng phong phú của tác giả, đề cập tới đủ loại đề tài mà con trẻ lưu tâm, khiến câu chuyện về cô bé Pippi tất dài nhanh chóng trở thành một ấn phẩm bán chạy nhất. Trước khi đặt bút viết, A. Lindgren luôn tâm niệm rằng, không có cách nào tốt hơn để phát triển cơ thể và tâm hồn của trẻ thơ, để chúng được tự do vui chơi thoải mái.
Ý nghĩa nổi bật trong truyện là sức mạnh tiềm ẩn, song hành với tính sáng tạo phù hợp trí tưởng tượng sống động của trẻ thơ. Do vậy tất cả các nhân vật hư cấu trong truyện, tiêu biểu là cô bé Pippi đều có trí tưởng tượng phong phú, biết nắm bắt mọi cơ hội để khám phá cuộc sống và thế giới xung quanh một cách vui nhộn nhất.
Lúc sinh thời, cây bút điêu luyện A, Lindgren luôn tin rằng, mọi điều xảy ra trong cuộc sống ngoài đời thường diễn ra trước hết trong trí tưởng tượng của con trẻ. Đồng thời tác giả cũng mong muốn khái niệm phi bạo lực sẽ đi vào nếp nghĩ và lối ứng xử văn hóa của bạn đọc. Đó chính là động lực sáng tác lớn lao, bởi các nhân vật chủ chốt của bà luôn đứng về phía kẻ yếu thế và những ai bị lạm dụng, cho dù đó là trẻ em, người lớn, hay các con vật…
|
Nữ diễn viên Thụy Điển Inger Nilsson (phải) thủ vai Pippi trong bộ phim đầu tiên phát hành năm 1969 dựa theo cốt truyện "Pippi tất dài". |
Các tác phẩm tiêu biểu trong 60 năm sáng tác không ngơi nghỉ của văn sĩ A. Lindgren là "Pippi Longstocking", gồm 9 đầu sách "Pippi Longstocking" (1945), "Pippi Goes on Board" (Pippi đi tàu thủy, 1946), "Pippi in the South Seas" (Pippi ở vùng biển phía Nam, 1948), "Pippi's After Christmas Party" (Pippi sau lễ Giáng sinh, 1950), "Pippi on the Run" (Pippi chạy trốn, 1971), 3 tập truyện đều in trong năm 1999 là "Pippi Goes to School (Pippi đến trường học), "Pippi Goes to the Circus" (Pippi đi xem xiếc), "Pippi's Extraordinary Ordinary Day" (Ngày bất thường của Pippi) và "Pippi Longstocking in the Park" (Pippi tất dài trong công viên, 2001); rồi "Karlsson on the Roof" (Karlsson trên mái nhà, 1970), "The Brothers Lionhear" (Anh em nhà Lionhear, 1973), "Madicken" (1979), "Ronia, the Robber's Daughter" (Ronia, con gái tên cướp, 1981)… đã trở thành những cuốn sách "gối đầu giường" của nhiều thế hệ trẻ em Thụy Điển cũng như trên thế giới.
|
Diễn viên nhí Svetlana Stupak người Nga trong vai Pippi tất dài, trong phim truyền hình của Hãng Mosfilm quay năm 1970 ở Moskva. |
Trong sự nghiệp văn chương của mình, cây bút xuất sắc A. Lindgren đã được trao rất nhiều giải thưởng danh giá, như Huy chương Vàng mang tên cố văn sĩ người Đan Mạch Hans Christian Andersen, được tôn vinh là "Giải Nobel Văn học Thiếu nhi"; Huy chương Karen Blixei của Viện Văn học Đan Mạch; Huy chương Leo Tolstoy của Viện Văn học Liên Xô; Giải thưởng mang tên nữ thi sĩ Gabriela Mistral của Nhà nước Chile; Giải thưởng mang tên nữ văn sĩ Selma Lagerlof, cây bút nữ đầu tiên được trao giải Nobel của Vương quốc Thụy Điển; Giải Hòa bình của giới xuất bản Đức; Giải thưởng Right Livelihood thường được coi là giải "Alternative Nobel Prize" (Nobel thay thế, hay Nobel đệ nhị)…
Vào năm 1967, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của nữ văn sĩ A. Lindgren, Nhà xuất bản Raben & Sjogren đã lập ra Giải thưởng Văn học Astrid Lindgren, được trao hàng năm đúng vào ngày sinh của bà (14/11). Còn sau khi bà qua đời vào đầu năm 2002, Chính phủ Thụy Điển đã thành lập Giải Tưởng niệm Astrid Lindgren nhằm tôn vinh nhà văn cùng các tác phẩm của bà, cũng như để khuyến khích việc tăng cường sự phát triển nền văn học thiếu nhi.
Tính đến thời điểm hiện nay, các tác phẩm của Astrid Lindgren đã được dịch sang 64 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, cũng như được chuyển thể thành nhiều cuốn phim điện ảnh và truyền hình lôi cuốn khán giả mọi lứa tuổi.
Thay lời kết, xin trích dẫn một câu nói nổi tiếng của A. Lindgren lúc sinh thời: "Trẻ em chính là những gì quan trọng nhất trên thế gian này! Nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, cần phải được bắt đầu ngay từ con em chúng ta!"