Theo thông tin từ gia đình của nhà văn Anh Đức, cây đại thụ của làng văn học Việt Nam và Nam bộ nói riêng đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 2 giờ 15 phút sáng 22.8, tại Bệnh viện Thống Nhất sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật.
Được biết, năm 2004, nhà văn Anh Đức từng bị tai biến mạch máu não dẫn đến hôn mê sâu trong suốt 4 năm dài. Đến năm 2008, sức khỏe ông bắt đầu hồi phục, thoát khỏi tình trạng hôn mê sâu một cách “thần kỳ”.
Nhà văn Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại An Giang. Ông nhanh chóng gia nhập phong trào kháng chiến ở miền Nam, và được nhà văn Đoàn Giỏi phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu văn học.
Với đóng góp của mình trong suốt hơn nửa thế kỷ cho nền văn học nước nhà, Anh Đức được xem như là một nhà văn của đất và con người phương Nam, nổi bật với những tác phẩm khắc họa hình tượng của người phụ nữ và nông dân Nam bộ chân chất, kiên cường.
Năm 1958, nhà văn Anh Đức cho ra đời tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện, kể lại cuộc hội ngộ với người phụ nữ trẻ, giàu nghị lực tên Tư Hậu. Sau đó, nhân vật này đã trở nên quen thuộc với rất nhiều thế hệ người Việt khi tiểu thuyết được chuyển thể thành kịch bản của bộ phim Chị Tư Hậu nổi tiếng.
Tương tự như trường hợp của tiểu thuyết Hòn Đất được ông sáng tác năm 1966 (được chuyển thể thành phim Hòn Đất vào năm 1983), với nhân vật chính là chị Sứ, được lấy hình tượng từ một nữ anh hùng trong cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân và dân vùng Hòn Đất.
Trong suốt thời gian cống hiến của mình, ông gắn bó với công việc viết văn và làm báo. Nhà văn từng giữ chức vụ Tổng Biên tập báo Văn nghệ giải phóng, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn TP.HCM, Tổng Biên tập tạp chí Văn...
Nhà văn Anh Đức từng đoạt giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ (năm 1958), giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965). Năm 2000, ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học.
Bên cạnh Một chuyện chép ở bệnh viện và Hòn Đất, nhà văn Anh Đức còn có những tác phẩm tiểu biểu khác như Biển động (1952), Lão anh hùng dưới hầm bí mật (1956), Biển xa (1960), Bức thư Cà Mau (1965), Giấc mơ ông lão vườn chim (1970), Đứa con của đất (1976), Miền sóng vỗ (1985)…
Trong đó, các tác phẩm Giấc mơ ông lão vườn chim, Hòn Đất (trích đoạn) và Bức thư Cà Mau (trích đoạn) đã được đưa vào giảng dạy ở chương trình văn học phổ thông.
Hiền Nhi