Đã có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa này, song có lẽ đầy đủ nhất đến thời điểm hiện tại là bộ tiểu thuyết lịch sử bốn tập của nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Cờ (Huy Cờ) được NXB Văn hóa Thông tin cho ra mắt bạn đọc cuối năm 2013.
Huy Cờ sinh ra và lớn lên ở phủ Lạng Thương (Bắc Giang), có tình yêu đặc biệt đối với lịch sử quê hương. Ngay từ ngày còn là học sinh, ông đã thường xuyên tới các di tích lịch sử, gặp các cụ già để hỏi chuyện, ghi chép những tích xưa. Sau này, mặc dù học chuyên ngành ngữ văn của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng loại sách mà ông mê nhất là những sách viết về lịch sử.
Ra trường, về công tác tại Ty Văn hóa Hà Bắc (nay gọi là Sở), ông lại có thêm nhiều cơ hội điền dã, để trở thành một người am hiểu sâu sắc, có kiến thức chắc chắn về lịch sử, văn hóa địa phương.
Đến nay, ông đã có chín tiểu thuyết, sáu kịch bản sân khấu chuyên về đề tài lịch sử. Những tiểu thuyết đáng chú ý của ông: Nữ tướng vùng Kinh Bắc, Vợ ba Đề Thám, Hai phi một chúa, Hoàng Hoa Thám... Ông có hai kịch bản được Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc là Trạng và Cô gái Kinh Bắc.
Bộ tiểu thuyết Rừng thiêng Yên Thế gồm bốn tập, mỗi tập hơn 300 trang là bộ sách tâm huyết về một đề tài tâm huyết của Huy Cờ, điều mà khi viết xong trang cuối cùng, ông cao hứng quẳng bút cho rằng, mình đã trả xong món nợ văn chương, món nợ với cụ Hoàng Hoa Thám...
Tất nhiên, bộ sách không viết riêng về Hoàng Hoa Thám và những trận đánh. Qua các nhân vật lịch sử là lãnh tụ khởi nghĩa như Hoàng Đình Kinh, Đề Nắm, Bá Phức, Hoàng Hoa Thám; các gương mặt phụ nữ như Đặng Thị Nho, Hoàng Thị Thế; những lưu dân, tá điền, gia nhân... tác phẩm cho thấy dòng chảy về cuộc Khởi nghĩa Yên Thế chính là dòng chảy của lòng yêu nước, của đạo lý làm người đến từ mọi thành phần, mọi vùng miền trong cả nước và đến bằng mọi cách khác nhau. Cái cố kết, cái làm nên tính bền vững của dân tộc chính là ở chỗ đó. Dường như, với người Việt Nam, địa vị xã hội chỉ là sự phân công, là cái tạm thời. Chỉ lòng yêu nước, thương dân, lo cho dân mới là cái bản chất; cái được đề cao, có khả năng cuốn hút, tập hợp mọi người.
Có thể nói, Rừng thiêng Yên Thế là bộ sử thi của lòng yêu nước. Trên bình diện đó, bộ tiểu thuyết lịch sử này có sức hấp dẫn của những câu chuyện hôm nay. Cái thiêng của núi rừng Yên Thế không phải ở nơi hiểm địa; mà ở lòng người, ở sự kế tục của dòng máu anh hùng cách mạng. Với bút pháp của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, trong đoạn kết của tiểu thuyết, tác giả cho nghĩa quân nhìn thấy Đề Thám biến thành con hổ xám; vì trước kia chính con hùm xám tu luyện mấy nghìn năm để biến thành Đề Thám. Đề Thám bất diệt trước họng súng của Tây, như chính sự bất diệt của tinh thần kháng chiến. "Còn nhân dân Yên Thế tin rằng, Đề Thám đã biến thành cỏ cây, hoa lá của núi rừng Yên Thế. Bọn Pháp không sao tìm thấy, không sao hủy diệt được" (trang 380, tập 4).
Đúng vậy. Không ai hủy diệt được tinh thần của một dân tộc, nhất là dân tộc Việt Nam ta. Những người anh hùng không chỉ lưu truyền trong sử sách mà hiện hữu, khi âm thầm, khi cuồn cuộn, trong huyết quản mỗi người.