Thử thách thuở thiếu thời
La-xlô Crát-xna-ho-cai chào đời ngày 5-1-1954 tại Diu-la, thành phố miền đông nam Hung-ga-ry, trong gia đình một luật sư. Đang sống yên ấm trong điều kiện khá giả, sẵn tính hiếu động, cậu bỏ nhà "đi bụi", tìm đến những chỗ coi như dưới đáy xã hôịchính đấy là nơi cho cậu mắt thấy tai nghe mọi sự diễn ra theo cách trung thực nhất, nơi những con người nghèo khó đến cùng cực nhưng vẫn nâng niu gìn giữ phẩm chất người. "Chính vì sống giữa những thân phận lạc loài đó, nhà văn kể: - mà dù muốn hay không, bao giờ cũng nhìn thấy biểu hiện của chất người thực thụ vốn hiếm thấy trong một xã hội lịch sự".
Ở tuổi hai mươi, từng kinh qua một năm phục vụ trong quân ngũ, từng quần quật làm việc cho một trại bò sữa, chàng mới chiều ý gia đình, vào học khoa Luật, Đại học Giô-dép Át-ti-lo (1974 - 1976). Mong thỏa chí tang bồng, chàng đi khắp Hung-gary, cùng những người lao động ăn ở, làm lụng. Khi dừng chân tại thủ đô Bu-đa-pét, chàng xin làm nhân viên quèn cho Nhà xuất bản Tư tưởng (1977 - 1982) rồi vào học tiếp Đại học Tổng hợp Hung-ga-ry (1983), tại khoa Giáo dục công dân. Ấy là một khoa tưởng chừng "xoàng xĩnh", nhưng kỳ thực lại sáng láng, vì ở đấy chàng nhận được học vấn về văn học, tâm lý học, lô-gich học, xã hội học, triết học Mác từ nhiều giảng viên cự phách. Rồi chàng còn đến dự thính tại khoa Thần học... Những tác phẩm văn xuôi ngắn của chàng đã trình làng từ năm 1977.
Chủ nhân giải Búc-cơ Quốc tế 2015.
Bối cảnh xã hội Hung-ga-ry lúc giao thời giữa hai thập niên 1980 - 1990 là bản lề của lộ trình thay đổi ý thức hệ, nên Crát-xna-ho-cai làm người lao động tự do, viết và gửi bài lai cảo, nhưng thường chỉ được in trong tập san Thế giới vận động. Biết mình khó thành đạt được như hai nhà thơ danh tiếng Ya-nốt Pi-linxki (1921 - 1981), Xan-đo Vê-ô-rết (1913 -1989), trong thâm tâm rất ngại bon chen vào làng văn, định viết chỉ một cuốn tiểu thuyết rồi... gác bút. Trong năm 1983, nhà văn tương lai còn bị sốc nặng: ngôi nhà một buồng bị "bà hỏa" thiêu rụi, nên đến giờ, hễ bên cạnh có ai xòe diêm, bật lửa, liền... giật mình.
Hành trình không ngưng nghỉ
Giữa lúc trong lòng đang u uất, Crát-xnaho-cai chỉ muốn tự sát thì may mắn gặp nhà văn Mi-clốt Mô-xây (1921 - 2001). Đàn anh đã can ngăn ông không dùng "hạ sách" và năm 1987 còn giúp đàn em kiếm được một học bổng của Tây Béc-lin. Ở đấy, nhà xuất bản Rowohlt đã khai sinh bản Đức ngữ tiểu thuyết Điệu tăng-gô của quỷ(do Nhà xuất bản Magveto ấn hành trong nước năm 1985), mang lại cho Crát-xna-ho-cai danh lợi, rồi có đông đảo người đọc ở Tiệp Khắc, Tây Ban Nha...
Ông là người thích cuộc sống xê dịch nên rời Đức (1988) sang nước khác, khi ở Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, I-ta-li-a, Hy Lạp, khi ở Mỹ, Anh... Ông từng đến Mông Cổ, Trung Quốc (1990), Bô-xni-a (1996), từng ngồi trên xe tải đi tìm dấu tích At-lan-ti-ca, một lục địa cổ được tạo thành khoảng hai tỷ năm trước đây, rồi vòng quanh châu Âu và nước Mỹ (1992 -1998) để lấy tư liệu cho các tiểu thuyết U buồn trong kháng cự (1989), Chiến tranh và chiến tranh (1999), trở đi trở lại Nhật Bản (1997, 2000, 2005).
Bôn ba, để mà thu thập chất liệu, vốn sống thực tế và cảm hứng sáng tác. Ông thường ra chỗ quán xá vừa uống lai rai, vừa nhẩm trong đầu rồi về nhà viết ra. Bộ nhớ trong đầu ông khá lớn, mỗi lần ngồi quán về, ông chép lại được 15 - 20 trang tiểu thuyết! Và bây giờ, danh mục tác phẩm của ông đã có 16 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, sáu kịch bản điện ảnh đồng tác giả với đạo diễn Hung-ga-ry lừng danh thế giới Bê-la Ta-rơ.
Những giá trị nhân văn
Crát-xna-ho-cai tâm sự: Ngoài Cáp-ca (Séc) còn có hai nhà văn Nga Tôn-xtôi và Đô-xtôi-épxky thôi thúc ông viết văn, và cuốn tiểu thuyết đầu tay Điệu tăng-gô của quỷra đời dưới ảnh hưởng rất mạnh của hai văn hào đó. Đây là câu chuyện những người nông dân trong một làng đang muốn thoát khỏi hoàn cảnh bế tắc của sản xuất tập thể, bỗng gặp một kẻ từng bị coi là mất tích hứa hẹn nhiều điều, rồi bị gã lừa gạt hết sạch. Các nhân vật tìm kiếm không mệt mỏi trong một mê lộ gồm vô số sai lầm, mong nhận được phương thuốc chữa lành nỗi đau của mình. Còn U buồn trong kháng cự-chuyện một thị trấn chon von trên miệng vực như một rạp xiếc được thể hiện qua những nhân vật dị thường: người đàn bà say mê quyền lực thích dùng bạo lực để cướp chính quyền, người chồng của mụ ta cả năm dán lưng vào giường và mỗi tuần chỉ hai lần ngó qua cửa sổ, nhà lý luận âm nhạc bị nhạc viện sa thải vẫn dành toàn tâm toàn ý để dùng toán học phân tích âm sắc và nghiên cứu những ý tưởng tiềm ẩn trong âm nhạc... Tác phẩm này được đánh giá là "có cách nhìn tổng thể, trào phúng và cảnh báo về lịch sử đen tối của văn minh phương Tây".
Tác phẩm của Crát-xna-ho-cai đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và rất được ưa chuộng ở Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản... Đối với dịch giả, ông đòi hỏi khắt khe, phải được nghe bản dịch xem có nhịp điệu hay không, có khả năng cuốn hút người đọc bằng ngôn ngữ mới hay không. Nhà thơ Anh Ghê-oóc-ghê Sia-tết, mới tám tuổi đã theo bố mẹ di cư từ Hung-ga-ry, từng giành giải Ghê-o-phry Pha-bơ (1980), khi gặp ông có than "Tôi phải bỏ ra bốn năm để dịch Điệu tăng-gô của quỷ thì được ông trả lời "Không sao. Viết nó, tôi mất những sáu năm cơ mà". Bản dịch đó ấn hành năm 2012 liền được Mỹ trao giải tác phẩm văn học dịch hay nhất năm 2013, và năm sau, giải thưởng này cũng thuộc về bản tiếng Anh Tây Vương Mẫu giáng thế của dịch giả Ôt-ti-li Mun-dét.
Nhà văn La-xlô Crát-xna-ho-cai đã nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải Kô-sut (2004 - cao nhất về văn học nghệ thuật của Hung-ga-ry), giải Sách hay nhất 1993 của Đức, giải Văn học Mỹ 2014, giải Búc-cơ Quốc tế 2015 của Anh và đang trong tầm ngắm của các vị giám khảo giải Nô-ben Văn học. Bà chủ khảo giải Búc-cơ Quốc tế nhận xét tác phẩm của ông là "tuyệt vời, được xây dựng trên trí tưởng tượng, những đam mê sâu sắc, phức hợp và cung bậc đặc biệt, tác giả có nội lực, giàu trí tưởng tượng nên đã ghi lại bức tranh tổng thể về cuộc sống của con người hiện đại với những tình tiết kinh hoàng, kỳ lạ, khôi hài đến bất ngờ và nhiều khi đẹp đến nao lòng".