Chuyện tình như tiểu thuyết của 'bác sĩ hoa súng'

05:15:00 09/05/2015
Chuyện phiêu lưu tình ái của nhà thơ “bác sỹ Hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm ly kỳ vào loại bậc nhất ở nước Nam ta.

Chuyện phiêu lưu tình ái của nhà thơ “bác sỹ Hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm ly kỳ vào loại bậc nhất ở nước Nam ta. Về chuyện tình của mình, “bác sỹ Hoa súng” thường khiêm tốn trải lòng bằng mấy câu thơ sau đây của anh: “Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé/ Ái ân gì dưới đất phong thanh/Thủy, Lan, Hương, rồi Dương rồi Điệp/Những chuyện tình như súng liên thanh”.

Chuyện tình như súng liên thanh

Liên quan đến chuyện phiêu lưu tình ái của “bác sỹ Hoa súng”, có một ông bạn thơ rất tâm đắc với câu thơ “Những chuyện tình như súng liên thanh” nói trên và bảo tôi: “Thơ là người và người là thơ, bác ạ! Thi sỹ Hoàng Nhuận Cầm của chúng ta trông gầy yếu, èo uột như thế mà khỏe phết.

Hôm mới rồi trong Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, thấy ông ấy cứ nhảy chồm chồm trên sân khấu từ góc này sang góc kia với vẻ mặt rất căng thẳng, quan trọng khi đọc thơ thì không ai bảo đấy là một ông thơ “lão thành” đã có... ba bà vợ và bốn đứa con.

Cứ nhìn ông ấy đọc thơ như diễn trên sân khấu là các chị em yêu thơ ở phía dưới “Thi trường” bỗng thấy xôn xao, náo nức, rạo rực lạ thường. Còn trong các đêm thơ sinh viên thì ông ấy là “vua không ngai” khi các “fan” hâm mộ thơ ông vỗ tay, gào thét, phát cuồng vì thi ca tuổi mơ mộng học trò. Hóa ra “bác sỹ Hoa súng” khi đọc thơ có một ma lực ám ảnh lạ thường. Tài hoa như thế mà không nhiều em mê mới là chuyện lạ!”.

Tăng Bảo Quyên "sánh đôi" cùng "bác sỹ Hoa súng" Hoàng Nhuận Cầm.

Tôi vội giải thích ngay cho người bạn nói trên: “Đúng ra, nếu đổ tội cho “bác sỹ Hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm có tính lăng nhăng nên mới có nhiều người tình đến thế thì cũng thật oan uổng cho anh. Thật ra, Cầm không phải là người “sớm mơ chiều mận” nay cô này, mai cô khác đâu! Nhưng cái số của anh là số thi sỹ đào hoa nên chị em mê mẩn thơ cứ chạy theo anh hàng đàn, gạt đi không hết.

Theo tôi biết, Cầm vốn là người đứng đắn, thủy chung lắm lắm, nhưng anh lại là người khó tính đến bất thường và luôn luôn phải vắt kiệt mình cho lao động sáng tạo ở cả lĩnh vực thi ca và điện ảnh, phải liên tục viết kịch bản, đóng phim, đóng kịch và viết báo để kiếm sống nên không ít khi anh đã phát khùng vì lao động nghệ thuật quá tải. Và chỉ sau một thời gian yêu thương nhau tha thiết, các người đẹp mới vỡ mộng vì chiều chuộng anh không nổi và sẽ đến một ngày như nhà thơ-nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng ngậm ngùi: “Những người tình lặng lẽ bỏ anh đi như những dòng sông nhỏ, ôi những người tình nhỏ, lời hẹn tình là mấy câu thơ”.

Nghe tôi phân trần, người bạn thơ chia sẻ: “Thật ra, có ở gần mấy ông làm nghệ thuật, mấy nhà thơ đích thực mới biết, họ đều ở dạng “tâm thần phân liệt” luôn luôn bị kích động bởi cá tính sáng tạo, luôn luôn phải sống trong tình trạng nửa tỉnh, nửa điên như thế thì mới có được những tác phẩm nghệ thuật để đời.

Và bởi thế, sống cạnh họ đôi khi là một cực hình đối với người bình thường vì những cái tin h tế nhất, đẹp đẽ nhất họ đã dâng hiến cho thi ca, cho nghệ thuật và cái còn lại chỉ là “phần bã” của những khoảnh khắc thăng hoa sáng tạo. Nên những người yêu của các nhà thơ, nếu đam mê thi ca của họ là lẽ đương nhiên thường thấy, nhưng nếu yêu tới mức muốn gắn bó với các nhà thơ, muốn sống gần họ thì đấy là một thử thách lớn không dễ gì vượt qua!”.

Trong số không ít các mối tình “vắt vai” của “bác sỹ Hoa súng”, tôi đã chứng kiến anh từng bị một người đẹp “bắt cóc” anh ngay trong một đêm thơ đầy lãng mạn. Đêm ấy, sau khi các nhà thơ đọc thơ xong, vừa nhận được chút phong bì thù lao gọi là “nhuận bút mồm” và bước xuống khán phòng thì các “nàng thơ” sinh viên quây kín ngay lại xin chữ ký.

Hoàng Nhuận Cầm và tôi múa tay ký lia lịa vào sổ tay của các nàng, thấy sung sướng vì có nhiều “fan hâm mộ” mình như các ca sỹ lừng danh hoặc các tài tử nổi tiếng. Sau một lúc ký đến toát mồ hôi, tôi chợt thấy một nàng thơ nhẹ nhàng vươn tay về phía “bác sỹ Hoa súng” và “nhón” lấy luôn chiếc phong bì “nhuận mồm” mà Cầm đang giữ trên tay. Nàng thơ lanh lợi này nhoẻn một nụ cười đầy quyến rũ: “Em mời “bác sỹ Hoa súng” đi uống nước với em, để em nhờ bác sỹ tư vấn việc chữa trị một căn bệnh thuộc dạng “bệnh lý tâm hồn” cho em nhé!”.

“Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”

Cầm mặt tái dại: “Cô này làm sao đấy, mời nhà thơ đi tư vấn bệnh tật mà lại nhón luôn cái phong bì nhuận bút còm của nhà thơ là ra làm sao , cô trả ngay phong bì cho tôi rồi mới nói đến chuyện tư vấn, tư viếc nhá!”. Nàng thơ lại dẩu mỏ cười rõ tươi: “Anh đi uống nước rồi tư vấn “bệnh tâm hồn” cho em, em sẽ trả cho anh gấp mười lần tiền phong bì này ấy chứ, thôi đi với em!”. Nói rồi nàng thơ rảo bước đi ra ngoài về phía một cửa hàng giải khát gần đấy, vừa đi vừa ngoái lại cười rõ lẳng lơ, tay cầm chiếc phong bì vẫy lên vẫy xuống gọi “bác sỹ Hoa súng” đi theo.

Cầm mặt mũi vẫn tái nhợt, vội bảo tôi: “Ông đi với tôi ra quán giải khát xem “con bệnh” này giở trò gì?”. Tôi ghé tai Cầm: “Ông sang trước với “con bệnh” này đi, không khéo nó “chuồn chuồn kim” đấy, tôi còn đang ký dở tập thơ cho một nàng thơ cũng đeo bám tôi suốt từ nãy tới giờ rồi!”, tôi chỉ cho Cầm thấy một nàng thơ thơm phức như chiếc bánh ngọt đang đắm đuối nhìn tôi. Cầm chỉ kịp nói một câu: “Lát nữa, xong việc, ông sang ngay quán nước với tôi nhé, tôi nghi ngờ đang có một âm mưu ám hại “bác sỹ Hoa súng”, ông ạ!”. Rồi chàng tất tả chạy theo nàng thơ tinh quái vẫn đang cầm chiếc phong bì “còm” vẫy lên, vẫy xuống như nhử mồi “vua thơ sinh viên”.

Tôi lúc đó cũng đang rối bời vì một nàng thơ sinh viên đang chủ động tấn công mình. Nhưng tôi không chịu mất phong bì như “bác sỹ Hoa súng” bởi tôi đã nhét luôn vào túi quần bò, có thục tay cả ngày vào túi cũng không hòng lấy được phong bì nhuận mồm của tôi, vì tôi đã chặn lên trên bằng một chiếc bật lửa có hình khẩu súng lục. Điều tôi ngạc nhiên, không hiểu vì sao nàng thơ này lại có được tập thơ “Mưa lúc không giờ” in năm 1992 của tôi trên tay.

Nàng giở bìa phía trong tập thơ này ra, chỉ vào tấm hình của tôi in trên đó, rồi hỏi một cách rất hồn nhiên: “Anh có biết nhà thơ này không?”. Tôi gật đầu cười. Nàng nói luôn: “Em yêu nhà thơ này, anh có muốn biết vì sao em yêu anh ta không?”. Tôi lại cười, bụng bảo dạ: “Chắc đây lại là một “con bệnh” tâm hồn rồi, rất tiếc mình không phải là “bác sỹ Hoa súng”, nếu không thì em sẽ biết tay liền!”. “Nếu anh muốn biết vì sao em mê thơ anh, thì chúng mình sang quán nước bên kia đường tâm sự , được không nhà thơ “Mưa lúc không giờ” của em”, nàng dịu dàng ngọt xớt tới mức tôi không từ chối được.

Tôi theo nàng thơ ấy vào quán giải khát đối diện với hội trường Câu lạc bộ vừa diễn ra đêm thơ. Bàn chúng tôi ngồi ngay cạnh bàn “bác sỹ Hoa súng” và nàng thơ kia đang ngồi tâm tình. Nhìn vẻ mặt của hai người, tôi thấy họ tươi tỉnh, thân mật như một đôi tình nhân đang hướng đến mùa trăng mật. Nhìn vào túi áo ngực của “bác sỹ Hoa súng”, tôi thấy chiếc phong bì “nhuận mồm” đã nằm định vị trong đó. Vậy là nàng thơ táo tợn kia không có ý đồ “chuồn chuồn kim” mà đang mồm mép như tép nhẩy tán tỉnh ông bạn vàng của tôi. Chẳng hiểu họ tán nhau kiểu gì mà chàng và nàng nhìn nhau đắm đuối lắm.

Tôi hỏi vọng sang bàn bên ấy theo kiểu đá xoáy: “Thế “bác sỹ Hoa súng” đã chẩn đoán được căn bệnh gì cho nàng thơ chưa, phải dùng thuốc gì và chữa trị kiểu gì?”. Cầm cười phớ lớ: “Bạn này mắc căn bệnh nặng lắm- bệnh yêu đơn phương. Thuốc chữa trị cho nàng bây giờ phải dùng thơ tình “liều cao”. Tớ phải đích thân hàng ngày “bốc thuốc” cho nàng “trong uống ngoài xoa” rồi dần dần “trong xoa ngoài uống”, bệnh của nàng muốn thuyên giảm là phải nghe thơ liên tục cả đêm lẫn ngày, các cậu hiểu chưa”. Dứt lời, Cầm ghé sát vào tai nàng nổ liền một tràng thơ như súng liên thanh: “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/ Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/ Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi/ Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới/ Như cánh chim trong mắt của chân trời/ Ta đã chán lời vu vơ, giả dối... Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó/Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi”.

Còn tiếp...

Nguyễn Việt Chiến


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1