Ngài Lorenzo Angeloni, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam đồng thời cũng là một nhà văn. Ông đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, trong đó Phía sau mỗi người đã được dịch sang tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam (NXB Trẻ). Là người rất quan tâm đến các vấn đề văn học, đại sứ Lorenzo Angeloni đã dành cho Báo điện tử Gia đình Việt Nam (giadinhonline.vn) cuộc trao đổi về chủ đề sách điện tử.
Thưa ngài đại sứ, có một nghịch lý là văn hóa đọc trên thế giới ngày càng suy giảm vì sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn và internet nhưng ngược lại, ngày càng có nhiều người ưa đọc sách điện tử hơn sách giấy truyền thống. Vậy ở Italia, tình hình sách điện tử phát triển thế nào?
Ở Italia cũng như các nước Châu Âu khác, sách điện tử đã góp mặt vào cuộc sống thường ngày. Hiện giờ, sách điện tử chiếm tới 20% thị phần sách ở Italia. Mặc dù Italia chưa phải là quốc gia mà thị trường sách điện tử phát triển cao nhất (vẫn đứng sau Đức và Anh) nhưng cứ 5 người lại có một người đọc ebook thì đó đã là một con số đáng kể. Những người đọc ebook nhiều nhất là ở độ tuổi 20-25.
Đại sứ Lorenzo Angeloni cho rằng ebook là xu thế của thời đại
Italia cũng như nhiều nước khác, vẫn tồn tại những tranh luận gay gắt về sách giấy và ebook. Các quan điểm được chia thành hai trường phái, một luồng ý kiến dựa theo lựa chọn của giới trẻ, họ cho rằng chỉ sau vài năm ebook sẽ chiếm lĩnh thị trường sách.
Bên còn lại công nhận sự tồn tại của ebook nhưng cho rằng, dù ebook phát triển song đối với họ sách giấy không thể thay thế, vì cảm giác cầm trên tay hay động chạm vào cuốn sách vẫn mang lại cảm xúc đặc biệt. Theo tôi, những cuộc tranh luận này sẽ còn tiếp tục kéo dài, có lẽ là nhiều năm nữa.
Còn quan điểm của ngài thì sao, với tư cách một người đọc sách?
Tôi thuộc về trường phái tin rằng sách giấy vẫn sẽ tồn tại và có chỗ đứng trong lòng người đọc. Với tôi, sự khác nhau giữa đọc sách giấy và sách điện tử chỉ là về thời gian. Với sách giấy, tất cả đều chậm. Bạn sẽ phải mất thời gian mua sách, mang nó về nhà và mở ra. Tất cả đều chậm hơn, trong khi với sách điện tử thì cực kỳ nhanh. Tôi muốn kể câu chuyện là vài năm trước tôi đi nghỉ ở Áo, ở một nơi heo hút mùa đông xung quanh toàn tuyết, tôi nói chuyện với anh bạn về một cuốn sách và chỉ trong vòng một phút, anh ấy đã tìm được nó trên mạng và bắt đầu đọc.
Bản thân ngài cũng là một nhà văn, vậy trong vai trò người viết thì sao thưa ngài. Ebook có tiện lợi hơn cho các nhà văn khi tiếp cận với công chúng?
Sách điện tử đã mở ra một cơ hội, đó là xuất bản. Vấn đề này cũng được tranh luận sôi nổi ở Italia. Nó hơi giống với các cuộc tranh luận về internet. Một buổi sáng, tôi thức dậy và viết những điều có thể là tốt hoặc xấu với cộng đồng. Không còn nhà xuất bản đóng vai trò là người cầm cân nảy mực và quyết định xem cuốn sách này có đáng để giới thiệu với bạn đọc hay không; và việc xuất bản lợi hại thế nào. Ở Italia, việc tự xuất bản rất thành công và có một cộng đồng lớn các nhà văn tự xuất bản các tác phẩm của mình trên mạng.
Và ngài đã có cuốn tiểu thuyết Phía sau mỗi người được NXB Trẻ dịch sang tiếng Việt và phát hành, sau đó nó xuất hiện với hình thức sách điện tử cũng của một công ty Việt Nam, cùng nhiều cuốn sách khác của ngài đã có mặt trên Amazon.com. Ngài so sánh tiện ích của sách giấy và sách điện tử thế nào trên phương diện tương tác với độc giả?
Tôi muốn kể lại một kỷ niệm hồi năm 2009, khi giới thiệu một cuốn sách tại một trường phổ thông trong nhiệm kỳ ở Sudan từ 2003-2007. Trong tiểu thuyết có hai nhân vật mà bạn đọc không hiểu rõ số phận sau đó như thế nào, một nhân vật bị bắt cóc và một người đứng trước lựa chọn về sự nghiệp.
Khi kết thúc buổi giới thiệu, một bạn sinh viên đã hỏi tôi về số phận nhân vật bị bắt cóc thế nào, có cứu thoát được không và thậm chí bạn ấy còn lên mạng tìm thông tin. Và, mặc dù đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết, nhưng nó cũng đã gợi sự tò mò cho bạn sinh viên này.
Kỷ niệm đó cho thấy một sự tương tác giữa người đọc và mạng internet. Khi độc giả đọc một cuốn sách, họ sẽ tìm thấy cảm xúc trong đó, ví dụ khi nhân vật nghe một bài hát thì độc giả cũng muốn nghe lại ngay bài hát đấy để thử xem cảm xúc thế nào; và thậm chí muốn ăn ngay món mà nhân vật đã ăn trong sách.
Nhờ internet, người đọc có thể tìm hiểu sâu hơn về những điều viết trong cuốn sách. Trước kia, khi kết thúc một cuốn sách hay một bộ phim, thường ở cuối hay có chữ "Hết" nhưng bây giờ thì không như thế, vì sau khi cuốn sách được gấp lại vẫn có sự tương tác giữa người đọc và tác phẩm. Điều này hấp dẫn không chỉ với nhà xuất bản mà cả với người viết. Với tất cả lợi thế ấy, sách điện tử có thể trở thành công cụ quảng bá thông tin trên mạng.
Chính vì vậy, ông Trần Trọng Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Sách điện tử Alezaa, cho rằng tới đây sách giấy sẽ chỉ còn là món quà souvenir. Ngài có thấy như vậy không khi chính ngài, với tư cách độc giả hay nhà văn đều nhìn rõ các ưu thế của sách điện tử?
Sách giấy truyền thống vẫn có những lợi thế của nó chứ. Gần đây tôi có đọc một bài viết trên báo Italia nói về sự phát triển song song của âm nhạc và sách trên mạng. Ví như thời của chúng tôi nghe đĩa than, sau đó đến thời nghe băng cát xét, đĩa CD, MP3… Đó là cuộc cách mạng về công nghệ.
Nhưng lại có một câu chuyện khác, khi cậu con trai 20 tuổi của tôi phát hiện ra tôi có tới 300 đĩa than thì nó cũng rất muốn nghe thử. Như vậy, theo tôi, còn một xu hướng khác là xu hướng quay lại với truyền thống, nhưng tôi cũng không phủ nhận xu hướng mà anh Thành nói, là tương lai thuộc về sách điện tử.
Là một nhà ngoại giao, ngài luôn có cái nhìn tổng quan về mọi khía cạnh ở nước sở tại. Vậy ngài đánh giá thế nào về xu thế sách điện tử hiện nay ở Việt Nam?
Người Việt Nam giờ đã quá quen với internet và đó chính là cuộc cách mạng khiến cho thị phần của ebook tăng cao. Sách điện tử phát triển rất nhanh ở Việt Nam, hòa chung nhịp độ phát triển nhanh khủng khiếp về mọi mặt ở đất nước các bạn.
Xin cảm ơn ngài đại sứ.
Di Li (thực hiện)