Đại tá công an kể chuyện ‘những kẻ giời hành’

14:16:00 17/06/2015
TPO - “Hình như đã sinh ra và sống ở cõi đời này, ai trong chúng ta, cũng không ít thì nhiều, không sớm thì muộn, đều bị giời hành”, đó là lời giới thiệu mở đầu cho cuốn tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” của nhà văn mặc áo lính Đặng Vương Hưng.

“Những kẻ giời hành” là cuốn sách có nội dung hư cấu, thuộc thể loại tiểu thuyết của Đại tá công an, Nhà văn Đặng Vương Hưng. Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc sống xung quanh nghĩa trang mang tên Vạn Điềm, vào thời điểm những năm 80 và 90 của thế kỷ trước. Ở đó, những nhân vật “thường dân” sống trong một xã hội thu nhỏ đầy tệ nạn và tội phạm, luôn phải vật vã đấu tranh giữa thật và giả, giữa thiện và ác.

Bìa cuốn sách "Những kẻ giời hành"
Ông Sầm, ông Hoạt, chị Xuyến, chị Thủy… là những người có số phận khác nhau. Nhưng họ lại giống nhau ở chỗ đều bị “giời hành” theo cách này hoặc cách khác, trở thành tội nhân của cuộc đời và thậm chí là tội nhân của chính mình.

Ông Sầm vốn là chàng Vệ quốc chất phác. Sau khi ra quân và về làng, người ta không còn đón nhận ông. Một phần vì những vết thương làm khuôn mặt ông biến dạng, một phần vì tính cách và công việc quản trang đã biến ông trở thành một con người khép kín đến khó hiểu. Thế nhưng trong thẳm sâu tâm hồn, ông Sầm vẫn luôn cất giữ một tình yêu đẹp như trăng sáng và sự yêu thương mòn mỏi dành cho đứa con trai nhỏ thất lạc vì chiến tranh.

Chị Xuyến vốn là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, là một cán bộ đoàn năng nổ trong những ngày kháng chiến. Bi kịch bắt đầu khi chị bị chồng nghi là kẻ chiêu hồi. Sống giữa những áp lực tinh thần nặng nề, chị Xuyến dần trở thành một kẻ mộng du, thậm chí có lúc “dâm tình”…

Khác với ông Sầm, chị Xuyến, vốn là những người có bản tính lương thiện, ông Hoạt lại là một người sống gian dối, thủ đoạn, vô lương tâm. Và câu chuyện của ông Hoạt cũng không phải là câu chuyện về một người bị dòng đời chà đạp đến thay tâm đổi tính. Hay nói chính xác hơn là ông Hoạt đã tự hành mình, chứ không phải bị “giời hành”.

Với mác “lắm tiền” của mình, ông Hoạt thường xuyên lừa tình và chiếm đoạt các cô gái trẻ, trong đó có chị Thủy – cô sinh viên mới ra trường. Oái oăm thay, con trai ông Hoạt lại đem lòng yêu Thủy say đắm. Từ đó, tấn bi kịch của ông Hoạt bắt đầu.

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng. Ông đã có nhiều năm phục vụ trong lực lượng vũ trang và là tác giả của hơn 40 cuốn sách thuộc nhiều thể loại khác nhau.
Với câu chuyện về các số phận bị “giời hành” đến thảm hại, tiểu thuyết “Những kẻ giời hành” của nhà văn Đặng Vương Hưng đã toát lên một thông điệp nhân văn sâu sắc: nếu một khi đã trót “hư” thì hãy cố gắng đừng “hỏng”. Bởi hầu như ai đã sinh ra và sống ở cõi đời này đều bị “giời hành”, không ít thì nhiều, không sớm thì muộn. Điều quan trọng là mỗi người phải biết cách vượt qua vận hạn để làm chủ số phận của mình.

Bên cạnh “Những kẻ giời hành”, nhà văn Đặng Vương Hưng còn tham gia vào quá trình xuất bản hai cuốn sách khác, cũng được NXB Công an nhân dân ra mắt trong thời gian này. Đó là hai cuốn tự truyện “Chuyện đời tự kể” của Trung tướng Lê Ngọc Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND) và “Không thể mồ côi” của tác giả Minh Vân – con gái nhà tình báo Đào Phúc Lộc, đã dành 23 năm trời lặng lẽ đi khắp thế giới để gặp gỡ tới 463 nhân chứng tìm lại thông tin về cha mình.

Bìa cuốn sách "Những kẻ giời hành"
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng. Ông đã có nhiều năm phục vụ trong lực lượng vũ trang và là tác giả của hơn 40 cuốn sách thuộc nhiều thể loại khác nhau.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1