Đàn ông đọc võ hiệp

07:30:00 14/10/2014
Đàn ông ham đọc võ hiệp, ngoài cái lỗi thất tín khi mượn sách, thì hình như họ đều là những người trung tín.

Cũng giống như thú xem bóng đá hay cái thói mê đàn bà đẹp, khá đông đàn ông thường thích đọc truyện kiếm hiệp. Cả ở Tây lẫn ở Tàu, truyện kiếm hiệp có nhiều tuyệt phẩm, chỉ riêng ở ta là cực kỳ hiếm hoi. Một trong những lý do dễ thấy là những đàn ông Việt khi đã biết chữ thì hay làm thơ, sau đấy gom thi phẩm rồi vào các văn đoàn. Cực kỳ ít những người phóng khoáng chịu chen chân tới rừng võ. Vì thế, cho dù võ lâm Việt có khá nhiều chân chính “nhất lưu cao thủ”, nhưng họ chỉ tồn tại ở truyền khẩu giai thoại, tên tuổi dần úa theo năm tháng thành mờ nhạt.

Đấy là chưa kể truyện kiếm hiệp Tàu vốn thành danh sớm, ào ạt tràn vào ta bắt nạt. Đến mức mà nhà văn tiền bối Phạm Cao Củng, một chuyên gia đầu ngành về kiếm hiệp Việt hơn tám chục năm trước đã phải tủi thân nghĩ. “Tại sao mình không viết một truyện kiếm hiệp Tàu, rồi tuy là truyện mới sáng tác, cũng cứ đề là chuyện dịch”. (Hồi ký PCC - nxb Hội Nhà Văn, trang 58). Bộ “Giang Đông tam hiệp” hay bộ “Lục kiếm đồng” do ông giả vờ dịch được “ngạo nghễ ra mắt độc giả suốt từ Bắc vào Nam, bán nhiều hơn hẳn những bộ truyện dịch chính cống”. Tờ “Tiểu thuyết nhật báo”, chủ yếu in truyện kiếm hiệp của dịch giả Văn Tuyền (bút danh của Phạm Cao Củng) bán ba xu một số thành công phi thường. Thuật ngữ “chuyện ba xu” là từ đó ra.

Có thể nói tiểu thuyết võ hiệp là một thứ tiểu thuyết duy nhất mà khi đàn ông đọc nó luôn luôn sợ hết. Sau khi Sài Gòn giải phóng, chuyện “chưởng” đủ loại, đặc biệt đáng kể là của “Cắm Dùng xếnh xáng”, vũ bão tràn ra Bắc. Khắp các vỉa hè Hà Nội người ta luôn thấy cái cảnh, một trung niên hay một thanh niên nào đó, tóc tai bơ phờ mắt mọng đỏ vì mất ngủ, đang vùi đầu nốt vào cuốn sách có bìa mầu sặc sỡ vẽ một cặp nam nữ múa kiếm mặc võ phục cổ trang. Hoặc truyện đấy là thuê, hoặc truyện đấy là mượn, rất hiếm người sở hữu được một bộ “chưởng” hoàn chỉnh tử tế. Bọn họ vừa đọc vừa thỉnh thoảng lấy tay nhấp nhấp những tờ còn lại. Quái quỉ, sao mà nó hết nhanh thế. Thật khác xa cái kiểu đọc bây giờ, người ta chỉ nhanh nhanh chóng chóng sốt ruột muốn đọc cho xong. Nói chung, đàn ông đọc võ hiệp hầu hết là những độc giả trong trắng, những người đọc sách chỉ vì mê man hứng chứ tuyệt đối không có mục đích gì.

Chuyện kiếm hiệp mà hay thì đương nhiên phải ly kỳ. Nào là trắc trở giành giật võ công bí kíp, nào là ân oán mê muội lẫn lộn tình ái. Đại hiệp hay đại đạo đều tuyệt đỉnh thông minh, nữ hiệp hay nữ ma đều phức tạp đa mưu lắm kế. Xem Sở Lưu Hương hay Lục Tiểu Phụng của Cổ Long phá án thì hồi hộp hơn hẳn những phim “Ắc sần” Holywood. Tình tiết tinh tế, câu chữ thâm hậu. Người tốt người xấu hoang mang mờ mờ trộn suốt vào nhau, chỉ đến trang cuối cùng mới vỡ òa chính tà minh bạch. Trong các cuốn tiểu thuyết trường thiên đấy, thì đệ nhất ly kỳ luôn thuộc về Kim Dung tiên sinh.

Để lý giải những hoàn cảnh ly kỳ, tiên sinh hay dùng chữ “căn” và “duyên”. Căn Duyên là chữ của nhà Phật, vì thế trong hơn một chục bộ tiểu thuyết của mình, tiên sinh hơn một lần nhắc tới một câu có vẻ “kệ”. Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nẩy. Vô tâm gieo liễu liễu xanh om. Đây không phải quy luật. Từ “căn” đến “duyên” không bao giờ có quy luật, nhưng nó có vài điều kiện tưởng như nho nhỏ. Đó là sự trong sáng vô tư của lòng vị tha, sự hy sinh cho người khác không bao giờ toan tính. Căn cơ của Lệnh Hồ Xung của Trương Vô Kỵ thì rất cao, nhưng ở gã đần Quách Tỉnh hay “cẩu tạp chủng” Thạch Phá Thiên thì rất thấp. Vậy mà nhờ thiệt thòi nhẫn nhịn rồi tao ngộ kỳ duyên, võ công của tất thẩy bọn họ đều đạt tới hỏa hầu không tưởng.

Đọc Kim Dung, nhiều độc giả đàn ông phát rồ hạnh phúc sẵn sàng “tẩu hỏa nhập ma” quên đi nhiều thứ vớ vẩn ở đời thường. Điều quan trọng nhất với họ là trong ba đêm Lệnh Hồ công tử có lĩnh hội xong Độc Cô cửu kiếm được không, và Trương giáo chủ trong khoảng khắc ngắn ngủi ấy, liệu có luyện nổi Càn Khôn nã di đại pháp. Vô phúc cho tay vợ nào đúng vào thời điểm sinh tử ấy, lại sai chồng đi đón con tan học. Bảo đảm xoong chảo sẽ bay tứ tung, mặt mũi gia đình rất dễ tan nát giống hệt như cảnh Âu Dương Tây Độc định cướp Cửu Âm chân kinh bị Vương Trùng Dương giả chết phóng cho một nhát “nhất dương chỉ”.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội hồi còn thưa người thưa tivi xe máy, thì có quá nhiều hiệu cho thuê sách kiếm hiệp. Tất nhiên, giống như những kiếp sống phù du giang hồ, những điểm cho thuê sách đấy thăng trầm trồi sụt thoắt ẩn thoắt hiện. Chủ có thể là một thiếu phụ to béo, không những thuộc lòng “Cô gái Đồ Long” mà còn có thể vanh vách đọc vã vài chương “Mùa thu lá bay” sướt mướt thê thảm của Quỳnh Dao nữ sĩ. Đó là cái cửa sổ gỗ nhỏ, sách được chuyền qua chấn song, đoạn cuối Phùng Hưng gần ra Hàng Cót. Lại có thể là một thanh niên gầy gò tóc dài, mặt buồn tủi như Thiếu trang chủ Du Thản Chi, một điểm cho thuê nhếch nhác di động (vì có quá nhiều cuốn phô tô) nhảy cóc chạy dọc phố Lý Nam Đế. Ngay cả đám có cửa hiệu khang trang hơn, thì phong độ cũng xộc xệch giống bọn “Giang Nam thất quái”, lừng danh vì nghĩa chứ không phải vì tài.

Nhưng cho thuê kiếm hiệp là việc của những năm sau này (khoảng thập niên tám mươi chín mươi của thế kỷ trước), còn buổi đầu ở Hà Nội, chỉ là do may mắn đi mượn. Người có sách cho mượn đa phần là dị nhân, trong những lần hiếm hoi được đi Sài Gòn (buôn hoặc công tác), bọn họ dám dành ra một số tiền không nhỏ chịu chơi mua hẳn một bộ “chưởng” đủ tập. Ngoài ra đa phần là “chưởng thọt”, đang đọc tập 1 bị nhẩy lên tập 6,7 là bình thường. Người mượn được sách thường thề sống thề chết là trả đúng hẹn nhưng phần lớn sai hẹn. Đàn ông ham đọc võ hiệp, ngoài cái lỗi thất tín khi mượn sách, thì hình như họ đều là những người trung tín.

Bài: Nguyễn Việt Hà

>> Đọc thêm: Haruki Murakami: Tôi viết về bạo lực, tình dục và thấy sợ


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1