5 năm sau "Cánh đồng bất tận" và 15 năm sau "Vũ khúc con cò”, Nguyễn Phan Quang Bình trở lại với "Quyên" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, với kinh phí đầu tư lên đến 22 tỷ đồng. Không thuần nghệ thuật, cũng không thiên về giải trí thương mại, Nguyễn Phan Quang Bình chọn một lối đi riêng, nhẩn nha nhưng cũng rất quyết liệt, như cách trò chuyện và làm việc của anh.
Đọc E-paper
* Điều gì ở "Quyên" cuốn hút anh, khiến anh đầu tư nhiều tâm sức và tiền bạc như vậy?
- Có lẽ, điều này bắt nguồn từ việc tôi thích làm những bộ phim dựa trên những tiểu thuyết mình đã đọc. "Quyên" của nhà văn Nguyễn Văn Thọ có rất nhiều chi tiết và nhân vật thú vị để dựng thành một bộ phim. Thật ra, hồi đầu đọc xong tôi cũng rất phân vân, không biết có nên thực hiện không vì nếu làm thì bối cảnh sẽ trải dài ở Việt Nam và cả nước ngoài.
Rồi tôi đi đi, về về giữa Đức, Tiệp và Việt Nam để thu thập thêm tư liệu, tôi đã gặp rất nhiều nhân vật như Quyên, Hùng, Dũng... và nhiều người dân lao động từ Việt Nam sang. Họ kể cho tôi nghe nhiều chuyện về họ, cứ thế, câu chuyện về nhân vật ngoài đời thật thấm dần, thấm dần, đến mức tôi có cảm giác mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện đều có thể trở thành chất liệu để tôi làm một bộ phim. "Quyên" có 50% chuyển thể từ tiểu thuyết và 50% từ những câu chuyện, những thân phận tôi đã tiếp xúc.
* Ở góc độ cá nhân, anh có hài lòng với những gì "Quyên" chuyển tải?
- Khi bắt tay vào làm bất cứ điều gì, tôi luôn cố gắng hết sức và luôn hướng tới những tiêu chuẩn tốt nhất của mình. Với "Quyên", tôi nhận thấy mình đã làm tốt khoảng hơn 90%, phần còn lại là những cảm xúc, câu chuyện của nhân vật mà tôi chưa chuyển tải được hết đến khán giả, đó có thể là do tôi chưa đủ tài năng.
* Khi phim công chiếu ở Berlin, anh thấy phản hồi của khán giả như thế nào?
- Có những khán giả đi ba, bốn trăm cây số, có người bay đến... để xem phim nên tôi lo lắm. Suốt nửa đầu phim, khán giả ngồi im khiến tôi càng lo và cảm thấy căng thẳng, không biết khán giả sẽ đón nhận như thế nào. Vì giữa phim ảnh và cuộc sống luôn có một khoảng cách, mình không thể nào đưa vào phim những chuyện theo cách chúng diễn ra. Nửa cuối phim, khán giả bắt đầu cười, khóc theo nhân vật. Xem hết phim, nhiều người bày tỏ: "Tôi đã khóc hai, ba lần...". Có khán giả còn trách tôi: "Sao cậu lại để Hùng chết? Một người tử tế như vậy thì không thể chết...".
* 22 tỷ đồng cho một bộ phim "nhẩn nha", không hài hước, không kinh dị, không "mì ăn liền", anh có thấy mình mạo hiểm và đi ngược đám đông không?
- Thực ra, câu trả lời cũng giống như "Cánh đồng bất tận". Với tôi, có hai cách làm phim: Làm cho khán giả, chinh phục họ và làm với khán giả, đồng hành với họ. Tôi chọn cách thứ hai, kéo khán giả đến với mình. Khi làm phim, với vai trò đạo diễn, tôi chỉ biết "tiêu tiền" thôi! (cười). Tôi muốn khán giả sau khi rời rạp, bộ phim vừa xem sẽ khiến họ suy nghĩ về nhân vật và sống đẹp hơn.
Ngoài ra, tôi nghĩ "Quyên" sẽ có đối tượng khán giả riêng là những người sống ở miền Bắc. Hầu như mỗi gia đình ngoài đó đều có một người thân đi lao động ở nước ngoài, thành ra tôi nghĩ thị trường miền Bắc có nhiều người muốn xem mình làm phim như thế nào.
* Nếu tôi nhớ không lầm, khi "Cánh đồng bất tận" công chiếu và thu về 18 tỷ đồng đã gây bất ngờ cho cả đoàn phim. Anh có nghĩ "kỳ tích" này sẽ lặp lại với "Quyên"?
- Đối với người làm phim, ai cũng thích khi phim ra rạp phải có đông người xem. Nhiệm vụ của đạo diễn là phải lấp đầy chỗ trong rạp, nên tôi chỉ mong có nhiều người xem và thích phim tôi làm, đó là phần thưởng lớn nhất. Về mặt tài chính, thật sự mà nói, nếu cứ lo làm sao thu hồi được vốn thì tôi sẽ không làm thể loại phim này, mà có thể làm loại phim thị trường hơn, đơn giản hơn, chi phí lại không quá cao.
Nhưng tiêu chí BHD đặt ra là cần có sự cân bằng giữa phim thương mại và phim nghệ thuật. Cùng với lớp khán giả trẻ, tôi cũng muốn hướng đến và thu hút lớp khán giả trung niên và lớn tuổi. Người làm phim bao giờ cũng vậy, luôn muốn có nhiều đối tượng khán giả xem phim mình làm. Tôi nghĩ vẫn có một lớp khán giả thích xem đa dạng thể loại phim. "Cánh đồng bất tận" đã đặt được những viên gạch đầu tiên và bây giờ chúng tôi tiếp tục hoàn thành nền móng.
* Có thể gọi sự nhẩn nha, mê đắm cái đẹp là phong cách của anh? Bộ phim thứ 4 cũng sẽ lãng đãng, nhẩn nha như vậy chăng?
- Làm phim cũng như viết văn hay sáng tác nghệ thuật, mỗi người đều tìm cho mình một phong cách. Với nghệ thuật, tôi luôn đánh giá cao sự đa dạng và màu sắc riêng của mỗi cá nhân. Tôi nghĩ đây là phong cách tôi sẽ theo lâu dài.
Có điều, sau mỗi bộ phim, mình cần rút kinh nghiệm và làm khác đi một chút, thay đổi một chút, nhưng không có nghĩa là quên đi cá tính của mình. Chẳng hạn như khi xem "Quyên", bạn sẽ thấy có những điểm khác với "Cánh đồng bất tận": nhanh hơn, tiết tấu khác hơn. Ngoài hình ảnh đẹp, tôi cũng đưa vào phim những nội dung, tình tiết làm cho nó hấp dẫn hơn.
Hy vọng nếu có cơ hội làm bộ phim thứ 4 thì tôi sẽ tiến bộ hơn chút nữa (cười).
* Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!
> Đạo diễn Huỳnh Thanh Nguyên: Tích xưa ứng ở đời nay
> Nữ đạo diễn gốc Việt làm phim cùng sao Hollywood
> Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền: 16 câu thoại và một tuyệt tác
> Đạo diễn Đức Thịnh: Tôi biết rõ con đường mình muốn đ i
HOÀNG LINH LAN (thực hiện)