Điên trong cõi tạm

01:30:00 01/10/2014
Có lẽ trong mỗi chúng ta, ai cũng đã từng có một đôi lần không làm chủ được hành vi hoặc nguồn cảm xúc bản thân. Vào khoảnh khắc ấy, chúng ta dễ bị rơi vào một trạng thái mà nói theo câu cửa miệng của dân gian là “nổi cơn điên”. Và rồi thì thông thường, cơn điên ấy cũng qua mau để trả chúng ta về với cuộc sống theo đúng nhịp độ của nó đang diễn ra hàng ngày. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử nhân loại và lịch sử thi ca thì những câu chuyện về các cơn điên phức tạp hơn ta tưởng.

Đằng sau những cơn điên ấy không chỉ là vài câu chuyện sinh hoạt thường nhật của đời sống mà nó là trăm ngàn hạnh phúc và khổ đau, vinh quang và cay đắng, được và mất, sáng tạo và tự hủy..., cho chúng ta những bài học thấm thía về kiếp người.

Điên giả

Nếu như điên thật là những cơn điên do bệnh lí, chủ thể của nó nếu được quyền quyết định sẽ không hề mong muốn, thì cơn điên giả lại là những lựa chọn mang tính bắt buộc của những số phận không may gặp phải những chuyện éo le, trớ trêu trong cuộc đời. Khi ấy, họ dường như phải chọn cách giả điên như một phương tiện hữu hiệu cuối cùng để tự cứu mình thoát khỏi hoàn cảnh (đầy nguy hiểm) của hiện tại và đỉnh điểm nhất là cứu mình thoát khỏi cái chết.

Trong bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long, có khá nhiều câu chuyện về giả điên nhưng nổi bật nhất là hai trường hợp của Ngũ Tử Tư và Tôn Tẫn. Ngũ Tử Tư vì mối thù vua Sở giết cha và anh mà phải trốn đi, trải qua trăm nghìn cay đắng, cuối cùng sang được nước Ngô nhưng không biết làm cách nào để gặp được vua Ngô, bèn xõa tóc giả điên, thổi tiêu xin ăn giữa chợ mà ca lên một khúc bi ai: “Ngũ Tử Tư! Ngũ Tử Tư/ Tấm thân lưu lạc đến bao giờ/ Chưa báo được thù cho cha, dẫu sống cũng dư/ Ngũ Tử Tư! Ngũ Tử Tư/ Một đêm lo nghĩ đầu bạc phơ...”. Thế nhưng giả điên của Ngũ Tử Tư cũng chỉ là một thủ pháp mang tính nhất thời, khi gặp được người tiến cử mình với bậc vương giả thì cơn điên cũng hết. Duy chỉ có chuyện giả điên của Tôn Tẫn mới thực sự li kì ảo diệu, là cuộc đấu trí có một không hai giữa Tôn Tẫn và Bàng Quyên.

Sau khi bị Bàng Quyên chặt chân, Tôn Tẫn giở cẩm nang của thầy mình (Quỷ Cốc tiên sinh) và bắt đầu sống một cuộc sống khác, một bộ mặt khác - bộ mặt của người điên. Lẽ dĩ nhiên Bàng Quyên cũng không dễ bị lừa. Vì thế Tôn Tẫn ngoài những hành động “thông thường” của người điên như xõa tóc, nói cười lảm nhảm, cáu giận vô cớ, đập phá lung tung còn đóng kịch đạt đến độ sẵn sàng bốc phân và đất để ăn, úp mặt xuống nền chuồng lợn bẩn thỉu, nhịn đói nhiều ngày... Khi ấy, giả điên không chỉ có ý nghĩa hành xác mà nó còn chứng tỏ một sức chịu đựng ghê gớm, một nghị lực phi thường, một ý chí sắt đá luôn được giữ vững để chờ một cơ hội mới. Giả điên được như Tôn Tẫn, quả là người hay và hiếm có trong đời vậy.

Cũng là giả điên để đối phó với kẻ thù, người phương Tây có câu chuyện về Hamlet trong vở kịch cùng tên của nhà soạn kịch vĩ đại William Shakespeare. Hamlet sau khi được cha báo mộng cũng phải giả điên để che mắt kẻ thù chính là chú ruột của mình - Claudius. Nhưng xem ra, thời gian Hamlet phải giả điên và những cuộc hành xác chàng phải chịu đựng chưa ăn thua gì so với Tôn Tẫn của phương Đông.

Có một nhân vật giả điên khá đặc biệt nữa, không thấy có trường hợp tương tự nào trong sử sách Tàu và phương Tây, đó là câu chuyện Xúy Vân giả dại trong vở chèo cổ Kim Nham của người Việt. Do không chịu được cảnh mòn mỏi chờ chồng đi học nơi xa, lại bị gã nhà giàu Trần Phương dùng mọi cách tán tỉnh, nàng đã giả điên để lừa chồng, mong chồng giải phóng cho mình để còn chạy theo người tình. Nhưng rút cục gã Trần Phương không hề cưới nàng như những gì hứa hẹn. Xúy Vân từ chỗ điên giả chuyển thành điên thật, rồi phải đi xin ăn để sống. Cuối cùng nàng nhảy xuống sông tự vẫn. Đã từng có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc đánh giá nhân vật Xúy Vân, nhưng cho đến nay, đa số mọi người đều xem nàng như một nạn nhân của xã hội phong kiến.

Điên thật

Trong phần này, chúng tôi muốn viết về những người làm các hoạt động sáng tạo (creative) và được xã hội - lịch sử nhìn nhận là điên thật (dĩ nhiên với những mức độ khác nhau). Dostoyevsky (1821 - 1881), người được coi là một trong những đại văn hào của nước Nga, tác giả những bộ tiểu thuyết lừng lẫy như Tội ác và trừng phạt, Thằng ngốc, Lũ người quỷ ám, Anh em nhà Kazamazov, được coi là mắc chứng động kinh trong suốt cả cuộc đời. Đây chính là trải nghiệm quan trọng để ông mô tả cơn động kinh của một số nhân vật trong các tác phẩm của mình như Myshkin trong tiểu thuyết Thằng ngốc hay Smerdiakov trong Anh em nhà Kazamazov. Nhiều ý kiến còn cho rằng, chính căn bệnh động kinh có thể là một nhân tố tác động đến tốc độ viết tiểu thuyết cực nhanh của Dostoyevsky.

Trong lĩnh vực hội họa, danh họa Van Gogh (1853 - 1890) được coi là người mắc những căn bệnh nặng về thần kinh bao gồm: tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn chức năng, ngộ độc màu vẽ và rối loạn chuyển hóa porphyrine cấp tính. Những biểu hiện bất thường về thần kinh có lẽ đã bộc lộ từ những năm họa sĩ mới 27 tuổi (1880), khi mà chính người cha của ông yêu cầu ông phải vào một nhà thương điên ở Geel. Vào những năm cuối đời, ông đã từng cắt đứt một bên tai trái của mình vì tình bạn tan vỡ với họa sĩ Paul Gauguin. Vào ngày 27/7/1890, Van Gogh đi ra đồng và tự bắn vào ngực trái mình bằng một khẩu súng lục. Sau đó, không nhận ra mình đã bị thương nặng, ông quay về nhà và tiếp tục hoàn thành bức tranh mang tên Chân dung Adline Ravour. Hai ngày sau, ông qua đời trên giường ngủ và để lại câu nói nổi tiếng: Nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi (La tristesse durera toujours).

Minh họa: Lê Phương

Theo tôi, một số trường hợp tự tử hoặc chết đột ngột trong giới văn chương nghệ thuật cũng ít nhiều biểu hiện những trạng thái bất thường của thần kinh. Ở đó, cơn điên bất chợt kéo đến và cũng chấm dứt cuộc đời của người nghệ sĩ. Đó là Hemingway và Kurt Cobain tự sát bằng súng lục, Kawabata tự sát bằng khí đốt, Virginia Woolf tự tử bằng cách nhảy xuống sông. Ngoài ra có thể kể đến một loạt cái chết bất thường khác của các văn tài như Jack London, Edgar Poe hay quái kiệt guitar Jimmi Hendrix... Những nghiên cứu của các nhà khoa học ở viện Karolinska (Thụy Điển) cho rằng, các nhà văn nói riêng và những người hoạt động sáng tạo nói chung có khả năng tự tử cao gấp đôi người thường, vì họ rất dễ mắc các chứng bệnh thuộc về thần kinh như trầm cảm lưỡng cực, trầm cảm đơn cực hay tâm thần phân liệt. Nhiều thiên tài trong các lĩnh vực sáng tạo đều bị coi là có các vấn đề nhẹ về thần kinh như Issac Newton (Anh), Albert Einstein (Mỹ), nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven (Đức), nhà văn George Orwell (Anh), thiên tài âm nhạc Mozart (Áo), nhà văn Hans Christian Andersen (Đan Mạch)...

Ở Việt Nam, nhà thơ điên nổi danh và điển hình nhất không ai khác ngoài Bùi Giáng. Ông không chỉ có những biểu hiện khác người từ trang phục, hành vi, ngôn ngữ, ăn uống... mà còn tự nhận mình là kẻ “điên rồ lừng lẫy”, từng chấp nhận vào trại thương điên để chữa bệnh rồi lại tự xin ra. Có vô vàn những câu chuyện, những giai thoại nói về sự điên của Bùi Giáng mà chúng ta không thể kể hết. Ông cũng nhiều lần nói về sự điên của mình trong thơ: Ông điên từ một lần đầu/ Tới lần đuôi đứt ruột rầu rĩ đau (Ông điên), Còn đâu nguyệt tỏ bên thềm/ Ôi người uống rượu còn thêm điên rồ (Người điên uống rượu)... Ngoài Bùi Giáng, văn nghệ sĩ nước Nam ta cũng còn một vài người nữa tự nhận là mình điên. Chẳng hạn nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng người Đà Lạt tự đặt cho mình nghệ danh Phước Khùng (MPK) hoặc cách đây gần 80 năm, Chế Lan Viên khi viết lời tựa cho tập Thơ điên của Hàn Mặc Tử cũng đã tuyên bố xanh rờn: “Ha ha! Chúng ta là hai thi sĩ điên rồ đây!”.

Điên như một hình tượng nghệ thuật

Nếu sống như một kẻ điên hoặc tự nhận mình điên không phải là việc khó thì đưa sự điên vào tác phẩm nghệ thuật, nâng nó lên thành một hình tượng lộng lẫy để đi vào trái tim người đọc lại là một câu chuyện không hề dễ dàng. Hàn Mặc Tử có lẽ là người đầu tiên ở nước ta đặt tên cho tập thơ xuất bản năm 1937 của mình là Thơ Điên gồm 3 phần: Hương thơm - Mật đắng - Máu cuồng và Hồn điên. Câu thơ có chữ điên nổi tiếng nhất của Hàn được nhiều người thuộc có lẽ chính là câu: Bây giờ tôi dại tôi điên/ Chắp tay tôi vái cả miền không gian. Một nhà thơ lãng mạn cùng thời với Hàn Mặc Tử là Lưu Trọng Lư cũng viết cả một bài thơ dài mang tên Tình điên: Ta hát dăm câu vô nghĩa lý/ Lá vàng bay lả vào buồng ta/ Ta viết dăm câu vô nghĩa lý/ Người điên xem đến hiểu lòng ta. Thi sĩ Đinh Hùng trong tập Mê hồn ca nhiều lần dùng các chữ điên, cuồng dại để diễn tả một thi giới kỳ ảo khác lạ của mình: Ta muốn điên vì khóe miệng em cười/ Ta cuồng dại bởi nghìn câu em nói (Ác mộng), Em giống ai? Ta điên rồi, không biết! (Hương trinh bạch), Thần chết cười trong bộ ngực điên (Gửi người dưới mộ), Vẽ mặt sầu nhân, nét bút điên (Lạc hồn ca), Xa nấm mộ chúng ta cuồng dại hết/ Để yêu tà về khóc dưới non cao (Tìm bóng tử thần).

Ở địa hạt văn xuôi, tôi cho rằng thành công nhất tới thời điểm này trong văn chương đương đại Việt Nam là tiểu thuyết Chuyện tình của người điên của Nguyễn Hiếu. Đoạn văn ấn tượng nhất chính là đoạn tả nỗi đau khổ tột cùng của công chúa Ba Na. Nàng đau xót đến mất trí, điên cuồng, làm tình với cái đầu người yêu là chàng Ly Tri bất hạnh: “Công chúa rên rỉ thì thầm, nước mắt ròng ròng. Nàng nghĩ đến khi chàng còn sống. Nàng thận trọng đặt chiếc đầu của người yêu dấu trên mặt gối. Công chúa cởi áo choàng ra, thân thể trần truồng của nàng nhấp nhoáng trong ánh sáng run rẩy của ngọn bạch lạp. Nàng bê chiếc đầu lên để cặp môi giá băng lướt trên thân thể nàng nhiều lần. Những vệt máu của chiếc đầu lâu lại đỏ rực như hoa trên khắp làn da trắng mịn của nàng”.

Văn chương thế giới cũng có những tác phẩm nổi tiếng, xây dựng thành công những hình tượng nhân vật mang chất điên. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là Don Quijote - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha của Cervantex, hai truyện ngắn cùng có tên là Nhật ký người điên của Lỗ Tấn (Trung Quốc) và Gogol (Nga). Tsekhop cũng có một truyện ngắn mang tên Nhà tu hành vận đồ đen viết về kiểu người điên mang tính vĩ cuồng...

Tóm lại, điên có thể là một cách ứng xử trong đời hoặc một cách lựa chọn trong văn chương. Lịch sử cho thấy, những nghệ sĩ có chất điên lại là những người có khả năng sáng tạo vô cùng mạnh mẽ, tốc độ làm việc của họ cực lớn và tác phẩm để lại là những gia tài vô cùng đồ sộ. Với những “người điên” ấy, hậu thế muôn đời sẽ mãi trân trọng và nâng niu...

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1