Đỗ Chu – chuyện đời, chuyện nghề

08:06:00 27/03/2015
QĐND - Theo tiểu sử, thì “Anh bộ đội” Chu Bá Bình sống hơn 10 năm ở Cục Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân (1963-1974). Từ đây, “Hương cỏ mật”, “Phù sa”, ”Vòm trời quen thuộc”, “Gió qua thung lũng”, “Thăm thẳm bóng người”, “Chén rượu gạn đáy vò”... đã cho văn đàn Việt Nam một nhà văn-Đỗ Chu với Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng ASEAN về văn học và nhiều truyện ngắn được dịch ra tiếng nước ngoài. 10 năm khoác áo lính có vai trò gì trong văn nghiệp của ông? Mà Cục Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã làm thế nào để bên cạnh Đỗ Chu còn có cả Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Dương Duy Ngữ, Lưu Quang Vũ...? Họ "đào tạo" ra các ông ư? Những ký ức thú vị thời đó của ông?

- Thực ra, tôi viết văn từ khi học năm cuối phổ thông cấp III Hàn Thuyên ở Bắc Ninh. 3 cái truyện ngắn viết ngày ấy - Hương cỏ mật, Mùa cá bột và Thung lũng cò - đã được đăng từ cuối năm 1962 trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ).

Tháng 7 năm 1963, học xong phổ thông, tôi nhập ngũ, vào E228 pháo phòng không. Cuối năm 1963 đầu năm 1964, Tạp chí VNQĐ đưa 3 truyện ngắn vừa nói vào xét giải và trao giải nhất cho Hương cỏ mật. Có hai người được giải nhì đợt ấy, sau này đều là Thiếu tướng: Anh Dũng Hà với truyện Gió bấc, anh Lâm Phương với truyện Rừng sâu. Anh Dũng Hà sau là Tổng biên tập Tạp chí VNQĐ. Anh Lâm Phương quê miền Nam, sau khi đoạt giải, vào Nam chiến đấu rồi trở thành Phó chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, phụ trách phía Nam. Cả hai anh giờ đều đã mất! Lúc trao giải, tôi là binh nhì, được đứng giữa hai anh ấy. Thế là quân đội nói chung và Tạp chí VNQĐ nói riêng đã yêu tôi, che chở, nâng đỡ tôi, ngay từ những ngày đầu nhập ngũ, những bước đầu văn nghiệp.

Nhà văn Đỗ Chu

Trong năm đầu ở E228, tôi viết thêm được 3 truyện ngắn nữa, cộng với 3 cái viết thời học sinh là 6 truyện. Tháng 12-1964, Binh chủng Phòng không sáp nhập với Không quân, thành ra Quân chủng PK-KQ. Sau Tết 1965, tôi được điều về Cục Chính trị Quân chủng. Lúc bấy giờ, Mỹ đã ném bom miền Bắc gần nửa năm. Cả nước đã là chiến trường. Công việc của tôi ở đây là đi viết gương chiến đấu trong quân chủng cho các báo, còn việc viết văn là việc của riêng mình. Ngày ấy, ai lại biên chế rồi trả lương cho một anh lính chỉ để anh ta ngồi viết văn bao giờ? Rồi tôi được cử đi học khóa 2 Trường Viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam. Khóa 1 là khóa của các anh như Nguyễn Quang Sáng... Ở đây, tôi hoàn thành tập Phù sa, gồm 6 truyện nói ở phần trên và 3 cái nữa (Chiến sĩ quân bưu, Chân trời, Gia đình người đi xa), tổng cộng là 9 truyện. Đến năm 1969, tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, cùng với anh Nguyễn Minh Châu, lúc ấy vừa viết xong Cửa sông.

Năm 1974, tôi được điều về Tạp chí VNQĐ và 8 tháng sau thì chuyển ngành, sang hẳn Hội Nhà văn Việt Nam. Việc chuyển cũng đơn giản: Ông Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký Hội lúc ấy, đi cái Mát-xcơ-vích cà tàng màu trắng đến, bảo: “Tớ sắp đi B, thay mặt Đảng-Đoàn-Hội Nhà văn, mời Chu chuyển về Hội”. Về Hội, tôi ở Tổ Sáng tác, cùng với các “lão làng” như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan...

Nghĩ lại, nếu 3 cái truyện ngắn viết thời học sinh, nhỡ mà bị các biên tập viên của VNQĐ không thích hay tình cờ bỏ qua, thì sao tôi có thể sớm trở thành nhà văn thế được? Ở chỗ này, cứ như trời định vậy! Tôi nói thế, vì chính tại Tạp chí VNQĐ đã xảy ra một chuyện: Ông Từ Bích Hoàng, Phó tổng biên tập, tình cờ nhặt được một tờ giấy bỏ đi, lại tẩn mẩn đọc bài thơ chép trên tờ giấy ấy, thấy bài thơ hay bèn cầm vào tòa soạn, trách ông biên tập viên, sao thơ hay thế này mà lại vứt đi của người ta? Thế là bài thơ được đăng. Xem thế thì đủ biết, làm gì, muốn gì, đâu cứ phải do mình nhăm nhăm mà được. Viết văn lại càng thế. Dạy nhau được ít thôi. Tự mình lo, tự mình học ở cuộc đời là chính. Được hay không còn phải nhờ giời nữa.

Thế là, nghiệp văn tìm tôi khi tôi còn là học sinh phổ thông. Lúc về Cục Chính trị Quân chủng PK-KQ, tôi mới cùng đơn vị với Dương Duy Ngữ, Nguyễn Khắc Trường (Thao Trường), Nguyễn Trí Huân và một số anh em khác. Đến khoảng 1965-1966 gì đó thì thêm Lưu Quang Vũ.

Có thể nói rằng, Tạp chí VNQĐ, Cục Chính trị Quân chủng PK-KQ chính là “Quê quán văn học” của tôi, của Đỗ Chu. Tôi rất biết ơn những năm tháng quân ngũ ấy.

- Suốt đời, chỉ thấy ông viết truyện ngắn, tùy bút và bút ký, gần đây lại còn làm thơ nữa, nhưng chưa hề thấy ông viết tiểu thuyết! Ông “chưa” hay “không” viết tiểu thuyết? Tại sao vậy? Theo ông, để trở thành một nhà tiểu thuyết, người ta cần những phẩm chất nào? Ông có thích đọc tiểu thuyết không? Ông thích những nhà văn nào?

- Không hẳn thế! Khoảng 1972-1973, tôi có viết một cuốn tiểu thuyết, tên nó là Đám cháy trước mặt, nhưng không hay. Chính tôi cũng thấy nó không hay. Qua đó, tôi biết cái “tạng” tôi không hợp với tiểu thuyết. Từ đó tôi không viết tiểu thuyết nữa. Nhưng thiếu gì nhà văn nổi tiếng mà không viết tiểu thuyết? Ví dụ như Sê-khốp và Bu-nhin của Nga, Lỗ Tấn của Trung Hoa, A-na-tôn Phờ-răng của Pháp v.v.. Và, vì không phải là nhà tiểu thuyết, nên tôi không biết nhà tiểu thuyết cần những phẩm chất gì. Tôi cũng thích đọc tiểu thuyết. Theo tôi thì, tiểu thuyết ở ta, trước đây có Số đỏ đáng gọi là hay. Ngoài nữa thì tôi chưa thấy có, “hay hơn nhau” thì có, nhưng “hay” thì chưa! Ta cứ thường hay tự khen nhau. Nhưng thôi, đó là việc của các nhà tiểu thuyết. Họ phải cố lên. Tiếc rằng trong văn chương, cố chưa chắc đã được.

- Theo ông, văn chương ta có cần “cải cách” không? Nếu có, thì nên làm thế nào? Ông có quan niệm riêng của mình về văn chương không?

- Về sự “cải cách” hay “đổi mới” văn chương thì mỗi nhà văn, dù ở bất cứ đâu, viết cái sau phải mới so với cái trước, không được lặp lại. Đó là bổn phận của anh ta. Nếu không, tức là không sáng tạo nữa. Mà với văn chương, theo tôi, “Viết thế nào?” quan trọng hơn là “Viết cái gì?”. Giỏi thì viết cái gì cũng hay. Nhà văn là phải đổi mới ngay khi cuộc sống vô cùng trì trệ. Đổi mới được làm bằng đau đớn và lịch sự. Nếu không, rất dễ thành kẻ chửi đổng, chửi đời. Đổi mới lấy được, đổi mới phi văn học thì dễ thành kẻ mị dân, cơ hội; là thiếu văn hóa, trong đó có văn hóa chính trị. Cũng không phải cứ trẻ là đổi mới, già là bảo thủ. Ai mà rồi chả già đi? Nếu không tự đổi mới bằng chính tác phẩm của mình, thì sau này, lại đổ lỗi cho... tuổi chăng? Mà cũng lạ lắm! Đổi mới, có khi chỉ đơn giản là quay trở về với những nguyên lý ban đầu. Không phải cứ phá cũ, chửi cũ thì là mới. Tất nhiên, vì đổi mới không bao giờ dễ nên không có nhiều mới lắm đâu. Chỉ những ai thường xuyên và lặng lẽ đổi mới từng trang viết của mình, vượt được qua chính mình, thì mới thành.

- Vừa rồi, Hội Nhà văn Việt Nam đã có “Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3”. Trung tâm Dịch thuật của Hội cũng đã vận hành. Ông mong chờ gì từ những sự kiện ấy?

- Quảng bá thì cứ phải làm, nhưng nếu văn chương ta chưa hay thì đừng mong thế giới họ thích. Kể cả với những cái đã hay, có dịch hay ra tiếng nước ngoài được không, lại là chuyện khác. Trong công việc này, tôi không tin tưởng lắm! Dịch xuôi văn tây sang văn ta rất khác với dịch ngược văn ta sang văn tây. Cứ lặng lẽ mà làm. Càng ầm ĩ càng vô duyên. Giống như ngành thơ của các ông ấy, “ngày thơ” thì tốt và vui, nhưng thơ hay là ở chỗ từng người lặng lẽ, cô đơn mà làm.

- Xin cám ơn ông!

ĐỖ TRUNG LAI (thực hiện)


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1