Gia-rô-xláp Ha-sếch, bậc thầy trào phúng

11:16:00 21/11/2014
QĐND - Chỉ sống trên dương thế 40 năm, 15 năm trong số đó dành cho sáng tác, nhưng hiếm có nhà văn nào có nhiều trải nghiệm đời sống và số lượng tác phẩm đồ sộ, kèm theo là chất lượng tác phẩm vẫn còn có thể làm độc giả ngày nay say mê như nhà văn trào phúng Séc Gia-rô-xláp Ha-sếch (Jaroslav Hašek, 1883-1923).

G. Ha-sếch sinh ngày 30-4-1883, tại Pra-ha, trong một gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật. Gia đình G. Ha-sếch luôn lâm vào cảnh nghèo túng, đến mức có lúc ông phải tạm nghỉ học. Tốt nghiệp trung cấp thương mại năm 1902 nhưng G. Ha-sếch lại chọn con đường làm báo và viết văn. Với cá tính ưa xê dịch, thích giao du, G. Ha-sếch không mấy khi ở nhà mà thường đi đến các phố xá, nhiều khi đi du hý nước ngoài. Thậm chí, trong 5 năm (1915-1920), ông đã gia nhập quân đội đế quốc Áo-Hung tham gia chiến đấu ở châu Âu trong Đệ nhất Thế chiến.

Cuộc sống nhiều biến động như vậy nhưng G. Ha-sếch vẫn để lại hơn 1000 truyện ngắn và tản văn, đặc biệt là bộ tiểu thuyết 900 trang mới chỉ viết dang dở đến tập 3 Quãng đời phiêu bạt của anh lính Xvây. Năm 1921, khi xuất hiện tập 1 bộ tiểu thuyết, dư luận lúc đó đánh giá là cột mốc của “một cuộc cách mạng trong văn học”. Nhà văn, nhà phê bình văn học G. Phu-xích cho rằng: “Anh lính Xvây là kiểu nhân vật hài hước điển hình được sáng tạo để chống lại chiến tranh phân chia thị trường của các nước đế quốc”. Đến nay, Quãng đời phiêu bạt của anh lính Xvây vẫn được xem là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Séc khi được dịch ra hơn 60 thứ tiếng.

Trừ bộ tiểu thuyết về anh lính Xvây được sáng tác trong những năm cuối đời, còn lại trước đó, G. Ha-sếch chủ yếu viết truyện ngắn bởi sáng tác thể loại này tốn ít thời gian, có thể viết bất cứ ở đâu, rất phù hợp để đăng báo. Giai thoại về G. Ha-sếch cho biết, ông là người có khiếu hài hước, nói chuyện thông minh và dí dỏm. Đồng thời, ông lại có trí nhớ rất tốt, không cần ghi chép những chuyện thường ngày. Hai yếu tố này phải chăng đã dẫn ông đến con đường chuyên sâu sáng tác truyện ngắn trào phúng?

Kể từ thời Phục Hưng (bắt đầu từ thế kỷ XIV), khi ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo lên toàn châu Âu không còn nặng nề, yếu tố trào phúng xuất hiện và dần trở nên quen thuộc. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thời đại mà G. Ha-sếch sống, bất cứ điều gì cũng có thể giễu cợt, không còn điều gì cấm kỵ nữa nên G. Ha-sếch thỏa sức sáng tác. Vì vậy, người đọc nhận thấy đề tài trong các truyện hài hước của G. Ha-sếch rất đa dạng: Chuyện đời sống xã hội, chuyện sinh hoạt đời thường, chuyện yêu đương, chuyện trẻ em và cả chuyện loài vật.

Điểm chung các truyện ngắn của G. Ha-sếch là đậm chất hiện thực; tính hiện thực đậm đến nỗi có cảm giác như ông không sáng tạo gì, bê nguyên xi một câu chuyện khôi hài mới xảy ra ngoài đường phố Pra-ha rồi kể cho độc giả. Tuy nhiên, để sáng tạo ra những truyện ngắn khôi hài hay mà dễ đọc, dễ hiểu là cả một nghệ thuật tự sự công phu. G. Ha-sếch luôn làm chủ được ngòi bút, ông biết mở đầu hấp dẫn ra sao, sử dụng chi tiết gây cười ấn tượng và quan trọng là biết tiết chế để dừng lại đúng lúc khi đã đạt đến hiệu quả nghệ thuật như mong muốn. Các truyện ngắn của G. Ha-sếch đi theo lối cổ điển khi trình bày sự kiện, mang lại một ý nghĩa điển hình, thông qua việc tạo dựng kịch tính rồi bất ngờ “mở nút thắt” như trong diễn biến một vở kịch. Vì thế, đọc truyện ngắn của G. Ha-sếch luôn cảm thấy thú vị!

Có thể tạm chia ra ba tính chất trào phúng chính trong truyện ngắn của G. Ha-sếch: Loại thứ nhất dừng ở mức khôi hài như truyện ngắn Lòng tận tụy của ông Xtê-phan Blích - người thu tiền cầu Pra-ha. Nhân vật trong truyện là ông lão Xtê-phan Blích, do tinh thần công vụ quá cao, đôi khi cứng nhắc vì thu mấy xu tiền phí của người qua cầu mà chết đuối. Nhà văn không có ý giễu cợt nhân vật mà chỉ cường điệu, phóng đại để người đọc thấy nhân vật hành động quá kỳ quặc. Tiếp theo là truyện dạng mỉa mai, giễu cợt, điển hình là truyện ngắn Câu chuyện đời. Câu chuyện về nhà tư bản Uy-li-am ngăn cản cô con gái Lô-ty lấy một anh chàng mà ông cho là ngốc nghếch, chẳng làm được trò trống gì trong tương lai. Rút cuộc, anh chàng mà ông cho là ngốc lại ma mãnh, xui khiến cô gái cuỗm hết tiền bạc của ông Uy-li-am và bỏ trốn theo anh ta. Cuối cùng thuộc loại truyện châm biếm, tố cáo và lên án như truyện Cái phất của nhà nông. Truyện kể về ông nông dân nuôi lợn tên là Xút-đao nhờ may mắn mà có danh vọng, có chân trong Nghị viện, được dân chúng kính nể.

Sau G. Ha-sếch, người ta còn gặp phong cách viết truyện ngắn hài hước tương tự ở nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng A-dít Nê-xin (1915-1995). Có thể với những người đọc chuộng lạ, chuộng mới ngày nay không còn đánh giá cao phong cách truyện ngắn trào phúng của G. Ha-sếch, nhưng không ai có thể phủ nhận giá trị của tính trào phúng giúp con người thức tỉnh, nhận ra cái dở, cười vào cái chưa tốt để vươn lên hoàn thiện bản thân. Vì thế, người Séc luôn xem G. Ha-sếch là nhà văn lớn của dân tộc. Trên bình diện thế giới, năm 1983, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của G. Ha-sếch, UNESCO đã ghi nhận tên tuổi và sự nghiệp của ông thuộc hàng danh nhân văn hóa thế giới.

TRẦN HOÀNG HOÀNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1