Vẫn là cô gái đó, vẻ bề ngoài đó nhưng khi theo đuổi đam mê, Lê Châu Bảo Ngọc, chủ nhân của tấm vé đến thăm châu Âu sau cuộc thi “Điều gì làm bạn ấn tượng nhất về châu Âu, hãy viết ra và giành vé máy bay đến thăm thủ đô Brucxen” lại trở nên mạnh mẽ, quyết liệt.
Yêu châu Âu bởi tình yêu nghệ thuật
Vốn là học sinh ban A nhưng từ nhỏ, Bảo Ngọc đã có một tình yêu đặc biệt với văn học. Từ khi 12 tuổi, những cuốn tiểu thuyết kinh điển của văn học châu Âu, như: Thằng gù Nhà thờ Đức bà; Đôn Kihôtê, nhà quý tộc tài ba xứ Mancha; Bá tước Môngtơ Crixtô… đã được cô bé nghiền ngẫm kỹ. Lên THPT, Ngọc bắt đầu làm quen với những cuốn sách thuộc dòng tiểu thuyết Gothic, như Đồi gió hú…
“Lấy bối cảnh là những lâu đài hay tu viện mang kiến trúc Gothic, dòng tiểu thuyết này thường nhấn mạnh sự ma mị, bí ẩn, rùng rợn. Không giống với luân lý thông thường, vậy mà tại sao nó có sức hút và nổi tiếng đến vậy? Mình luôn tò mò tìm hiểu để cảm nhận sự đa dạng trong văn hóa của châu Âu”, Ngọc tâm sự.
Lê Châu Bảo Ngọc nhận giải Nhất cuộc thi viết "Điều gì làm bạn ấn tượng nhất về châu Âu, hãy viết ra và giành vé máy bay đến thăm thủ đô Brucxen" do báo Sinh Viên Việt Namvà Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU. Ảnh: Dương Triều
Lê Châu Bảo Ngọc nhận giải Nhất cuộc thi viết “Điều gì làm bạn ấn tượng nhất về châu Âu, hãy viết ra và giành vé máy bay đến thăm thủ đô Brucxen” do báo Sinh Viên Việt Namvà Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – EU. Ảnh: Dương Triều
Cũng từ khi còn rất nhỏ, Ngọc theo học trong ca đoàn của nhà thờ và làm quen với âm nhạc cổ điển châu Âu. Cô cũng bắt đầu say mê tìm hiểu về cuộc đời những danh họa nổi tiếng và tác phẩm của họ.
Mẹ vốn là một giảng viên Pháp văn, nên ngay từ nhỏ, cô đã được khuyến khích xem, đọc và học mọi thứ về nghệ thuật từ cổ đại, trung đại cho đến đương đại của các nước ở châu Âu. Từ hội họa Phục hưng, văn học, kịch cho đến âm nhạc.
Mọi loại hình nghệ thuật gắn kết và luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với Ngọc. “Tôi yêu châu Âu, đơn giản bởi bẩm sinh đã mang trong mình tình yêu to lớn với nghệ thuật. Mà châu Âu là vùng đất sản sinh ra những kiệt tác để đời trong hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật”, Ngọc lý giải.
Theo đuổi đam mê
Ngọc chia sẻ, khi bắt đầu cảm nhận được sự sống và hơi thở dậy lên trong mỗi bức tranh thời Phục hưng, hay một bức ảnh chụp nhà thờ trong ánh bình minh, cũng là lúc cô muốn tạo nên những khung hình động để cuộc sống thật sự hiện ra trước mắt. “Trên tất cả, tôi biết mình có một tình yêu đặc biệt dành cho điện ảnh”. Học xong phổ thông, Ngọc bày tỏ ước mơ trở thành đạo diễn điện ảnh nhưng ba kịch liệt phản đối.
Từ nhỏ, sức khỏe của Ngọc không được tốt nên lúc nào ba cũng muốn bao bọc, chọn cho con gái con đường an toàn. Chiều ba, năm đó, Ngọc thi vào trường ĐH Luật TP. HCM, tuy đỗ nhưng cô bị suy nhược cơ thể, phải ở nhà một năm.
Không có cảm hứng với sự nguyên tắc của ngành Luật, Ngọc quyết định thi lại đại học và bị ba thuyết phục học Kinh tế để về tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Một lần nữa, Ngọc lại chiều lòng ba nhưng giấc mơ điện ảnh vẫn chưa hề nguôi ngoai trong cô. Theo học Kinh tế được hơn một năm, Ngọc giấu gia đình, thi và đỗ vào khoa Đạo diễn, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP. HCM, với điểm số cao. Vậy là, trong khi bạn bè cùng trang lứa sắp sửa ra trường đi làm, Ngọc bắt đầu một chặng đường mới để theo đuổi đam mê.
Tuy chấp nhận cho con theo học Điện ảnh nhưng tới giờ, ba vẫn hằng ngày đưa đón Ngọc bởi ông vẫn ám ảnh về tai nạn giao thông Ngọc gặp phải. “Mọi người vẫn hay nói học đạo diễn mà nhìn mình yếu ớt, được bao bọc vậy thì sao làm nổi! Bởi vậy mình chỉ còn cách chứng tỏ qua kết quả học tập, qua tác phẩm thực tế”.
Giấc mơ Cannes
Ngoài việc không ngừng trau dồi kiến thức, hằng năm, Ngọc theo chân các đoàn tình nguyện của Úc, Mỹ về các miền quê của Việt Nam từ thiện. Những chuyến đi khắp đất nước đã cho Ngọc thêm chất liệu hiện thực, tuy xù xì, gai góc nhưng thấm đượm tình người. “Văn hóa Việt Nam cũng vô cùng đa dạng.
Muốn đưa phim Việt Nam ra thế giới thì ngoài hiểu người, mình cũng phải hiểu rất rõ về mình. Còn ở đâu cũng đề cao tính chân, thiện, mỹ, đề cao tính nhân văn và tình cảm cao đẹp giữa người với người. Mình tin là khi làm được điều đó, tiếng nói của mình sẽ nhận được nhiều sự đồng cảm”.
Trong thời gian học ở trường, Ngọc xin theo các đoàn làm phim học việc. Từ năm 2012 – 2014, Ngọc còn tham gia làm trợ lý đạo diễn, trợ lý sản xuất cho những vở kịch nước ngoài của nhóm Dragonfly Theatre, như: Hoàng tử bé, Mối quan hệ nguy hiểm… Cô cũng đã có một số phim ngắn đầu tay, như: Ngôi sao nhỏ, 24h ở phố Tây Sài thành, Chỉ cần vậy thôi…
Trước đây, Ngọc từng nghĩ điện ảnh Việt Nam không thể dung hòa được hai yếu tố thương mại và nghệ thuật nhưng vài năm trở lại đây,thành công của một số đạo diễn trẻ đã trở thành động lực giúp cô tin tưởng hơn vào con đường mình chọn.
“Nhìn khán giả Sài Gòn đón nhận những bộ phim như: Đập cánh giữa không trung, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng… mình cảm thấy như được tiếp thêm động lực. Khi khán giả khó tính hơn, có yêu cầu cao hơn thì những người làm phim cũng phải hoàn thiện mình và tác phẩm hơn”.
Chia sẻ về chuyến đi châu Âu tới đây, Ngọc cho biết, cô sẽ tranh thủ cơ hội để tìm bản gốc của những cuốn tiểu thuyết kinh điển, tham quan các bảo tàng, chụp lại những tác phẩm hội họa và cảm nhận không gian bình yên, cổ kính của châu Âu…
“Đây sẽ là những chất liệu sống quý giá cho quá trình làm phim trong tương lai của mình. Một ngày nào đó, mình mơ sẽ có mặt tại Cannes trong tư cách một đạo diễn Việt Nam có phim được đề cử tranh giải. Ước mơ đó có thể quá xa xôi nhưng tại sao lại không? Việt Nam cũng đã có nhiều tác phẩm điện ảnh tỏa sáng ở trời Âu”.
Điều Ngọc mừng nhất hiện nay là cô đã được gia đình, đặc biệt là ba ủng hộ theo đuổi đam mê. Một số bộ phim ngắn do Ngọc thực hiện cũng đã có ba xuất hiện trong vai trò chủ nhiệm và diễn viên. Cô chia sẻ, thực ra, tình yêu nghệ thuật của mình được khơi nguồn từ chính tình yêu nghệ thuật của ba mẹ.