Hai khối tình: Câu chuyện đòi quyền bình đẳng

15:59:00 29/01/2015
(TGĐA Online) - Được biên kịch Phạm Thùy Nhân chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh, câu chuyện phim Hai khối tình diễn ra ở Sài Gòn vào những năm cuối 1930, kể về chuyện tình của cô tiểu thư mang trong mình khát khao đòi quyền bình đẳng nam nữ cùng hai người đàn ông có tính cách hoàn toàn đối lập nhau, tạo nên một tam giác tình cảm gay cấn. Phim 30 tập do đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty Sóng Vàng sản xuất, phát sóng lúc 20h00 từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần trên HTV7, bắt đầu từ ngày 29/01/2015.

(TGĐA Online) - Được biên kịch Phạm Thùy Nhân chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh, câu chuyện phim Hai khối tình diễn ra ở Sài Gòn vào những năm cuối 1930, kể về chuyện tình của cô tiểu thư mang trong mình khát khao đòi quyền bình đẳng nam nữ cùng hai người đàn ông có tính cách hoàn toàn đối lập nhau, tạo nên một tam giác tình cảm gay cấn. Phim 30 tập do đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty Sóng Vàng sản xuất, phát sóng lúc 20h00 từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần trên HTV7, bắt đầu từ ngày 29/01/2015.

Tam giác tình cảm gây cấn

Bà phán Lan góa phụ có con gái tên Cúc, vừa đậu bằng Thành Chung. Cô yêu thích văn chương, viết được cuốn tiểu thuyết là Mảnh gương trinh và có ý định in thành sách. Trạng sư Xương có là Génie Céleste cũng là một nhà văn lai Pháp. Họ lấy nhau được 8 năm thì bà qua đời. Ông Xương nuôi dạy hai con trai nên người. Vốn để ý cô Cúc từ trước, nên khi biết cô đã đậu bằng Thành Chung, trạng sư Xương bèn đến nhà xin phép tiến tới hôn nhân. Bà Phán Lan rất ưng trạng sư Xương làm con rể vì ông là người thành đạt, lại sẵn có cơ ngơi, nhà cửa. Nhưng cô Cúc không chịu trạng sư Xương, vì đã có ý trung nhân là thầy Hoàng. Bà Phán thấy cô Cúc từ chối tình cảm ông Xương vô cùng tức giận.

Quen nhau qua mai mối bởi cô Hồng, thấy Hoàng đẹp trai, trẻ tuổi lại rất chiều chuộng cô Cúc. Nghĩ thầy Hoàng yêu mình, nên cô Cúc tính lấy bằng Thành Chung xong, rong chơi vài tháng rồi về làm vợ thầy Hoàng. Không ngờ, mộng văn chương lại dẫn cô đi lòng vòng mà vô tình phải vào tù. Trong khi cô Cúc không kêu oan mà còn nhận đâm chết ông Thái Dương - một điền chủ ở Rạch Giá, để bảo toàn trinh tiết, thì trạng sư Xương dù biết cô không đáp lại tình cảm của mình nhưng vẫn một lòng hy sinh tất cả để cứu cô khỏi vòng lao lý. Còn thầy Hoàng thì lộ rõ bản chất của kẻ sở khanh, không những giáng họa cho cô Cúc, mà còn âm mưu về quê lấy cô Lựu- con gái của điền chủ Thái Dương để hưởng gia tài… Xoay quanh “hai khối tình” của cô Cúc và trạng sư Xương còn là bao phận đời khác của cô Kim, cô Thanh Châu, thầy An, bà Thụy Ân, Mẹo, cô Ba Hường…trong việc đi tìm sự bình đẳng giới, và hạnh phúc thực sự từ sự rung động của trái tim mình… làm nên bức tranh khá sinh động, nhiều màu sắc và hấp dẫn về cuộc sống, suy nghĩ của con người và xã hội thời ấy…

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum chia sẻ... anh đã có gần 20 năm gắn bó với khoảng chục bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Hai khối tình có nội dung gay cấn, hấp dẫn vì những mâu thuẫn có tính căn bản của đời sống như: yêu – ghét, ích kỷ - tử tế, biến chất - phục thiện, tình yêu - vật chất… Hình tượng nhân vật được khắc họa rõ nét về nhân diện, cụ thể về tính cách, chính xác về tâm lý… Như nhiều bộ phim đề tài xưa khác, Hai khối tình cũng gặp nhiều gian truân trong việc phục dựng bối cảnh và đạo cụ cho ra “hồn xưa”. Bởi phim có cốt truyện chủ yếu ở thành thị, nên ê kíp làm phim phải tìm kiếm gần 20 căn nhà xưa với đồ dùng trong nhà, cùng một số đường phố có nhiều nhà cổ, và những chiếc xe hơi, xe đạp, xe mobilet, xe kéo… giống thời 1930. Những cảnh quay ngoại của Hai khối tình rất “trần ai” khi mà nhà cao tầng, đường dây điện, cột ăng ten giăng khắp nơi. Với kinh nghiệm lâu năm, đạo diễn Hồ Ngọc Xum và ê kíp đã phục dựng một số cảnh nội ở phim trường Thi Sách của Hãng phim Giải phóng, Gò Công (Tiền Giang) và chọn một số nơi ở quận 9 (TP. Hồ Chí Minh), Bình Dương, Đà Lạt… để quay cảnh ngoại.


Quỳnh Lam và Hà Trí Quang “ lột xác”

Hóa thân thành cô tiểu thư tên Cúc xinh đẹp, mê văn chương và bướng bỉnh, dám nghĩ dám làm và đấu tranh đến cùng vì tình yêu của mình giữa nhiều biến cố xã hội… Quỳnh Lam như được “lột xác”. Trước đó, khán giả đã tốn nhiều nước mắt cho số phận bi thảm và sự hiền lành nhẫn nhịn của nhân vật Tốt trong bộ phim Khóc thầm (kịch bản chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh) do cô thủ vai. Chính vì vậy, Quỳnh Lam cho biết, cô thật sự hứng thú với vai Cúc vì được thể hiện sự đa dạng nhiều hơn trong diễn xuất, chứ không chỉ diễn những cảnh bi lụy đau thương.

Hà Trí Quang kể, vai chính đầu tiên của anh là trong phim Tại tôi (kịch bản chuyển thể từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Bởi vậy, khi giao vai cho Hà Trí Quang trong phim Hai khối tình , đạo diễn Hồ Ngọc Xum đã gợi ý cho anh thay đổi hình tượng, không vào vai chính diện nữa. Nhân vật thầy Hoàng của Quang tuy bảnh bao nhưng có bao nhiêu tính xấu: ăn chơi, lừa gạt, bỏ vợ, mê gái, bài bạc, vì tiền hơn tình nghĩa. Đã có kinh nghiệm đóng phim xưa, cùng sự chỉ dẫn khá kỹ của đạo diễn, nên Hà Trí Quang nhập vai rất thoải mái, tự nhiên. Thời điểm quay Hai khối tình , Quang cũng đang tham gia một phim hiện đại. Nhiều lúc đến điểm quay của phim kia, anh luôn bị nhắc nhở bởi quen với cách diễn từ từ, chậm rãi ở Hai khối tình

Phim có sự tham gia của các diễn viên Hoàng Phúc, Quỳnh Lam, Nguyệt Ánh, Thanh Hiền, Hà Trí Quang, Mạnh Hùng, Hồ Giang Bảo Sơn, Thiên Hương, Châu Thế Tâm, Minh Thảo , Tuyết Thu, Kim Huyền, Duy Khánh, Diệu Hân …

Hồng Liên


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1