Hồi ức của nữ cận vệ tham gia chiến trường từ năm 13 tuổi

09:40:00 12/05/2015
Cuộc đời của nữ cận vệ Nguyễn Thị Ngọc Loan được bạn bè ví như một cuốn tiểu thuyết đầy cảm động. Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 13 tuổi, cô bé sau này có biệt danh Loan “chính phủ” liền đi theo tiếng gọi trái tim, của lòng quả cảm, gan dạ, sắt đá...
Bà Loan (thứ 2 từ phải qua) trong Đại hội Chiến sĩ Thi đua dũng sĩ Thanh niên xung phong lần 2.

Bằng những thành tích vượt trội, cộng với sự nhanh nhẹn, dễ mến nên cô được cấp trên tin tưởng giao trọng trách sát cánh bên những vị lãnh đạo cao cấp. Khi hoàn thành sứ mệnh ấy, về với đời thường, cô tranh đấu với cuộc sống cũng chẳng khác gì ngoài mặt trận, gian nan và khó nhọc.

Nữ thanh niên xung phong trẻ tuổi sắt đá

Gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Loan (SN 1950, biệt danh Loan “chính phủ”) trong căn nhà nhỏ nơi sinh sống ở tổ 25, ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), được nghe bà tâm sự về cuộc đời lắm thăng trầm, cái được thì ít, mất mát thì nhiều, nhưng trong bà vẫn luôn tràn đầy nhựa sống cho dù bà đã bước qua tuổi lục tuần.

Bà sinh ra trong gia đình nghèo khó có bốn anh em, được cha mẹ đặt cho cái tên Phạm Thị Cái. Người anh của bà Cái sớm thất lạc gia đình, đến năm bà Cái 12 tuổi thì mẹ mất. Năm bà 13 tuổi thì ba cũng đi theo mẹ, bỏ lại ba anh em bà bơ vơ, đói khát.

Đang trong lúc không biết cuộc sống đi về đâu thì cô bé Cái được một nữ du kích gợi ý đi bộ đội. Đánh trúng vào ước mơ của cô bé Cái, nên khi mới chỉ nghe gợi ý của cô du kích, bé Cái không hề đắn đo và quyết định luôn khi mới bước sang tuổi 13.

Cô du kích thấy tên Phạm Thị Cái với quá khứ buồn tủi, thì đặt lại tên là Nguyễn Thị Ngọc Loan. Không chỉ có vậy, với vóc dáng nhỏ bé và còn nhỏ tuổi nên bị đưa đẩy suốt:

“Khi đó tôi lo lắng lắm, cứ tưởng không được mọi người nhận vào. Ban đầu, tôi được đưa về Đồng Tháp Mười, cho nhập vào đoàn giao liên, tuy nhiên do quá nhỏ nên đoàn giao liên không dám nhận. Mấy cô trong đoàn du kích lúc này cũng chẳng biết làm sao, gửi tôi cho dân thì cũng không được, liền nghĩ ra cách đưa tôi về đơn vị 514 (của Đồng Tháp Mười, bộ đội địa phương). Ở đây họ cũng chê tôi nhỏ, không nhận. Cực chẳng đã, đoàn du kích đưa tôi vào rừng. Mấy anh du kích dặn tôi khi vào rừng thì không được phát ra tiếng động, trừ đoàn du kích còn bất cứ ai gọi cũng đừng có ra. Đến chiều mấy anh du kích sẽ về đưa tôi ra để vào trong dân. Có những buổi nước lớn lên đến gần cổ, tôi vẫn phải chịu đựng, không dám cãi lệnh mấy anh du kích mà rời vị trí” – bà Loan chia sẻ.

Qua hai năm lăn lộn trên chiến trường, cô bé Loan khác hẳn so với ngày mới nhập ngũ, gan dạ lạ thường. Lúc ấy bà 15 tuổi, được nhận vào lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam – Đội Thanh niên xung phong 198 Thành Đồng. Lực lượng này có nhiệm vụ làm hậu cứ cho những anh bộ đội đánh giặc. Loan bắt đầu làm quen với việc tải đạn, tải gạo, cứu thương binh, chôn bộ đội hy sinh...

Suốt từ tháng 8/1965 đến năm 1972, Loan phục vụ tại đơn vị này và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Loan đã phục vụ hàng trăm trận đánh nổi tiếng như: Nhà Đỏ, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bông Trang, chiến khu D, Bắc Tây Ninh, Tổng tiến công Mậu Thân 1968... Năm nào Loan cũng là Chiến sỹ Thi đua xuất sắc nhất Tổng đội.

Bà Loan cúng bái sau một lần tìm được hài cốt liệt sĩ.
Nữ cận vệ trẻ tuổi gian truân

Nhờ sự gan dạ mà Nguyễn Thị Ngọc Loan khi ấy mới 16 tuổi, nhỏ nhất trong đoàn được giao làm Tiểu đội trưởng. Nhớ lại kỷ niệm ấy, bà nở một nụ cười hạnh phúc: “Hồi đó tôi có biết gì đâu, làm tiểu đội phó nhưng mấy chị trong tiểu đội toàn phân công cho tôi mang vác đồ đạc, nồi niêu, tôi cũng mang. Sau tôi làm Tiểu đội trưởng tiểu đội 3 (thuộc Tổng đội C198 Thành Đồng) của lực lượng Thanh niên xung phong”.

Chính vì sự năng nổ, cấp trên giao việc gì, dù khó thế nào bà cũng đảm đương, lúc ấy cả đơn vị không ai có thể ngờ, một cô bé nhỏ nhắn ấy lại có sức mạnh và sự gan dạ đáng nể phục đến thế. Nên bà Loan được cấp trên của Tổng đội cử đi dự Đại hội Chiến sỹ Thi đua toàn miền.

Trước những yêu cầu cấp thiết trong cuộc chiến chống Mỹ sau Mậu Thân 1968, từ ngày 6 đến 8/6/1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và các lực lượng yêu nước khác đã họp đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam. Đại hội nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ vinh dự nhất mà bà Loan được nhận là tham dự đại hội này. Khi đi tham dự đại hội, bà Loan được bố trí ngồi trên khu vực đoàn Chủ tịch. Ngồi bên cạnh bà Loan khi ấy là luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khi ấy), ông Huỳnh Tấn Phát (Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khi ấy), cùng nhiều đồng chí khác. Hình ảnh bà Loan tham dự đại hội này được lưu lại cho đến nay và sau khi về lại đơn vị mọi người đã trầm trồ khen ngợi, đồng thời đặt cho bà một biệt danh Loan “chính phủ”.

Chiến đấu ngoan cường, gan dạ cho đến khi đơn vị giải tán, năm 22 tuổi, bà Loan được cho đi học ở Hà Nội để bổ sung cán bộ về sau. Tuy vậy, bà Loan lại tìm mọi cách thoái thác vì không muốn xa mảnh đất miền Nam thân thương. Bà Loan tìm mọi cách thoái thác nhưng vô vọng trước sự cương quyết của cấp trên.

Đang lo lắng không biết làm sao thì mấy chị trong đơn vị mới bày kế cho bà, rằng nếu cấp trên ép buộc thì bà dọa tự tử là không phải đi. Bà Loan thật thà nghe theo. Khi cấp trên kêu bà đi thì bà làm y chang như những gì các chị chỉ dạy, bà dọa tự tử. Cấp trên của bà hỏi bà định tự tử bằng cách nào thì bà cuống cuồng mà rằng “em cũng không biết, mấy chị chỉ vậy chứ em không biết tự tử bằng cách nào”. Nghe tới đó ai cũng cười ồ lên, bó tay cho sự ngờ nghệch của cô bé Loan nhỏ nhắn.

Huy hiệu Tổng đội C198 Thành Đồng và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng của bà Loan.
Thấy bà Loan quyết tâm, cấp trên cũng không cố ép bà phải đi học. Lúc này, xét thấy sự cống hiến, trung thành vì lý tưởng Cách mạng nên cấp trên của bà phân công bà vào lực lượng An ninh T4 (từ Đồng Dù, Củ Chi xuôi về Long An) năm 1973. Khi về An ninh T4, cấp trên của bà Loan bàn tính chuyện đưa bà vào hoạt động công tác CK (công tác bí mật hoạt động trà trộn với địch). Tuy vậy, ở đơn vị hình ảnh của bà đã được chụp lại quá nhiều trong những lần nhận thành tích nên cấp trên hủy dự tính ban đầu, chuyển bà Loan qua bảo vệ cho ông Mười Thơ.

Ông Mười Thơ lúc bấy giờ là Phó Bí thư Thường trực Khu ủy Sài Gòn – Gia Định - Chợ Lớn. Tên thật của ông là Nguyễn Kiến Lập, sau đổi thành bí danh Nguyễn Thành Thơ hay Mười Thơ, ông sinh năm 1925 tại quận Cầu Kè, Cần Thơ nay là huyện Trà Ôn, Vĩnh Long. Ngoài ra ông còn được gọi tên là Chín Bôn.

Ông là một trong những người quan trọng nhất của lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Khi về làm công tác bảo vệ cho ông Mười Thơ, ngoài việc bưng cơm nước cho ông, bà Loan còn được tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao cùng làm việc với ông Mười Thơ như ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Minh Triết…

Sau một thời gian làm công tác bảo vệ ông Mười Thơ, bà Loan được tin tưởng và thương yêu hết mực. Đối với ông Mười Thơ, bà Loan cũng như con cháu trong nhà nên ông rất quý. Một phần thương cho cô gái bé nhỏ, mồ côi cha mẹ từ thuở bé, sống, chiến đấu trong môi trường quân đội nên chỉ biết đến mùi súng đạn chứ chẳng va chạm gì xã hội. Ngay thời điểm phải trả bà Loan lại cho Trung ương Đoàn, ông Mười Thơ cũng vì tình thương mà giữ bà lại bên cạnh để phục vụ. Ngay cả việc cưới gả bà Loan, ông Mười Thơ cũng đứng ra lo giùm và đóng vai trò như người cha của bà. Bà cưới chồng năm 1974, đám cưới được tổ chức trong sự ấm cúng và tình yêu thương của những lãnh đạo cấp cao lúc bấy giờ.

Bản thân chồng bà Loan cũng là một Thiếu tá Công an sau giải phóng. Nhắc về chồng mình bà bảo: “Chồng tôi vì nhậu quá mà làm đại úy tới 10 năm. Đến khi vừa lên thiếu tá được mấy tháng thì tai họa ập đến. Trong một lần chạy xe về nhà, né một người đi đường mà ổng té chết. Lúc ấy chồng tôi mới 37 tuổi (năm 1984), đứa con đầu của tôi 9 tuổi, đứa trai thì về nội ở, con út tôi mới có 4 tuổi. Tin dữ đến quá bất ngờ khiến tôi không kịp phản ứng gì, đến ngay cả lúc đi đưa tang ổng nhiều người khóc mà tôi cứ thẫn thờ không khóc nổi. Tôi ở vậy nuôi con, chịu cực chịu khổ đến bây giờ thì tạm ổn”.

Sau khi lo cho con cái ổn định cuộc sống, bà Loan tiếp tục sứ mệnh của một người lính Cụ Hồ là đi tìm thi thể còn sót lại của những đồng chí xấu số. Bà Loan chia sẻ: “Lúc còn sống, các anh chị trong đơn vị xem nhau còn hơn ruột thịt, khi họ thác đi, thi thể chẳng biết đi về đâu, phần trách nhiệm tìm hài cốt ấy đương nhiên mình phải làm. Dù có mệt mỏi sau những lần đi xa, tôi vẫn quyết cùng đoàn truy tìm hài cốt những người đã khuất cho đến hơi thở cuối cùng”.

Bà Loan cúng bái sau một lần tìm được hài cốt liệt sĩ.
Huy hiệu Tổng đội C198 Thành Đồng và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng của bà Loan.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1