Khi "Quyên" trở về đất mẹ

02:26:00 26/06/2015
Những năm gần đây, văn học và điện ảnh về đề tài cuộc sống của người Việt xa xứ đã có những dấu ấn và thành tựu nhất định. Nằm trong dòng chảy đó, "Quyên" - bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, vừa ra mắt và đang gây được sự chú ý của đông đảo khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Diễn viên Trần Bảo Sơn trong vai trùm xã hội đen ở phim Quyên.

Những năm gần đây, văn học và điện ảnh về đề tài cuộc sống của người Việt xa xứ đã có những dấu ấn và thành tựu nhất định. Nằm trong dòng chảy đó, "Quyên" - bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, vừa ra mắt và đang gây được sự chú ý của đông đảo khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Lấy bối cảnh Đông Âu thập niên 80 của thế kỷ 20 với nhiều biến động to lớn, phim là câu chuyện kể về cuộc đời một cô gái Hà Nội tên Quyên theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức, trải qua bao nhiêu gian nguy, vất vả, tủi nhục trong quãng đời hơn 10 năm lưu lạc nơi đất khách quê người. Quyên là một nhân vật hư cấu, song cũng chính là hình ảnh và thân phận có thật của một bộ phận không nhỏ phụ nữ Việt thời bấy giờ, vì nhiều lý do khác nhau mà phải rời bỏ quê hương.

Đến với Quyên, khán giả có cái nhìn hiện thực về cuộc sống xa xứ của một thế hệ người Việt, với trăm nghìn cực khổ để mưu sinh. Họ mang theo khao khát đổi đời và được thừa nhận, cho nên đã mạo hiểm vượt biên, đối mặt với đầy rẫy nguy hiểm. Nhưng kể cả khi đặt chân được tới "miền đất hứa", không ít người trong số họ vẫn vỡ mộng. Những khác biệt quá lớn về văn hóa - xã hội, rào cản ngôn ngữ, địa vị công dân, đã khiến họ phải chấp nhận làm nhiều công việc cực nhọc, bị xem thường, phải trốn chui lủi hay thậm chí phạm pháp để có thể tồn tại. Chân dung, thân phận người Việt ở nước ngoài với cả những mảng tối (lòng tham, sự đố kỵ, hận thù), lẫn những phẩm chất, giá trị truyền thống tốt đẹp (sự chăm chỉ, kiên nhẫn, tinh thần đùm bọc lẫn nhau) đều được thể hiện.

Nhận được sự quan tâm ngay từ khi công bố dự án làm phim, Quyêndựa trên một cuốn tiểu thuyết dày dặn với nhiều tình tiết hấp dẫn, bản thân cốt truyện đã có sẵn chiều sâu, sự lôi cuốn khi chạm đến nỗi niềm của hàng triệu người con xa xứ cũng như thân nhân của họ. Tuy vậy, với thời lượng ít ỏi của một tác phẩm điện ảnh tất nhiên khó có thể chuyển tải được hết nội dung của cuốn sách dài 18 chương. Quyênphiên bản điện ảnh mặc dù vẫn còn một số thiếu sót về mặt kịch bản khiến người xem cảm thấy tiếc nuối. Vẻ đẹp khả ái, mong manh của người đẹp Ngọc Anh (vai Quyên) chưa bù đắp được diễn xuất có phần hơi non, cùng với giọng thoại đơn điệu của cô trong lần đầu thử sức với điện ảnh. Trong khi đó, những người đàn ông xuất hiện và ở bên cuộc đời Quyên như tay trùm xã hội đen si tình Hùng (Trần Bảo Sơn), người chồng trí thức và ích kỷ Dũng (Đa-vít Trần), hay chàng trai người Đức tốt bụng Han-xơ (diễn viên người Mỹ Ga-ry Đa-ni-en), đã diễn khá tròn vai.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận là Quyênđược đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cùng ê-kíp làm phim trau chuốt rất kỹ lưỡng, cố gắng tái hiện tác phẩm văn chương một cách chân thực. Những hình ảnh mang đậm tính biểu tượng như chiếc kẹp tóc của Quyên, vết chân lún sâu trên tuyết, những triền núi tuyết trắng mênh mông in bóng đoàn người bé nhỏ, lạc lõng, cô đơn... là những điểm nhấn đặc sắc. Khung cảnh các trại tị nạn, khu chợ Việt ở Đức, sự kiện bức tường Béc-lin sụp đổ... cũng được đoàn làm phim đầu tư tái hiện. Cảnh quay đẹp, lãng mạn của con đường lá vàng mùa thu châu Âu, hay vẻ đẹp ám ảnh của rừng thông bạt ngàn tuyết trắng nước Đức, là những thước phim khiến người xem ấn tượng khó quên.

Mặc dù Quyêntrên màn ảnh rộng chưa thực sự bi tráng và giàu cảm xúc như những thông điệp mà tác giả văn học gửi gắm, song với những đặc thù riêng của ngôn ngữ điện ảnh thì bộ phim đã phần nào mang đến một câu chuyện đầy tính nhân văn, đáng suy ngẫm, nhất là về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thủy chung, kiên cường khi lưu lạc xứ người. Khiêm tốn và công bằng, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng đã nhắn nhủ người xem rằng: "Nếu ai đã đọc tiểu thuyết Quyên, xin đừng quá so sánh giữa hai ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, vì mọi thông điệp tôi và đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã cùng thống nhất trong kịch bản. Tôi hy vọng tác phẩm sẽ được nhìn trong một ánh sáng khác, thông qua cảm xúc của một nghệ sĩ khác, cũng là để tôn vinh nền điện ảnh đang phát triển của Việt Nam".

HOÀNG MỸ HẠNH

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1