Một “Quyên” khác trên màn ảnh

22:57:00 19/06/2015
Không như tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, phim “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, bắt đầu đến với khán giả màn ảnh rộng từ 19-6, chỉ như lát cắt

Nếu như Nguyễn Văn Thọ đã đem đến cho người đọc những trang văn ngồn ngộn biến cố về cuộc sống mưu sinh của người Việt di dân tới Đức được cô đặc trong tiểu thuyết “Quyên” (giải nhì cuộc thi tiểu thuyết 2006-2009 của Hội Nhà văn Việt Nam) thì phim “Quyên” chỉ như một lát cắt khốc liệt về cuộc đời, số phận người Việt mưu sinh xa xứ ở nước Đức sau biến cố bức tường Berlin sụp đổ thông qua các nhân vật Hùng, Dũng, Quyên và một số nhân vật khác; phản ánh được không khí bề bộn, ngột ngạt và soi rọi phần nào những góc khuất của thân phận người Việt xa xứ ở nước Đức trong những năm 1990.

Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cho rằng anh đã xây dựng kịch bản phim chỉ với 50% tư liệu từ cuốn tiểu thuyết, chủ yếu là phần đầu, còn phần sau anh đã đưa vào kịch bản những đường dây, tình huống, cuộc đời của nhân vật theo thực tế cuộc sống người Việt xa xứ mà anh cảm nhận được ở Đông Âu.

Cảnh trong phim “Quyên” Ảnh: HUỲNH LONG

Cũng chính vì thế, sự phi logic phát sinh ở tất cả mọi khía cạnh. Về tính cách của Quyên, nhân vật chính, trong cuốn tiểu thuyết nhất quán từ đầu tới cuối nhưng trong phim, ở phần sau, có sự thay đổi đột ngột tạo nên những tình huống cuộc đời khác hẳn. Trong truyện, Quyên được một người đàn ông nước ngoài cứu sống và đưa cô thoát khỏi những bầm dập, trở về với cuộc sống bình yên, còn trong phim, cô rơi vào mô-típ phim Hàn Quốc khi không có lý do gì nhưng cứ nhất quyết từ chối tình cảm đẹp của Hans, người đàn ông bản xứ cứu cô thoát khỏi cái chết và cưu mang hai mẹ con cô, cho dù đó là hình ảnh đẹp duy nhất liên quan tới đàn ông trong bộ phim.

Kiểu nhân vật vô tăm tích như Dũng - chồng Quyên, nếu tác giả tiểu thuyết - nhà văn Nguyễn Văn Thọ dày công xây dựng với quan niệm cho rằng: “Tình yêu không có sự tha thứ, không hết lòng, thiếu vắng sự hy sinh bao giờ cũng vô tăm tích và chẳng đáng kể gì” thì trong phim không như thế. Dũng của phim ban đầu là một anh trí thức tay trắng, yếu đuối, mộng thiên đường, dắt vợ từ Nga sang Đức, bị tơi tả, bầm dập trước thực tế phũ phàng. Dũng bỗng dưng thay đổi, trở nên giàu có mà không rõ nguyên nhân. Xuất hiện cuối phim như một kiểu “mafia ngầm” đứng đằng sau mọi tội ác vì danh dự bản thân, chỉ đạo cả những đường dây xã hội đen khét tiếng.

Nguyễn Văn Thọ quan niệm rằng cái chết không phải là sự trừng phạt nặng nhất với con người; ai còn sống mà không có dấu vết nào cho đồng loại, cho bè bạn, cho gia đình và rộng nữa là cộng đồng mới chính là sự trừng phạt lớn nhất. Còn đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình lại cho rằng đối với điện ảnh không thể đưa ra nhân vật nào rồi lại không giải quyết, lý giải, kể câu chuyện về nhân vật đó. Và câu chuyện mà đạo diễn kể với khán giả về nhân vật Dũng thực sự chỉ thuyết phục ở phần đầu, còn hình ảnh một “ông trùm” đột ngột xuất hiện, chỉ trong mấy phút để lý giải mọi việc thì ai cũng lắc đầu khó chấp nhận. Và khả năng diễn xuất của diễn viên mới đóng phim lần đầu David Trần cũng không thể diễn đạt được phân cảnh khó khăn cuối cùng này.

Trần Bảo Sơn đã làm tốt nhất vai trò diễn viên của mình với vai diễn gai góc, nhiều trường đoạn thay đổi tâm lý và cảnh hành động đan xen. Hùng “địa chất” trong phim “Quyên” giành được tình cảm thực sự của người xem, Trần Bảo Sơn đã đi đến tận cùng với nhân vật của mình. Anh cũng thể hiện tốt tình yêu khó khăn với người đàn bà đẹp mà nhân vật Hùng giam cầm, hãm hiếp, để lại một mầm sống trên cõi đời. Xuyên suốt bộ phim là sợi dây tình yêu và thù hận, thả lỏng và trói chặt giữa những thân phận người.

Tuy nhiên, diễn xuất của diễn viên nữ chính không được như mong đợi, vai Quyên thực sự quá tầm đối với một người đẹp lần đầu thử sức với điện ảnh như Vũ Ngọc Anh (tốp 5 hoa hậu Việt Nam 2012). Ngọc Anh đã đảm nhận một vai diễn mà nhiều người nhận xét là chiếc áo quá rộng đối với cô. Tuổi đời còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm sống lẫn kinh nghiệm diễn xuất, khán giả đã không thể nhìn thấy chân dung thật của nhân vật Quyên với sự thể hiện của Ngọc Anh. Về mặt hình ảnh thì Quyên quá đẹp nhưng về mặt diễn xuất thì quá nhạt nhòa. Bản thân Ngọc Anh cũng rất bối rối. Cô tâm sự rằng nhiều lúc chẳng biết phải làm như thế nào để thể hiện được nhân vật phức tạp này.

Nhiều ý kiến cho rằng đạo diễn quá mạo hiểm khi lựa chọn Ngọc Anh cho vai diễn chính rất khó thể hiện này, điều đó đã đẩy Trần Bảo Sơn trở thành ngôi sao sáng nhất của bộ phim chứ không phải điện ảnh có thêm một hình tượng mới là Quyên như mọi người mong đợi. Hơn nữa, việc thay đổi 50% câu chuyện so với tiểu thuyết khiến bộ phim trở nên lỏng lẻo, phi logic và thiếu chiều sâu. Gọi là phim hành động thì chưa đủ, gọi là phim tâm lý thì vai diễn nữ chính lại không thể phản ánh được chiều sâu tâm lý nhân vật. Âm nhạc của phim (nhạc sĩ Quốc Trung) rất sang trọng nhưng có vẻ không hòa hợp lắm giữa âm nhạc và hình ảnh trong khá nhiều những cảnh hành động, chém giết, hành xử “xã hội đen”.

Hòa Bình
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1