Mùi của người tình

06:00:00 16/09/2014

1. Mỗi một chuyện tình đi qua hay ở lại đều để trong ta những dư âm. Khi đã chia xa, trong cảm xúc, cảm giác và trí nhớ của người đàn ông có thể sẽ còn đọng mãi một ánh mắt biết nói, một suối tóc mềm như đêm, một làn da ngọc ngà như thể “da em trắng anh chẳng cần ánh sáng”... Nhưng đó còn là những thứ hữu hình dễ cảm nhận, có thể lưu giữ lại bằng những phương tiện của thời công nghệ như ảnh, video.

Còn một ấn tượng khác mỏng manh hơn, mông lung hơn, không thể lưu giữ bằng những thước phim hay hình ảnh nhưng có khi lại đọng mãi, sâu thẳm trong hồn người. Đó là mùi hương của người mình yêu mà trong bài viết này, chúng tôi gọi là “mùi của người tình”.

Như các nhà khoa học đã chỉ ra, mùi hương tự nhiên của nữ giới chính là mùi hương có sức quyến rũ đàn ông nhất, và đặc biệt, nó xuất hiện đậm nét trong chu kỳ rụng trứng của người nữ. Mùi hương tự nhiên của người nữ quan trọng đến mức, theo các sử liệu được ghi chép lại của người Trung Hoa, Từ Hy Thái hậu khi tuyển các cung tần mỹ nữ có một màn kiểm tra quan trọng là cho các cô gái mặc áo thật dày rồi cho chạy bộ đến khi đổ mồ hôi. Ai có mùi hương trên da thịt thơm tho là tướng cách mệnh phụ, còn nếu thân thể hôi hám là tướng hạ tiện. Bản chất của mùi hương từ thân thể người nữ, theo giới y học, đó là sự phóng thích các phần tử từ phản ứng oxy hóa chất béo có trong mồ hôi ở lỗ chân lông thuộc những vùng đặc biệt như nách, bẹn, gáy, các nếp gấp hoặc các cơ quan rỗng như miệng, mũi, tai, vùng kín...

2. Cân đo đong đếm theo khoa học là vậy, còn khi đi vào thi ca nghệ thuật thì làn hương của người yêu, mùi của người tình trở thành một trời huyền ảo.

Mùi hương ấy có khi e ấp, náu mình hay hòa vào một mùi hương thiên nhiên nào đó như chính sự kín đáo của người phụ nữ phương Đông: Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu (Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn); Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy/ Súng trên vai cũng đẹp như em/ Em ơi sao tóc em thơm vậy/ Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng (Trở về quê nội - Lê Anh Xuân). Và mùi hương ấy sẽ trở thành nỗi nhớ quay quắt da diết khi hai người cách xa nhau hoặc khi tình yêu chỉ còn là hoài niệm: Mùi mạ non hương tóc em biết bao kỷ niệm nhắc lại thấy thương nghe thật buồn (Hương tóc mạ non - Nhạc và lời: Thanh Sơn); Sầu đơn côi, tình buồn khắc sâu trong hồn. Trọn đời chẳng hề nguôi, niềm chăn gối hương nồng chưa dứt (Chỉ còn mình anh - Nhạc Hoa lời Việt); Mai sau trên những lối về nghe khúc tình ca nhớ hương tình xưa (Một thoáng hương tình - Nhạc và lời: Hoài An); Đêm chia ly anh về, đường xa em bật khóc. Anh xa em thật rồi làm sao quên mùi tóc (Mùa đông của anh - Nhạc và lời: Trần Thiện Thanh). Có những mùi hương trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi theo suốt thời niên thiếu đến khi trưởng thành.

Minh họa: Lê Phương.

Trong thi phẩm nổi tiếng Hoa với rượu của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính, mùi hoa cam từng lắng sâu trong vùng ký ức ấu thơ: “Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà/ Người ta bắt chước chị người ta/ Ra vườn nhặt những hoa cam rụng/ Về bỏ đầy nồi cất nước hoa/ Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy/ Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau/ Hí hửng bảo nhau thơm đấy chứ/ Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu”. Và rồi mùi hương cam ấy còn theo thi sĩ trong những bước chân giang hồ gió bụi, để những khi mộng tưởng cũng khắc khoải nhớ về: Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng (...) Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.

Trong vùng ám ảnh khát khao về mùi của người tình, luôn có một xúc cảm tha thiết níu giữ làn hương cũ. Và tôi chợt ngộ ra rằng, dường như, trong giây phút ấy, mọi người đàn ông đều bình đẳng như nhau trong nỗi nhớ, dù có là đấng thiên tử chí tôn hay thi sĩ giang hồ phiêu bạt. Chẳng thế mà Tự Đức đã nghẹn ngào rơi lệ khi nhớ Bằng Phi: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi. Còn thi tiên Lý Bạch thì bùi ngùi xúc động với niềm cô đơn khôn tả trong bài Ký viễn: Sàng trung tú bị quyển bất tẩm/ Chí kim tam tải văn dư hương/ Hương diệc cánh bất diệt/ Nhân diệc cánh bất lai (Chăn khâu nếp nếp hững hờ/ Ba năm hương mãi bây giờ còn bay/ Thơm nào nghe quyện đâu đây/ Người đi bữa ấy mai này còn sang). Nỗi nhớ về mùi hương của người đẹp không chỉ làm tê tái lòng người mà còn tiếp tục khiến cả không gian tàn úa: Tương tư hoàng diệp lạc/ Bạch lộ thấp thanh đài (Nhớ nhau cho rụng lá vàng/ Cho sương lạnh trắng mấy làn rêu xanh).

Văn học Trung Hoa thời hiện đại có một đoạn tả mùi của người tình khá đặc biệt trong tác phẩm nổi tiếng Phế đô của Giả Bình Ao. Tả cảnh ân ái của Trang Chi Điệp (nhân vật chính) với người tình A Xán ở chương 18, tác giả viết: “A Xán kéo anh xuống, anh ngửi chỉ thấy một mùi thơm lạ lùng. A Xán nói: Người em thơm đấy. Mục Gia Nhân đã từng bảo thế, thằng nhóc con em cũng nói như vậy, anh ngửi ở dưới thì biết chỗ ấy mới thơm. Trang Chi Điệp phủ phục xuống, quả nhiên có một luồng khí thơm bốc lên nóng hổi, liền cảm thấy mình như đang ở trong sương mù” (Vũ Công Hoan dịch).

Dĩ nhiên cũng có những mùi hương mỹ nhân khiến người đàn ông phải ôm hận bởi suốt đời không thể chạm tới được. Đó là câu chuyện về nàng Hàm Hương gắn với mối u tình của vua Càn Long. Sách chép rằng, nàng Hàm Hương ngoài dung nhan tuyệt vời và giỏi ca múa còn là người mang mùi thơm lạ lùng, nàng đi đến đâu thì ong bướm bay theo đến đó. Càn Long đã làm mọi cách mà vẫn không thể chiếm được trái tim nàng bởi Hàm Hương đã dành trọn vẹn tình yêu cho dũng sĩ Mông Đan. Nàng đã tìm cách chạy trốn 7 lần nhưng đều thất bại bởi chính mùi hương trên cơ thể đã “tố cáo” nàng. Sau cùng, nhờ sự giúp đỡ của Tiểu Yến Tử và Hạ Tử Vi, Hàm Hương mới có thể trốn thoát, sống cuộc đời tự do cùng người mình yêu. Ngoài ra, cũng có một giai thoại nói rằng nàng đã hóa bướm và bay lên trời...

3. Người Âu Mỹ qua một loạt tiểu thuyết danh tiếng lại có cách cảm nhận và miêu tả mùi của người tình rất riêng biệt: cuồng nhiệt hưởng thụ, si mê đến rồ dại và đầy nhục cảm. Các tác phẩm điển hình nhất có thể kể tới là Mùi hương của Patrick Süskind (1985), Tình yêu thời thổ tả của Gabriel Garcia Marquez và Suối nguồn của Ayn Rand.

Mùi hương là câu chuyện ly kỳ rùng rợn xoay quanh nhân vật chính Jean-Baptiste Grenouille với hành trình cuồng vọng chế ra loại nước hoa làm từ mùi hương của 25 trinh nữ mà hắn đã kiếm tìm và giết hại khắp các hang cùng ngõ hẻm của kinh thành ánh sáng Paris. Cô gái tóc nâu đỏ Laure Richis là nạn nhân cuối cùng của gã, yếu tố quyết định để làm nên loại nước hoa tổng hợp từ 25 mùi hương trinh nữ. Kết thúc câu chuyện, Jean-Baptiste Grenouille đi đến một khu chợ, đổ hết lọ nước hoa 25 mùi hương lên người và ngay lập tức, gã đã bị xâu xé thành trăm ngàn mảnh bởi một đám đông bị quyến rũ đến phát cuồng với mùi hương của tình yêu.

Tình yêu thời thổ tả của Marquez lại hiện lên với một bút pháp hiện thực trần trụi miêu tả câu chuyện tình của hai nhân vật Phlorênhtino Arixa với Phecmina Đaxa. Tình yêu của họ khi chưa kịp trao nhau nụ hôn đầu đã không thể được chấp nhận vì hai gia đình không môn đăng hộ đối. Phecmina Đaxa sau đó đã lấy Huvênan Ucbino Đê la Cadê - một bác sĩ trẻ nghiêm khắc làm chồng và sống cuộc đời như một thứ đồ trang sức. Khi tay bác sĩ ngoại tình, cô đã phát hiện ra bằng cách ngửi quần áo, tất, quần lót, khăn mùi xoa của chồng và gào khóc khi chồng nói thật là đã ngủ với một người da đen. “Khốn kiếp!” - Cô kêu lên: “Mùi của một người da đen”.

Còn Phlorênhtino Arixa sau mối tình đầu thất bại đã lao vào hàng trăm mối tình khác với đủ mọi hạng người từ bà góa trẻ đến già, gái chưa chồng, muộn chồng, gái điếm, trinh nữ... để chờ ngày chồng Phecmina Đaxa chết và nối lại quan hệ với nàng. Tất nhiên, mùi của những người tình mà Phlorênhtino Arixa đã trải qua này bao gồm đủ loại, từ hôi hám, nhầy nhụa cho đến mùi thơm giả tạo của một người đàn bà với bộ ngực đồ sộ có cài bông ngọc lan giả trên ve áo… hay hương vị có mùi của kem mát dịu của một trinh nữ mà người ta tưởng là con đỡ đầu của ông. Cho đến khi hai người trở lại với nhau sau 51 năm thì cơ thể họ toát ra thứ mùi hương pha trộn giữa mùi cơ thể và mùi của rượu hồi tạo thành một mùi hương tình yêu trọn vẹn hạnh phúc.

Còn Suối nguồn lại là cuốn tiểu thuyết triết học với một cốt truyện độc đáo, kể về các mối tình của nhân vật nữ có tên Dominique Francon với ba nhân vật nam chính: Howard Roark, Peter Keating và Gail Wynand. Dominique vốn là một tiểu thư đài các, một phóng viên giỏi đã bị Howard Roark - một kiến trúc sư ngạo mạn không thèm lấy bằng tốt nghiệp tại trường đại học danh giá Stanford cưỡng hiếp ngay tại ngôi nhà trong nông trại gia đình cô, gần mỏ đá nơi anh làm việc. Cô vô cùng thích thú với khoái cảm cùng cảm giác chống cự yếu ớt trong vòng tay của anh thợ đá đầy mùi mồ hôi trên bộ quần áo thợ loang lổ bụi đá…

Dòng đời xô đẩy đã khiến Dominique lấy Peter Keating, cũng là kiến trúc sư nổi tiếng, một ngôi sao trường Stanford, bạn của Howard Roark. Với Peter, cô chỉ cảm thấy một dòng sông lạnh lẽo của cảm xúc và không có bất cứ một hương vị gì. Nó nhạt nhẽo và vô cảm.

Tiếp đó cô lại lao vào vòng tay của Gail Wynand - chủ bút tờ Ngọn cờ New York nhưng cũng chẳng được bền lâu. Cuối cùng, cô trở về với vòng tay - bờ vai rắn chắc của Howard Roark, nơi cô tìm thấy sự bình yên và mùi hương của công trường xây dựng ám trên người anh quện với hương vị thanh khiết của không khí, mùi thăng hoa của những kí ức xưa cũ trở lại… Vẻ đẹp, sự quyến rũ và mùi hương của Dominique Francon làm cho ba người đàn ông chết mê mệt. Nàng làm chủ cuộc chơi, cuộc yêu của đời mình và tận hưởng “mùa hương” của nó.

Trong một vài tác phẩm khác như Người tình của Marguerite Duras hay Những cây cầu ở quận Madison của Robert James Waller, mùi của người tình cũng có những hương vị rất riêng. Ở cuốn tiểu thuyết được coi là tự truyện của nữ văn sĩ Pháp, mối tình giữa người đàn ông phương Đông 37 tuổi và thiếu nữ Pháp 15 tuổi là sự hòa quyện giữa mùi thuốc lá Anh, mùi mật ong, mùi lụa đắt tiền, mùi của vàng ám trên da thịt người đàn ông và mùi trinh nữ. Còn trong cuốn tiểu thuyết của Waller, tình yêu của Francesca và Robert Kincaid được thăng hoa bên những ly bia Budweiser, rượu đỏ Valpolicella và mùi hương tình yêu của họ giống như hương vị của mùa hè với hoa cúc dại...

4. Nếu như nỗi nhớ về mùi hương bình đẳng với mỗi người đàn ông thì tôi cho rằng mùi của người tình chỉ thực sự toàn mỹ khi nó được dâng hương từ người nữ. Trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, có một câu nói của Giả Bảo Ngọc được nhiều người của nhiều thời tâm đắc: “Xương thịt con gái là do nước kết thành, xương thịt của con trai là do bùn kết thành. Tôi nhìn thấy con gái thì người tôi nhẹ nhàng, khoan khoái, trông thấy con trai thì như bị phải hơi dơ bẩn vậy”. Đó là lí do vì sao trong bài viết này, chúng tôi chỉ chú trọng bàn về mùi hương của những Eva...


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1