Nghĩ về nhân vật Rô-bin-xơn Cru-xô

09:43:00 17/07/2015
QĐND - Cũng giống như Ô-đi-xê, vì muốn trở lại cố hương mà lưu lạc tứ phương, cũng giống như Đôn Ki-hô-tê ngồi trên lưng ngựa bôn tẩu khắp nơi, hình ảnh Rô-bin-xơn Cru-xô mang theo chim anh vũ và chiếc ô, đã đi vào ý thức hệ của người phương Tây.

Tác phẩm “Cuộc phiêu lưu của Rô-bin-xơn Cru-xô” của Đa-ni-en Đê-phô ra đời vào năm 1719, là cuốn sách bán rất chạy lúc bấy giờ. Bốn tháng sau thì phần hậu truyện ra đời, được đặt tên là “Cuộc phiêu lưu tiếp theo của Rô-bin-xơn Cru-xô”, một năm sau đó, phần ba của tiểu thuyết ra mắt bạn đọc với nhan đề “Hồi tưởng của Rô-bin-xơn Cru-xô”. Mặc dù hai phần tiếp theo cũng được bạn đọc ghi nhận, nhưng chúng ta nhắc đến cuộc phiêu lưu của Rô-bin-xơn Cru-xô thường chỉ phần thứ nhất của bộ tiểu thuyết này.

Lúc bấy giờ, có độc giả chỉ trích rằng tác giả đã ngụy tạo sự thật, cho rằng những gì tác giả viết không phải là lịch sử, nhân vật Rô-bin-xơn Cru-xô hoàn toàn không tồn tại. Trong “Hồi tưởng của Rô-bin-xơn Cru-xô”, tác giả viết: “Tôi dám bảo đảm, chuyện mà tôi viết dù có đôi chút mang tính ngụ ngôn, nhưng nó vẫn mang ý nghĩa lịch sử… Mặt khác, người viết còn sống, những gì anh ta trải qua vừa vặn viết nên cuốn sách gồm ba phần này. Điều đó có nghĩa rằng, ba phần của tác phẩm chủ yếu nói về người ấy… người ấy chính là tôi”. Sau đó tác giả còn dũng cảm ký tên “Rô-bin-xơn Cru-xô”.

Tác giả cho rằng “Rô-bin-xơn Cru-xô” vẫn còn sống. Lúc này, bức màn bí mật về tác giả câu chuyện đã được hé lộ, nhưng tại sao tác giả vẫn nhất định nói như trên? Có thể lý giải dụng ý của tác giả là, mỗi người trong chúng ta đều giống Cru-xô, là một ốc đảo, cuộc sống của mỗi người đều giống như một hoang đảo bị cô lập.

Nhà văn Ét-ga A-lanh Pô-ê cho rằng: “Người đọc không nghĩ “Cuộc phiêu lưu của Rô-bin-xơn Cru-xô” là một tác phẩm văn học, Đa-ni-en Đê-phô khi viết tác phẩm này có lẽ cũng không nghĩ gì đến hiệu ứng văn học của nó, trong đầu tác giả chỉ có một Rô-bin-xơn mà thôi”.

Lời nhận xét của E.A.Pô-ê có phần châm biếm, nhưng rõ ràng là lời ngợi ca đối với tác giả. Chủ nghĩa hiện thực trong văn học thường che lấp đi bản chất văn học của nó. Đa-ni-en Đê-phô được suy tôn làm người tiên phong của chủ nghĩa hiện thực, giới học thuật cho rằng ông và Hen-ri Phiu-đinh, Xa-mu-el Rích-chác-xơn đã mở đường cho tiểu thuyết hiện thực ở nước Anh.

Nhưng Đa-ni-en Đê-phô là đại diện của chủ nghĩa kinh nghiệm. Chủ nghĩa kinh nghiệm là một cấu thành không thể thiếu của chủ nghĩa hiện thực. Đa-ni-en Đê-phô là người giỏi “hóa trang” và hiểu thấu lòng người, thậm chí giỏi ngụy tạo.

Trong “Cuộc phiêu lưu của Rô-bin-xơn Cru-xô”, tác giả cố ý làm cho bản thân câu chuyện lựa theo ý muốn của mình để diễn tả các chủ đề như ngang ngược, trừng phạt, hối hận và cứu rỗi, hình thức giống như một cuốn “Kinh thánh”. Tuy nhiên, tác giả cũng chưa thực sự thành công ở điểm này. Mở đầu cuốn sách, chúng ta thấy người cha đã khuyên Cru-xô phải toàn tâm toàn ý vào việc kinh doanh, muốn anh phải “biết mình là ai”. Nhưng Cru-xô đã không nghe lời cha, nhất quyết đi biển thám hiểm, kết quả là bị bán làm nô lệ, sau khi bỏ chạy sang Bra-xin làm vườn, còn mạo hiểm làm việc buôn bán nô lệ, sau đó gặp tai nạn hàng hải, bị cô lập nơi đảo hoang. Anh đã mất nửa đời người trên đảo hoang, từng đánh bại người rừng và cướp biển, trở thành người khai phá ra thuộc địa, danh tiếng lẫy lừng, của cải vô số. Có thể thấy, nếu anh ngoan ngoãn nghe lời cha mình, thì tài sản mà anh có được sẽ không thể so sánh với sau khi gặp hải nạn. Cru-xô nói, ngang ngược là tội của anh, nhưng thực ra câu chuyện mà anh ta kể sở dĩ thú vị cũng vì điều này, ngoan ngoãn sẽ không tạo nên câu chuyện kỳ thú đó.

“Cuộc phiêu lưu của Rô-bin-xơn Cru-xô” là thử nghiệm đầu tiên của Đa-ni-en Đê-phô đối với thể loại trường thiên tiểu thuyết được tản văn hóa. “Cuộc phiêu lưu của Rô-bin-xơn Cru-xô” được viết nhanh và có phần ẩu, ngụ ý về đạo đức trong tác phẩm có phần bề bộn. Một phần tư của cuốn sách và những kinh qua của Rô-bin-xơn lúc ban đầu, bất kỳ một nhà văn nào cũng có thể nghĩ và viết được.

Mặt khác, khi xử lý vấn đề tình cảm, dù cho tác phẩm đã tự phát sáng, nhưng Đê-phô đã phân tích phần hồn và hoạt động của nó, có phần gần với liệu pháp tinh thần của đạo Cơ đốc mà thiếu đi nét hiện đại cần có. Khi Đê-phô lần đầu thử nghiệm với thể loại tiểu thuyết này đã không lường trước được chủ nghĩa hiện thực xuất hiện sau đó. Chủ nghĩa hiện thực sau này mô tả hoạt động nội tâm của con người thường dùng thủ pháp ám thị vô thức, nghĩa là nhân vật bản thân không biết ngôn ngữ của nhân vật, ý nghĩa của hành vi.

Tuy vậy, những gì xảy ra trên đảo hoang là phần được tác giả kết cấu hết sức chặt chẽ. Khi diễn tả sự đau khổ của người gặp hải nạn bị lạc trên hoang đảo, tác giả đã dùng thủ pháp của chủ nghĩa kinh nghiệm, thủ pháp này phát huy tác dụng một cách diệu kỳ. “Những người đồng hành, về sau này tôi không còn thấy họ nữa, ngay cả hình bóng họ cũng không thấy, chỉ thấy ba cái mũ có vành và một cái mũ không vành cùng với hai chiếc giày không phải cặp của nhau”. Cru-xô phải đem những vật dụng trên con thuyền đắm lên đảo, phải đắp một cái bếp bằng đất, cùng vô vàn những vấn đề hiện thực khác đã nảy sinh, tác giả đã mô tả sinh động và có sức lay động lòng người. Nhân vật chính vì khao khát được sinh tồn đã phải vất vả, bận rộn, thủ pháp mô tả ở đây tinh tế, có trật tự. Điều này yêu cầu nhà văn hóa thân mình vào trong nhân vật, tập trung cao độ, tùy cơ ứng biến. Chỉ có như vậy, thế giới trong tiểu thuyết mới sinh động như thật, mới cao thượng đến thế. Đê-phô là một nhà văn vĩ đại, số nhà văn có thể sánh vai được với ông có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Khi Cru-xô và Friday (Thứ Sáu) được cứu thoát khỏi hoang đảo, anh đương nhiên không bỏ mặc hòn đảo này, anh đã cho những người gặp hải nạn và những kẻ phản nghịch lên đảo thực thi chế độ thực dân. Cho dù sau này, anh trở lại Anh quốc, nhưng với sự thông minh của mình, anh đã kịp để lại trên thuộc địa một chỗ trú chân khi cần. “Cuộc phiêu lưu của Rô-bin-xơn Cru-xô” đã cổ xúy cho các thế lực tài phiệt ở Anh, tuyên truyền cho sự “khai sáng” thuộc địa. Còn đối với người dân bản địa ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Đê-phô đã coi họ chỉ là người rừng, cái cách mà Cru-xô đối xử với họ cũng dã man và tàn nhẫn. Nhưng riêng với Friday: “Tôi dạy anh ấy biết tên mình là Friday… Tôi còn dạy anh ta gọi “chủ nhân”, sau này tôi còn cho anh ta biết “chủ nhân” chính là tên của tôi”. Chúng ta không thể tách rời Friday và Cru-xô, về một số phương diện ý nghĩa nào đó, Friday là cái bóng của Cru-xô, giống như nhân vật Xan-chô Pan-xa, nếu Cru-xô được ví như Đôn Ki-hô-tê. Có lúc, nhân vật này được chủ nhân cho phép phát biểu nhận định của mình về những vấn đề mà người ta cảm thấy đau đầu như vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng. Còn những vấn đề khác, Friday chỉ biết nghe chủ nhân của anh muốn nói gì thì nói.

Có người phê bình Đê-phô không phải là một nghệ sĩ, trên thực tế Đê-phô cũng không muốn thể hiện cho người khác thấy mình là một nghệ sĩ. H.A.Tai-nơ cho rằng, Đê-phô là một thương nhân, thứ mà ông kinh doanh là chữ viết và tư tưởng, ông biết mỗi một chữ viết mang trong mình tư tưởng gì, mỗi một tư tưởng có sức nặng là bao nhiêu. Trong vai trò là một nhà tư tưởng, Đê-phô cũng chưa thể hiện được sự sáng tạo độc đáo nào, nhưng tư tưởng của ông sắc bén, quan tâm tới mọi ngõ ngách của cuộc sống. Lúc về già, các tác phẩm của ông đề cập đến nhiều đề tài như tội phạm, chinh phục, cô độc… Ngày nay đọc lại, những tác phẩm ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị, vẫn lay động lòng người.

MỸ AN (dịch)

Tiểu luận của J.M.CỐT-DI (Nam Phi, Nobel Văn học 2003)


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1