Ngọn lửa hồng cháy mãi

09:44:00 06/08/2015
Ấn tượng trong tôi về buổi Lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ ngày 30/7 tại Hà Nội không phải những gì rất "đối ngoại" như người ta thường hình dung, mà là những câu chuyện, kỷ niệm chưa từng được kể trong bất cứ cuốn sách hay bài báo nào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự lễ bàn giao cho VietNam Airlines máy bay Boeing 787-9 Dreamliner, tại sân bay quốc gia Ronald Reagan, Washington,

Tôi tìm thấy trong câu chuyện của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc một ngọn lửa, đã chiếu sáng và tạo ra niềm tin về mối quan hệ Việt - Mỹ cho nhiều thế hệ đi trước và còn tiếp tục chiếu sáng cho thế hệ chúng tôi. Còn qua những chia sẻ của Đại sứ Ted Osius, tôi hiểu rằng, nước Mỹ luôn mong muốn là đối tác tốt của Việt Nam và người Mỹ sẽ trở thành những người bạn tốt của chúng tôi.

Soi con đường tới hòa bình, hữu nghị

Những đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm lặng nghe Thứ trưởng Hà Kim Ngọc bắt đầu câu chuyện của mình. Trong một chuyến công tác tới Mỹ để chuẩn bị xây dựng chương trình cho chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông có dịp ghé qua khách sạn Omni Parker tại Boston, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc năm 1912-1913. Tại đây, ông đã đứng lặng rất lâu, ngắm chiếc bàn đơn sơ mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành từng nhào bột làm bánh mỳ.

Ông kể: "Trước mắt tôi như hiện ra hình ảnh mảnh khảnh của Nguyễn Tất Thành, với những giọt mồ hôi trên trán, khi Anh đốt lên ngọn lửa hồng để nướng những chiếc bánh mỳ thơm ngon... Một câu hỏi đã hiện lên trong đầu tôi: "Trong những tháng ngày ở Boston, cái nôi của Cách mạng Mỹ, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã hiểu ra điều gì về nước Mỹ và nhân dân Mỹ?".

Có lẽ không chỉ riêng Thứ trưởng mà hầu hết những người nghe ông kể câu chuyện đều cảm nhận rằng, ngọn lửa - niềm tin về tương lai hai dân tộc mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành nhóm lên từ ngày ấy cho đến nay vẫn cháy trong tim nhiều thế hệ Việt - Mỹ.

Trong lễ kỷ niệm đặc biệt này, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã bày tỏ tri ân đến những người đã dày công xây đắp quan hệ hai nước trước đó và trong suốt 20 năm qua... Để ngày nay, quan hệ hai nước có những bước tiến xa mà chính những người trong cuộc cũng thấy ngỡ ngàng. Dù ở những cương vị khác nhau, vì mối quan hệ này, họ đều trải qua những trăn trở, buồn vui, từng lao tâm khổ tứ, mất ăn mất ngủ, từng kỳ vọng, để rồi có lúc thất vọng… Song, ngọn lửa của niềm tin vẫn không bao giờ tắt trong tim họ - niềm tin vào tương lai tươi sáng của quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân hai nước.

Thứ trưởng chia sẻ, người thắp lên ngọn lửa vượt thời gian đó không ai khác chính là người thợ làm bánh mỳ ở khách sạn Omni Parker năm xưa. Hơn một thế kỷ trước, Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở nước Mỹ, nhân dân Mỹ một đối tác, một người bạn. Ngọn lửa đó đã, đang và sẽ tiếp tục soi rọi con đường đưa hai dân tộc Việt, Mỹ tới bến bờ hòa bình, hữu nghị mãi mãi.

Thật vậy! Trải qua bao thăng trầm, hai nước đã can đảm vượt qua chính mình, bước qua lằn ranh chia rẽ, từ cựu thù thành bè bạn, rồi trở thành đối tác toàn diện vào tháng 7/2013. Hợp tác Việt - Mỹ từ đây trải rộng trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, từ song phương, đến khu vực và toàn cầu.

Không để cơ hội tuột khỏi tầm tay

Tiếp theo câu chuyện của mình, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã dẫn dắt người nghe đến với một kỷ niệm khi ông trở ra từ Phòng Benjamin của Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi Phó Tổng thống Joe Biden tổ chức tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư và đoàn cấp cao Việt Nam vào trưa 7/7 vừa qua. Ông nhìn thấy trên bức tường ngoài phòng chờ có dòng chữ ghi lời của Ngoại trưởng Hillary Clinton, tháng 10/2011: "Khi chúng ta trân trọng quá khứ, chúng ta mới kiến tạo được tương lai".

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt - Mỹ ngày 30/7 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Ngọc, quá khứ đã mang lại cho hai nước những bài học lịch sử có giá trị thật lớn lao, đã khiến hai bên thôi nhìn nhau qua lăng kính của người khác, xóa đi những hiểu lầm, vốn bị bao phủ bởi những lớp mây mù. Hai bên đã học được cách nhìn vào nhau để nhận ra nhau thật rõ, rằng: Hai bên không phải là kẻ thù của nhau. Chỉ khi cùng bắt tay, nhận biết rõ về nhau, hai bên mới "chấp nhận nhau" để rồi tiến tới xây dựng mối quan hệ bạn bè, đối tác. Hai bên cũng học được cách nắm bắt cơ hội và sẽ không để nó tuột khỏi tay lần nữa. Cho dù phía trước sẽ tồn tại rất nhiều trở lực, nhưng hai nước vẫn tin vào chính mình và tin vào mối quan hệ hữu nghị, hợp tác.

Niềm tin chính là điều quan trọng nhất mà Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh khi nói về tương lai quan hệ hai nước. Nó đã được khơi dậy bởi Hồ Chí Minh và tồn tại trong nhiều thế hệ người Việt. Giờ đây chúng ta thấy niềm tin ấy ở trong lòng cả hai dân tộc, thúc đẩy chúng ta cùng vun đắp cho quan hệ. Trong cuộc tiếp cựu Tổng thống Clinton tại Hà Nội, hôm 2/7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ: "Lòng tin bắt đầu từ hành động thực tế. Việc Ngoại trưởng Hillary Clinton mời Tổng Bí thư Việt Nam thăm Mỹ là một hành động thực tế". Thứ trưởng cho rằng, việc Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Kerry cùng các bạn Mỹ thuộc mọi giới đón tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vô cùng trọng thị là một hành động thực tế nữa giúp hai nước xây dựng lòng tin.

Tương lai với tiềm năng to lớn

Tiếp lời Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Đại sứ Mỹ Ted Osius cũng mang đến câu chuyện của riêng mình, bắt đầu bằng cách dẫn lời của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson rằng: "Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Điều mà chúng ta có thể thay đổi là tương lai". Đại sứ Ted Osius khẳng định đó chính là điều mà hai nước đã làm trong hơn 20 năm qua.

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/7/1995, hai nước Việt - Mỹ đã bước sang một chương mới. Thông qua hành động tiếp tục hỗ trợ Cơ quan Tìm kiếm tù binh và Quân nhân mất tích (POW/MIA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và sự phối hợp của họ với nỗ lực tìm kiếm của Việt Nam, thông qua hoạt động chung trong việc loại bỏ bom mìn và xử lý ô nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Đà Nẵng, hai bên đang giải quyết những vấn đề do chiến tranh để lại và cân nhắc những phương thức hợp tác trong năm tới, cùng với đó là những tiềm năng hợp tác kinh tế như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên.

Tại Lễ kỷ niệm dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, Đại sứ Ted Osius cho rằng, quan hệ hai nước đang ở trên đỉnh cao của sự phát triển đến khó tin - về thương mại song phương, công nghệ, trao đổi giáo dục và sự tin tưởng lẫn nhau. Những bước tiến này sẽ được tăng cường bằng các quan hệ chính trị và xã hội mạnh mẽ giữa nhân dân và chính phủ hai bên.

Ông cũng bồi hồi nhớ lại một sự kiện lịch sử mới diễn ra ba tuần trước khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Washington, D.C., trở thành vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam hội đàm với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng và tự hào khi được chứng kiến cuộc gặp lịch sử đó tại phòng Bầu Dục.

Có lẽ, với lòng yêu nghề, sự chân thành và say mê cống hiến không mệt mỏi trong thời gian qua, Đại sứ Ted Osius đang cùng với phía Việt Nam viết nên một chương mới trong lịch sử hai nước.

Hình ảnh về chuyến bay vào tương lai trong hai thập kỷ tới của quan hệ Việt - Mỹ trên chiếc Boeing Dreamliner 787-9 đã thay cho lời kết những câu chuyện của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và Đại sứ Ted Osius. Trong lòng những đại biểu tham dự buổi lễ lúc đó trào dâng niềm hy vọng về một mối quan hệ sẽ cất cánh hơn nữa trong 20 năm tới.

Phạm Hằng

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1