Nguyễn Đình Tú: Lao vào vùng cấm với Xác phàm

14:50:00 25/08/2014

“Xác phàm là tiểu thuyết đầu tiên nói về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 xuất hiện một cách chính thống và đàng hoàng trên các kệ sách, trong đời sống văn học hiện nay”, Nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học Ngô Văn Giá nhận định về cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Tú, vừa được ra mắt tại Hà Nội.

Mạo hiểm lao vào “vùng cấm”

Vào những thập niên 90 của thế kỷ trước, văn học nước nhà từng có những tác phẩm đề cập xa gần đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, như: Đêm tháng Hai của nhà văn Chu Lai, Không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy… Kể từ đó đến nay, các tác phẩm viết về đề tài này có phần lắng xuống, dù ai cũng biết đó là đề tài nên viết và đáng phải viết.


Nhà văn Nguyễn Đình Tú

Đối với Nguyễn Đình Tú, một cây viết trẻ hiện là Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trước Xác phàm anh đã được độc giả biết đến với nhiều tiểu thuyết ăn khách như: Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện, Nháp, Phiên bản, Kín, Hoang tâm. Nếu như ở những tiểu thuyết trước đây, Nguyễn Đình Tú viết về đề tài đời sống xã hội, hay về cuộc sống của những người lính thời hậu chiến, thì đến Xác phàm, ngòi bút của anh đã tái hiện cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, thông qua lối viết hồi tưởng, tâm linh, đan xen giữa quá khứ và hiện tại.

Tiểu thuyết kể về hai nhân vật chính tham gia trận chiến biên giới phía Bắc là Bố Anh và Bố Em, song được tái hiện qua giấc mơ kỳ lạ của hai con trai họ là Việt và Nam - hai đứa trẻ cùng lớn lên ở một làng quê Bắc bộ. Với tinh thần “sống phải bảo vệ pháo đài, chết làm ma canh giữ pháo đài”, dù thiếu thốn đạn dược, thức ăn, nước uống, những người lính đã chiến đấu bằng cả cuốc, xẻng, gạch đá... đến hơi thở cuối cùng để ngăn quân Khợ tràn vào nước ta.

Những người lính đã cầm chân địch suốt 17 ngày đêm ở cửa ngõ thị xã Vùng Biên, dù lực lượng ít hơn địch rất nhiều lần, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

Nhiều nhà nghiên cứu về văn học trong buổi ra mắt Xác phàm tại Hà Nội nhận định, đây là tác phẩm văn học đã tái hiện chân thực những khoảnh khắc lịch sử cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, tất cả hiện diện một cách tự nhiên, xúc động và ám ảnh.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú cho biết, để có Xác phàm, anh đã đi thực tế tới rất nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là cung đường biên giới gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh... Anh chia sẻ: “Cuộc chiến biên giới phía Bắc ít người viết, nên tôi muốn mạo hiểm, muốn lao vào vùng cấm”.

“Ngọt” mùi… chiến tranh

Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá đánh giá, tiểu thuyết Xác phàm đã cho thấy con đường sáng tạo của Nguyễn Đình Tú có sự trưởng thành vượt bậc. Trong rất nhiều tiểu thuyết, Xác phàm là tác phẩm đầu tiên nói về vùng hiện thực mà lâu nay chúng ta xem như là điều gì đó đang nằm ngoài mối quan tâm. Trước đây, nếu ai đã từng đọc tiểu thuyết Hoang tâm thì thấy Nguyễn Đình Tú biểu đạt bối cảnh hiện thực cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, đến Xác phàm cũng là một “vệt” như vậy. Điều đó cho thấy, Nguyễn Đình Tú luôn nỗ lực, thể hiện trách nhiệm đối với lịch sử, số phận dân tộc, đất nước.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho biết, ông bị ám ảnh với cách dùng từ của tác giả. Xác phàm tỏa ra mùi của chiến tranh, của đau thương mất mát không được giãi bày, công khai. Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Xác phàm có ba lớp lõi. Lớp lõi đầu tiên là số phận cuộc đời của người con liệt sĩ, tên Nam và Việt… Lớp vỏ thứ hai chính là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc được tái hiện một cách sinh động, tài giỏi dù tác giả là người không tham gia cuộc chiến này...

Bởi lẽ, Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974, chiến tranh biên giới nổ ra năm 1979, tức là khi ấy Nguyễn Đình Tú mới 5 tuổi nên chưa có cảm thức, cảm nhận về cuộc chiến này. Nhưng, anh đã tả lại rất chân thực, sinh động giống như một người lính đã từng lăn lóc, ăn nằm ở chiến trường.

Lớp lõi cuối cùng là những gì Nguyễn Đình Tú lý giải con người. “Tôi cho rằng, đến bây giờ, nhân vật Nam trong Xác phàm của Nguyễn Đình Tú cực kỳ huyền ảo. Tính cách của Nam hình như không phải của Nam. Nam là bất kỳ nhân vật nào đó trong tác phẩm”, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chia sẻ.

Còn nhà phê bình trẻ Trịnh Sơn thì nhận định, Nguyễn Đình Tú của những cốt cách nhức buốt bản năng Hồ sơ một tử tù, Nháp, Kín, Phiên bản, Hoang tâm… đã làm tròn bổn phận của một nhà văn trong dòng chảy thời đại: dò tìm, ngụp lặn, bơi ngược dòng bằng cả thân thể, trí năng của mình để chứng thực cảm giác gần gũi nhất, thiết tha nhất và chân thực nhất về một mảng ngầm tâm linh, tâm lý, tâm thế và tâm sử dân tộc.

Vượt khỏi địa hạt thế mạnh là hiện thực, văn Nguyễn Đình Tú trong Xác phàm thiên về cảm luận và bay bổng lâng lâng giữa đường biên tam giác lãng mạn - tượng trưng - huyền ảo.

Nhà thơ Phan Huyền Thư thì nhận xét, Xác phàm đã cho thấy tác giả thật sự chú trọng vào ngôn ngữ, câu chữ không lan man, dùng tiết tấu chậm có mục đích diễn tả sự khốc liệt nhưng rất “ngọt”.

Bài và ảnh Phạm Quỳnh


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1