15 năm làm 3 phim, Nguyễn Phan Quang Bình là một chân dung khá kín tiếng và dị biệt của điện ảnh Việt. Phim đầu tay "Vũ khúc con cò" chọn đề tài chiến tranh và dường như chỉ hay... ở cái tên; bộ phim thứ 2 " Cánh đồng bất tận " sau 10 năm thành công lớn trên cả hai mặt trận: dư luận và doanh thu; và giờ đây sau 5 năm tiếp tục là một bộ phim chuyển thể từ văn chương - " Quyên " là một ẩn số. Bộ phim mới này như một canh bạc mạo hiểm với kinh phí cao hơn rất nhiều so với mặt bằng phim Việt, thời gian quay kéo dài 7 tuần với bối cảnh trải dài từ Việt Nam sang Đức giữa thời buổi phim "fastfood" chiếm lĩnh màn ảnh.
Vị đạo diễn U50 và là ông chủ của một công ty có hơn 400 nhân viên có vẻ ngoài chẳng giống đạo diễn cũng chẳng giống sếp của một tập đoàn lớn, có lối trò chuyện nhấn nhá và rất dễ... lạc đề như một anh nghệ sĩ đất Bắc vào thập niên trước. Chọn một con đường điện ảnh có vẻ... lạc điệu, nhưng rất tự tin và không giấu tham vọng chinh phục khán giả bằng bộ phim thứ 3 - với những tính từ rất mạnh, bạo liệt, dữ dội nhưng tràn ngập tình yêu!
“Tôi tin vẫn còn một số lượng khán giả vẫn đi tìm những giá trị “tử tế” của phim Việt, những bộ phim mang lại cho họ cảm xúc, khiến họ rời khỏi rạp với những suy nghĩ về nhân vật, về bộ phim và khiến họ muốn sống đẹp hơn”
- Có vẻ như anh vẫn bị mê hoặc bởi những tác phẩm văn chương dữ dội và bạo liệt, hết thân phận của những kẻ trôi nổi ở sông nước miền Tây đến những kẻ trôi dạt nơi xứ người. Điều gì ở “Quyên” khiến anh bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc cho bộ phim này?
- Thực ra không đợi đến khi đọc “Quyên” tôi mới có ý định thực hiện một bộ phim về thân phận của người Việt xa xứ, vì tôi đã từng biết và tiếp xúc với rất nhiều nhân vật, rất nhiều câu chuyện còn khủng khiếp hơn cả tiểu thuyết. Tôi đã từng đọc rất nhiều hồ sơ về những xác chết, những bộ hài cốt vô thừa nhận của người Việt nằm lại trong rừng trong những chuyến đi vượt biên của họ. Tôi cũng biết ngay tại thủ đô Berlin của Đức có cả một “Bến không chồng”, nơi tập hợp của hàng trăm phụ nữ đi lao động xuất khẩu rồi quá lứa lỡ thì và sống cùng nhau trong những khu lán trại đến 2-300 người. Cũng có những người phụ nữ vượt biên rồi bị hiếp dâm, sang đến Đức thì cố kiếm một người chồng Đức để nhập quốc tịch để tìm cách đưa chồng sang. Sống với chồng Tây thì khác biệt văn hóa, đưa chồng Việt sang thì vỡ mộng và xung đột, cuối cùng vò võ một mình và gia nhập vào cái “bến không chồng” đó.
Lại có những kẻ giang hồ, tưởng rất tàn bạo, không từ một tội ác nào trong những cuộc thanh trừng buôn bán, nhưng tiếp xúc với họ thì hoàn toàn không giống như những gì mình nghĩ. Họ có những phẩm chất nghĩa hiệp và đôi lúc hết mình vì người khác.
“Quyên” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ có rất nhiều chất liệu văn chương và nhiều nhân vật rất thú vị, đó là lý do mà tôi muốn chuyển thể nó. Nhưng từ khi có ý định chuyển thể, tôi đã đi về Đức trong suốt 4 năm để thu thập thêm tư liệu, nhiều nhân vật có thật ngoài đời lên đến hàng ngàn trang. Một mặt tôi nhờ nhà biên kịch Ngụy Ngữ xử lý kịch bản, một mặt tôi tìm kiếm thêm các chân dung sống động. Đến mức tôi có cảm giác mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật mình nghe hay tiếp xúc với họ đều có thể làm được một bộ phim, như câu chuyện về “bến không chồng” ở Berlin chẳng hạn.
- Bản thân cuốn tiểu thuyết đã quá nhiều chất liệu và nhân vật, anh lại bỏ ra thêm 4 năm để thu thập thêm những chất liệu thật, liệu bộ phim có bị “quá tải” và anh có xử lý hết những chất liệu đó trong khoảng thời gian chỉ từ 90-120 phút của điện ảnh?
- Đúng là một bộ phim chỉ khoảng từ 90 phút đến 120 phút nên không thể xử lý tất cả chất liệu mà tôi nhận được từ cả tiểu thuyết lẫn chất liệu đời sống, nhưng đồng thời điện ảnh cũng đòi hỏi sự cô đọng nhất có thể của hình ảnh chứ không thể dàn trải như văn chương. Với một cuốn tiểu thuyết, người ta có thể đọc vài chục trang rồi ngủ, hôm sau hay thậm chí cả tháng sau cũng có thể đọc tiếp được. Với một bộ phim thì không thể, với từng đó thời gian, đạo diễn phải kể sao để kéo khán giả theo nhịp của mình. Nếu mình đo tâm lý khán giả sai thì mình sẽ không chinh phục họ. Tôi cũng tin rằng với phim này, nếu khán giả không yêu nhân vật Quyên thì họ cũng sẽ khó đồng hành với bộ phim.
Về xử lý chất liệu thì tôi chỉ chọn những gì tốt nhất cho mạch truyện phim, cho nhân vật nhưng đồng thời cũng phải cho họ một xuất xứ, một lý do, một hoàn cảnh tồn tại. Nhà văn có thể kể rồi bỏ lửng nhân vật ở đâu đó, nhưng trong phim thì không thể. Tất nhiên, nói thì dễ nhưng khi dựng thì rất khó. Tôi phải thử qua gần 20 bản dựng, và mỗi lần phải cắt là không đành lòng. Cuối cùng phải nhờ Hàm Trần “chém”. Bản dựng của Hàm Trần rất mới mẻ, khoáng đạt, tiết tấu nhanh và lôi cuốn. Tôi chỉ giữ lại thêm vài phút để giữ nhịp phim chậm lại một số chỗ cần chinh phục cảm xúc của khán giả.
Còn về là thể loại, đầu tiên tôi định hướng bộ phim theo thể loại tâm lý - hành động (action drama), nhưng cuối cùng nó lại thiên về tâm lý - tội phạm (crime drama). Tôi tin phim không cần phải đánh đấm, hành động nhiều mà khán giả vẫn cảm nhận được sự căng thẳng, ngột ngạt và cả những khoảnh khắc ngọt ngào, thăng hoa của tình yêu.
- 5 năm trước “Cánh đồng bất tận” ra mắt, tôi còn nhớ đã nổ ra một cuộc tranh luận khá gay gắt và nhiều ý kiến cho rằng bộ phim quá đẹp, giống như những tấm “postcard” về vùng đất miền Tây vậy. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn thậm chí còn gọi anh là người “photoshop” cái hiện thực nghiệt ngã mà Nguyễn Ngọc Tư đã viết trong tiểu thuyết. Với “Quyên”, dù chỉ qua trailer, tôi cũng cảm giác bộ phim rất đẹp, ngay cả cảnh vốn rất dữ dội trong tiểu thuyết - nhân vật Hùng (Trần Bảo Sơn) kéo Quyên (Ngọc Anh) băng qua cánh rừng tuyết trắng!
- Tôi luôn ghi nhận những nhận xét của giới báo chí phê bình và phần nào đó, tôi luôn cám ơn họ. Nhưng tôi cũng luôn bảo lưu quan điểm, một đạo diễn có một thủ pháp riêng. Quan niệm của tôi là phải đẹp, dù có dữ dội và nghiệt ngã đến đâu. Bởi điện ảnh là hình ảnh, và đôi lúc càng đẹp thì càng ẩn chứa nhiều nỗi buồn trong đó.
Với tôi có hai cách làm phim: làm cho khán giả, chinh phục họ và làm với khán giả, đồng hành với họ. Tôi luôn chọn cách thứ 2. Tất nhiên tôi cũng có thể làm cách thứ nhất, tôi cũng đã từng thử các thủ pháp điện ảnh như “hand- held”, quay 3 “không”, 10 “không” theo phong cách điện ảnh độc lập, cực đoan; tôi cũng đã từng làm phim tài liệu cho National Geographic. Nhưng nếu để làm điện ảnh theo cách của mình, tôi vẫn chọn cách của tôi, vẫn muốn chinh phục khán giả và kéo họ đến với mình trước đã.
Có thể sau này khi nhìn lại, tôi cũng nhận ra “Cánh đồng bất tận” sai ở một vài điểm, nhưng tôi vẫn không từ chối cái đẹp đó mà giữ nó lại như một thủ pháp của riêng tôi. Làm điện ảnh mà nếu quên bản thân mình, quên cách của mình thì đồng thời cũng sẽ đánh mất bản thân mình!
Với nghệ thuật, tôi luôn đánh giá cao sự đa dạng và màu sắc riêng của từng người. Như tiểu thuyết, có người viết lãng mạn, có người viết gai góc. Âm nhạc cũng thế, có người hát thích thể nghiệm cái mới kiểu Tùng Dương, người hát bản năng như Thanh Lam, người hát cảm xúc kiểu Uyên Linh... Cái quan trọng cuối cùng là cảm xúc mà họ truyền đến khán giả. Tôi tin cảm xúc thì không có cái nào gọi là đắt tiền, cái nào gọi là rẻ tiền.
“Tôi không thể làm phim theo cách của anh Trần Tnh Hùng vì có thể tôi không đủ tài; tôi cũng không đi theo cách của Victor Vũ hay Charlie Nguyễn vì họ nhạy bén thị trường hơn; tôi cũng không đi theo cách của Phan Đăng Di vì nó mạo hiểm và có thể đánh đổi cả công ty, 400 nhân viên có thể mất việc”.
- Nhưng khán giả là một khái niệm quá chung chung và đặc biệt ở thị trường điện ảnh Việt Nam thì quá khó đoán, như “Lửa Phật” đi theo một công thức bài bản mà ai cũng nghĩ là thành công thì cuối cùng “chết thảm”, và cũng với trường hợp của Dustin Nguyễn với “Trúng số”, ai cũng nghĩ là thảm họa thì cuối cùng lại chinh phục được rất nhiều khán giả. Vậy lớp khán giả “lý tưởng” mà anh hướng đến là ai?
- Tôi tin rằng bất cứ đạo diễn nào cũng đi tìm khán giả và “đo” khán giả cho mình cả, và không ai dám nói trước là mình sẽ thành công. Lưu Huỳnh mất rất nhiều năm để “đo” khán giả, thậm chí tôi tin một người rất cực đoan như anh Trần Anh Hùng cũng đi tìm khán giả ở những bộ phim sau này.
Trừ bộ phim đầu, hai bộ phim sau của tôi đều hướng tới đề tài xã hội và tôi luôn hướng đến một lớp khán giả dung hòa giữa giải trí và nghệ thuật. Bên cạnh lớp khán giả trẻ, tôi cũng muốn hướng đến lớp khán giả trung niên và lớn tuổi và phải làm marketing để lôi kéo họ.“Cánh đồng bất tận” đã đặt được những viên gạch đầu tiên và bây giờ chúng tôi vẫn tiếp tục. Cách đây 5 năm, khi chúng tôi đặt mục tiêu “Cánh đồng bất tận” doanh thu 18 tỷ đồng, trong công ty ai cũng cười, thậm chí vợ tôi dự đoán bộ phim chỉ đạt 4,5 tỷ đồng. Nhưng cuối cùng nó vượt mốc 18 tỷ và có lãi, điều không ai nghĩ đến. Tôi cũng tin“Quyên” sẽ có lớp khán giả của riêng nó và chúng tôi vẫn tự tin đã đặt ra một mục tiêu doanh thu mới cho nó!
- Giữa thời buổi mà điện ảnh Việt đang quay trở lại lối làm phim “fastfood”, đánh nhanh thắng nhanh. Ngay cả các đạo diễn Việt kiều cũng hạ các tiêu chuẩn và giá trị của họ để hướng tới lớp khán giả bình dân, điều gì khiến anh tự tin đi ngược lại đám đông?
- Vì tôi tin vẫn còn một số lượng khán giả vẫn đi tìm những giá trị “tử tế” của phim Việt, những bộ phim mang lại cho họ cảm xúc, khiến họ rời khỏi rạp với những suy nghĩ về nhân vật, về bộ phim và khiến họ muốn sống đẹp hơn.
Còn với làm phim thì tôi luôn hướng tới những tiêu chuẩn tốt nhất của tôi. Là một người kinh doanh, tôi luôn tính tới lời lãi, nhưng là một đạo diễn, tôi chỉ biết tiêu tiền thôi! “Quyên” dự toán kinh phí ban đầu chỉ khoảng 10 tỷ nhưng đến giờ này đã vượt quá con số 22 tỷ đồng. Tốn kém nhất là khâu di chuyển và bối cảnh. Chúng tôi thuê một công ty ở Anh chuyên làm cho các hãng phim lớn Hollywood sang để dựng bối cảnh tuyết giả ở Đà Lạt hay kéo một đoàn gần 50 người sang Đức để quay trong 2 tuần không chỉ tiền bạc mà còn sức lực, chúng tôi quay 20 tiếng mỗi ngày trong nhiều ngày liên tiếp mà không ai kêu ca cả. Ngay cả diễn viên chuyên nghiệp Hollywood Gary Daniels cũng phải thấy sợ và hỏi tôi là tại sao làm đến 20 tiếng mỗi ngày mà “bọn mày” vẫn có thể vui đùa được.
- “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng” - tôi cũng tin trong điện ảnh có những đạo diễn, những người thầy như thế. Với anh, ai là người truyền cảm hứng điện ảnh và anh muốn hướng tới một hình mẫu đạo diễn như thế nào: biết nói, giải thích, minh họa hay truyền cảm hứng?
- Người truyền cảm hứng điện ảnh cho tôi chẳng phải một đạo diễn vĩ đại hay một tên tuổi lớn nào đó của thế giới mà là hai người ông của tôi. Người đầu tiên là ông trẻ, giáo sư sử học Từ Chi. Hồi còn nhỏ, ông kể cho tôi về các thể loại phim trên thế giới, dạy cho tôi về các ngôn ngữ điện ảnh. Ông cũng nói với tôi về nghệ thuật làm phim với khán giả chứ không phải làm cho khán giả. Đấy là người mang lại cho tôi nhiều cảm hứng nhất và sau này tôi chỉ làm phim theo cách ông nói. Người thứ 2 là ông ngoại Phan Khắc Khoan, một trong những người đầu tiên viết kịch thơ ở Việt Nam. Ông dạy cho tôi cách kể chuyện bằng hình ảnh, cách viết kịch bản...
Sau này tôi khởi nghiệp với truyền hình và làm rất nhiều chương trình truyền hình ăn khách, rating cao và tôi biết cách để làm thương mại nhất có thể. Nhưng với điện ảnh thì tôi không thể làm thế được, bởi lần nào làm phim tôi cũng nhìn thấy 2 người ông ngồi trên kia nhìn xuống. Có thể tôi không đủ tài trí để làm những bộ phim truyền cảm hứng hay những bộ phim huyền thoại, nhưng tôi muốn kể những câu chuyện từ trong tâm của mình, nói được nỗi đau của con người và ám ảnh mình. Và tôi tin khi mình làm cho mình trước thì khán giả sẽ đón nhận nó
Xem phim này mà khán giả không yêu Hùng thì coi như Trần Bảo Sơn thất bại
Tôi tin diễn xuất cũng như lúc hát trên sân khấu vậy. Cùng một bài hát đó nhưng với những cách xử lý khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau. Không đủ thì mất cảm xúc, luyến láy hơi quá đà thì thành sến. Giữ đúng được điểm cao trào của cảm xúc thì thành sang. Nhân vật Hùng của Trần Bảo Sơn trong phim này đúng là như vậy, nên khó nhất của Sơn là phải kiểm soát nhân vật tốt nhất. Nhân vật Hùng có lẽ là một vai nam tính mạnh mẽ và hiếm có của điện ảnh Việt. Anh ta phải trải qua những cuộc đấu tranh từ bên trong giữa một thằng giang hồ máu lạnh để trở thành một người tốt. Quan trọng là phải diễn làm sao để khán giả tin được vào điều đó. Trần Bảo Sơn cũng rất đầu tư cho vai diễn này, anh bỏ hết việc kinh doanh để tập trung cho vai diễn. Thậm chí nhiều hôm quay đến 2,3 giờ sáng vẫn xách chai rượu sang phòng tôi ngồi uống hết cả đêm để tìm cách diễn cho nhân vật ngày hôm sau. Tôi hi vọng sau bộ phim này người ta sẽ gọi nhân vật Hùng nhiều hơn là Sơn! Và xem phim này mà khán giả không yêu nhân vật Hùng thì coi như Trần Bảo Sơn thất bại!
Bộ phim thứ 4 phải khác
- Trong điện ảnh, người ta nhìn một đạo diễn có đi được đường dài hay không là khi đạo diễn đó vượt qua được thử thách 3 bộ phim. Anh đã mất 15 năm cho một “bộ ba” không giống ai. Anh có định rút ngắn thời gian cho những bộ phim tiếp theo?
- Tôi nghĩ bộ phim thứ 4 của tôi sẽ phải rất khác, phải đóng góp hoặc giúp ích được cho xã hội còn nếu đơn thuần chỉ làm một bộ phim để kể một câu chuyện thì tôi không có động lực để làm nữa. Những bộ phim dù bạo liệt, dữ dội và mang nhiều dấu ấn xã hội như “Cánh đồng bất tận” và “Quyên” tôi cũng đã làm xong rồi và không muốn kể những câu chuyện tương tự nữa. Bộ phim thứ 4 mà tôi đang hướng đến là một dự án từ thiện cho những bệnh nhân mổ tim. Toàn bộ số tiền đầu tư và bán vé tôi muốn dành cho 20.000 bộ hồ sơ mổ tim cho các bệnh nhân, đặc biệt là các em nhỏ. Thêm một động lực nữa là tôi muốn thực hiện dự án này với cô con gái thứ 2 của tôi hiện đang học làm phim tại Mỹ.
- Thị trường điện ảnh Việt đang phát triển từng ngày. Công ty của anh cũng đầu tư vào điện ảnh khá lớn. Nhưng dường như với tư cách một đạo diễn thì xem ra anh không mấy mặn mà với chuyện tranh giành miếng bánh béo bở này?
- Công ty BHD của chúng tôi vẫn đầu tư mạnh vào điện ảnh, ví dụ như từ đây đến năm sau chúng tôi sẽ xây dựng thêm khoảng 12 cụm rạp nữa. Chúng tôi cũng tìm kiếm và đầu tư cho các đạo diễn trẻ. Còn với tư cách một đạo diễn, tôi chỉ làm những bộ phim khiến mình thấy thực sự thích hoặc mang lại những động lực lớn.
Cuối cùng tôi tin mỗi người có một lựa chọn. Tôi không thể làm phim theo cách của anh Trần Anh Hùng vì có thể tôi không đủ tài; tôi cũng không đi theo cách của Victor Vũ hay Charlie Nguyễn vì họ nhạy bén thị trường hơn; tôi cũng không đi theo cách của Phan Đăng Di vì nó mạo hiểm và có thể đánh đổi cả công ty, 400 nhân viên có thể mất việc. Tôi chỉ làm phim vì trước hết tôi tin cách tôi chọn và yêu điện ảnh như ban đầu, như cảm hứng mà hai người ông truyền cho tôi. Cũng như cuối đời, tôi chỉ muốn quay về với nghề vẽ tranh như thuở ấu thơ. Không ai ép buộc, không ai cấm đoán cũng không chịu áp lực bên ngoài. Đấy mới là đam mê lớn nhất của tôi!
Ngọc Anh khiến tôi thất vọng nhiều nhất mà cũng ngạc nhiên nhiều nhất
Quyên là nhân vật xuyên suốt bộ phim và là một nhân vật vừa mang đến một cơ hội lớn nhưng cũng nhiều thách thức nhất vì nếu diễn viên không nhập được vào nhân vật thì có thể làm đổ cả bộ phim. Ngọc Anh là một gương mặt hoàn toàn mới và còn là hoa hậu. Cô ấy như một tờ giấy trắng với điện ảnh. Tôi làm việc với cô ấy rất nhiều và nói với cô ấy phải quên đi cái đẹp của hình thức để đi tìm cái đẹp bên trong nhân vật. Cô ấy phải thử và sai rất nhiều. Có những lúc cả đoàn phim mấy chục con người phải ngồi chờ đến 4 giờ sáng để cô ấy nhập được vào nhân vật và quay được vài phân cảnh thì trời đã sáng. Nhưng những khiếm khuyết của cô đôi khi cũng là lợi thế. Người mang lại nhiều thất vọng nhất ban đầu và ngạc nhiên nhất về sau chính là Quyên của Ngọc Anh.
Text: Lam Le
Photo: Manh Bi
Producer: Dinh Nguyen
Photo Director: Hellos
Stylish: Johnny Mach
Makeup: Andy Phan
Hair: Thu An LVS Loca
Nguyễn Phan Qyang Bình , Quyên , Cánh dồng bất tận , phim điện ảnh việt , Trần Bảo sơn