Tiểu thuyết gia Richard Flanagan của Australia vừa vinh dự nhận giải Man Booker với The Narrow Road to the Deep North, cuốn tiểu thuyết kể về một bác sĩ phẫu thuật bị giam tại trại tù binh chiến tranh của Nhật Bản và phải lao động trên tuyến đường sắt Thái Lan-Miến Điện.
Nhà triết học AC Grayling, chủ tịch hội đồng giám khảo giải Man Booker đã đánh giá cuốn sách là "tiểu thuyết tuyệt vời về tình yêu và chiến tranh". Ông ca ngợi giọng văn thanh lịch nhưng mạnh mẽ của Flanagan, cùng khả năng kết nối "phương Đông và phương Tây, quá khứ và hiện tại, trong một câu chuyện nói về tội ác và chủ nghĩa anh hùng."
Tên cuốn sách, The Narrow Road to the Deep North, đã được tạo ra dựa trên một bài thơ do thi sĩ Basho, người Nhật Bản, viết vào thế kỷ 17. Cuốn tiểu thuyết còn được truyền cảm hứng bởi một chi tiết đau đớn trong lịch sử gia đình Flanagan: cha ông từng bị phát xít Nhật bắt làm tù binh trong Thế chiến II và bị buộc lao động như nô lệ.
Truyện có những đoạn miêu tả qua lại giữa hai khoảng không gian và thời gian khác nhau. Một bên là cuộc sống ở trại tù binh chiến tranh, nơi bác sĩ phẫu thuật Dorrigo Evans đấu tranh để sinh tồn và nhớ lại mối tình với người vợ trẻ của chú mình. Bên còn lại là đất nước Australia thời hiện đại, khi Evans đã là một ông già. Cuốn sách được đánh giá cao tại Mỹ và Anh bởi đã mô tả rõ việc các tù binh chiến tranh bị đối xử tàn bạo ra sao.
Richard Flanagan sau khi giành giải Man Booker
Trong một bài viết trên tờ The Sydney Morning Herald hồi năm ngoái, Flanagan cho biết ông viết tới 5 phiên bản khác nhau của cuốn truyện, trước khi cho ra đời bản cuối hoàn chỉnh. Tổng cộng tác phẩm đã trải qua tới 12 năm “thai nghén”. Để nghiên cứu thêm tư liệu, tác giả đã tới Thái Lan, đi bộ dọc theo tuyến đường sắt được mệnh danh là “con đường tử thần”. Thi thoảng ông còn vác các khối đá để trải nghiệm cảm giác của các tù nhân. Ngoài ra, Flanagan còn phỏng vấn một số cựu nhân viên từng làm việc trên tuyến đường sắt và có nhiều cuộc trò chuyện với cha mình.
Tật không may, cha Flanagan đã qua đời ngay sau khi ông hoàn thành một phiên bản của The Narrow Road to the Deep North. "Ông không bao giờ hỏi rằng cuốn sách nói về điều gì và luôn tin tưởng tôi sẽ viết ra một câu chuyện ý nghĩa, không khiến những người đã khuất phải xấu hổ" - Flanagan cho biết - "Tôi chỉ nhận ra ý nghĩa của việc cha không hỏi nội dung sách, sau khi ông qua đời. Là một nhà văn, tư tưởng của bạn cần được tự do. Sách không thể là công cụ để thực hiện đạo hiếu."
Booker là giải thưởng văn học uy tín nhất của nước Anh, với phần thưởng trị giá khoảng 80.000 USD. Màn đua giải Man Booker năm nay đã thu hút sự chú ý lớn của giới quan sát, do đây là lần đầu tiên ban tổ chức xem xét trao giải tất cả các tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh, không cần biết tác giả mang quốc tịch nào. Trước đây, chỉ có các nhà văn từ Anh, các quốc gia trong khối Thịnh vượng chung, Ireland và Zimbabwe là đủ điều kiện tranh giải.
Quy định mới đã gây phản ứng dữ dội ở Anh, khi một số nhà văn và nhà phê bình văn học lo ngại về một cuộc "xâm lược văn học" từ Mỹ. Khi danh sách đề cử tranh giải được công bố vào tháng 7, nỗi sợ hãi dường như đã được xác nhận: có tới 5 trong số 13 đề cử là người Mỹ. Việc này khiến báo chí Anh lo ngại các nhà văn ở Anh và Khối thịnh vượng chung sẽ bị "ra rìa". Trong danh sách rút gọn được công bố sau đó, có 2 nhà văn Mỹ được xướng tên là Joshua Ferris và Karen Joy Fowler, bên cạnh 4 nhà văn tới từ các khu vực khác.
Các đề cử năm nay bao gồm To Rise Again at a Decent Hour của Ferris, cuốn tiểu thuyết khắc họa một nha sĩ New York căm ghét con người; We Are All Completely Beside Ourselves của nữ văn sĩ Fowler, kể về một cô gái trẻ có người em gái sinh đôi và anh trai bị mất tích bí ẩn; J - cuốn tiểu thuyết kinh dị của Howard Jacobson, nhà văn từng giành giải Booker; The Lives of Others của Neel Mukherjee và cuốn tiểu thuyết How to Be Both của Ali Smith.
Năm ngoái, Eleanor Catton đã giành giải với cuốn tiểu thuyết thử nghiệm dài 848 trang mang tên The Luminaries. Ở tuổi 28, Catton đã trở thành nhà văn trẻ tuổi nhất giành giải Booker.
Flanagan, 53 tuổi, sinh ra tại Tasmania, là người Australia thứ 3 từng giành giải thưởng danh giá này, sau Thomas Keneally và Peter Carey. Chiến thắng của Flanagan nhận được rất nhiều lời cổ vũ từ tờ The Guardian của Anh, và các trang báo khác. Tác giả cho biết muốn dành tặng cuốn tiểu thuyết cho Tù nhân số 335 - số tù nhân của cha ông.
Vân Anh