Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Kiếp này, tôi phải viết văn chứ không dừng lại ở việc “luận tội” người khác

18:30:00 13/08/2015
Có trong tay 8 tiểu thuyết và một số bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của mình, phim gần nhất là Hương Ga, nhưng xem ra bút lực của Nguyễn Đình Tú vẫn còn rất sung mãn. Nguyễn Đình Tú học luật, từng làm “sĩ quan quân pháp” và anh đến với nghề văn chuyên nghiệp chỉ vì muốn được thoải mái dịch chuyển cả về địa lý và trí tưởng tượng.

* Anh từng học luật, cơ duyên nào khiến anh chọn mặc áo lính và chuyển sang nghề văn chương?

- Chọn mặc áo lính vì nhà tôi ở gần Bộ Tư lệnh Quân khu 3, một quân khu rộng lớn, bao gồm hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Khi tốt nghiệp trường luật, tôi nghĩ đơn giản rằng, nếu về một tòa án hay một viện kiểm sát cấp huyện nào đó thì tôi chỉ có điều kiện đi lại trong cái huyện đó thôi, nếu được làm việc ở một cơ quan bảo vệ pháp luật của quân khu thì tôi sẽ trở thành sĩ quan quân pháp và có điều kiện đi lại tới cả chục tỉnh thành.

Cũng phải nói thêm rằng cụm từ “sĩ quan quân pháp” rất kích thích tôi, và tôi đã đăng ký vào quân đội khi Bộ Quốc phòng đến trường luật tuyển người.

Tuy vậy tôi chỉ công tác trong ngành quân pháp được 6 năm thì lại chuyển qua cơ quan khác, chuyên về văn học, ấy là tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhiều người ví von rằng, Văn nghệ Quân đội như đội bóng Thể Công vậy. Có một thời, đội bóng ấy cứ “nhìn xuống đơn vị”, nếu thấy có cầu thủ nào đá hay là “nhấc về đội của mình”.

Tôi cũng là một tay viết ở đơn vị, thấy viết được thì tạp chí nhấc về. Ấy là nhìn từ phía tạp chí, còn tôi nếu không muốn về thì chả ai nhấc được.


Nhà văn Nguyễn Đình Tú hiện làm Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội

Suốt 15 năm qua, đã nhiều lần tôi trả lời câu hỏi này, rằng tại sao tôi lại chuyển từ nghề luật sang nghề văn và thú thật là dường như lần nào cũng thấy câu trả lời của mình chưa hoàn chỉnh. Không thể nói là tôi không yêu ngành luật, cũng không thể nói là ngành văn kiếm tiền nhiều hơn ngành luật.

Thôi thì đổ cho số phận vậy. Rằng kiếp này, tôi phải viết văn chứ không dừng lại ở việc “cáo trạng” hay “luận tội” người khác. Và tôi chấp nhận sự lựa chọn của số phận, tức là chấp nhận từ một tay “sĩ quan quân pháp” chuyển sang làm một tay “sĩ quan nhà văn”.

* Từ một sĩ quan quân pháp đến một sĩ quan nhà văn, nếu so sánh giữa hai công việc này, anh thấy có những điểm gì thú vị?

- Đều là những công việc trực tiếp chạm đến cảm xúc của con người. Là kiểm sát viên, công việc của tôi là viết cho thật tốt hai văn bản tố tụng cực kỳ quan trọng - cáo trạng và luận tội - để truy tố và buộc tội một con người ra trước tòa án.

Đấy là những câu chữ có ý nghĩa quyết định đến sinh mệnh chính trị của một con người, là tù đày, là mất quyền công dân, thậm chí là cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội, là tử hình. Rõ ràng việc làm ấy “đánh” thẳng vào cảm xúc của người phạm tội, không nhân nhượng và đầy nghiêm khắc, cả chút gì đó vô cảm, lạnh lùng và quyết đoán nữa.

Còn với tư cách một nhà văn, tôi trình ra những văn bản văn chương như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, nhờ những con chữ trong ấy mà truyền vào mạch cảm xúc của người đọc điều mình muốn nói. Lúc này tôi là người kể chuyện, là bạn đường, là người đồng hành với bạn đọc, cố gắng bằng câu chuyện của mình, tâm sự một lẽ sống, một lẽ chết hay đơn giản, một tiếng thở dài, để cùng cảm thông và chia sẻ.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn yêu cả hai công việc đó, tuy nhiên cũng phải thừa nhận một điều rằng, công việc văn chương nghe có vẻ viển vông và vô nghĩa hơn nhưng nó làm tôi bớt áp lực hơn. Rõ ràng cảm thông và chia sẻ dễ chịu hơn là ra sức buộc tội một ai đó dù họ thật sự có tội.

* Nguyễn Đình Tú được biết đến với giải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong. Một thời, những giải thưởng như thế này giúp định hình nhiều tên tuổi tác giả trẻ. Bây giờ những giải thưởng như thế gần như vắng bóng. Làm người hành nghề văn, anh lý giải ra sao về hiện tượng này?

- Đó là thời kỳ có quá ít các tờ báo văn chương, vì thế người viết trẻ không thể chen chân vào chỗ những người viết chuyên nghiệp được. Báo Tiền Phong và chuyên mục Tác phẩm Tuổi xanh đã trở thành cái van “xả” một khối lượng lớn những trang viết của người trẻ giữa lúc không biết “quăng” cảm xúc của mình vào đâu. Để rồi từ đó xuất hiện những tác giả trẻ, những nhà văn sau này.

Nhưng bây giờ thì không thể có một nơi như thế nữa vì nhu cầu công bố tác phẩm của người viết thuộc mọi lứa tuổi đã dễ dàng được… thỏa mãn. Hàng ngàn tờ báo, tạp chí có mục văn nghệ để in thơ, truyện, hàng trăm nhà xuất bản đói bản thảo, chưa kể mạng Internet đủ cho mọi cái gọi là tác phẩm hoặc phi tác phẩm được “ra mắt” bất cứ lúc nào.

Bây giờ người ta không còn trông vào một lứa tác giả trẻ mới xuất hiện từ các cuộc thi của một tờ báo nữa. Người trẻ bây giờ trộn lẫn với người già, bên cạnh những Nguyễn Thế Hoàng Linh, Anh Khang người ta lại thấy một Mạc Can hay Nguyễn Trí… Xã hội cũng thay đổi, người ta vồ vập với cái “mới” hơn là cái “trẻ”, cách để xuất hiện và nổi tiếng trong văn chương bây giờ cũng khác trước rất nhiều.


Nguyễn Đình Tú và đoàn phim Hương Ga tại LHP Quốc tế Hà Nội tháng 11/2014

* Nếu được quyền lập một giải thưởng văn chương cho tác giả trẻ, anh sẽ đưa ra các tiêu chí như thế nào?

- Tôi sẽ tham khảo cách làm của Tự lực Văn đoàn. Đầu thế kỷ trước họ đã làm rất tốt. Họ trao giải cho Nguyên Hồng, Anh Thơ, Tế Hanh… khi những tác giả này còn rất trẻ. Nhiều lúc tôi tự hỏi, chẳng lẽ những người trẻ của thế kỷ trước “giỏi” hơn những người trẻ của thế kỷ này?

Vậy thì giải thưởng văn chương trẻ nhất thiết phải trao cho những người dưới 30 tuổi, có tập thơ, tập truyện hoặc tiểu thuyết xứng đáng. Tiêu chí để đánh giá tác phẩm được giải thì sẽ phải bàn kỹ một chút, nhưng về độ tuổi của tác giả, tôi nghĩ đã gọi là trẻ thì phải thực là trẻ, 30 tuổi trở lên thì không gọi là trẻ nữa.

* Anh vừa viết về người lính trong các cuộc chiến tranh biên giới chống các thế lực bành trướng và tay sai. Anh lại viết về thiếu nhi, giới giang hồ, thậm chí là giới tính thứ ba. Xin hỏi, câu nhiều người ví von: “nhà văn chính là đấng sáng tạo”, có đúng với anh?

- Nói cách khác là biên độ đề tài trong các sáng tác của tôi khá rộng, người ta có thể tìm thấy đủ các yếu tố, từ chuyện thiếu nhi đến tội phạm, chiến tranh và giới tính. Với một nhà văn chuyên nghiệp thì đề tài cũng là một vấn đề quan trọng, vì bạn đọc luôn đòi hỏi cái mới, anh viết hay mãi trên một đề tài quen thuộc thì cũng trở nên lặp lại mình và bị bạn đọc bỏ rơi thôi.

Chưa kể văn chương vốn là cuộc sống, mà cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ, là chất liệu phong phú cho sáng tác của nhà văn kia mà. Nhà văn dĩ nhiên là người sáng tạo rồi, nhưng cuộc sống mới chính là tác nhân gợi nhắc sự sáng tạo không ngừng trong mỗi nhà văn. Nhà văn không sáng tạo ra cuộc sống mà chính cuộc sống mới tạo ra nhà văn.

* Anh đã từng có các tác phẩm được chuyển thể thành phim, như: Lời sám hối muộn màng được chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù, Cánh rừng không yên ả được chuyển thể từ truyện dài cùng tên và Hương Ga chuyển thể từ tiểu thuyết Phiên bản, xem những bộ phim này anh thấy thế nào so với nguyên tác của mình?

- Mỗi lần sách lên phim là một lần tôi háo hức chờ xem đứa con tinh thần của mình “sống một đời sống khác” như thế nào, dù luôn nằm lòng rằng điện ảnh khác với văn học, phim khác với tiểu thuyết. Ai cũng biết văn học biểu đạt bằng câu chữ, còn điện ảnh kể chuyện bằng rất nhiều thứ như hình ảnh, âm thanh, ánh sáng… Câu chuyện văn học sẽ chết khi câu chuyện bằng điện ảnh được mở ra.

Tôi hiểu như thế để tự khuyên mình là chả có gì đáng tự hào, chả có gì đáng hãnh diện, chả có gì đáng chờ đợi, đối chiếu và so sánh khi tác phẩm của mình được chuyển thể thành phim. Thế nhưng tôi vẫn háo hức chờ đợi, háo hức xem và rơi tõm vào một trạng thái kiểu như xem đứa con nhà hàng xóm có nét gì đó giống con mình không rồi tự nhủ, không giống nhưng mà cũng là con trai nên cũng có lông mép hoặc cũng là con gái nên cũng có… tóc dài.

* Anh hiện có 8 cuốn tiểu thuyết, ở tuổi U50 mà có số tiểu thuyết như vậy cũng rất đáng nể. Có thể gọi anh là “tiểu thuyết gia” hay không nếu so với các đồng nghiệp cùng lứa?

- Thú thực là nếu viết một, hai cuốn tiểu thuyết thì người ta thường muốn được nhìn nhận như là một “nhà tiểu thuyết”, còn viết đến cuốn tiểu thuyết thứ 8 rồi thì người ta chả thiết được gọi là gì nữa, ngoài hai chữ “nhà văn”.

Bản thân tôi cũng ít khi nghĩ mình đang viết cuốn tiểu thuyết thứ mấy mà hay nghĩ đến chuyện còn mấy cuốn tiểu thuyết nữa ở trong đầu mà chưa biết khi nào mới viết ra được.

Tôi cũng không đề cao tiểu thuyết hơn truyện ngắn hay ngược lại, mà tôi thích được làm người kể chuyện, nên tôi chọn tiểu thuyết vì với thể loại đó tôi có thể tha hồ kể bằng nhiều kiểu, nhiều cách, tha hồ hù dọa, nỉ non, cười cợt, lâm ly, chế giễu, ta thán, phét lác, lừa gạt… hết ngày này qua ngày khác, miễn là bạn đọc còn cầm cuốn sách của tôi trên tay. Tiểu thuyết vì thế là thể loại mà tôi ưa thích và luôn mang lại cho tôi những khoái cảm sáng tác hơn bất kỳ thể loại nào khác.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1