Nhà văn - nhà báo Nguyễn Tý ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Năm Lăng - Anh hùng thư sinh”

17:22:00 26/12/2014

(Congluan.vn) - Tiểu thuyết lịch sử “Năm Lăng - Anh hùng thư sinh” của nhà văn – nhà báo Nguyễn Tý viết về anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Nghề, người đã dũng cảm hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vừa được NXB Trẻ ấn hành…

>>> “Trong thế giới ngụy trang” của Phùng Hiệu
>>> Tiểu luận phê bình: Nguyễn Tuân – Nhà văn của hình dung từ (6 phần)
>>> Bút pháp Phùng Văn Khai qua tiểu thuyết “Hồ đồ”
Nói về tác phẩm tiểu thuyết đầu tay này, nhà văn - nhà báo Nguyễn Tý cho biết: “Khi thực hiện tiểu thuyết lịch sử về anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Nghề, tôi gặp không ít khó khăn vì tư liệu viết về anh rất ít. Cuộc đời của anh thật giản dị bình thường. Thoát ly gia đình từ quê nhà Tiền Giang lên Sài Gòn làm cách mạng, mười tám tuổi, anh đã được kết nạp vào Đảng, tuổi hai mươi hai, anh hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (đợt 2). Anh hy sinh để giải vây cho đồng đội tiếp tục chiến đấu. Sau hơn bốn mươi năm, vào ngày 27/4/2012, anh đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng tên anh hiện chưa được đặt tên đường, tên trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi anh ngã xuống cũng như tại quê nhà Tiền Giang”.
Có thể nói, Lê Văn Nghề tuy là một nhân vật lịch sử, là anh hùng – liệt sĩ nhưng ít người biết đến, ít nguồn tư liệu ghi chép, thế nên, khi viết tiểu thuyết về nhân vật này, ắt hẳn tác giả, nhà văn – nhà báo Nguyễn Tý đã gặp không ít những khó khăn. Bên cạnh đó, lại là tiểu thuyết đầu tay nên nhiều người nghĩ có vẻ anh đã tự làm khó mình. Bởi cũng chính tác giả cho biết, anh đã rất đắn đo. Vì, trong sự hy sinh của hàng triệu thanh thiếu niên “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” trên khắp mọi miền đất nước cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, có nhiều anh hùng hoạt động lâu dài, chiến đấu với những chiến công vang dội, không ít người trong số họ ở vị trí, chức vụ cao. Mặt khác, tác giả cũng thừa nhận, đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng những bài viết, tư liệu về nhân vật chính trong tiểu thuyết của mình còn quá mỏng, đồng đội biết về anh phần lớn đã hy sinh, phần còn lại do hoạt động bí mật nên biết về đời tư cũng như hoạt động của anh là rất ít... Qua đây, có thể thấy tác giả đã dụng công, đầu tư cho tiểu thuyết đầu tay của mình là không nhỏ và hết sức đáng trân trọng.
Dù vậy, nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc, tại sao tác giả lại chọn anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Nghề?
“Trước hết phải nói rằng, Lê Văn Nghề là một thiếu niên sinh ra trong gia đình nghèo đông anh em lại dám một mình thoát ly tìm đường từ quê nhà Tiền Giang lên Sài Gòn làm cách mạng. Anh hy sinh ở tuổi hai mươi hai. Quá trẻ! Tôi thật sự khâm phục! Thế hệ tôi, những người sinh sau giải phóng đã làm gì khi ở tuổi như anh? Không ai chọn lịch sử để sinh ra, cũng không ai vì lịch sử sinh ra nhưng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi lời ca/ Có con người từ chân lý sinh ra” (Nguyễn Văn Trỗi - Hãy nhớ lấy lời tôi). Lê Văn Nghề là một trong số những con người đó. Và tôi quyết định viết về anh” – Nhà văn – nhà báo Nguyễn Tý chia sẻ.
Tác giả, nhà văn - nhà báo Nguyễn Tý
Tác giả cũng nhấn mạnh, cuộc đời nhân vật trong tiểu thuyết của anh tuy ngắn ngủi nhưng những kỳ tích thì thật anh hùng, thật vĩ đại! Nhà văn – nhà báo Nguyễn Tý còn cho biết, Lê Văn Nghề đúng nghĩa là “Kẻ sĩ Gia Định” như nhà nghiên cứu, nhà văn Trần Bạch Đằng, đã viết: “Dòng chảy hối hả, dữ dội của lịch sử ấy tất yếu tạo ra lớp kẻ sĩ năng động. Kẻ sĩ Gia Định và Nam Bộ, nếu có, không theo chuẩn mực kẻ sĩ theo cách nghĩ của chúng ta. Họ được thời cuộc hóa, hiện đại hóa rất nhiều. Truyền thống yêu nước chủ đạo hành vi của họ”(1).
Nói về quá trình tìm nguồn tư liệu sáng tác, nhà văn – nhà báo Nguyễn Tý chia sẻ, vì nguồn tư liệu ít nên anh đã trực tiếp gặp gỡ gia đình anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Nghề, những đồng chí, đồng đội, chỉ huy đã từng kề vai sát cánh cùng anh. Từ những bạn bè cho đến những vị lãnh đạo... họ có những kỷ niệm, ký ức rất đẹp về anh. Qua đó, tác giả đã ghi chép, sưu tầm, tra cứu nguồn tài liệu lịch sử của Thành đoàn, sử liệu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968... Từ đó, xâu chuỗi các sự kiện để làm toát lên một chân dung anh hùng, liệt sĩ.
“Viết tiểu thuyết lịch sử, tôi lấy việc tái hiện chính xác sự kiện lịch sử, không khí lịch sử là chính nhưng tôi phải hư cấu để mới gọi là… tiểu thuyết. Nhưng không vì vậy mà làm giảm đi giá trị chính xác của lịch sử. Viết tiểu thuyết lịch sử trước hết phải tôn trọng lịch sử, không hư cấu, bịa đặt, tùy tiện. “Lịch sử hóa” tiểu thuyết và “tiểu thuyết hóa” lịch sử là hai khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật chủ yếu của tiểu thuyết lịch sử hiện đại. Đại văn hào Nga, M. Gorki đã nói “Nhà văn, chứ không phải là nhà chép sử, mới là người viết sử thực của cuộc đời”. Tôi cố gắng trung thành với lối viết ấy” - Nhà văn – nhà báo Nguyễn Tý cho biết.
Ông Lê Thanh Hải (Hai Nhựt), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: “Tôi là một trong số những người được anh Năm Lăng dìu dắt. Thời điểm đó là năm 1966, tôi là công nhân thợ hàn, đã được anh giác ngộ cách mạng, dìu dắt, đào tạo và cùng tham gia nhiều trận đánh với anh.
Không chỉ dìu dắt về công tác cách mạng, anh Năm còn chăm chút tôi từng điều rất nhỏ. Mỗi chiều sau giờ làm, anh thường vào Công viên Trần Quý Cáp (nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh) tập tôi chạy xe đạp, giúp tôi hòa nhập vào cuộc sống thành phố thật tốt, tạo vỏ bọc tốt để thực hiện nhiệm vụ anh giao. Khí chất anh hùng và sự tận tụy của anh Năm là tấm gương sáng cho tôi tiếp bước trên con đường cách mạng…”.
Nguyễn Nguyên Pháp
(1) Trần Bạch Đằng, Kẻ sĩ Gia Định, NXB Trẻ, 2001.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1