Bộ phim kinh điển được làm mới lại của Lưu Trọng Ninh được coi là một trong những dự án phim truyền hình trọng điểm của năm 2014.
Bộ phim nhựa Bến Không Chồng từng gắn liền với tên tuổi đạo diễn Lưu Trọng Ninh và là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của anh. Mới đây, anh lại quyết định làm mới tác phẩm dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng sang thể loại phim truyền hình nhiều tập. Bộ phim đã được bấm máy hồi cuối năm 2014 và dự định sẽ phát trên VTV trong năm 2015.
Đạ diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, tham gia phim lần này sẽ không phải là các gương mặt nổi tiếng trước đây như Minh Châu, Như Quỳnh, cũng không phải là những gương mặt diễn viên đang nổi tiếng hiện nay. Anh sẽ trình diện một dàn diễn viên hoàn toàn mới, trong đó nhân vật Nguyễn Vạn do một chàng Việt kiều Đức sắm vai.
Nhà văn đạo diễn Lưu Trọng Ninh áo xanh, nhà văn Dương Hướng và các diễn viên phim “Bến không chồng”.
Đạo diễn cũng cho biết thêm, thực ra phim chỉ dựa trên tiểu thuyết Bến không chồng chứ không phải chuyển thể hòa toàn. Chính vì vậy, cuốn tiểu thuyết Bến không chồng vốn đã không dày, thì việc phim có thêm thắt thêm nhiều yếu tố mới là điều sẽ xảy ra.
Còn theo nhà văn Dương Hướng cha đẻ của Bến không chồng, ông rất vui khi lần thứ hai đứa con yêu mến của ông lại được dựng thành phim. Ông cũng tiết lộ thêm, phim nhựa Bến không chồng cô đúc hơn, còn phim truyền hình thì dàn trải hơn, thâu tóm được nhiều chi tiết hơn và có thêm một số nhân vật của cuốn tiểu thuyết “Trần gian đời người” của ông. Nhà văn đánh giá, dù có thêm nhân vật, chi tiết nhưng tất cả đều hòa quyện với câu chuyện và không khí chung của “Bến không chồng”.
Hoàn cảnh của câu chuyện dài trải từ suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ đến thời hòa bình và xây dựng, vì vậy, phim lấy bối cảnh nhiều nơi: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh và một số địa danh của Hà Nội như Chùa Thầy, Đường Lâm.
Một cảnh trong phim điện ảnh Bến không chồng
Bến không chồng là cuốn tiểu thuyết vô cùng nổi tiếng của nhà văn Dương Hướng được trao giải thưởng của Hội nhà văn năm 1991. Tiểu thuyết đặt trong bối cảnh làng Đông - một làng quê với những nét văn hóa Bắc Bộ truyền thống điển hình. Thời gian bao phủ trong những ngày miền Bắc hối hả vừa lo xây dựng nông thôn vừa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nhân vật chính là Nguyễn Vạn, một người lính trở về làng Đông. Vai khoác ba lô, ngực áo đính đầy huân chương, với tất cả thương yêu, nhung nhớ và niềm hăm hở xây dựng quê hương, nơi anh đã sẵn sàng đổ máu để bảo vệ, Nguyễn Vạn đã xông xáo, nhiệt tình với tất cả những công việc của làng xã.
Nhưng, đối diện với anh là làng quê nghèo lạc hậu, nếp sống cũ kỹ, những tục hủ hằn sâu nghiệt ngã, luôn sẵn sàng bóp nghẹt bất kỳ ai không chịu quỳ gối bước theo những lề thói bảo thủ hàng ngàn đời của nó.
Trước sức mạnh ghê gớm của dư luận, cái nhìn soi mói của người đời, và tất nhiên là cả cái "danh" trong sạch của một người lính, Nguyễn Vạn cũng không dám sống sống thật với mình. Anh luôn phải tỏ ra là người gương mẫu, tiên phong, trong đó bao gồm cả việc không được có tình cảm riêng tư với vợ liệt sĩ.
Nguyễn Vạn đành sống một mình cả đời vì không dám đến với chị Nhân, người yêu cũ, đã có chồng hi sinh. Anh muốn ở vậy để bí mật được chăm sóc mẹ con chị.
Nhưng rồi cuộc đời lại xô đấy, Nguyễn Vạn và Hạn, con gái chị Nhân, trong một lần từ biệt để Hạnh ra đi khỏi làng quê, họ đã ở cùng nhau. Kết quả là Hạnh ra đi với cái thai mà Vạn không hề hay biết. Vài năm sau hạnh trở về với một đứa trẻ. Nguyễn Vạn- người đàn ông đã sống thoi thóp trong lề thói làng xã bao năm để có được chút danh trong sạch, nay biết tin mình có con với một cô gái trẻ, anh tuyệt vọng và quyết định treo cổ tự vẫn trên cầu Đá.
Bến không chồng là một tấn bi kịch mà tất cả những nhân vật trong đó đều là thủ phạm, cũng đồng thời là nạn nhân của xã hội còn nặng nếp sống phong kiến lạc hậu, cũ kỹ, nhận thức ấu trĩ và khắc nghiệt khiến người ta luôn muốn hành hạ lẫn nhau bằng điều tiếng, bằng dư luận. Tình yêu, hạnh phúc do đó cũng hoàn toàn bị bóp nghẹt.
Phần kết của Bến không chồng trong tiểu thuyết và cả trong phim nhựa trước đây đều mang màu sắc bi thương. Còn phần kết trong phim truyền hình lần này có gì tương sáng hơn không? Với câu hỏi này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh vẫn đang bỏ ngỏ.
Trinh Trần