Một năm đọc năm chục cuốn, có vẻ ít. Nhưng phải thấy rằng hầu như không có người đọc sách chuyên nghiệp. Chúng ta ai cũng phải làm một cái nghề gì đó. Sau giờ làm việc thì bia bọt nhậu nhẹt. Sau giờ làm việc thì mua sắm shopping. Sau giờ làm việc thì thể dục thể thao, lành mạnh hơn. Sau giờ làm việc thì xem phim, xem kịch, xem ca nhạc. Nghe ca nhạc nữa...
Mỗi ngày một cuốn sách. Đấy là chương trình truyền hình. Mỗi thời một cuốn sách. Đấy là chuyện của tôi. Đi công tác xa và dài hạn, tôi thường mang theo một cuốn sách. Bất cứ lúc nào ta cũng có thể nhận được một câu đề nghị: hãy kể tên mười cuốn sách bạn thích nhất. Dễ. Mặc dù không phải ta chỉ thích nhất có mười cuốn. Biển sách mênh mông, làm sao chỉ có mười cuốn thích nhất được. Rồi lại một câu khác: hãy kể năm cuốn sách bạn thích nhất. Hãy kể ba cuốn bạn thích nhất… Cho đến khi chỉ còn một cuốn bạn thích nhất.
Cuối thập niên tám mươi sang đến những năm đầu chín mươi thế kỷ trước, cuốn sách duy nhất tôi mang theo là Quo Vadis của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz. Bản in đầu tiên hình như là năm 1985, giấy đã khá trắng chứ không đen sì sần sùi như phần lớn giấy in hồi ấy, nhưng mực in thì còn lâu mới đẹp như bây giờ. Hai tập sách, một nghìn trang mang theo, lâu lâu không còn sách tiếng Việt để đọc, bèn cầm lên đọc lại. Thuộc từng lời của Petronius, cố vấn nghệ thuật của bạo chúa Nero, những lời uyên bác của ông là ngụy biện cho lọt tai bạo chúa. Thuộc từng biến cố, từng tình huống, từng chi tiết trong số phận của chàng Vinicius và nàng Ligia. Nhớ cảnh thành Rome bị Nero đốt thật bi hùng.
Sáu năm trời tôi đọc truyện thành Rome trên đất Ấn Độ. Ngồi ở Thủ đô Delhi hay đi qua hàng chục bang trên tiểu lục địa Ấn Độ, đều mang theo cuốn sách về thành Rome bị thiêu trụi. Ở thành phố Simla mùa Đông có tuyết phủ, lại thấy cảnh những tù nhân Thiên Chúa giáo mình đầy thương tích lăn lộn trong cái nóng của nhà ngục. Ở thành Chittorgarh một thời hào hùng của các chiến binh Rajput, lại đọc đoạn giữa đấu trường La Mã bác Ursus khổng lồ chiến đấu với thú dữ để bảo vệ nàng Ligia. Ở bờ biển Mumbai và Goa lại đọc đến cảnh thánh Paul cảm hóa vị tướng trẻ si tình Vinicius để rồi chàng trở thành tín đồ.
Mỗi thời một cuốn sách. Những năm chín mươi thế kỷ trước, tôi cầm theo cuốn Ba người bạn (Chiến hữu) của Erich Maria Remarque, nhà văn Đức. Ông là người viết hay bậc nhất về người tha hương, về chiến tranh và đời sống hậu chiến. Tôi thích nhiều tiểu thuyết của ông, nếu có thể thì mang theo toàn bộ bản dịch tiếng Việt Khải hoàn môn, Phía Tây không có gì lạ, Bản du ca cuối cùng, Bia mộ đen... Nhưng như đã nói, hành lý chỉ một va-li, sách chỉ được mang một mà thôi.
Một cuốn thôi. Có năm tôi chọn Thao thức của Aleksandr Kron. Cuốn này ra mắt bằng tiếng Việt năm 1983 và ngay lập tức được giới đọc sách tấm tắc truyền nhau. Cho đến lúc ấy, người ta đã quen nhìn văn học Nga Xô-viết với vài căn tính: trong sáng và thiên lương, cái mà người ta hiếm thấy trong văn học phương Tây được dịch thời bấy giờ. Thao thức có khác với cả dòng chảy chung của văn học Nga Xô-viết, khác từ giọng điệu tiểu thuyết khác đi. Một dòng ý thức, một dòng cảm xúc, một dòng tự thú, đúng kiểu nghiền ngẫm hiện thực chứ không chỉ phản ảnh hiện thực. Từng câu văn là từng sức nặng triết luận, từng câu văn là từng vẻ đẹp gây xuýt xoa, mà đấy là văn dịch đã chịu hao hụt trong quá trình chuyển tải. Tôi đã ôm cuốn sách ấy ba chục năm chứ không phải chỉ một vài năm công tác, cho đến lần tái bản 2013, dịch giả Hoàng Hữu Phê viết thêm một đoạn về tác giả khiến ngẩn ngơ cả người:
“Năm 1986, nhân một chuyến đi Moskva, tôi có cơ hội ghé thăm nhà của Aleksandr Kron vào một ngày mùa Hè ngập nắng. Bà vợ ông dẫn tôi vào căn phòng nơi Kron viết Thao thức , cuốn sách vẫn đang là một hiện tượng văn học lúc bấy giờ, mấy năm sau khi ông mất. Tại thư viện Trường viết văn Gorky, người ta kể là sách của ông đã được các nhà văn tương lai mượn nhiều đến sờn rách. Aleksandr Kron đã đứng mà viết các cuốn sách của mình bên một chiếc bàn gỗ cũ kỹ để gần tường, theo cách mà Vladimir Nabokov, Ernest Hemingway và Albert Camus vẫn thường sử dụng để viết các tác phẩm không biết đến tuổi tác của họ. Bà Kron chỉ cho tôi thấy, xếp hàng trên một chiếc giá treo tường phía trên bàn viết là khoảng bảy tám bộ Thao thức được dịch ra các thứ tiếng khác nhau, trong đó, nằm gần cuối, chắc là theo thứ tự thời gian, là hai tập Thao thức tiếng Việt nhỏ nhắn, khiêm tốn, giấy đen, trong đó có in bút tích của Kron gửi riêng độc giả tại Việt Nam, một đất nước mà theo lời ông là “rất gần gũi với trái tim tôi”. Khi mới đây anh Đoàn Tử Huyến và tôi cố liên hệ tìm gia đình của nhà văn để xin phép đàm phán về bản quyền, thì được các bạn Nga cho biết là bà Kron cũng đã mất, và gia quyến không còn ai”.
Từ nay mỗi lần cầm lên bản sách Thao thức chắc tôi lại thấy có thêm linh hồn tác giả vương vất trong ấy.
Sau Thao thức , tôi mang theo một cuốn gồm ba tiểu thuyết của Milan Kundera, nhà văn Pháp gốc Czech: Sự bất tử, Chậm rãi, Bản nguyên . Tiểu thuyết của Kundera có thể đọc như đọc tiểu luận. Còn tiểu luận của ông có thể đọc như tiểu thuyết. Sự đổi ngôi, sự trộn lẫn, khó xác định thể loại, đem đến cái sướng, cái thú vị. Giữa lòng nước Mỹ mà tôi đọc Kundera có khi không hợp cảnh hợp tình, nhưng ngồi chốn này mà được mơ chốn khác là sự thoát ly mà con người thường khao khát.
Sang những năm 2000, cuốn sách tôi mang theo là Linh sơn của nhà văn Pháp gốc Hoa, Cao Hành Kiện. Lần đầu có thể đọc Linh sơn như đọc một tiểu thuyết. Lần sau có thể đọc như đọc tiểu luận. Lần sau nữa có thể coi như đang đọc tản văn tùy bút. Những năm sau đọc lại thì có thể coi Linh sơn là tất thảy bằng ấy thứ. Một mình cuốn sách là một thể loại, khó khuôn nó vào một thể loại nào định sẵn. Một cuộc kiếm tìm vẩn vơ, lang thang, vô định, cái cần tìm có khi cũng chẳng tồn tại. Đấy vừa là chuyện một nơi chốn, vừa chẳng là nơi chốn nào, vừa là toàn bộ thế gian. Ở Việt Nam có ba bản dịch khác nhau, bản tôi mang theo là của Trần Đĩnh, dịch từ tiếng Pháp, bản dịch hay hơn cả.
Sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, tôi mang theo sách của Haruki Murakami: Biên niên ký chim vặn dây cót . Một thứ kính vạn hoa, hiện ra cùng lúc nhiều màu sắc, nhiều hình khối, nhiều chiều kích. Giữa dòng đời ở xứ Ba Tư lại mơ về nước Nhật. Không hẳn là nước Nhật, sách của Murakami không phải là truyện phong tục. Nó là một thế giới đương đại, một nước Nhật đã pha trộn vào đấy không khí phương Tây, không khí chung của cả hành tinh. Điều này đúng với những cuốn sách hay khác của ông: Kafka bên bờ biển, Nhảy nhảy nhảy…
Mỗi thời mang theo một cuốn sách. Bản tiếng Việt. Đọc để đỡ nhớ cái tiếng Việt của mình. Có thời cả năm tôi không gặp một người Việt, hễ nghe tin có một người Việt mới sang, thế là tìm gặp, để được nói tiếng Việt với nhau một lúc. Những lúc không có người đồng hương, thỉnh thoảng cầm sách lên đọc lại, sách nói chuyện với mình bằng tiếng Việt.
Như vậy tức là đến đâu đọc sách ở đấy. Sách tiếng Việt chỉ có một cuốn. Sách bản địa thì vô vàn. Lại ngập giữa một biển sách. Nhờ tiếng Anh mà tôi đọc sách Ấn Độ, sách Bắc Âu, sách Úc, sách Mỹ, sách Ba Tư, sách Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ tiểu thuyết mà đủ loại sách cần cho nghiên cứu, cho công việc tại chỗ.
Thời bây giờ, đã có sách điện tử. Sơ sơ đã nạp vào máy tính để lưu một vạn cuốn tiếng Việt, năm nghìn cuốn tiếng Anh, đọc cả đời không hết.
Sách mang theo, không phải là một cuốn nữa, không duy nhất nữa. Lòng tham không đáy được thỏa mãn. Bây giờ mà được bảo kể tên mười cuốn sách có thể mang theo, mười cuốn thôi, khó. Kho sách điện tử sẵn có, cái sẵn cái dễ tạo điều kiện cho lòng tham, người ta sẽ muốn kể nhiều hơn mười cuốn sách, nhiều hơn vài chục cuốn.
Bây giờ việc gửi sách cho người đi xa cũng dễ dàng hơn. Người nhà vẫn gửi sang cho những cuốn sách mới qua đường bưu điện. Sách hay, mua hai bản, một bản lưu ở nhà, một bản gửi sang. Sách điện tử mới thì bạn bè gửi rất dễ qua thư điện tử. Tôi ở đâu quá một năm, trong nhà đã đầy sách in gửi sang. Sau vài ba năm trở về, chỗ sách ấy không mang theo về nữa. Ở nhà đã có bản lưu.
Để lại cả một tủ sách. Ra đi mà vẫn nhớ mình để lại đằng sau một tủ sách quý. Sẽ chẳng có ai đọc sách ấy. Tôi từng để những cuốn sách đang đọc dở trên bàn làm việc, mà không đồng nghiệp nào hỏi mượn.
Hồ Anh Thái
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần