Đêm tân hôn
… của thợ máy Joe và nàng đồng nghiệp Betty biến thành cơn ác mộng, vì khi thoát khỏi lực hút Trái đất thì một số động tác tưởng như đơn giản bỗng trở nên bất khả thi. Sau một loạt nỗ lực thất bại thảm hại, cặp uyên ương đành hoãn trải nghiệm thơ mộng của mình cho đến khi hạ cánh.
Boulle có vẻ khoái trá khi đi vào miêu tả rất chi li cuộc tình trắc trở trong không gian mất trọng lực của các phi hành gia hư cấu, và ở thời điểm đó, có lẽ trí tưởng tượng của nhà văn cũng chưa hình dung nổi chỉ 10 năm sau sẽ có người phụ nữ đầu tiên bay tới các vì sao. Dù sao thì cũng phải kể thêm là chuyến bay của Valentina Tereshkova chẳng có gì lãng mạn cả: quá mệt mỏi trong ba ngày bay vòng quanh Trái đất 49 lượt, Tereshkova ngủ quên liên tục và không trả lời các cuộc đàm thoại từ trung tâm điều khiển, khiến mọi người lo sốt vó.
Tuần trăng mật trên vũ trụ: Jan Davis và Mark Lee
Chi tiết này chỉ được giải mật khi Chiến tranh lạnh chấm dứt từ lâu. Người Mỹ sượng mặt trong cuộc chạy đua lên vũ trụ và vật vã mất 20 năm để đưa nữ phi hành gia đầu tiên từ xứ cờ hoa lên vũ trụ.
Những gì nảy sinh trong hình dung của Pierre Boulle, có vẻ như dần dần mang vẻ khả thi: cuộc chạm trán trên mây giữa hai giới. Đầu thập niên 1970, Mỹ phải viện đến một phán quyết của Tòa thượng thẩm để cho phép phụ nữ được huấn luyện thành phi hành gia, và năm 1976, NASA tuyên bố sẽ chấp nhận đội bay nam nữ trong tàu con thoi Space Shuttle sắp tới. Lập tức họ nhận được đơn của hơn 8.000 ứng viên, trong đó 1.544 từ phái yếu, và trong số này cũng chỉ 6 nàng được nhận đào tạo, bên cạnh 29 đấng mày râu.
Ngày 19/8/1982
… nghĩa là trước khi một nữ phi hành gia Hoa Kỳ cất cánh, một nhóm ba phi công vũ trụ xuất hành từ Baikonur về hướng trạm quỹ đạo Salut 7, niềm tự hào của khoa học vũ trụ Liên Xô. Trên tàu, bên cạnh chỉ huy Leonid Popov và kỹ sư Alexandr Serebrov là nữ khoa học gia Svetlana Savitskaya. Họ được chào đón trên Salut 7 bởi Anatoli Beresovoi và Valentin Lebedev - lần đầu tiên trong lịch sử có đội bay hỗn hợp nam nữ.
Nhóm hỗn hợp đầu tiên: Leonid Popov, Svetlana Savitskaya và Alexandr Serebrov
Và báo chí lại được dịp theo gót Boulle. Tạp chí Tấm gương của Tây Đức số ra ngày 27/9/1982, đúng lúc nhóm ba người quay về mặt đất, đã giật tít Sex là lý do duy nhất để nữ phi hành gia bay lên Salut và dẫn nguồn từ một bác sĩ NASA là Dick Richards từng quả quyết là “người Nga muốn nghiên cứu sự phát triển của một đứa bé được thụ tinh trong tình trạng vô trọng lực”.
Lại một lần nữa, trí tưởng tượng của các nhà báo đi quá giới hạn cho phép. Bên cạnh sự thật là ở NASA không có bác sĩ nào tên là Dick Richards, chỉ huy Salut 7 là Beresovoi sau này kể lại rằng ông rất ngán ngẩm khi nhận tin có phụ nữ lên thăm, vì như các thuyền trưởng viễn dương từ xưa đến nay, ông cho rằng đàn bà trên tàu chỉ đem đến xui xẻo.
Cũng theo lời ông kể lại với vợ, Savitskaya và Serebrov cãi nhau như chó với mèo, khiến không khí trong không gian chặt hẹp trở nên bức xúc. Đủ lý do để dự đoán là thí nghiệm về y học sinh sản có lẽ không diễn ra.
Savitskaya thụ thai và sinh được một thằng cu kháu khỉnh, nhưng ở môi trường hoàn toàn bình thường, và mãi 4 năm sau.
Người Mỹ rồi cũng toại nguyện, dù khá muộn màng, với Sally Ride trên tàu con thoi Challenger cất cánh hồi tháng 6/1983. Cho đến lúc chuyển giao thế kỷ, ngót 40 phụ nữ đã bay vòng quanh quả đất. Trước bối cảnh các ca làm việc 12 tiếng đằng đẵng và căng thẳng, cũng như dưới sự giám sát camera ngặt nghèo từ đài chỉ huy, có lẽ không mấy ai nghĩ đến chủ đề “ướt át”. Ngay cả khi có một đôi vợ chồng thực thụ được bay lên vũ trụ. Năm 1992 Jan Davis và Mark Lee leo lên tàu Endeavour, đám cưới của họ vừa diễn ra chớp nhoáng trước khi bay nên ban chỉ huy không kịp thay đổi nhân sự, chắc vì thế mà NASA “trả thù” bằng cách xếp hai người vào hai ca riêng biệt!?
Valentina Tereshkova, nữ phi công vũ trụ đầu tiên
Ở thời điểm này
… dư luận chỉ đổ dồn sự chú ý vào trạm Mir. Khởi đầu từ 1986, sau 10 năm trạm được mở rộng thêm 4 modul, và nữ phi hành gia đầu tiên lên đó là Helen Sharman, một nữ kỹ sư Anh.
Helen trụ lại một tuần và được các đồng nghiệp trên đó miêu tả là “lạnh lùng và chết vì công việc”, có lẽ cũng hơi oan, vì trong một bữa liên hoan trên Mir, cô đã vận một chiếc áo dài satin hồng rực - một điều vô tưởng nếu đó là tàu vũ trụ của NASA, người Nga vẫn được tiếng là thiếu kỷ luật nhưng giàu lãng mạn!
Tháng 10/1994 lại một nhóm hỗn hợp rời Baikonur, đây là một dự án chung giữa Nga và châu Âu. Người đẹp Elena Kondakova làm việc đến tận ngày 22/3 năm sau rồi mới trở về Trái đất cùng Viktorenko và bác sĩ Valeri Polyakov, người lập kỷ lục ở ngoài Trái đất tận 14 tháng.
Trước khi họ tiếp đất, một tờ báo Hy Lạp tung tin là Kondakova và Polyakov là một đôi tình nhân trên không trung, với sứ mệnh vĩ đại là “thí nghiệm về sinh sản”. Bác sĩ Polyakov chối đây đẩy, trong khi phóng viên Horst Hoffmann dẫn lời một người thứ ba trong cuộc là ông ta “mê muội vì cô đồng nghiệp người Nga”.
Thực hư ra sao, khó mà biết được, Hoffmann đã qua đời 2005.
Sau Kondakova, trạm Mir còn đón thêm hai người đẹp nữa. Năm 2001, trạm Mir già lão buộc phải tiêu hủy, phần lớn cháy trong lớp khí quyển, phần còn lại rơi xuống Thái Bình Dương. Và kỷ nguyên lãng mạn của ngành nghiên cứu vũ trụ cũng chấm dứt.
Tính chất và cường độ công việc hôm nay cũng hoàn toàn khác hẳn. Nhưng, liệu những phỏng đoán lãng mạn ngày xưa có chút gì đáng tin?
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần