Tầm nhìn quản lý

18:30:00 28/11/2014
(TBKTSG) - Hiện nay khá nhiều chính sách hay chủ trương được đưa ra là nhằm giải quyết trực tiếp một vấn đề nào đó đang nổi cộm. Mới nhìn qua thì đó là cách ứng phó rất kịp thời của một bộ máy linh động nhưng thực tế không bao giờ đơn giản như thế.

Nguyễn Vân Cầm

Các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông vẫn đang dựa khá nhiều vào nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Ảnh: MẠNH TÙNG

Lấy ví dụ Quốc hội sốt ruột thấy nợ công tăng nhanh, Chính phủ phải phát hành trái phiếu liên tục để chi tiêu bèn ra một nghị quyết, thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 nhưng thêm một câu: “Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ năm năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ”.

Yêu cầu này của Quốc hội có khả thi không? Không cho phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn một năm, hai năm là có hợp lý không? Liệu việc cấm đoán như thế có giải quyết vấn đề nợ công hay không?

Một cách ngắn gọn, 10 tháng đầu năm nay, trong tổng các loại trái phiếu chính phủ được phát hành là 203.379 tỉ đồng thì có đến 38.320 tỉ đồng là trái phiếu hai năm, 60.168 tỉ đồng là trái phiếu kỳ hạn ba năm. Trong cơ cấu phát hành trái phiếu chính phủ lúc nào cũng phải đa dạng kỳ hạn, từ đó mới tác động lên lãi suất, thanh khoản thị trường và nhằm quản lý dòng tiền. Lấy ví dụ Chính phủ biết rõ trong ba tháng nữa các doanh nghiệp sẽ đến hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp về cho ngân sách nhưng nay tiền mặt thiếu hụt, không thể chờ ba tháng thì Chính phủ có thể phát hành trái phiếu kỳ hạn ba tháng để giải quyết nhu cầu ngắn hạn. Vì sao tự mình trói buộc mình vào một chuyện kỹ thuật là chỉ được phát hành trái phiếu kỳ hạn dài từ năm năm trở lên như thế?

Một ví dụ khác. Đọc qua dự thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông về các dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet thì thấy nổi lên cái ý muốn “quản lý”, muốn đặt ra quy định để siết lại các loại hình dịch vụ OTT này. Nghe qua thì thấy rất hợp lý vì các ứng dụng như Viber, WhatsApp hay Zalo đang làm các doanh nghiệp viễn thông thất thu hàng ngàn tỉ đồng, từ đó ảnh hưởng đến việc thu thuế cho ngân sách. Nhưng nghĩ lại sẽ thấy nếu người tiêu dùng tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng ở khâu này, họ sẽ chi tiêu cho khâu khác và tổng thể, thu ngân sách sẽ không đổi hay thậm chí còn cao hơn nhờ hiệu ứng lan tỏa.

Quan trọng hơn, vai trò của Nhà nước không phải là nhằm bảo vệ cho doanh nghiệp này, chặn đường phát triển doanh nghiệp khác. Viber và WhatsApp là của nước ngoài nhưng để họ phát triển thì mới xây dựng được môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khác trong nước vươn lên như Zalo là một ví dụ.

Quan trọng hơn nữa là kỹ năng quản lý phải luôn được nâng lên theo kịp với đà tiến của khoa học công nghệ và thay đổi trong quản trị. Ví dụ khái niệm có thu cước hay không đâu còn đơn giản như ngày xưa - nếu không thu cước trực tiếp nhưng qua bán quảng cáo thì sao? Hay trong bối cảnh điện toán đám mây phổ biến như ngày nay thì khái niệm máy chủ đặt ở đâu có còn hợp lý?

Thế giới đang mở ra muôn vàn mô hình kinh doanh mới nhất là những mô hình dựa vào khái niệm “kinh tế chia sẻ”. Một trong những nền tảng cho các mô hình kinh doanh đó là dòng chảy thông tin giữa người tiêu dùng với nhau và giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp sản phẩm hay dịch vụ. Phải thấy thông tin là tài sản, là nhiên liệu cho nền kinh tế chứ thông tin không phải là một điều gì đó cần quản lý, cần thanh lọc. Hiện nay hầu như mọi quy định pháp lý được biên soạn trong năm bảy năm gần đây đã lạc hậu so với tình hình. Nghe những thắc mắc của doanh nghiệp như “tôi có được giao lưu với khách hàng trên trang web của công ty hay không?” mới thấy vẫn còn đó những ràng buộc không đáng có.

Hiểu được xu hướng mới, điều chỉnh để luôn tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp - đó mới là nhiệm vụ của nhà quản lý. Thay đổi như thế cần một tầm nhìn - giải quyết vụ việc bằng cách tiếp cận tổng thể, bằng tầm nhìn quản lý dài hạn và cởi mở.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1