Tản văn không phải món ăn "dễ nuốt"

09:15:00 07/07/2015
ANTĐ - Dẫu được cho là thể loại dễ “tủi thân” (theo chữ của nhà văn Nguyễn Việt Hà) nếu đặt bên cạnh những tiểu thuyết và truyện ngắn, nhưng tản văn lại có một sức hút không thể phủ nhận khi độc giả có xu hướng “đọc nhanh” và muốn tìm hiểu, tiếp cận sự thật.

ANTĐ - Dẫu được cho là thể loại dễ “tủi thân” (theo chữ của nhà văn Nguyễn Việt Hà) nếu đặt bên cạnh những tiểu thuyết và truyện ngắn, nhưng tản văn lại có một sức hút không thể phủ nhận khi độc giả có xu hướng “đọc nhanh” và muốn tìm hiểu, tiếp cận sự thật.

Tản văn đã trở thành món đặc sản trong thời đại đọc nhanh
1. Nhắc đến tản văn, tạp văn là nhắc đến một thể loại văn xuôi không hư cấu, ngắn gọn, bàn về những chuyện tản mạn, từ những câu chuyện mang tính chất thời sự cho đến “trong nhà ngoài ngõ” mà người cầm bút đứng dưới góc độ chủ thể hay người quan sát.

Xuất hiện đều đặn trên các chuyên mục “đinh” của nhiều tờ báo, tạp chí với những mẩu chuyện nhỏ, luận đàm mang tính thời sự, dần dần, tản văn nổi lên như một hiện tượng của dòng chảy văn học đương đại. Từ năm 2010 đến hết tháng 6-2015, riêng NXB Trẻ đã có 62 tựa sách tản văn. Trong đó tính riêng 6 tháng đầu năm, NXB Trẻ đã in tổng cộng 18 tựa sách thuộc thể loại này. Không quá khi nói, đây là thời đại bùng nổ của tản văn, cả về số lượng tác giả lẫn đầu sách. Nếu như ở phía Bắc có Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý, Đỗ Phấn… thì ở miền Nam cũng nổi lên những cây bút nữ xuất sắc như Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh…

Nhưng chính sự ngắn, nhanh nhạy, bắt kịp thời cuộc của tản văn đang đặt ra những câu hỏi, liệu tản văn có phải là một dạng fastfood (đồ ăn nhanh) giữa vòng xoay cuộc sống gấp gáp, giúp độc giả có nhu cầu đọc nhanh hơn là thưởng thức một cách nhẩn nha, chậm rãi.

Tán đồng với quan điểm này, nhà phê bình Phạm Hoài Nam cho rằng, tản văn đích thực là một loại fastfood bởi “chế biến nhanh”, “tiêu thụ nhanh”, hầu hết được chấp bút bởi những người giữ chuyên mục cho các báo, tạp chí. Nhưng cũng chính bởi vậy mà tản văn là thứ không thể đọc đi đọc lại, “ăn một lần rất ít khi ăn lại lần hai”.

Nhà văn Đỗ Phấn thì có nhận định khác. Ông cho rằng nói tản văn là fastfood vừa đúng, vừa chưa thực sự đúng. Bởi “tản văn là thứ không chờ đợi, vì không ai mất đến 10 phút để đọc một tản văn”. Ngược lại, tuy chỉ gói gọn trong 200-300 chữ, “xông xênh” lắm là 1.000 chữ, thì dù chỉ xếp vào loại “ít chữ” nhưng tản văn lại đòi hỏi “vốn liếng” của tác giả phải vô cùng dồi dào. Theo nhà văn Đỗ Phấn, càng ít chữ thì “trách nhiệm” của những chữ ấy càng cao, buộc người viết phải dụng công, rèn chữ.

2. Nhà văn Nguyễn Trương Quý đã nhận định, tản văn là thể loại dễ phơi bày gan ruột của nhà văn nhất bởi khi viết ra, nhà văn sẽ bị soi xét. Viết tản văn tưởng là nhanh, đơn giản nhưng rất khó vì nó không chỉ mang tính chất thông tấn, mà còn được biến hóa khéo léo để cân bằng với tính văn học. “Nhà văn Nguyễn Việt Hà là một ví dụ. Văn của Nguyễn Việt Hà có cấu trúc rất chặt chẽ. Cái hay của anh là từ những định đề, những tích truyện cũ, anh có thể dùng lối viết rất hoạt của mình để tán ra vô số ngóc ngách thú vị”.

Ở đây, có thể thấy dấu ấn giọng điệu của các nhà văn là yếu tố quan trọng để làm nên sức hút của tản văn. Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn nhận định, nếu như Nguyễn Ngọc Tư “đặc sệt” chất Nam bộ, Nguyễn Trương Quý có sự am hiểu rõ rệt về đời sống dân văn phòng thì Phan Thị Vàng Anh sắc sảo, trí tuệ, khía sâu vào đời sống… Điều này có thể thấy rằng, dấu ấn về ngôn từ của nhà văn tạo nên chiều sâu, sức sống của tác phẩm.

3. Quay trở lại tác giả Nguyễn Việt Hà. Trong tạp văn “Con giai phố cổ”, anh đã từng bày tỏ, “Nói cho cùng, tạp văn là thứ văn mưu sinh, là thể loại “tủi thân” nếu miễn cưỡng so sánh với tiểu thuyết, truyện ngắn”. Không biết nên vui hay buồn. Nếu có một sự lý giải thì chính sự phóng khoáng, tung tẩy trượt khỏi những chuẩn mực văn chương truyền thống đã khiến người ta cho rằng, tản văn, tạp văn chỉ là văn học “loại hai”, không cùng đẳng cấp với những dòng văn học chính thống.

Trên thực tế, các giải thưởng văn học lớn trong nước và quốc tế bấy lâu nay đều vinh danh tiểu thuyết. Chỉ đến năm 2013, sự kiện giải thưởng Nobel văn chương được trao cho nữ nhà văn Canada - Alice Munro, vốn là bậc thầy về truyện ngắn thì làng văn thế giới mới thực sự phải nhìn nhận lại. Bởi nó đánh dấu một sự thay đổi vượt bậc, khi tiểu thuyết không còn ở vị trí độc tôn.

Và dù là đồ ăn nhanh hay ăn chậm, thì cũng có món ngon, món dở, bản thân nhà văn cũng phải thêm nếm, gia giảm, “làm mới” thì mới mong người đọc tiếp nhận và nhớ đến.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1