Mỗi một thế hệ nhà văn đều có những mối bận tâm riêng về thời cuộc, điều này quyết định phần lớn giá trị nội dung cũng như nghệ thuật tác phẩm. Ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc (1918), nước Mỹ đã sản sinh ra một loạt nhà văn nổi tiếng được gọi là “thế hệ bỏ đi” như: Giôn Đốt Pa-xốt, Ơ-nít-xơ Hê-minh-uây, S. T.Ê-li-ớt, Phran-xít Xcốt Phít-giê-rô... Thế hệ nhà văn này đối diện với cuộc chiến bi thương nên các tác phẩm đều có thái độ phản chiến, hoài nghi về những giá trị xã hội tư bản. Ngược lại, con đường hình thành thế hệ Beat không chịu nhiều tác động từ yếu tố khách quan mà do tự thân nhu cầu đổi mới văn chương của một số nghệ sĩ trẻ trưởng thành sau Chiến tranh Thế giới thứ hai muốn phản ứng lại lối sống khá cứng nhắc, tôn sùng các giá trị vật chất đương thời trong xã hội Mỹ.
Thời điểm hình thành thế hệ Beat được xác định là năm 1948 khi ba nhà văn trẻ là: Giắc Kê-rô-oắc (1922-1969); A-len Gin-xbớc (1926-1997); Uy-li-am Bơ-rốt (1914-1997) gặp nhau tại Niu Y-oóc. Ba nhà văn cùng với một số người bạn chia sẻ với nhau nhiều quan điểm về nhân sinh, nghệ thuật và sáng tác nhiều tác phẩm thành công, nổi bật nhất là tiểu thuyết “Trên đường” (1957) của Giắc Kê-rô-oắc và bài thơ dài “Hú” (1956) của A-len Gin-xbớc. Ảnh hưởng của nhóm nhà văn trẻ này lan rộng và lôi cuốn nhiều cây bút khác, hình thành thế hệ Beat được dư luận thừa nhận. Người đọc, nhất là người trẻ tuổi chào đón nhiệt liệt các tác phẩm của thế hệ Beat, đã không ít thanh niên thời ấy bắt chước nhân vật trong tiểu thuyết “Trên đường” mang ba lô và vẫy tay xin quá giang, chu du khắp nước Mỹ. Một số người đọc chỉ trích tác phẩm của thế hệ Beat vì nội dung tự do “vô chính phủ”, đôi khi phản cảm. Thậm chí, tập thơ “Hú” từng bị ra tòa rồi trắng án nhưng vì thế danh tiếng của thế hệ Beat càng nổi như cồn.
Khác với các chủ nghĩa, trường phái văn chương ở châu Âu, các nhà văn thế hệ Beat không lý thuyết hóa các thủ pháp sáng tác của họ bởi lẽ họ cho rằng, sáng tác nghệ thuật cần tự do tuyệt đối. Các nhà văn thế hệ Beat giải phóng mọi ràng buộc, thoát khỏi sự gò bó bởi lý trí, lô-gích, đạo đức…; sáng tác bột phát ghi chép lại tất cả những hiện tượng và trạng thái tâm lý luôn biến chuyển như A.Gin-xbớc từng nói: “Ý nghĩ đầu tiên là ý nghĩ tốt nhất”. Không chỉ có A.Gin-xbớc với thơ mà ngay cả Giắc Kê-rô-oắc cũng sáng tác bột phát tiểu thuyết “Trên đường” trên một cuộn giấy điện báo. Cuốn tiểu thuyết được viết trong vòng không đến ba tuần lễ thể hiện một phong cách tươi mới câu văn lan man dựa trên kết cấu rời rạc của nhạc jazz bởi: “Không có sự chọn lọc trong diễn đạt mà cứ đi theo sự liên tưởng của tâm trí, chìm vào những biển suy tư vô bờ bến với chủ đề triền miên”-Giắc Kê-rô-oắc nhấn mạnh. Bản thân tên gọi thế hệ nhà văn này cũng hết sức ngẫu hứng, đa nghĩa khi “Beat” nghĩa rộng chỉ sự mệt mỏi nhưng theo cách sử dụng của Giắc Kê-rô-oắc còn bao gồm ý nghĩa của “upbeat” (yêu đời, lạc quan) và “beatific” (ban phúc) và sự liên kết trong âm nhạc bắt đầu từ “on the beat” (nhịp đập dồn dập).
Những tác phẩm của thế hệ Beat đã mở đường cho thời kỳ mới trong văn học Mỹ có dấu ấn cho đến ngày nay thông qua làm nổi bật tính ưu việt cốt yếu như: Tính tự nhiên, kết cấu mở, sự gặp gỡ của các cảm giác bản năng trong sự trải nghiệm đời thường. Trong vẻ bề ngoài nghịch lý, các nhà văn Beat thường nhấn mạnh sự khao khát trong tâm hồn, sử dụng những khái niệm và hình ảnh từ đạo Phật, Thiên Chúa giáo… Nhiều tác phẩm xuất hiện trong những năm 1960 và 1970, không ít thì nhiều có mối liên hệ mật thiết với các tác phẩm của thế hệ Beat, đáng chú ý hơn cả là tiểu thuyết “Bay trên tổ chim cúc cu” (1962) của Ken Ki-di, tiểu thuyết “Cầu vồng của trọng lực” (1973) Thô-mát Pin-chân...
Vượt ra ngoài phạm vi văn chương, thế hệ Beat rất có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần văn hóa Mỹ. Với đặc tính của thơ thế hệ Beat là khả năng ngẫu hứng, ứng tác, trình diễn, xuất thần có ảnh hưởng đến thơ trình diễn (performance poetry) đầu thập niên 1990. Thế hệ Beat còn tạo nên ảnh hưởng đến nghệ thuật của cộng đồng da đen Mỹ, đặc biệt là âm nhạc (nhạc Blue). Nhưng có lẽ, không ở đâu ảnh hưởng của thế hệ Beat lại sâu đậm như qua phong trào phản chiến thập niên 1960. Văn hóa Beat phát triển trải qua một biến đổi: Thế hệ Beat mở đường cho phong trào phản văn hóa (counterculture) chống lại văn hóa giáo điều, phản đối chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, đòi bình đẳng và tự do hôn nhân…
Mặc dù không tạo ra một lối sống mới thoát ly xã hội công nghiệp nhưng thế hệ Beat đã có ảnh hưởng đến đời sống xã hội Mỹ; về sau đó ý thức bình đẳng được nhấn mạnh hơn, nhiều tục lệ phiền toái bị loại bỏ. Vậy là từ một nhóm nhỏ say mê văn chương, thế hệ Beat đã bất tử trở thành một huyền thoại văn chương và văn hóa của nước Mỹ.
TRẦN HOÀNG HOÀNG