Thêm góc nhìn, thông tin mới về vị lãnh tụ

00:39:00 17/05/2015
Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác. Vì thế, nhân dịp kỉ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), đã có hàng loạt cuốn sách về đề tài này được Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng chọn lựa xuất bản để giới thiệu với bạn đọc trẻ Thủ đô vào ngày 15/5.

Đó là “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng” của nhà văn Sơn Tùng, “Bác của chúng ta” của nhà văn Bích Thuận cùng hàng loạt cuốn được tái bản như “Cha và con” của nhà văn Hồ Phương, “Kể chuyện Bác Hồ”, “Tấm chân dung Bác Hồ” vv… Đây là một việc làm có ý nghĩa của một đơn vị xuất bản trong bối cảnh hoạt động phát hành đang gặp rất nhiều khó khăn.

Một số cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt trong dịp này.

Nhà văn Sơn Tùng là một cây bút khá thành công với đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hàng loạt tác phẩm. Ông không chỉ được biết đến với cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” nổi tiếng cùng các tác phẩm “Từ làng Sen”, “Búp sen xanh”, “Tấm chân dung Bác Hồ”… mà còn là tác giả kịch bản của bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" (đạo diễn Long Vân dàn dựng năm 1990).

Bộ phim tái hiện hình ảnh Bác Hồ thời trẻ qua diễn xuất thành công của NSƯT Tiến Hợi, đã phản ánh khá chân thật và sinh động những năm tháng Nguyễn Tất Thành cùng gia đình sống và học tập ở Huế giai đoạn 1895-1901 và 1906-1909, trước khi vào Phan Thiết dạy học, rồi đến Sài Gòn để ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Đây là một tác phẩm đã gây được ấn tượng tốt với khán giả hơn 20 năm trước.

Vẫn ấp ủ đề tài về vị lãnh tụ, trên cơ sở của kịch bản này, nhà văn Sơn Tùng đã viết thành tác phẩm “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng”. Tác phẩm vẫn giữ những chi tiết chính trong nội dung cuốn “Búp sen xanh”, viết về Bác Hồ ở tuổi hai mươi, nhưng trong tác phẩm này, nhà văn Sơn Tùng đã khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ (Út Huệ) với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tình cảm ấy được nhen lên từ ngày Nguyễn Tất Thành còn là cậu học sinh Trường Quốc học Huế, cho tới khi anh rời bến Nhà Rồng, bôn ba tìm đường cứu nước.

Nhà văn Sơn Tùng chia sẻ: “Không phải do một sự ngẫu nhiên, một sự tình cờ, mà từ tình yêu kính Bác với một quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn tôi đã dẫn đến việc cầm bút viết những trang kể về một số hình ảnh thuở thiếu thời của Hồ Chủ tịch”.

Một tác phẩm cũng lần đầu ra mắt độc giả trong dịp này là “Bác của chúng ta” của nhà văn Bích Thuận. Cuốn sách tái hiện những hình ảnh giản dị, đầy tình thương yêu của Bác Hồ qua kí ức và những tư liệu lịch sử.

Cuốn sách cung cấp cho độc giả những câu chuyện, chi tiết rất cảm động về cuộc sống của Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước; Người đã thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù tại Hồng Kông ra sao cũng như những ngày bị giam cầm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch và hành trình Người trở về Việt Nam, gây dựng phong trào cách mạng rộng khắp, hay hình ảnh Người trong những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ với biết bao khó khăn, hiểm nguy… Nhưng, với bản lĩnh và tấm lòng nhân văn sâu sắc, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi khó khăn để cập bến vinh quang. Với những câu chuyện phong phú, chân thật về vị lãnh tụ, tác giả Bích Thuận đang mang lại nhiều bài học giàu ý nghĩa cho bạn đọc hôm nay.

“Cha và con” - cuốn tiểu thuyết của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương từng giành nhiều giải thưởng văn học danh giá, cũng được ra mắt vào dịp này. Cuốn tiểu thuyết khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi là cậu bé 10 tuổi, đến khi Người rời bến Nhà Rồng với những địa danh gắn với những sự kiện trong cuộc sống của Người: làng Sen, làng Chùa (Nam Đàn, Nghệ An), kinh đô Huế, Bình Khê, Phan Thiết - nơi cụ thân sinh của Bác dạy học và Sài Gòn - nơi chàng trai Nguyễn Tất Thành với mong muốn "muốn đánh Pháp phải hiểu được Pháp" đã lên tàu ra đi. “Cha và con” đã tái hiện một gia đình điển hình của Việt Nam thời bấy giờ, gia đình quan phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những tình cảm, suy nghĩ và hành động của nhà nho Nguyễn Sinh Sắc đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên lãnh tụ Hồ Chí Minh sau này. Tình yêu quê hương, dân tộc cùng những bài học mà người cha mang đến, đã thắp lên ngọn lửa yêu nước trong Nguyễn Tất Thành. Hình ảnh bất lực của nhiều nhà nho phong kiến mà Nguyễn Tất Thành trực tiếp chứng kiến, đã là động cơ thúc đẩy người thanh niên đi tìm con đường giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Với một cách nhìn mới, một cách viết hiện đại, “Cha và con” không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn đưa ra một cách tiếp cận mới, những kiến thức mới về Hồ Chí Minh.

Nhà văn Hồ Phương tâm sự: "Từ lâu tôi rất muốn được viết một cái gì đó về Bác Hồ. Nhưng gần đây mới có đủ điều kiện để đặt bút. Tôi đã viết về Bác với tất cả tấm lòng kính trọng và yêu quý. Tôi cố gắng tìm cho mình một cái nhìn mới với những tìm tòi mới, khám phá mới dù còn nhỏ bé của mình để viết về Bác thông qua thể loại tiểu thuyết. Đây hoàn toàn không phải "truyện ký danh nhân" hoặc "tiểu sử danh nhân". Tôi hy vọng rằng tiểu thuyết sẽ mang được những rung cảm, những suy nghĩ, những tìm tòi và sáng tạo văn học của mình...".

Bên cạnh đó, tập sách “Bác Hồ viết di chúc và Di chúc của Bác Hồ” cũng được tái bản trong dịp này, cùng với tác phẩm “Kể chuyện Bác Hồ” được biên soạn theo “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, “Tấm chân dung Bác Hồ” v.v… là những câu chuyện xúc động về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch.

Thanh Hằng

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1