Thiên đường đánh mất

12:00:00 18/01/2015
Ông người vạm vỡ, khoảng năm mươi tuổi, nhưng trông rất trẻ với nụ cười thân thiện. Ông bước vào phòng làm việc của tôi, tự giới thiệu: “Couturiau, nhà văn Bỉ viết tiếng Pháp”. Và ông tặng tôi cuốn tiểu thuyết vừa ra lò: Thiên đường đánh mất, bản dịch tiếng Việt. Ông cho tôi biết đây là tác phẩm thứ ba ông viết về Việt Nam (VN).

- Tại sao ông lại chọn đề tài VN? - Tôi hỏi.

- Vì tôi say mê đất nước của ông.

- Ông có thể cho biết vì nguyên nhân gì và xuất phát từ bao giờ không?

- Trước kia, hình ảnh đất Việt đối với tôi là chiến tranh. Nhưng rồi từ khi xem phim Ba mùa về VN của Tony Bùi, VN xuất hiện quá ư là hấp dẫn, vô cùng lãng mạn, đồng lúa, đầm sen, chợ nổi, cây đa, hoa bưởi trắng, nhớ nhất là cảnh hoa phượng rực lửa. Và thế là tôi quyết định tìm hiểu VN, tôi sang cách đây hai năm, có thời gian ở khá lâu.

- Tìm hiểu cuộc sống và văn hóa VN, cái gì khiến ông thích đất nước tôi, ngoài cảnh exotique (xa lạ)?

- Đó là tình người. Tôi nhớ có lần đi một chuyến tàu xuyên Việt, trong toa, có mình tôi là người nước ngoài. Khi dọn bữa ăn, tôi thấy món ăn nhiều mỡ nên không ăn. Thế là các khách đồng hành tíu tít chia cho tôi những thức ăn họ mang theo. Cái hảo tâm, chia sẻ với người khác ấy, ít có ở phương Tây. Tôi yêu văn hóa truyền thống và cuộc sống ở VN, mặc dù...

- Mặc dù có những điểm ông không thể yêu được ở VN?

- Đúng vậy, tình yêu không có nghĩa là mù quáng. Có một vài điều khiến tôi phản ứng nhất. Thí dụ giao thông. Làm sao thích nghi được việc điều hành giao thông khi riêng ở Sài Gòn, mỗi ngày có 30 người chết và hàng trăm vụ chấn thương sọ não do tai nạn xe cộ. Nếu ông muốn biết thêm cái yêu, cái ghét của tôi đối với VN, xin đọc cuốn sách tôi tặng ông - Chỉ 15 phút, tôi đã thấy gần người bạn mới Couturiau.

Tiểu thuyết Thiên đường đánh mất (310 trang) kể chuyện bốn chàng trai Pháp say mê một cô bạn Việt kiều, từ khi họ học cùng nhau ở trường trung học tại Paris. Cô Tâm sinh tại Sài Gòn, lên ba tuổi thì bố là doanh nghiệp đem cô di cư sang Pháp. Ông không muốn dính líu gì đến Tổ quốc đã thay đổi, nhưng con gái ông lại tự tạo ra hình ảnh một đất nước Việt quyến rũ. Bốn chàng si tình cũng bị lây sự đam mê VN, học tiếng Việt và mong có dịp đi khám phá VN. Họ học xong đại học, Tâm vẫn chưa chọn ai làm chồng, cả bốn vẫn đều yêu cô mê mệt. Thật ra, cô yêu anh nhà văn phóng túng Julien, nhưng anh này lại thờ chủ nghĩa độc thân. Cô đành lấy Vincent, nhân cách kém nhất, ích kỷ, làm ngoại giao. Chồng buộc cô theo mình sang châu Phi khi có chửa, do điều kiện vệ sinh không tốt, cô sảy thai. Cô oán chồng, vợ chồng lủng củng. Rồi anh được cử sang VN, nhưng không thích ở đây. Ba anh si tình lại lần lượt sang Việt Nam và đều thích một đất nước truyền thống đang vật lộn với hiện đại. Vẫn mê Tâm, nhưng mỗi người tìm một mối tình mới để tự giải thoát. Claude làm nghề dạy học, thất tình vì không đủ tiền cưới người yêu, do bố ép phải lấy người Đài Loan, cuối cùng cũng được yêu khi gặp một cô gái massage ngây thơ đã có con với một tên sở khanh. Pierre là bác sĩ, yêu một cô gái làm tiền bị nhiễm HIV. Anh lao vào làm việc từ thiện, chữa trị cho nạn nhân nhiễm HIV và chất độc da cam. Julien trở thành tình nhân của Tâm và cô có thai với anh. Anh hứa sẽ cưới cô. Nhưng cô đã phá thai vì cho là anh không bỏ được chủ nghĩa độc thân. Anh oán cô, tình yêu pha lẫn hận thù. Anh giết cô, đánh thuốc độc giết Vincent (đã ly dị Tâm), bố trí như thể Vincent giết Tâm rồi tự tử. Julien cưới cô gái hiền lành tên Hợp và định sẽ làm lại cuộc đời...

Truyện kể hấp dẫn, có dáng dấp truyện trinh thám. Đây cũng là một công trình so sánh văn hóa Đông-Tây, nhiều cảm tình với VN, phân tích mặt tích cực và tiêu cực của Khổng học cạnh cái tốt đẹp, VN hiện đại vẫn còn nhiều bóng tối: mê tín, tham ô, lãng phí, sĩ diện, thiếu dân chủ...

Đồng thời, tác phẩm cũng cho ta thấy tâm trạng một tầng lớp thanh niên phương Tây. Một tâm trạng đã từng xuất hiện cách đây một trăm năm, như Claude Farrère đã miêu tả trong cuốn tiểu thuyết Những người văn minh (1905). Câu chuyện xảy ra ở Sài Gòn, thành phố thuộc địa lộng lẫy bề ngoài mà phản ánh cái suy đồi của phương Tây đã đến ngõ cụt. Họ là những người không còn tin tưởng cái gì, do đó, trở thành những người văn minh, tha hồ trác táng.

Thiên đường đánh mất của Couturiau lặp lại Những người văn minh của Farrère trong hoàn cảnh VN độc lập đang đổi mới, người Việt không còn mặc cảm nữa. Cũng khung cảnh Sài Gòn, nhưng một thành phố Hồ Chí Minh độc lập, năng động. Bốn chàng trai trong tiểu thuyết của Couturiau đều học đòi làm những người văn minh thế kỷ XXI, nhưng do VN làm xúc tác, đã lột xác để trở thành những con người, tìm thấy lẽ sống trong tình yêu về con người. Lạc quan đánh tan bi quan.

Hữu Ngọc

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1