Ngày trước, các bác phó cạo thường hành nghề ở một nơi cố định (cửa hàng, góc phố, đầu ngõ, đầu làng...) hoặc xách hòm và ghế gấp đi lang thang. Các bác rất hay chuyện, hình như chuyện gì các bác cũng biết mà kể lại hóm hỉnh nên trẻ con rất thích, nhất là khi bác tán mấy anh cu sợ cắt tóc, khóc om xòm. Tôi rất khoái được nghe một bác phó có bài văn vần để hỏi khách trước khi cắt. Không nhớ chính xác vần điệu, nhưng đại loại sau khi khách yên vị trên ghế, vừa hai tay giũ cái khăn choàng lên người khách bác vừa hỏi: "Anh cắt kiểu Cutudôp, kiểu Napôlêông, kiểu trí thức Pari, kiểu Hàn Mặc Tử hay kiểu Lâm Tới, Thế Anh...?”. Thời chiến tranh phá hoại, có tay gián điệp lợi dụng nghề cắt tóc đi lại đó đây dò la tin tức, nên một dạo các bác cắt tóc rong lại bị nghi là... gián điệp. Ra giêng năm nọ, tôi gặp ở Sa Pa một anh cúp-phơ. Phải công nhận anh là một tay lãng tử có hạng, quê Nam Định, chưa vợ nên anh xách đồ nghề lang thang hầu hết khu du lịch ở miền Bắc. Mỗi nơi anh kiếm một chỗ tá túc, lôi đồ nghề ra làm việc, chán lại đi. Khi gặp tôi, anh đã cư ngụ ở Sa Pa được mấy tháng. Tết năm ấy anh không về quê, anh kể đêm giao thừa kiếm chai rượu với chiếc bánh chưng, rồi vác theo cái chăn trèo lên đỉnh núi Hàm Rồng nằm ngắm trời, ngắm đất. Anh khoe với tôi: "Em đã xoa đầu hơn 40 quốc tịch!”, chẳng là anh đã từng cắt tóc cho du khách đến từ hơn 40 nước. Mấy năm nay không gặp lại, không biết số "đầu ngoại quốc” anh "xoa” đã tăng lên được bao nhiêu!
Ngày còn nhỏ, một trong những cái thú của tôi khi đi cắt tóc là ra cái quán ở đầu phố vừa ngồi đọc Tam quốc, Thủy hử, Thuyết Đường, Chinh đông chinh tây... vừa được nghe bác cúp-phơ đánh kéo tanh tách. Trên chiếc ghế dài dành cho khách ngồi chờ, bác để toàn truyện hay, cuốn nào cũng cũ rích, mép sờn và quăn tít vì quá nhiều người đọc. Với bọn trẻ như tôi, bác phó ủi cho vài đường tông-đơ (tondeuse) từ dưới lên trên, rồi lấy kéo sửa sang là xong. Với các anh lớn bác cẩn thận hơn, nghe nói cắt bằng kéo thì giá cao hơn là dùng tông-đơ. Mà thời ấy tóc cũng ít mode hơn bây giờ. Các mẹ, các chị thường để tóc dài, người già thường vấn khăn. Ở hàng xén thấy bán những chiếc khăn vấn dài hình chữ nhật bằng vải phin, chiều rộng khoảng gang tay. Khăn thường có hai màu, đen hoặc nâu để các bà cuộn tóc vào rồi quấn tròn quanh đầu. Về già, tóc các cụ rụng nhiều lại thấy bán cả cái độn tóc bằng vải, đầu to bằng ngón tay cái rồi nhỏ dần nhìn như con rắn. Độn tóc có độ dài khác nhau, tùy vào độ dài tóc của mỗi người. Độn tóc cuốn chung với tóc, cuộn vào khăn vấn để dễ cuốn và nhìn to hơn. Đám trẻ thường thừa lúc các bà không để ý, lấy độn tóc làm vũ khí để đánh nhau, cầm độn tóc quay tít mù trên đầu. Các chị thì để tóc như nữ nhân vật trong tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân, một số chị ở đô thị lại phi-dê (frisé). Khi tôi lớn lên, thấy các anh thanh niên có mode để tóc phía trước hơi loăn xoăn. Các anh lấy cái đũa cả nướng lên bếp lửa rồi cuộn tóc xung quanh, tóc xoăn được vài ngày, vì thế nửa dưới đôi đũa cả của nhiều gia đình thường cháy đen thui. Anh nào sành điệu thì thửa một cái kéo dài, đầu có hai lưỡi tròn như lòng máng úp ngửa lên nhau. Nướng kéo lên bếp rồi kẹp tóc vào giữa, kẹp kiểu này tóc xoăn lâu hơn, có điều nếu nướng kéo quá lửa thì tóc cháy khét lẹt. Có anh lại nuôi tóc "tỉa”, sau gáy nhìn như "đít vịt”, khi đi chơi thì phết lớp bi-ăng-tin, mái tóc bóng loáng như bôi mỡ lợn. Hồi ấy phố sá chưa nhiều bụi bặm như bây giờ, nếu không có lẽ mái tóc nhiều anh sẽ tha hồ bê bết đất.
Nếu so sánh về sự phong phú và tần số thay đổi, có lẽ mode đối với mái tóc không thua kém mode trong trang phục. Tuy nhiên, hình như xưa kia vấn đề tóc tai của người Việt cũng đơn giản. Trẻ em trai thì chỉ giữ một chỏm phía trước, còn bao nhiêu cắt trụi, cái chỏm đó gọi là trái đào (Về sau thấy có nhà đem úp lên đầu đứa trẻ một cái bát to, tóc thừa ở phía dưới bao nhiêu thì cắt sạch bấy nhiêu nên các anh cu này có bộ tóc rất độc đáo, dưới thì nhẵn thín, trên lại dày cộp. Cắt tóc kiểu này còn gặp ở một số chàng trai người Mông hôm nay, tóc phía đỉnh đầu rất dày, tóc gáy thì nhẵn thín). Còn trẻ em gái thì để tóc dài ở phía sau, buộc túm và cong vút lên, nên gọi là tóc đuôi gà. Xem ảnh và tranh vẽ thì thấy thời trước đàn ông cắt tóc ngắn, phụ nữ để tóc dài. Tóc của nhiều phụ nữ để rất dài, có chị để chấm gót, mỗi khi chải tóc phải đứng lên ghế. Ngày nay, hình ảnh các chị ra đầu nhà hong tóc cho khô, hoặc tết hai đuôi sam vắt vẻo hầu như không còn.
Hình như đến nay, sản xuất hiện đại mới chỉ cung cấp cho bác phó cạo cái tông-đơ điện, ngoài ra chưa có gì hơn. Vả lại, tông-đơ điện cũng chỉ làm mỗi nhiệm vụ phá thô mái tóc, còn để hoàn thiện vẫn phải trông cậy vào chiếc kéo và đôi tay.
Cũng như trong trang phục, dần dần ngoài ý nghĩa thẩm mỹ mái tóc còn phải mang cả ý nghĩa xã hội. Quý tộc châu Âu xưa kia có mode đeo tóc giả. Sau khi triều Mãn Thanh thành lập ở Trung Hoa, đàn ông Trung Hoa phải để tóc theo kiểu tóc người Mãn, cắt trụi phía trước, để dài phía sau tết như đuôi sam. Còn ở Việt Nam, hẳn ai cũng biết câu tục ngữ: "Hàm răng, mái tóc là vóc con người”. Ngày trước anh nào húi cua dễ bị coi là ngỗ ngược, giờ thì húi cua vẫn chưa là gì, vì nhiều anh theo mode... húi trọc. Trừ mấy anh bị nấm đầu phải húi trọc để làm thuốc, với mode húi trọc, anh nào đầu tròn trịa còn ra một nhẽ, có anh đầu sứt sẹo đầy "sân bay” mà cũng húi trọc nhìn rất buồn cười. Càng gần đây, các anh trọc đầu không chỉ xuất hiện trên đường phố, trong nhà hàng, mà còn lên cả vô tuyến truyền hình. Tôi quen một anh có đầu trọc đã lâu, lại thấy để tóc dài. Tôi hỏi tại sao như vậy, anh bảo bị "sếp” nhắc. Tôi đùa, bảo là anh bị: "Đánh cho để dài tóc”! Lại có anh thích tạo dáng thi sĩ, nuôi mớ tóc dài bồng bềnh phất phơ trước trán, thi thoảng có vẻ lơ đễnh hất ngược lên.
Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, cánh thanh niên có mode "tiền cua hậu bít” (không rõ tại sao ngày ấy lại dùng khái niệm "bít-dít” để chỉ dân chơi?). "Tiền cua hậu bít” là phía trước cắt ngắn và tỉa thưa, phía sau thì lòa xòa tới ngang vai. Rồi có mode để mai lưỡi rìu, có anh nuôi mai lưỡi rìu xòe ra gần bằng bàn tay, tỉa tót cầu kỳ. Đến mode bổ ngôi giữa, mode đầu đinh. Mấy năm gần đây, cánh họa sĩ thường để tóc dài và buộc túm hoặc búi tó ở phía sau. Một lần, sau hôm tổ chức đám cưới con trai của một anh họa sĩ, gặp tôi, vợ anh hỏi đám cưới có được không. Biết chị muốn hỏi tôi nhận xét cỗ bàn thế nào, trang trọng không, nhưng tôi vẫn cố tình xuyên tạc là: "Đám cưới nhà chị rất nhiều ông búi tó!”, chị ngớ người rồi phá lên cười, vì nhớ tới hàng trăm họa sĩ đã đến dự hầu như đều búi tó. Một thời, người để tóc dài bị coi là "kém văn hóa”. Tuy sinh hoạt trong doanh trại nhưng mấy tay lính chúng tôi cũng đua theo. Một lần, thấy tôi đang đi trên sân, ông Trưởng phòng Chính trị Sư đoàn từ trên tầng hai thò đầu ra ban công, gọi tôi rất to. Tôi cố ngẩng cổ lên để nghe thì ít mà để che bộ tóc chùm gáy thì nhiều. Ông trưởng phòng bảo: "Cậu cúi đầu xuống cho tôi xem!”. Tôi luống cuống, rồi vẫn phải cúi. Nhìn bộ tóc của tôi, ông Trưởng phòng vừa nhắc nhở, vừa ra lệnh: "Thảo nào giao ban sáng nay có ý kiến phản ánh người của Phòng Chính trị để tóc dài, chiều nay cậu cắt ngay, rồi lên đây để tôi kiểm tra”. Thế là chiều hôm đó, tôi phải cắt bộ tóc nuôi mất bao nhiêu lâu! Ở Hà Nội, tôi từng gặp có anh tóc dài bị thanh niên cờ đỏ túm được và anh bị dũi hai đường tông-đơ, một đường từ gáy ra trước trán, một đường từ tai bên này sang tai bên kia. Mái tóc thành hình chữ thập, chỉ có nước cắt trọc rồi nuôi lại. Mà cắt trọc thì bị coi là ngông nghênh, rốt cục, các anh kiếm cái mũ lưỡi trai đội đến khi nào tóc mọc ra dài bình thường thì thôi.
Ra đường, ngó nghiêng giữa đám đông thấy mode đầu tóc của nam giới bây giờ cũng phức tạp. Anh tỉa tóc lưa thưa phía trước, anh để một túm đuôi ngựa phía sau. Anh vuốt tóc dài rồi xịt "gôm” làm tóc dựng đứng như cái chổi xể, anh lại tỉa thành vệt như cái bờm ngựa. Anh để một cái chỏm như mào gà, xung quanh cắt trụi thùi lụi. Anh nhuộm vàng, anh lại nhuộm xanh đỏ. Các mode tóc kiểu này ra đời nhanh mà tàn lụi cũng nhanh, chủ yếu là sản phẩm của sở thích khác người, khoái chơi trội, đôi khi chủ nhân cũng chẳng quan tâm tới tính thẩm mỹ. Còn nhìn chung thì nhiều anh vẫn ưa kiểu tỉa tóc vừa phải, không dài, không ngắn, vì thế mật độ đến thăm bác cup-phơ dày hơn.
Riêng mấy anh bị hói thì khắc phục cũng có vẻ phiền hà. Có anh đeo tóc giả, nhưng tóc chất lượng kém nên cứ dựng đứng như lông đuôi ngựa (điển hình có lẽ là bộ tóc của giáo sư khi xuất hiện trên truyền hình, bộ tóc của ông tua tủa nhưng lại... mọc ngang!). Anh đội mũ sùm sụp suốt ngày. Có anh ngồi họp mà vẫn đội cái mũ phát cho khách du lịch, mũ vốn màu trắng nhưng nay ngả sang màu cháo lòng, vẫn mờ mờ dòng chữ "du lịch Nha Trang”. Anh lại nuôi độ hơn chục sợi tóc dài ở sau gáy hoặc mang tai, kéo vắt ra phía trước để che chỗ hói, nhìn vừa lưa thưa, vừa như cái mành mành. Mấy bác tóc bạc sớm, giờ có thuốc nhuộm. Song có bác nhuộm tóc đen đến mức không thể tin được vì màu tóc hoàn toàn tương phản với làn da đầy vết đồi mồi. Có bác nhuộm tóc nhưng ít chăm sóc nên đầu hai thứ tóc trắng - đen, thậm chí đầu ba thứ tóc... trắng, đen, vàng. Đến mode tóc của phụ nữ thì quả là phức tạp. Chán để tóc dài tha thướt, tết đuôi sam, các chị chuyển sang tóc ngắn. Lúc thì tóc ngắn ngang lưng, lúc buộc thành hai bím vắt ra phía trước. Gần đây, tóc của phụ nữ đã trải qua muôn hình muôn trạng, từ tóc u-xi, đầu tém, tới tóc uốn búp, xoăn và nhuộm vàng hoe, rồi tóc ép, duỗi,... thậm chí có chị để tóc y như đàn ông, nhìn thoáng qua cứ tưởng là... thằng nào. Phụ tùng đi kèm với kỹ nghệ làm tóc và giữ gìn mái tóc của chị em còn phức tạp hơn nữa. Nào bờm nào xược, nào túi, nào keo, ngay đến cái lược cũng tới năm bảy loại. Nghe nói để có một bộ tóc "xịn”, có chị chi phí tới vài ba triệu, các chị bảo: "Vài ba trăm thì đừng làm!”. Đúng là "ăn chơi chẳng sợ tốn kém”, nhìn khung cảnh chị em bỏ ra cả buổi, ngồi lỳ trong hiệu làm đầu để úp cái "nồi cơm điện” lên đầu mà khiếp!
Tương tự như với trang phục, mái tóc là bộ phận gắn liền với sở thích của cá nhân, đồng thời gắn liền với đặc điểm của mái tóc và gương mặt từng người. Cho nên để tìm tiếng nói chung giữa một mode tóc nào đó với một người cụ thể, người thợ cũng phải có khả năng nắm bắt đặc điểm của mỗi người để sáng tạo mái tóc phù hợp, vừa hợp mode vừa không làm lộ các hạn chế. Tôi coi mỗi người thợ cắt tóc là một nghệ sĩ và dù xã hội hiện đại đến đâu thì cũng khó đưa tới sự ra đời của công nghiệp cắt tóc, đó vẫn là một nghề thủ công, không có gì có thể thay thế đôi tay và khả năng sáng tạo thẩm mỹ của bác thợ. Và tôi rất nể một anh bạn có thể tự cắt tóc cho mình. Thật là tài tình, phía trước đặt một chiếc gương, phía sau đặt một chiếc gương, anh ngắm bên này ngắm bên kia, anh nhìn đằng trước ngó đằng sau, chỉ cái kéo trên tay mà anh tự cắt được mái tóc đẹp, phù hợp với gương mặt quả là rất đáng khâm phục. Lại có anh chỉ tự cắt cho mình phần tóc phía trước, còn phần tóc phía sau gáy thì ra cửa hàng, nhờ thợ cắt tiếp.
Hình như đến nay, sản xuất hiện đại mới chỉ cung cấp cho bác phó cạo cái tông-đơ điện, ngoài ra chưa có gì hơn. Vả lại, tông-đơ điện cũng chỉ làm mỗi nhiệm vụ phá thô mái tóc, còn để hoàn thiện vẫn phải trông cậy vào chiếc kéo và đôi tay. Tin cậy khả năng của bác thợ nhiều người chỉ cắt tóc ở hiệu quen. Ngày cha tôi còn sống, hàng tháng ông vẫn đến cửa hiệu ở góc phố gần khách sạn Dân Chủ trên phố Tràng Tiền (cửa hiệu này không còn) để cắt tóc. Thời Pháp thuộc ông đã cắt tóc ở đó, sau 9 năm kháng chiến ông công tác ở Việt Bắc, nghỉ hưu mới trở về Hà Nội, và ông lại tiếp tục cắt tóc ở nơi ưa thích. Có hôm tôi trốn học cùng lũ bạn đi chơi lêu têu, đang hò hét chạy nhảy trên vỉa hè phố Tràng Tiền, nhìn qua cửa kính thấy bố mình đang ngồi trên ghế cắt tóc, cổ quàng khăn. Chiều hôm đó về nhà, tôi lại có dịp khoanh tay đứng ở xó nhà, sau khi học bài xong mới được ăn cơm. Đến lượt mình, hơn 10 năm nay tôi chỉ đến với một chú ở đầu phố Lý Nam Đế. Chú này tường tận mái tóc "chim sẻ trời mưa” của tôi, nên luôn giúp tôi một mái tóc ưng ý.
Với hơn 30 năm sống trong quân ngũ, tôi nhận thấy quân đội là nơi có tỷ lệ thợ cắt tóc cao nhất xã hội. Hàng trăm, hàng nghìn anh bộ đội sống với nhau, đơn vị ở trong doanh trại cố định còn có thợ cắt tóc chuyên nghiệp, nếu không thì phải ra ngoài doanh trại vào ngày nghỉ. Nên các anh lính thường cắt tóc cho nhau. Có anh tài hoa đến mức cả đơn vị tín nhiệm, ngày nghỉ vẫn không được nghỉ, toàn bận bịu với việc cắt tóc hộ anh em. Quan sát và thực nghiệm việc cắt tóc, tôi rút ra kết luận: muốn biết cắt tóc mỗi người cần ít nhất mười cái "đầu” để luyện tay nghề. Đã vài lần tôi bị làm vật hy sinh cho mấy anh như vậy. Nghe họ quảng bá tưởng là họ lành nghề, dè đâu cắt như cóc gặm, càng sửa càng hỏng. Nhìn vào gương mà không nhận ra mình là ai, cuối cùng phải cắt thành một mái tóc dở "cua”, dở ngắn để thời gian sau tóc mọc dài nhờ một anh lành nghề hơn cắt lại mới được mái tóc ưng ý.
Nguyễn Hòa
|