Từ định lý Viet, nhìn lại những scandal "Ai là triệu phú?"

19:45:00 11/09/2014

(Xã hội) - Định lý Viet, "thanh niên chuẩn 2013", cô gái 3 lần đọc tiểu thuyết... là những scandal "kinh điển" gây bão của "Ai là triệu phú?".

Định lý Viet và lỗ hổng kiến thức của sinh viên Đại học

Trong chương trình "Ai là triệu phú?" phát sóng vào ngày 9/9/2014 trên VTV3, bạn Trần Trúc Anh đến từ Long An đã gặp khó khăn tại câu hỏi số 9, với nội dung: "Định lý Viet được áp dụng trong lĩnh vực nào?”.

Câu hỏi về Định lý Viet trong Toán học gây khó cho người chơi.

Trúc Anh quyết định sử dụng quyền trợ giúp hỏi tổ tư vấn tại trường quay. Trước khi mời người trợ giúp từ người chơi, MC Lại Văn Sâm nhắc rõ: “Ai biết chắc chắn câu trả lời hãy giơ tay” và cũng lưu ý với người chơi rằng không phải tổ tư vấn lúc nào cũng đúng.

Các sinh viên đưa ra đáp A. Vật lý.

Người đầu tiên trợ giúp Trúc Anh là bạn Lưu Hữu Tú, Tú lựa chọn phương án A.Vật Lý. Kế đó, Nguyễn Duy Khánh giới thiệu mình vừa tốt nghiệp đại học Ngoại thương và Trần Ngọc Thắng đến từ học viện Ngân hàng cũng lựa chọn phương án này.

Tuy nhiên, đáp án đúng của chương trình lại là B. Toán học. Việc tin tưởng tuyệt đối vào sự hỗ trợ của 3 bạn sinh viên đã khiến Trần Trúc Anh phải dừng cuộc chơi dù vẫn còn 2 quyền trợ giúp.

Clip Sinh viên Ngoại Thương "quên" định lý Viet.

Sau khi chương trình phát sóng, phần thi của thí sinh Trúc Anh nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người xem. Nhiều người chê bai lỗ hổng trong kiến thức của các sinh viên, cử nhân ĐH. Bởi Vi-et là định lý Toán học được ứng dụng rất nhiều trong chương trình môn Toán học lớp 9 và xuyên suốt trong những năm cấp 3.

Nhưng cũng có những ý kiến tỏ ra thông cảm bởi sau nhiều năm học, những kiến thức bị rơi rớt lại là chuyện bình thường.

"Thanh niên chuẩn 2013"

Trong chương trình Ai là triệu phú phát sóng tối ngày 30/7/2013, chàng trai trẻ đã giành được 22 triệu đồng nhờ suy nghĩ "Trong giờ phút quyết định, tôi ít niềm tin vào phụ nữ hơn". Câu nói “bất hủ” này đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn và mạng xã hội Facebook.

"Thanh niên chuẩn của 2013" được cộng đồng mạng chế ảnh một cách thích thú.

Điều đáng nói là sự chính xác của phương án B – phương án do chàng trai duy nhất trong tổ tư vấn đặt ra - đã khiến nhiều người thấy kì lạ về hai cô gái tư vấn còn lại. Nhất là trong đó có người còn khẳng định như đinh đóng cột vì đã đọc tiểu thuyết đến 3 lần.

Một trong hai cô gái tư vấn của chương trình hôm 30/07/2013.

Kịch tính được đẩy lên cao trào khi chàng trai này quyết định àm ngược lại những gì hai cô gái này tư vấn. Ngay sau khi chương trình kết thúc, hàng loạt các câu “ranh ngôn” đã xuất hiện mô tả đúng với tính chất câu chuyện:

"Đằng sau một người đàn ông thất bại là một người đàn bà xui dại.

Đằng sau một người đàn ông thành công là một người đàn bà ngồi không.

Tào Tháo từng có một câu rất nổi tiếng "Phàm những chuyện đại sự trong thiên hạ nên về nhà hỏi vợ, vợ bảo sao cứ làm ngược lại, ắt sẽ thành công".

Không biết nhưng khẳng định chắc nịch

Tình huống dở khóc dở cười kiểu này đã từng xảy ra nhiều lần tại các chương trình "Ai là triệu phú?". Trước đây, một người đã tư vấn cho người chơi điệu múa nến là của dân tộc Thái vì “tôi là người Thái ở Sơn La", nhưng câu trả lời đúng lại là dân tộc Xá.

Hoặc trong một câu hỏi “Ngẫu hứng phố của nhạc sĩ Trần Tiến có nhắc đến đồ uống nào?", cả ba người trong tổ tư vấn đều chọn trà chanh và không quên lí giải “đã nghe bài hát” “đã thuộc bài hát”. Cuối cùng đáp án đúng lại là bia hơi (?).

Nhiều cư dân mạng băn khoăn đặt ra câu hỏi: Tại sao nhiều người không chắc chắn mà vẫn giơ tay xin được tư vấn cho người chơi? Thậm chí khi tư vấn còn liên tục khẳng định đáp án ấy là chính xác.

Theo như dư luận ngoài lề, nhiều người chỉ đơn giản tham gia với mong muốn được lên tivi, từ đó đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Mình trông như thế nào trên sóng truyền hình?”. Hoặc “nhỏ nhoi” hơn, họ giơ tay chỉ vì phần thưởng 200k - 600k. Số tiền thì không to, nhưng bỗng dưng nhận được quà từ hàng ghế khán giả thì cảm giác cũng nhiều thích thú.

Bên cạnh đó, có người còn nghi ngờ những cố vấn “chắc chắn nhưng lại sai” này là do chương trình gài vào để bẫy người chơi. Những trường hợp oái oăm khôi hài đó thường xảy ra trong những câu hỏi khó, hoặc các mốc quan trọng của người chơi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một suy luận của một bộ phận khán giả chứ chưa có căn cứ gì dành cho Ai là triệu phú.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1