Từ Hương Ga đến Quyên: Phim chuyển thể lên ngôi

05:34:00 11/08/2015
Sự thiếu hụt kịch bản sáng tác có chất lượng tốt khiến các nhà làm phim quyết định biến các tác phẩm văn học thành các bộ phim điện ảnh và truyền hình.
Phim chuyển thể Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đang được khán giả mong đợi.

Đánh trúng “gu”của khán giả

Bằng con mắt tinh tường, sáng tạo, các biên kịch, đạo diễn đã biến những câu chuyện, tác phẩm văn học hút khách trở thành những tác phẩm nghệ thuật trên truyền hình.

Ở mảng phim điện ảnh, Quyên, Nước, Hương ga… là những bộ phim đã từng gây sốt khắp các phòng vé, một phần nhờ chuyển thể từ những tác phẩm văn học ăn khách của Việt Nam và nước ngoài. Trong khi đó, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ gây chú ý khi được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên từng được nhiều khán giả yêu thích của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Đạo diễn Đỗ Thành An cũng đang rục rịch chuẩn bị cho một bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết Mặt nạ của ca sĩ, diễn viên Tina Tình. Phim dự kiến sẽ bấm máy vào tháng 10.

Nguồn kịch bản từ các tác phẩm văn học còn lấn sang cả mảng phim truyền hình với hàng loạt các bộ phim ra đời như: Ra giêng anh cưới em, Hai khối tình, Một thời lãng quên… Bên cạnh đó, những vở kịch, cải lương cũng được tận dụng để chuyển thể thành tác phẩm truyền hình như: Sông dài, Tấm lòng của biển… Sắp tới đây, Tần Nương Thất và Người nhà quê cũng đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị ra mắt khán giả.

Số lượng các bộ phim được chuyển thể ngày một nhiều khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi: Phải chăng các nhà làm phim Việt đang thiếu thốn kịch bản, hay thiếu sáng tạo tới mức phải liên tục chuyển thể các tác phẩm đã có sẵn để đưa làm tác phẩm nghệ thuật điện ảnh đến thế?

Làm phim chuyển thể cũng cần sáng tạo

Theo nhiều nhà sản xuất, nhu cầu chọn kịch bản phim từ chuyển thể tác phẩm văn học và sân khấu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Bởi với tình hình sản xuất phim ảnh ra hàng nghìn tập mỗi năm, trong khi những kịch bản sáng tác mới vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, thậm chí có phần còn giảm đi do đội ngũ sáng tác là những biên kịch trẻ. Bà Bảo Trâm, Giám đốc Hãng phim Vietcom cho biết: “Họ có ý tưởng đột phá nhưng những chi tiết xử lý tình huống kém vì không được học bài bản, chưa có kinh nghiệm, thiếu vốn sống. Trong khi những biên kịch lão làng, giàu kinh nghiệm lại ngày càng ít đi, không đủ sức theo đuổi hành trình dài hơi của một bộ phim, nên phim chuyển thể được coi là “cứu cánh” cho vấn đề này”.

Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Mộng Thu, biên kịch của hàng loạt các bộ phim từng gây tiếng vang như: Pha lê không dễ vỡ, Chạy trốn tình yêu, Giông tố cuộc đời…, hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài cũng có nhiều phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học được khán giả nhiệt tình đón nhận.

“Không thể nói các nhà làm phim, biên kịch thiếu sáng tạo tới mức phải biến một tác phẩm có sẵn thành phim. Vì việc chuyển thể đòi hỏi người viết phải đầu tư trí tuệ không nhỏ, đặc biệt khi chuyển thể từ một truyện ngắn hoặc một vở cải lương. Thậm chí có kịch bản chuyển thể, biên kịch đã phải “làm mới” hoàn toàn tác phẩm, kiểu “bình cũ rượu mới”.

Nguồn tác phẩm dồi dào, đề tài phong phú, các nhà làm phim dễ lựa chọn những tác phẩm tâm đắc để chuyển thể. Nếu chuyển thể từ tiểu thuyết thì đã có sẵn chủ đề, cấu trúc, tâm lý nhân vật, tình huống cơ bản. Tuy nhiên, với những tác phẩm truyện ngắn hoặc sân khấu đòi hỏi biên kịch phải rất sáng tạo”, nhà biên kịch Mộng Thu chia sẻ.

Hồ An


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1