Văn hóa Thăng Long là tiềm lực Quốc gia

07:45:00 10/10/2014
Không được phép lãng quên quá khứ, càng không được phép xem nhẹ việc giáo dục văn hóa hiện đại để biến văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tiềm lực quốc gia. Bởi văn hóa là cái bất biến, còn kinh tế, xã hội là cái khả biến.

Đó là quan điểm của nhà tiểu thuyết lịch sử Hoàng Quốc Hải và đạo diễn-NSND Đặng Nhật Minh trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa Thăng Long- Hà Nội.

Không được bội bạc với lịch sử!

* Nguồn lực văn hóa cho thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và sau ngày Giải phóng Thủ đô có vai trò như nào với văn hóa đất nước?

- Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Những bài hát, những vần thơ thời kỳ đó vẫn khiến ta xúc động tận bây giờ. Những tầng lớp sáng tác ra những tác phẩm đó phần lớn là những tiểu tư sản, trí thức thành thị với một lòng nồng nàn yêu nước, trong những ngày đầu kháng chiến. Và họ đã làm lên những tác phẩm bất hủ như: Trường ca sông Lô (Văn Cao); Đất nước (Nguyễn Đình Thi)...

Những âm hưởng thời đó vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới nền văn hóa, văn nghệ sau này như thời kháng chiến chống Mỹ, thời hòa bình lập lại, xây dựng Tổ quốc. Tuy nhiên tôi vẫn thấy đỉnh cao là kháng chiến chống Pháp, văn học nghệ thuật rất rực rỡ.


Đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thực tế, trước khi kháng chiến nổ ra văn nghệ sĩ đã có những sáng tác rất ấn tượng. Những sáng tác thôi thúc tinh thần yêu nước dâng cao trước khi thực dân Pháp gây hấn và góp công không nhỏ tới chiến thắng trong cuộc trường chinh của cả dân tộc sau đó.

* Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng văn hóa Thăng Long - Hà Nội có phần phai nhạt là do giáo dục, thưa nhà văn Hoàng Quốc Hải?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tôi đồng ý với quan điểm trên. Nếu được giáo dục văn hóa tốt thì làm sao có chuyện ra ngoài đường đụng chạm nhẹ là đánh nhau như hiện nay. Chúng ta muốn có một nguồn lực văn hóa để xây dựng đất nước thì cần có một nền giáo dục hướng về: Chân- Thiện- Mỹ.

Trong giáo dục ta cũng xem nhẹ và có phần bội bạc với lịch sử Thăng Long- Hà Nội nói riêng và lịch sử đất nước nói chung. Con người có tri thức, tiềm lực văn hóa phải hiểu về quá khứ của cha ông mình. Có như vậy ta mới nhận thức được trách nhiệm thiêng liêng của mình trong việc tiếp bước ông cha và đặt nền móng cho thế hệ sau.


“Thành phố ven sông” – ảnh đăng trên trang website Hà Nội đẹp và chưa đẹp

Nguồn cảm hứng vô tận

* Lịch sử văn hóa Thăng Long- Hà Nội đóng vai trò thế nào với những sáng tác của hai nghệ sĩ? Và ta cần ứng xử sao để lịch sử văn hóa ấy hội tụ và tỏa sáng?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Trong địa tầng văn hóa Thăng Long tôi nghĩ có hai loại “mỏ”: “mỏ lộ thiên” là “mỏ nổi” thời hiện đại; “mỏ chìm” thuộc những vấn đề quá khứ. Thăng Long- Hà Nội không cần có tôi thì những giá trị của nó vẫn nguyên, không có gì thay đổi. Nhưng nếu tôi không có Thăng Long- Hà Nội thì chắc chắn không có nhà tiểu thuyết lịch sử Hoàng Quốc Hải.

Những “mỏ lộ thiên” tôi đã khai thác để viết tiểu thuyết Chờ đến ngày mai, Ký sự ven hồ... và nhiều truyện ngắn, truyện vừa cũng như khảo cứu và viết khoảng gần chục đầu sách.


Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Song Hà Nội nếu chỉ có vậy thi đơn điệu quá. Những trầm tích của văn hóa Thăng Long mới là nguồn cảm hứng dồi dào, vô tận đối với tôi. Tôi khai thác và viết được 2 bộ tiểu thuyết lịch sử vào loại lớn ở Việt Nam (khoảng hơn 6000 trang) xuyên suốt hai thời đại Lý và Trần.

Văn hóa Thăng Long- Hà Nội vô cùng phong phú nên việc ta cần là phải biết khai thác và làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Người ta vẫn nói: Nếu ai biết khai thác quá khứ của dân tộc mình thì dân tộc đó có trí khôn và sức mạnh tăng lên gấp nhiều lần.

Đó không phải là trang sức mà là tài sản quý giá của mỗi đất nước. Và dân tộc ta, tài sản trầm tích là rất lớn. Cộng với những giá trị hiện đại mà chúng ta đang có và đắp bồi, chúng ta sẽ có tài sản văn hóa rất vững mạnh. Mà hơn lúc nào hết, muốn xây dựng đất nước phải phát triển trên cơ tầng văn hóa. Bởi văn hóa là cái bất biến, còn kinh tế, xã hội là cái khả biến.

- Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Trong sự nghiệp làm phim của tôi cho đến nay có 3 phim về Hà Nội: Hà Nội mùa Đông năm 46 (nói về những ngày bi tráng của dân tộc), Mùa ổi (nói về tầng lớp tri thức cũ của Hà Nội qua những biến thiên vẫn giữ được nhân cách của mình), Đừng đốt (nói về cuộc đời và suy nghĩ của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm: cô sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Hà Nội và cốt cách cô thể hiện qua cuốn nhật ký đậm tâm thức Hà Nội).

Tôi làm Hà Nội mùa Đông năm 46 từ trái tim mình, từ sự ngưỡng mộ của tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tinh thần hòa hiếu, không thích chiến tranh. Thực tế, khi ra nước ngoài, tôi đã nghe nhiều câu hỏi tại sao Việt Nam hay lao vào vòng binh đao. Nên tôi quyết chọn đề tài Hà Nội mùa đông năm 1946 để quốc tế thấy dân tộc Việt luôn thiết tha với hòa bình.

Khi làm bộ phim, đầu tôi luôn văng vẳng câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Những người Hà Nội luôn mong muốn cuộc sống bình yên song khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng dấn thân vì sứ mệnh cao cả dân tộc. Và tôi rất vui khi bạn bè quốc tế cảm nhận được âm hưởng này khi bộ phim công chiếu.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thu Trang - Mỹ Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1